10/08/2018, 01:00

Lược thuật và luận giảng tác phẩm Nguồn Gốc Chủng Loại

Ngô Nhân Trí GIỚI THIỆU Rất nhiều người có nghe biết qua về Thuyết Tiến Hóa (the Theory of Evolution) của Darwin. Tuy nhiên nếu hỏi họ tóm lược về thuyết nầy thì họ rất có thể sẽ tuyên bố “Darwin cho rằng loài người đã tiến hóa từ loài khỉ vượn”, hay những câu ...

clip_image002_thumb-2.jpg

Ngô Nhân Trí

GIỚI THIỆU

Rất nhiều người có nghe biết qua về Thuyết Tiến Hóa (the Theory of Evolution) của Darwin. Tuy nhiên nếu hỏi họ tóm lược về thuyết nầy thì họ rất có thể sẽ tuyên bố “Darwin cho rằng loài người đã tiến hóa từ loài khỉ vượn”, hay những câu trả lời thiếu sót và đầy sai lầm tương tự. Đó là vì họ chưa bao giờ tự mình tìm đọc về đề tài nầy mà chỉ lập lại những gì họ đã nghe người khác nói.

Có nhiều người cũng sẽ lập lại lời người khác rằng “Thuyết Tiến Hóa của Darwin có một lỗ hổng lớn đó là sự vắng mặt của một khoen nối trung gian (the missing link)”. Tuy vậy họ không hiểu rõ khoen nối trung gian nầy là gì hay tại sao có sự “vắng mặt” đó.

Có người cũng sẽ nói rằng “Thuyết Tiến Hóa chỉ là một lý thuyết mà thôi, nghĩa là không hẳn đúng với thực tế”. Đó là vì họ không hiểu ý nghĩa của từ “lý thuyết” (theory) trong lãnh vực khoa học và quá trình khảo cứu cần thiết để thành lập ra một lý thuyết khoa học.

Quyển Nguồn Gốc Chủng Loại của Darwin nói về quá trình thành hình cũng như về những lý luận nền tảng trong Thuyết Tiến Hóa của ông.

Dưới đây là đại cương tóm lược và diễn giảng ở một mức độ cô đọng và tổng quát nhất về Thuyết Tiến Hóa của Darwin. Bài viết nầy giúp người đọc có thể nhanh chóng nắm được các ý chính yếu trong toàn quyển Nguồn Gốc Chủng Loại trong vòng 10-15 phút.

I . Đại cương về tác phẩm Nguồn Gốc Chủng Loại

Ai cũng có thể thấy rằng giữa các chủng loại khác nhau (động vật cũng như thực vật) có những sự khác biệt về cấu trúc thân thể, vóc dáng, màu sắc, nội tạng, khả năng hoạt động, cách thức sinh sống, v.v. Những đặc tính cá biệt nầy di truyền từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.

Nhờ những sự khác biệt kể trên mà các chủng loại thích ứng được và sống còn trong thế giới thiên nhiên. Thí dụ như chim nhờ có cánh nên bay được trên trời và sống được trên cây cao, cá nhờ có mang nên thở được dưới nước, hươu nai nhờ có chân dài khỏe nên chạy nhảy giỏi trên đồng cỏ tránh bị săn bắt bởi các thú ăn thịt, v.v.

Tuy nhiên, Darwin cũng quan sát thấy rằng trong cùng một chủng loại thỉnh thoảng có những sự biến thể (thường là rất nhỏ) khác biệt giữa thế hệ nầy với thế hệ khác. Thí dụ như đôi khi có những con thú được sinh ra mang màu sắc, hoặc chiều dài của lông cánh, hoặc độ rỗng của xương, hoặc kích thước của bắp thịt chân, hoặc dung lượng của phổi, v.v. khác biệt đôi chút so với tất cả cha mẹ tổ tiên của nó. Những biến thể nầy là một hiện tượng tự nhiên xảy ra thường xuyên. Darwin không giải thích tại sao. Tuy nhiên ông nhận thấy những biến thể khác biệt “mới” nầy cũng nhiề̀u khi được tiếp tục di truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau.

Darwin cho rằng hiện tượng biến thể và tính di truyền từ đời nầy sang đời khác trong cùng một chủng loại kể trên dần dần dẫn đến sự tiến hóa và phân nhánh từ chủng loại đó ra thành các chủng loại khác nhau. Nói rõ hơn, ông cho rằng những đặc tính cá biệt giữa các chủng loại khác nhau (như chim có cánh để bay trên trời, cá có mang để thở dưới nước, hươu nai có chân dài khỏe để chạy nhanh, v.v.) là kết quả của những biến thể dần dần lâu ngày từ một vài chủng loại khác nào đó.

Thí dụ như loài cá heo đã biến đổi hai chân trước thành hai mái dầm để chúng bơi được, loài dơi đã phát triển màng cánh ở hai chân trước để làm cho chúng bay được, v.v.

Và đó là lý thuyết cột trụ về nguồn gốc chủng loại của Darwin.

Một nguyên lý chính yếu trong lý thuyết là “sự tuyển chọn bởi thiên nhiên”. Nguyên lý nầy gắn liền với hiện tượng gọi là “sự tranh đấu để sống còn”. Nguyên lý nầy giải thích mối tương quan giữa sự biến thể và sự tiến hóa của chủng loại như sau:

– Trong thiên nhiên, môi trường sống thay đổi không ngừng. Sự thay đổi không ngừng trong môi trường sống trên đòi hỏi một sự thay đổi không ngừng trong khả năng sinh tồn của mỗi chủng loại. Nếu một chủng loại không thể thích ứng với môi trường sống, hay sự thay đổi trong môi trường sống, của chúng thì chúng sẽ dần dần đi đến diệt vong.

