12/01/2018, 16:40

Lý thuyết: Tư tưởng tôn giáo và chính trị thời Ân - Thương và Tây Chu (Thế kỷ XVII - VIII tr.CN)

Lý thuyết: Tư tưởng tôn giáo và chính trị thời Ân - Thương và Tây Chu (Thế kỷ XVII - VIII tr.CN) Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XI tr. CN, trên dải hoàng thổ phì nhiêu của con sông Hoàng Hà ở phía Bắc Trung Quốc đã xuất hiện một liên minh thị tộc rộng lớn, với một nền nông nghiệp định cư khá phát ...

Lý thuyết: Tư tưởng tôn giáo và chính trị thời Ân - Thương và Tây Chu (Thế kỷ XVII - VIII tr.CN)

Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XI tr. CN, trên dải hoàng thổ phì nhiêu của con sông Hoàng Hà ở phía Bắc Trung Quốc đã xuất hiện một liên minh thị tộc rộng lớn, với một nền nông nghiệp định cư khá phát triển, chữ viết bắt đầu được sử dụng và những hình thức của một nhà nước phôi thai đã bắt đầu xuất hiện.

Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XI tr. CN, trên dải hoàng thổ phì nhiêu của con sông Hoàng Hà ở phía Bắc Trung Quốc đã xuất hiện một liên minh thị tộc rộng lớn, với một nền nông nghiệp định cư khá phát triển, chữ viết bắt đầu được sử dụng và những hình thức của một nhà nước phôi thai đã bắt đầu xuất hiện. Đó là thời đại Ân - Thương - buổi bình minh của nền văn minh Trung Quốc.

Dựa vào nguồn tài liệu Bốc từ ít ỏi, các nhà nghiên cứu văn tự giáp cốt Trung Quốc cho chúng ta biết sơ qua về tình hình kinh tế, xã hội và tư tưỏng của thời đại Ân - Thương.

Mặc dù trình độ phát triển của công cụ sản xuất còn ở mức độ thấp, đồ sắt chưa phổ biến, nhưng nhờ vào điều kiện tự nhiên thuận lợi, cả một vùng đất phì nhiêu của lưu vực các con sông Hoàng Hà, Hắc Thủy, Nhược Thủy, Lạc Thủy của vùng Hoàng Hà Lục Tỉnh, các bộ lạc người Ân đã định cư ở đây và có một nền kinh tế sản xuất ổn định, với sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, chăn nuôi và săn bắn phát triển ở trình độ cao. Hình thức quan hệ sản xuất thời Ân là chế độ nô lệ gia trưởng kiểu phương Đông ở trình độ thấp, chưa có sự phân biệt rõ rệt về khái niệm "sở hữu" đối với tư liệu sản xuất và sức lao động. Vào thời Ân, tài liệu cũng cho biết đã có sự phân tách, đối lập giữa thành thị và nông thôn, có sự phân định, xác lập bờ cõi, nhưng còn ở trình độ thấp; chỉ mới ở thời kỳ manh nha của sự thành lập nhà nước.

Về tri thức khoa học, việc làm ra lịch mùa là một phát minh quan trọng của người Ân. Nó có quan hệ khăng khít với việc phát minh ra chữ viết, là vũ khí quan trọng trong việc lợi dụng và chinh phục thiên nhiên của cư dân làm nông nghiệp định cư ở lưu vực các con sông lớn. Người Ấn đã quan sát sự vận hành của mặt trăng, các vì sao, tính chất chu kỳ của nước sông dâng lên, quy luật sinh trưởng của các cây trồng mà làm ra Âm lịch. Phép làm lịch của người Ân là, lấy hệ thống can - chi để ghi ngày. Lấy mười ngày (từ Giáp đến Quý) làm một tuần. Một tháng (3 tuần) có 30 ngày (tháng thiếu có 29 ngày). Một năm có hai mùa là Mùa Xuân và Mùa Thu. Lấy 12 tháng làm một Tự (hay còn gọi là Tuế, Tải), nếu gặp năm nhuận thì đặt 13 tháng, việc phát minh ra hệ can - chi để ghi thời gian và việc làm ra lịch là một phát minh khoa học sớm nhất của người Trung Quốc, nó phản ánh tri thức về khoa học tự nhiên của người Ân đã phát triển tương đối toàn diện. Tuy nhiên, khoa học thời cổ đại không thể thoát khỏi ảnh hưởng của những quan niệm tôn giáo thần bí, như những tưởng tượng thần thoại về sự vận hành của các thiên thể; quan niệm ghi mùa gắn liền với việc tế tự tổ tiên.