– Ngay cả trong một môi trường sống ổn định thì sự tranh giành tài nguyên như thức ăn, nước uống, chỗ ở giữa các chủng loại, và giữa các tập thể lẫn cá nhân trong cùng một chủng loại, cũng xảy ra không ngừng. Tài nguyên trong môi trường nào cũng có một giới hạn nhất định. Vì vậy các sinh vật sống trong môi trường đó chỉ có thể sinh sôi nẩy nở lên đến một giới hạn nào đó mà thôi.

– Một chủng loại có một vài đặc tính mang đến cho chúng một lợi điểm, dù nhỏ bé, so với các chủng loại khác cũng có thể mang đến cho chúng ưu thế trong cuộc tranh giành tài nguyên trên. Nói cách khác, loài thú trên sẽ được thiên nhiên “tuyển chọn” để sống còn trong môi trường nầy.

– Sự tuyển chọn bởi thiên nhiên là động cơ dẫn đến quá trình tiến hóa của chủng loại. Như đã nói ở trên, đôi khi vì lý do gì đó có những biến thể xảy ra từ đời cha mẹ qua đời con cái. Những con thú được sinh ra mang các biến thể có lợi điểm trong một môi trường sẽ có xác suất sống còn cao hơn những con thú được sinh ra không có các biến thể trên.

– Những đặc tính có lợi điểm trên thường sẽ được di truyền tiếp tục qua con cháu của chúng. Và rồi sẽ có những biến thể mới nữa xảy ra trong các thế hệ sau chồng chất lên những biến thể của các thế hệ trước. Chỉ có những biến đổi mang đến ưu thế cho chủng loại mới có thể còn tồn tại với thời gian.

– Những biến thể mang đến ưu thế cho một chủng loại được xem là góp phần vào sự tiến hóa của chủng loại đó. Sự tiến hóa nầy sau nhiều thế hệ trong một chủng loại sẽ tạo nên nhiều chi nhánh hậu duệ. Mỗi chi nhánh hậu duệ nầy theo thời gian cũng sẽ tiến hóa và tạo ra nhiều chi nhánh hậu duệ khác của nó nữa.

– Chỉ có một số rất ít những chi nhánh hậu duệ thích ứng được với môi trường sống mới có thể tồn tại. Nhiều chi nhánh hậu duệ vì lý do gì đó không thể thích ứng được với môi trường sống sẽ tàn lụn và biến mất.

Theo Darwin, chỉ cần quan sát và phân tích những sự khác biệt và nhất là những tương đồng của các chủng loại hiện nay, các nhà sinh vật học có thể đi ngược dòng thời gian và vẽ ra được quá trình thành lập của các chi nhánh tổ tiên của chúng.

Darwin cũng cho rằng sự cô lập về mặt địa lý là một yếu tố lớn đưa đến sự tạo thành các chủng loại mới. Ông quan sát và nhận thấy trong thiên nhiên có những chướng ngại vật thí dụ như các biển rộng hay các dãy núi cao có thể ngăn trở sự di chuyển và bành trướng của đại đa số sinh vật từ nơi nầy sang nơi khác. Tuy vậy khi một số ít sinh vật nhờ lý do nào đó đã vượt qua được các chướng ngại vật trên mà đến những nơi cô lập nầy rồi thì hậu duệ của chúng thường tiến hóa thành những chủng loại mới khác biệt hẳn với các chủng loại ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Nhiều người bất đồng ý kiến và chỉ trích Thuyết Tiến Hóa của Darwin. Lập luận thông thường nhất được dùng để đả kích thuyết tiến hóa là sự “vắng mặt của các khoen nối trung gian”. Lập luận nầy cho rằng nếu một chủng loại A qua nhiều triệu năm đã tiến hóa ra thành chủng loại B hiện nay thì tại sao người ta chỉ tìm thấy vật hóa thạch của chủng loại A mà chưa ai tìm được vật hóa thạch của các chủng loại trung gian nằm giữa A và B.

Lập luận nầy thật ra có vẻ rất đúng khi nhìn vào lịch sử địa chất và cổ sinh học. Tuy vậy, Darwin giải thích rằng tất cả những vật hóa thạch đã được tìm ra cho đến nay chỉ là một phần cực kỳ nhỏ của tất cả những sinh vật đã từng hiện hữu. Vì muốn có được một vật hóa thạch thì vô số các điều kiện cần thiết về địa chất, địa hình, vật lý, hóa học, hoàn cảnh và thời điểm chết, diễn biến địa chấn sau khi chết, v.v. đều phải được thuận lợi hoàn toàn và đầy đủ. Do vậy đại đa số các sinh vật sau khi diệt chủng không để lại dấu vết gì bao giờ cả. Hơn nữa, cho đến nay con người chỉ mới khám phá một tỉ lệ vô cùng nhỏ của những vật hóa thạch đã được tạo thành. Theo Darwin, đó là lý do mà bằng chứng cổ sinh học của những chủng loại trung gian cho đến nay vẫn còn thiếu sót.

Thuyết Tiến Hóa của Darwin trái ngược với quan điểm cho rằng vạn vật được sáng tạo riêng biệt và phát triển một cách độc lập. Nhiều người cho rằng hiện tượng mỗi chủng loại đều có những đặc tính giúp chúng sống thích ứng được trong môi trường thiên nhiên của chúng là bằng chứng cho thấy có sự “thiết kế thông minh” của một đấng sáng tạo. Theo Darwin, đó thật ra là bằng chứng cho thấy có một quá trình “tuyển chọn bởi thiên nhiên”.

Hơn nữa, Darwin đã áp dụng phương pháp khoa học quy nạp (nghĩa là dựa trên quan sát thực tế để đưa ra giả thuyết rồi dùng giả thuyết đó để kiểm chứng lại thực tế) để đi đến lý thuyết của ông. Trong bất cứ lãnh vực khoa học nào thì phương pháp nầy luôn luôn có giá trị và uy tín hơn hẳn những quan điểm dựa trên các lý lẽ không thực tế và không kiểm chứng được.

Trong khi quyển Nguồn Gốc Chủng Loại dẫn chứng và kết luận về sự tiến hóa của sinh vật, Darwin đã cố ý không nhắc đến loài người. Quyển sách nầy đem đến nhiều tranh cãi lúc mới được xuất bản, và vẫn còn được tranh cãi ngày nay. Đó là vì cái nhìn của Darwin đưa ra một thách đố trực diện cho niềm tin của nhiều người. Tuy vậy, với sự tiến bộ vượt bực về cổ sinh học, sinh vật học, v.v. thì cho đến bây giờ lý thuyết tiến hóa của Darwin vẫn còn hoàn toàn thích hợp. Hầu hết những kiến thức và phương pháp thực hành của các ngành canh nông, thủy lâm, v.v. hiện tại đều dựa vào hay áp dụng nguyên lý tiến hóa nầy.

Dưới đây là 8 điểm chính yếu về Thuyết Tiến Hóa để bổ túc và giải thích chi tiết hơn một chút về những gì vừa trình bày trong phần Đại Cương ở trên.

1. Tính Di Truyền của sự Biến Thể dẫn đến Nhiều Chủng Loại Khác Nhau

Trọng tâm của Thuyết Tiến Hóa là giả thuyết cho rằng sự biến thể trong mỗi chủng loại từ thế hệ trước sang thế hệ sau đã dần dần dẫn đến sự khác biệt giữa các chủng loại khác nhau.

Darwin cho rằng sự khác biệt dường như bất tận về màu sắc, vóc dáng, nội tạng, lông, cánh, chân, tay, khả năng sinh sống, v.v. của các chủng loại khác nhau trong thiên nhiên ngày nay là kết quả của quá trình tuyển lựa bởi thiên nhiên. Những đặc tính của mỗi chủng loại (thí dụ như loài chim có cánh, loài cá có mang, loài thú có chân, v.v.) không phải là ngẫu nhiên mà là vì những đặc tính nầy đã đem đến lợi thế cho sự sinh tồn của chủng loại đó trong môi trường sống của chúng.

Tuy Darwin và các khoa học gia cùng thời không biết gì về cơ cấu di truyền của sinh vật (thí dụ như DNA) nhưng qua sự quan sát hàng ngày trong thiên nhiên họ nhận thấy rằng:

– Con cái có thể có những đặc tính biến đổi đôi chút với cha mẹ.

– Các biến đổi trên có thể tiếp tục được di truyền qua những thế hệ sau.

Sự biến thể nầy có thể hoặc đem đến thêm lợi thế hoặc gây ra thất lợi cho thế hệ mới. Những biến thể có lợi cho một chủng loại có thể di truyền sang các thế hệ tương lai. Con thú nào sinh ra với những biến thể có lợi nầy sẽ có nhiều hy vọng tiếp tục sống còn và phát triển hơn những con thú khác. Những biến thể nào bất lợi sẽ không di truyền mãi được xuống các thế hệ tương lai vì những con thú thừa hưởng các đặc tính bất lợi nầy sẽ bị thất thế hơn và sẽ có ít cơ hội hơn để sống còn và sinh sản và do đó dần dần sẽ tuyệt giống.

Sự biến thể trong mỗi chủng loại nầy, nếu xảy ra, thường xảy ra từng bước rất nhỏ đến độ nếu không là người quan sát chuyên môn sẽ không nhận thấy được.

Thuyết Tiến Hóa cho rằng khi một chủng loại A sau một thời gian dài có thể biến thể dần dần đến một thế hệ mang nhiều đặc tính khác biệt đáng kể đủ để có thể được xem là một chủng loại “thân quyến” A1. Sau nhiều thế hệ nữa, chủng loại A1 có thể tiếp tục dần dần biến thành một chủng loại thân quyến mới khác A2, rồi A2 sẽ tiếp tục đổi khác nữa để thành A3, v.v. Đến một lúc nào đó, có thể nói là chủng loại A đã tiến hóa và trở thành một chủng loại “mới” gọi là B.

Theo Darwin, sự khác biệt ít nhiều bao nhiêu giữa chủng loại A và chủng loại B là tùy vào bao nhiêu thế hệ đã xảy ra và bao nhiêu sự khác biệt đã tích tụ và phát triển đến mức độ nào. Có những trường hợp mà chủng loại B sẽ hoàn toàn khác hẳn chủng loại A về cấu trúc của thân thể, vóc dáng, màu sắc, nội tạng, khả năng hoạt động, cách thức sinh sống, v.v. Quá trình biến đổi từ một chủng loại sang một chủng loại khác có thể mất vài trăm hay vài ngàn năm (như trường hợp các gia súc, cây trái qua sự thuần hóa của loài người) cho đến hàng triệu năm (như trong môi trường thiên nhiên).