Về tư tưởng tôn giáo, người Ân bấy giờ là một thị tộc tiến bộ, đã bước qua thời kỳ tín ngưỡng Tôtem, bước vào giai đoạn có tôn giáo tổ tiên. Do xã hội Ân còn bảo tồn trọn vẹn chế độ thị tộc, sự phân công xã hội chưa phát triển, tư duy của con người còn bị chế độ thị tộc ràng buộc, cho nên biểu hiện hình thái tôn giáo của họ cũng rất giản đơn: chỉ có một vị thần toàn năng của toàn thị tộc, đó là thần tổ tiên. Đối với người Ân, phàm mọi việc như gió, mưa, tật bệnh, được mùa, mất mùa, chinh chiến... họ đều cầu bói, đều mê tín vào sự giáng phúc giáng họa của thần tổ tông. Tư tưởng thần tổ tông chi phối thế giới quan của người Ân, đó là đặc trưng của thời đại mà chế độ phụ quyền đã được xác lập.

Về tư tưỏng đạo đức chính trị, thời Ân chưa có quan niệm rõ ràng, chưa có ý thức về ý nghĩa đạo đức, tức là giữa các thành viên trong thị tộc chưa có thứ quan hệ được xác lập dựa trên quan hệ quyền lợi - nghĩa vụ của xã hội văn minh sau này; trong sinh hoạt cộng đồng, tư tưởng đề cao, tôn sùng người cầm đầu thị tộc thể hiện đậm nét.

Vào khoảng thế kỷ XI tr. CN, tộc Chu từ phía Tây Bắc, men theo sông Hoàng Hà, tiến vào đất Ân và cuối cùng tiêu diệt hoàn toàn nhà Ân, lập nên nhà Chu. Giai đoạn đầu của nhà Chu, sử gọi là Tây Chu.

Căn cứ vào nguồn gốc tài liệu kim văn và tài liệu gián tiếp của người đời sau ghi chép lại, chúng ta biết, mặc dù đồ sắt chưa xuất hiện phổ biến, nhưng do tiếp thu được những thành tựu của những người Ân để lại, điều kiện thiên nhiên thuận lợi, có nguồn lao động dồi dào là các đơn vị thị tộc bị chinh phục, kết hợp với cách thức tổ chức quản lý có tính kỷ luật cao của cư dân du mục, người Chu đã tiến xa hơn người Ân trên con đường "dựng nước", chính thức bước vào xã hội văn minh. Do "dựng nước", bước vào văn minh trong điều kiện trình độ lực lượng sản xuất còn thấp kém cho nên tình hình kinh tế-xã hội thời Tây Chu có những đặc điểm cần lưu ý sau đây:

-          Nhà Chu thực hiện chế độ quốc hữu về tư liệu sản xuất (ruộng đất) và sức lao động (các đơn vị công xã và thị tộc bị chinh phục trong chiến tranh) rất nghiêm ngặt, về nguyên tắc, ruộng đất, mọi thành viên đều thuộc quyển quản lý của vua nhà Chu.