Hơn nữa, nhiều chủng loại khác nhau B, C, D, E, v.v. cũng có thể xuất phát từ cùng một chủng loại A. Đó là khi chủng loại A sinh ra một số nhóm hậu duệ mà mỗi nhóm mang một vài biến thể khác biệt với các nhóm khác. Các biến thể khác biệt trong mỗi nhóm được tiếp tục di truyền xuống con cháu của nhóm đó và chồng chất tích tụ lên một thời gian dài. Càng lúc sự khác biệt giữa mỗi nhóm hậu duệ so với chủng loại A và những nhóm hậu duệ khác càng rõ rệt hơn. Nói cách khác, chủng loại A dần dần tẽ nhánh ra thành nhiều nhóm hậu duệ với những đặc điểm khác nhau. Đến một lúc nào đó, mỗi nhóm hậu duệ có thể được xem là mỗi chủng loại B, C, D, E, v.v. riêng biệt hẳn nhau.

Theo Darwin thì sự phân biệt giữa các chủng loại khác nhau thật ra chỉ là do cách xếp loại tùy nghi bởi các nhà sinh vật học. Theo ông, sự phân biệt giữa hai chủng loại đã xảy ra dần dần qua các “chủng loại thân quyến”: A1, A2, A3, v.v. như vừa đề cập ở trên. Nói cách khác, các nhà sinh vật học có thể tùy ý lựa chọn một mức độ khác biệt nào đó ở bất cứ thế hệ nào (hoặc A11, A12, A13, v.v., hoặc cả A9, A8, A7, v.v.) để cho rằng bắt đầu từ đó là một chủng loại mới và gọi nó là chủng loại B.

Cũng cần biết là trong thời Darwin, một số khoa học gia định nghĩa một chủng loại là một nhóm sinh vật không thể nào giao hợp và sinh sản thành công với các chủng loại khác. Vì lý luận như vừa kể trong hệ quả thứ nhất ở trên, Darwin không đồng ý với định nghĩa nầy. Tuy vậy ông không đưa ra giải thích tại sao hai sinh vật thuộc hai chủng loại khác nhau thường không có khả năng giao hợp, và nếu có đi nữa thì hầu như luôn luôn có sự tuyệt sản.

Thật ra ngành phân chủng học (taxonomy) ngày nay không đồng ý với Darwin về vấn đề nầy và vẫn dùng định nghĩa chủng loại dựa trên khả năng giao hợp và sinh sản thành công với các chủng loại khác.

2. Sự Tranh Đấu để Sống Còn dẫn đến Sự Tiến Triển của Chủng Loại

Vì số lượng tài nguyên (thức ăn, nước uống, chỗ ở) của mỗi môi trường có giới hạn nên mọi chủng loại phải không ngừng tranh giành những tài nguyên trên để có thể sinh tồn. Darwin gọi quá trình nầy là “sự tranh đấu để sống còn”.

Nếu một chủng loại không có những đặc điểm cần thiết (chẳng hạn như khả năng chạy nhanh để tránh bị thú khác ăn thịt, hoặc màu sắc hòa hợp với cây lá rừng để lẩn tránh hữu hiệu, hoặc cấu trúc cơ thể thích hợp để săn bắt được nhiều mồi, v.v.) thì chúng sẽ dần dần đi đến diệt vong.

Thí dụ một loài thú X mà vì lý do gì đó (kể cả vì sự tích tụ của những tiến hóa trong quá khứ) đã làm cho đôi mắt chúng có thể nhìn thấy rõ trong bóng tối hơn các loài thú khác dù chỉ một chút thôi cũng có thể giúp chúng săn mồi giỏi hơn hay dễ tránh né khỏi bị săn bắt bởi các giống thú dữ hơn. Điều đó sẽ giúp giống thú X nầy phát triển và bành trướng mạnh trong môi trường nhiều bóng tối nào đó trong khi các loài thú khác sẽ dần dần suy lụn và bị tiêu diệt khỏi môi trường nầy.

Theo Darwin, một chủng loại có hai cách để thắng lợi trong cuộc tranh đấu để sống còn không bao giờ ngừng nghỉ nầy. Thứ nhất, chúng chỉ cần sống còn và sống lâu hơn các chủng loại khác. Thứ hai, chúng cần sinh sản nhiều con cháu hơn các chủng loại khác để bảo đảm các đặc tính có lợi cho chúng được di truyền nhiều lần và sâu rộng. Hai phương cách trên thật ra tương quan và hỗ trợ lẫn nhau: một con thú sống lâu thường dễ có cơ hội sinh sản nhiều con cháu, và một bầy thú có nhiều con cháu thường dễ có những con thú sống lâu. Trong cuộc tranh đấu để sống còn, không những chỉ sự tồn tại lâu dài của từng cá nhân mà sự tồn tại lâu dài của cả bầy đàn so với các bầy đàn khác đều quan trọng như nhau.

3. Sự Tuyển Chọn bởi Thiên Nhiên dẫn đến Sự Tiến Hóa

Quá trình tranh đấu để sống còn kể trên đưa đến một sự tuyển chọn bởi thiên nhiên.

Trong thí dụ về loài thú X ở trên, nhờ cấu trúc của đôi mắt có thể nhìn thấy rõ trong bóng tối hơn các loài thú khác nên chúng có thể phát triển và bành trướng mạnh trong môi trường nhiều bóng tối trong khi các loài thú khác sẽ dần dần bị tàn biến đi. Nói cách khác, thiên nhiên đã “tuyển chọn” loài thú X để tồn tại trong môi trường đó.

Darwin cho rằng những đặc điểm có lợi cho một chủng loại sẽ có khuynh hướng được phát triển thêm mãi. Những hậu duệ nào của loài thú X ở trên sinh ra với cấu trúc của đôi mắt “ngẫu nhiên” được biến thể đôi chút giúp chúng có thể nhìn thấy trong đêm tối rõ hơn thế hệ cha mẹ chúng dù chỉ một ít cũng sẽ có hy vọng phát triển và sinh tồn dễ hơn các hậu duệ không có được sự “tân trang” nầy.

[Chú thích: Darwin sau nầy giải thích rõ thêm rằng sự “ngẫu nhiên” ông nói ở đây thật ra có những nguyên do của nó]. Những con thú được tân trang dễ có cơ hội sinh sản nhiều con cháu hơn và đặc tính được tân trang nầy cũng sẽ có nhiều cơ hội được di truyền qua hậu duệ của chúng. Quá trình nầy được lập đi lập lại mãi cho phép nhiều sự tân trang tương tự được tích tụ qua nhiều thế hệ. Đến một thế hệ nào đó thì khả năng nhìn thấy trong đêm tối của chúng sẽ có vẻ như hoàn toàn tinh vi và tuyệt hảo so với loài thú X ban đầu.

Khi khả năng của đôi mắt của loài thú X thay đổi thì rất có thể hình dáng, kích thước, cấu trúc của chúng cũng sẽ thay đổi cùng một lúc. Đồng thời, vài bộ phận khác trong cơ thể của loài thú nầy cũng có thể cùng tiến hóa song song với sự tiến hóa của đôi mắt. Thí dụ như màu lông của chúng trở thành dễ tiệp lẫn vào bóng đêm hơn; thí dụ như dưới lòng bàn chân phát triển những đệm da mềm cho phép chúng di chuyển một cách im lặng hơn; v.v. Khi tổng hợp tất cả sự biến thể, và tiến triển, kể trên thì con thú X ở một thế hệ nào đó có thể sẽ có hình dáng, màu sắc, cấu trúc, sinh hoạt, v.v. hoàn toàn khác hẳn với loài thú X ban đầu.

Darwin nhìn nhận rằng sự tuyển chọn bởi thiên nhiên chỉ đóng một vai trò có giới hạn phần nào trong sự tiến hóa của chúng loại. Đó là vì tất cả các sự biến thể, tiến hóa cũng như thoái hóa, từ thế hệ trước sang thế hệ sau đều xảy ra một cách hầu như ngẫu nhiên. Darwin không thể giải thích được nguồn gốc hay lý do của những sự biến thể đó. [Chú thích: ở đây đang nói về sự biến thể xảy ra trong một môi trường sống ổn định.]

Darwin cũng nhấn mạnh rằng sự tuyển chọn trong thiên nhiên cũng như sự biến thể trong hậu sinh là những quá trình xảy ra rất chậm. Một bầy thú cần trải qua nhiều thế hệ mới có thể dần dần biến thể tách ra khỏi chủng loại tổ tiên của chúng và thêm nhiều thế hệ khác nữa thì một sự biến thể có lợi mới nổi bật lên và tồn tại được. 

4. Thiên Nhiên Quyết Định sự Sống Còn của mỗi Chủng Loại

Như vậy theo lý thuyết của Darwin, thiên nhiên “quyết định” chủng loại nào sống còn hay không.

Thiên nhiên có khi được Darwin cho đóng một vai trò thiện hảo, nuôi dưỡng và cung cấp những điều kiện thuận lợi để những chủng loại có khả năng thích ứng được có thể phát triển và tăng gia trong môi trường của chúng.

Những khi khác, Darwin diễn tả thiên nhiên như một sức mạnh vô tâm và khắc nghiệt. Thiên nhiên giới hạn những tài nguyên sẵn có (thức ăn, nước uống, chỗ ở) bắt buột tất cả mọi sinh vật phải tranh đấu chật vật không ngừng để sống còn. Những sinh vật không đủ sức tranh đấu sẽ phải trả giá bằng sự diệt chủng.

Thiên nhiên cũng được diễn tả là một môi trường đầy những ngẫu nhiên vô tình. Một thế hệ mới đôi khi có một vài đặc điểm khác nhau đôi chút so với thế hệ cha mẹ của chúng. Sự biến thể nầy hầu như hoàn toàn ngẫu nhiên. Có những biến thể mang đến một vài lợi điểm gì đó, trong trường hợp nầy thì thế hệ mới có nhiều hy vọng sống còn hơn. Có những biến thể mang đến một vài thất lợi gì đó, thì thế hệ mới có ít hy vọng sống còn hơn. Nói chung, tối hậu thì những yếu tố quyết định chủng loại nào sẽ sinh tồn và chủng loại nào sẽ diệt vong đều nằm ở sự may rủi trong thiên nhiên.

5. Sự Cô Lập về Địa Lý Ảnh Hưởng đến sự Phân Nhánh của Chủng Loại

Trong chuyến thám hiểm bằng chiếc tàu HMS Beagle, Darwin nhận thấy trên mỗi hòn đảo của quần đảo Galapagos có những sinh vật dị biệt độc nhất so với ở bất cứ nơi nào khác. Điều nầy làm cho ông nghi ngờ rằng khi chủng loại bị cô lập thì mỗi nhóm ở mỗi địa điểm có khuynh hướng tiến hóa theo con đường riêng của chúng.

Hơn nữa Darwin còn thấy rằng các sinh vật dị biệt độc nhất tìm thấy ở các hòn đảo trên vẫn mang nhiều đặc điểm tương tự với các sinh vật ở trên bờ lục địa lân cận.

Darwin cũng nhận thấy trên lục địa ở những nơi mà sinh vật có thể di trú dễ dàng thì có rất nhiều chủng loại phân tán khắp nơi; ngược lại trong những nơi bị cô lập về địa lý (nghĩa là khó đi đến) thì con số các chủng loại ở đó rất nhỏ.

Theo Darwin, những hiện tượng trên cho thấy sự phân tán và cô lập về địa lý ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tuyển lựa và tiến triển của các chủng loại trong thiên nhiên.