-          Nhà Chu thành lập thành thị đại quy mô, đã có sự phân biệt, đối lập thành thị (Đô, Quốc) với nông thôn (Bỉ, Dã). Thành thị là nơi ở của tầng lớp quý tộc thị tộc, của kẻ thống trị, còn nông thôn là nơi của người thị tộc bị nô dịch, ở đây nhà Chu đã phải giữ lại hình thức tổ chức của thị tộc cũ, chế độ thị tộc thành thị và chế độ thị tộc ỏ nông thôn. Hệ quả dẫn đến là, trong phân tầng xã hội chỉ có sự phân biệt người quân tử (quý tộc) và tiểu nhân (kẻ hèn) chứ không có sự phân biệt kẻ giàu và người nghèo trên cơ sở tài sản hoặc kẻ trí người ngu trên cơ sở tri thức. Và đương nhiên cũng dẫn đến nảy sinh đối kháng giai cấp, đối kháng giữa thành thị và nông thôn.

-           Do trình độ non yếu của sức sản xuất nên mặc dù nhà Chu thành lập thành thị đại quy mô nhưng thành thị đó chưa thể trở nên đồn lũy kinh tế, chưa thể khu vực hóa một cách vững chắc, mà nó vẫn phải cần có sự quan hệ không thể chia tách với nông thôn. Đó là dấu hiệu của sự phân công, chia tách xã hội lần thứ nhất không triệt để.

Từ những đặc điểm khái quát tình hình kinh tế-xã hội trên, chúng ta xem xét tư tưởng tôn giáo, chính trị, đạo đức thời Tây Chu.

Về tôn giáo, ngoài việc tiếp tục truyền thống tế Đế tổ, Tiên vương của người Ân, người Chu còn thêm tư tưởng kính trời, thờ Thượng đế, hợp mệnh trời, người với trời hợp nhất. Họ cho rằng, Thượng đế và thần tổ tiên nguyên là hai, không thể lẫn làm một. Nhà Ân do không biết "Mệnh trời" để ra sức làm cho "hợp Mệnh trời" nên nay Thượng đế không còn ưa người Ân nữa mà ban mệnh xuống cho thần phục vào nhà Chu, cho người Chu hiện nay lập ấp, dựng nước, lại ban mệnh cho "nhận dân nhận cõi " (tức là được quyền sở hữu ruộng đất và sức lao động), cho tiên tổ người Chu được "sánh ngang với Thượng đế’ và nhận mệnh làm vương, làm hậu, làm hoàng; do đó, con cháu nhà Chu phải dốc tâm gìn giữ truyền thống ấy. Đây rõ ràng là tư tưởng tôn giáo đã bị chính trị hóa, phản ánh tư tưởng của giai tầng thống trị quý tộc thị tộc, phản ánh nền chuyên chính quý tộc thị tộc lúc bấy giờ. Trên cơ sở một quan niệm tôn giáo như vậy, nhà Chu xây dựng nên một thứ văn hóa, một thứ học thức "học ở quan phủ" của riêng bọn quý tộc thị tộc, không xuống đến nông thôn. Đảm nhiệm quan chức văn hóa chủ yếu là những người làm Chúc, Tông, Bốc, sử. Nhiệm vụ của Chúc là người đại biểu cho thị tộc để hướng lên thần cầu khấn; nhiệm vụ của Tông là người đứng ra trông coi sổ sách, chăm

lo việc tế lễ tông miếu của thị tộc; nhiệm vụ của Bốc là trông nom những việc tôn giáo về xem điềm, xem bói để dự đoán về lành - dữ, họa - phúc cho thị tộc; nhiệm vụ của Sử là trông nom văn thư, quan sát khí tượng.

Trong các lời cáo ở Kinh thư, ở Vu đỉnh của Kim Văn có những câu như:

"Đây ta nói theo Tiên vương, nhận dân, nhận bờ cõi" (Đại vu đỉnh).

"Được nhận mệnh ấy, cả nước ấy, dân ấy" (Khang cáo).

"Hết sức giữ yên ổn những dân mà vua Văn, Vũ đã nhận... Nhân theo đấy mà giữ lấy dân của Văn tổ ngươi đã nhận mệnh" (Lạc cáo).

"Giúp ta nhận dân ... Để trị dân ta đã nhận” (Lập chính).

Qua đó ta thấy tư tưởng chính trị chủ yếu của giai cấp quý tộc Chu là "Nhận dân”, "Hưởng dân" và "Trị dân". Đó là tư tưởng của giai cấp quý tộc độc chiếm tư liệu sản xuất là ruộng đất và sức lao động. Tư tưởng chính trị thời Chu đã được tôn giáo hóa một cách toàn diện. Mọi chính sách của nhà Chu đều được giải thích là "vâng Mệnh trời", "thuận theo Mệnh trời". Giai cấp quý tộc Chu cho rằng, kẻ chịu Mệnh trời để thống trị thiên hạ là Thiên tử . Thiên tử cùng sánh với trời. Đối với Thượng đế mà nói, Thiên tử cũng là Đế, nhưng là Hạ đế. Nhân dân, bờ cõi, đất đai là sở hữu của Thiên tử, nhận từ Trời mà cũng nhận từ Tiên vương. Do vậy phải kính cẩn, sợ uy trời và tôn trọng phép tắc của Tiên vương. Họ cho rằng người Chu đă theo Mệnh trời mà "nhận dân" từ tay nhà Ân ("Đem dân nhà Ân cho hưởng suốt đời" - Khang cáo). Nhưng dân ở đây không phải là một thứ dân nô lệ như ở Hy Lạp mà có thể đem ra mua bán được, cho nên việc trao - nhận dân ở đây chỉ là quan hệ "bí mật" giữa Thượng đế và Tiên vương của nhà Chu. Tư tưởng "Trị dân" cũng là một tư tưởng chính trị quan trọng, nó được thể hiện nhiều trong các thiên cáo của Kinh Thư. Nếu kẻ làm dân mà làm loạn thì kẻ được "Hưởng dân" (chủ của dân) sẽ phải dùng các phép ’’không phải đạo thường" mà chém giết, trị dân. Trong thiên Khang cáo của Kinh Thư viết: "Chỉ có dân ta làm cho đạo thường rối loạn, nên trời nói: phải theo ngay vua Văn vương xử phạt, trừng trị kẻ có tội ấy, không tha”. "Trời không phải bạo ngược, chỉ tự dân sớm gây nên tội... hãy bắt hết cả bọn đem về cho nhà Chu, ta sẽ chọn giết kẻ tội nặng” (Tửu cáo). "Dân" ở đây là các tộc khác trước kia thuộc nhà Ân hoặc các tộc bị người Chu chinh phục nay lệ thuộc vào người Chu. Đây là tư tưỏng chính trị chuyên chính tàn khốc của giai cấp quý tộc thị tộc Chu, được phủ lên một lớp sơn tôn giáo về “ Ý trời", "Mệnh trời".

Nếu như người tộc trưởng thời Ân có vị trí chủ yếu ở mặt tinh thần, quyền lực cá nhân chưa vượt qua chức năng công cộng, thì ở thời Chu, tộc trưởng đã trở thành Thiên tử, là chủ của muôn dân, do vậy trong quan hệ xã hội đã đẻ ra mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Đó là nền tảng, là cơ sở để hình thành quy tắc đạo đức của nhà Chu. Tư tưởng đạo đức của thời Chu lấy hai chữ Đức và Hiếu làm nòng cốt. Xuất phát từ quan niệm tôn giáo về trời – người hợp nhất, người Chu cho rằng tổ tiên mình là các vua trước do có đức mà được sánh cùng Thượng đế, được nhận Mệnh trời mà "hưởng nước", "hưởng dân"... do vậy các vua sau phải kính đức đó, mà bồi đắp nó để con cháu được hưởng lâu dài. Hiếu là nhờ hiếu tổ tiên, giữ gìn khuôn phép của tổ tiên để nhận Mệnh, hưởng dân mãi mãi. Đó là quan niệm đạo đức nhằm tuyên truyền và củng cố địa vị của giai cấp quý tộc thị tộc, bảo vệ nhà nước chuyên chính thị tộc.

soanbailop6.com

0