Từ đó Darwin cho rằng tất cả các chủng loại hiện hữu ngày nay đều là hậu sinh của một, hay một vài, chủng loại nguyên thủy xuất phát từ một vài địa điểm nào đó trên địa cầu. Khi những chủng loại nguyên thủy nầy sinh sản, các thế hệ hậu duệ của chúng di chuyển và phân tán đi khắp cùng thế giới. Vào vài thời điểm nào đó trong lịch sử, một số của chúng bị tách rời ra thành nhiều nhóm hoàn toàn cô lập bởi các nhóm khác.

Thứ nhất, sự cô lập nầy xảy ra do những địa hình thay đổi qua các thời kỳ băng giá rồi ấm lại trên địa cầu làm mực nước biển dâng lên cắt lìa nhiều vùng đất, qua các vụ địa chấn lớn, qua sự di chuyển của các thềm lục địa, v.v. Những thay đổi về địa hình nầy cắt đứt lãnh thổ sinh sống và tách lìa các chủng loại nguyên thủy ra thành nhiều nhóm xa cách hẳn nhau.

Thứ hai, chim di trú hoặc gió hoặc dòng nước biển có thể mang theo các hạt giống, trứng, v.v. đến những hòn đảo xa xôi hay những nơi hẻo lánh mà thông thường các loài thú không thể đến được. Những hạt giống, trứng, v.v. nầy có thể sinh sôi nẩy nở và phát triển trong những môi trường hoàn toàn cô lập hẳn với tất cả các sinh vật khác cùng chủng loại.

Sự cô lập về địa lý trên dẫn đến sự tiến hóa riêng biệt của mỗi nhóm tùy theo hoàn cảnh và môi trường sống của chúng. Mỗi sinh vật tiến hóa riêng biệt ở mỗi lãnh thổ cô lập nầy qua một thời gian dài có thể dần dần biến thành một chủng loại mới.

6. Sự Đáng Tin Cẩn của Phương Pháp Khoa Học

Darwin áp dụng triệt để phương pháp khoa học quy nạp trong quá trình nghiên cứu và phát triển Thuyết Tiến Hóa. Phương pháp khoa học quy nạp dựa trên khảo sát và nghiên cứu để so sánh và kiểm chứng giữa thực tế và lý thuyết trước khi đi đến kết luận.

Sự kiện Darwin sử dụng phương pháp khoa học để đưa đến lý thuyết của ông là một hình thức bảo đảm cho thấy giá trị và sự đáng tín cẩn của Thuyết Tiến Hóa.

7. Tiến Trình Dẫn Đến sự Toàn Hảo

Sự toàn hảo mà chúng ta nhìn thấy trong sự thích ứng của mỗi chủng loại với môi trường sống của chúng thật ra, theo Darwin, chỉ là một sự “có vẻ như toàn hảo”.

Darwin cho rằng sự tuyển chọn bởi thiên nhiên và sự tiến hóa cho phép muôn loài trong thiên nhiên bước dần đến một trạng thái càng lúc càng hoàn chỉnh hơn. Những đặc tính có lợi sẽ xuất hiện và sẽ được thiên nhiên tuyển lựa và được di truyền xuống các thế hệ tương lai. Theo Thuyết Tiến Hóa, khả năng thích ứng của mỗi chủng loại trong môi trường sống của chúng sẽ càng lúc càng phức tạp hơn. Theo thời gian, các chủng loại đạt đến những đỉnh cao của hoàn chỉnh tạo thành những chủng loại với khả năng thích ứng “kỳ diệu” mà chúng ta thấy ngày nay.

Bởi vì tính chất hầu như ngẫu nhiên, không thể tiên liệu được của những biến thể giữa các thế hệ, tiến trình đến sự toàn hảo xảy ra dần dần và dưới dạng từng bước thang chập choạng qua một khoảng thời gian rất dài. Quá trình tuyển lựa bởi thiên nhiên chỉ có thể tạo ra những chủng loại có khả năng thích ứng tốt đẹp hơn. Những chủng loại thoái hóa so với các thế hệ tổ tiên của chúng sẽ không bao giờ tồn tại. Lý thuyết tuyển chọn bởi thiên nhiên của Darwin xác định một quá trình luôn luôn cải tiến và hoàn hảo hóa sự thích ứng của mỗi chủng loại trong thế giới thiên nhiên.

Vì vậy, những gì chúng ta cho rằng “tuyệt diệu” hay “toàn hảo” trong thiên nhiên ngày nay thật ra vẫn còn đang trong quá trình được cải tiến. Những “tuyệt diệu” và “toàn hảo” nầy thật ra vẫn có nhiều khuyết điểm mà vì thói quen hàng ngày chúng ta không nhận thấy được. Thí dụ như con mắt của động vật được nhiều người cho là một sản phẩm được sáng tạo toàn hảo; thật ra cấu trúc hiện tại của con mắt chỉ có thể cho phép chủ nhân của nó nhìn thấy trong một môi trường, một phạm vi khoảng cách, chu kỳ sóng và mức độ ánh sáng giới hạn nào đó mà thôi; đó là chưa kể con mắt là một trong các bộ phận mềm yếu dễ bị hư hại nhất trong cơ thể.

8. Sự Hàm Ý về việc Con Người cũng là một Sản Phẩm của Quá Trình Tiến Hóa

Không có chỗ nào trong quyển Nguồn Gốc Chủng Loại thảo luận công khai về xuất xứ của con người.

Tuy vậy, Darwin có hàm ý ở vài chỗ rằng con người cũng đã tiến hóa không khác gì mọi chủng loại khác. Thí dụ như khi so sánh bộ xương giữa các chủng loại, ông đã so sánh cấu trúc xương cánh tay và bàn tay của loài người với cấu trúc xương cánh của loài dơi và cấu trúc xương mái dầm ở chân trước của loài cá heo. Cách so sánh nầy ngầm cho thấy loài người cũng nằm trong một quá trình tiến hóa tương tự như loài dơi và loài cá heo.

Darwin cũng tuyên bố rằng lý thuyết tiến hóa của ông áp dụng cho tất cả sinh vật hữu cơ, như vậy hàm ý luôn cả loài người.

Điều nầy mang đến những ý nghĩa nghiêm trọng. Khi sáp nhập loài người vào chung với muôn vật khác, Darwin đã đặt nghi vấn lên quan niệm cho rằng loài người đứng ở một vị thế “đặc biệt độc nhất” trong vũ trụ. Darwin đã ám chỉ rằng thiên nhiên, chớ không phải Thượng Đế, điều hành và kiểm soát sự thành hình và phát triển của loài người.

Tuy vậy, Darwin không hề bác bỏ sự hiện hữu của một Thượng Đế; ông nhắc đến “đấng Sáng Tạo” ở vài chỗ trong quyển Nguồn Gốc Chủng Loại. Theo Darwin thì quan niệm “mỗi chủng loại đều đã được sáng tạo ra một cách riêng rẽ và độc lập với nhau” không giải thích được những quan sát trong thiên nhiên. Theo Darwin, những gì quan sát trong thực tế chỉ có thể giải thích được bằng Thuyết Tiến Hóa.

 II. Lược Thuật và Luận Giảng Tác Phẩm Nguồn Gốc Chủng Loại

Chú thích:

1. Bài lược thuật nội dung quyển Nguồn Gốc Chủng Loại nầy sẽ giúp những ai muốn tìm hiểu thêm chi tiết về Thuyết Tiến Hóa để có chút kiến thức chính xác mà không cần phải tự đọc qua từng trang từng chữ của quyển sách nầy.

Phần luận giảng của tôi kèm theo mỗi Chương trong bài là để phân tích và làm sáng tỏ thêm một số vấn đề dựa trên những hiểu biết khoa học đã phát triển sau thời đại của Darwin.

2. Bài nầy được gọi là “lược thuật” (hay thật ra là “lược dịch và tường thuật”) vì tôi tường thuật lại những gì Darwin đã viết. Trong nguyên bản của Nguồn Gốc Chủng Loại, Darwin dùng ngôi thứ nhất (“tôi”) khi viết về những nhận xét của ông.

3. Trước khi bắt đầu, tôi xin làm sáng tỏ số danh từ sẽ được dùng rất nhiều lần trong quyển Nguồn Gốc Chủng Loại; trước nhất là “chủng loại” hay “loài” (species), kế đó “tiểu loại” (sub-species), “giống” (race/breed) và “biến loại” (variety).

Trong ngôn ngữ thường ngày, các từ như “loài”, “loại”, “giống” thường được dùng lẫn lộn với nhau. Tuy nhiên, trong ngành phân loại sinh vật (taxonomy), mỗi từ trên mang một ý nghĩa riêng của chúng. Người đọc cần phải phân biệt rõ những từ đó để tránh sự bối rối hay lầm lẫn ở đây.

Thí dụ về các “chủng loại” (hay “loài”) khác nhau: loài voi, loài mèo, loài chó, loài hoa hồng, loài cây thông, loài lúa, v.v.

Theo cách xếp loại của khoa học tự nhiên ngày nay thì “chủng loại” (species) là một nhóm sinh vật có thể giao hợp với nhau và sinh sản được. Hơn nữa, con cháu của chúng nói chung thường cũng sẽ có thể giao hợp lẫn nhau và tiếp tục sinh sản nữa.

Theo cách xếp loại nầy, hai sinh vật thuộc hai chủng loại khác nhau nói chung không thể giao hợp được (trong trường hợp thực vật thì không thể thụ phấn hoa thành ra quả được). Trong vài trường hợp hiếm hoi, hai chủng loại khác nhau có thể sinh ra con nhưng con của chúng không có khả năng sinh sản. Thí dụ như sư tử và cọp trong môi trường nhân tạo (ở sở thú) có thể sinh ra một giống vật lai (trong Anh ngữ gọi là “liger” = lion + tiger) mà giống vật mới nầy không thể nào tiếp tục sinh sản được (vì con đực của chúng luôn luôn tuyệt sản). Thí dụ như con lừa đực kết hợp với con ngựa cái sẽ sinh ra con la. Loài la không tự sinh sản được vì con la đực luôn luôn tuyệt sản trong khi con cái có thể đôi khi thụ thai với ngựa hay lừa bằng phương pháp nhân tạo.

Sinh vật trong cùng một chủng loại có thể được phân ra thành nhiều nhóm khác nhau gọi là “tiểu loại”. Những sinh vật trong một tiểu loại có những cấu trúc cơ thể khác biệt với các sinh vật trong các tiểu loại khác, tuy vậy những khác biệt nầy không đủ để xem chúng là một chủng loại khác. Thí dụ trong chủng loại voi có hai tiểu loại voi Á Châu và voi Phi Châu; trong loài cọp có các tiểu loại như cọp Bengal, cọp Siberian; trong loài lúa có các tiểu loại như lúa trắng Á Châu, lúa nếp, v.v. Các tiểu loại khác nhau thường hiện hữu và sinh sống trong các môi trường địa lý cách biệt nhau.

Những sinh vật cùng chủng loại nhưng khác tiểu loại thường có thể giao hợp và sinh sản được nhưng có nhiều trường hợp không thành công mấy.

Danh từ “giống” (race/breed) được dùng để chỉ những tiểu loại trong các sinh vật đã được thuần hóa bởi con người. Thí dụ như chủng loại mèo có nhiều tiểu loại khác nhau trong đó có tiểu loại mèo hoang Phi Châu (silvestris lybica). Loài mèo nhà chính là tiểu loại mèo hoang Phi Châu đã được thuần hóa. Hơn thế nữa, con người trong quá trình nuôi dưỡng loài mèo nhà đã sản xuất ra những giống mèo dựa theo sở thích hay ích lợi cho họ. Do đó tiểu loại mèo nhà còn có thể được chia ra làm nhiều giống mèo lông dài, lông ngắn, không lông, v.v. Các giống mèo nầy thật ra có thể được xem là tiểu-tiểu-loại của loài mèo. Trường hợp “tiểu-tiểu-loại” nầy còn có khi được các nhà sinh vật học gọi là “biến loại” (variety).

Một điều cần biết là mỗi chủng loại, tiểu loại, v.v. chỉ là một nhóm sinh vật được phân chia ra bởi các học giả về thiên nhiên dựa trên một số nguyên tắc của họ. Những nguyên tắc nầy không phải lúc nào cũng rõ ràng, đồng nhất hay được chấp nhận bởi tất cả các học giả. Vì thế có nhiều trường hợp mà hai nhóm sinh vật được một số học giả xem là hai chủng loại khác nhau nhưng lại được một số học giả khác xem là hai tiểu loại thuộc cùng chung một chủng loại. Vấn đề nầy sẽ được thảo luận rõ hơn trong Chương 2.

Ngoài các “cấp bậc” trên, ngành phân loại sinh vật trong thiên nhiên còn có nhiều cấp bậc cao hơn nữa mà tôi dùng thí dụ sau đây của loài cọp để minh giảng.

– Loài cọp (Tigris) là một chủng loại (species)

– Chủng loại Cọp thuộc họ (genus) Cọp Beo (Panthera) trong đó có các loài cọp, beo, sư tử, v.v.

– Họ Cọp Beo nằm trong gia đình (family) Mèo (Felidae) trong đó có tất cả loài mèo, cọp, beo, sư tử, v.v.

– Gia đình Mèo nằm trong dòng (order) Ăn Thịt Sống (Carnivore) gồm có tất cả loài hữu nhũ ăn thịt sống.

– Dòng Ăn Thịt Sống nằm trong lớp (class) Hữu Nhũ (Mammalia): tất cả thú vật có nguyên sống (notochord) lúc phôi thai, và cho con bú.

– Lớp Hữu Nhũ nằm trong một loại (phylum) gồm tất cả thú vật có nguyên sống lúc phôi thai.

– Tất cả loại thú vật nằm trong nhóm (kingdom) động vật.

– Ngoài nhóm động vật, còn có nhóm thực vật. Cả hai đều nằm trong một tập hợp gọi là sinh vật.

Người đọc cần chú ý rằng tôi dịch và dùng những từ ở trên từ nguyên bản Anh ngữ. Những từ Việt ngữ của tôi có thể không hoàn toàn giống những từ Việt ngữ cùng nghĩa của những tác giả người Việt khác. Vì thế thỉnh thoảng tôi kèm theo những từ Anh ngữ để thêm phần rõ ràng.

Mục Lục:

Sau phần Mở Đầu, quyển Nguồn Gốc Chủng Loại có 14 chương:

Chương 1: Sự Biến Thể trong những Sinh Vật đã được Thuần Hóa bởi Con Người

Chương 2: Sự Biến Thể trong những Sinh Vật ở Thiên Nhiên

Chương 3: Sự Tranh Đấu để Sống Còn

Chương 4: Sự Tuyển Chọn của Thiên Nhiên

Chương 5: Những Quy Luật của Sự Biến Thể

Chương 6: Những Khó Khăn trong Lý Thuyết Biến Thể

Chương 7: Bản Năng Phản Xạ Tự Nhiên

Chương 8: Lai Giống

Chương 9: Sự Không Toàn Vẹn của Tài Liệu Lịch Sử Địa Chất

Chương 10: Trình Tự trong Địa Chất Học của Sinh Vật Hữu Cơ

Chương 11: Sự Phân Tản trên Môi Trường Địa Lý

Chương 12: Sự Phân Tản trên Môi Trường Địa Lý (tiếp theo)

Chương 13: Mối Quan Hệ giữa các Sinh Vật Hữu Cơ – Khoa Hình Thái Học – Khoa Bào Thai học – Các Bộ Phận Thô Sơ trong Cơ Thể Sinh Vật

Chương 14: Tóm Lược và Kết Luận

Mở Đầu

 

Darwin mở đầu bằng lời giới thiệu về sự thành hình các ý tưởng dẫn đến thuyết Tiến Hóa của ông. Trong chuyến thám hiểm dài 5 năm trên chiếc tàu HMS Beagle (1831-1836) tìm hiểu về thế giới thiên nhiên, ông đã quan sát và thu thập dữ kiện về nhiều loài thú ở lục địa Nam Mỹ và các quần đảo láng giềng. Những gì Darwin quan sát trên chuyến đi nầy làm ông suy nghĩ đến sự kỳ bí về nguồn gốc của các chủng loại. Sau khi trở về Anh, ông bỏ ra hơn 20 năm nữa nghiên cứu về đề tài nầy trước khi quyển Nguồn Gốc của Chủng Loại được xuất bản năm 1859.

Thật ra thì đến 1859, Darwin vẫn chưa hoàn tất cuộc nghiên cứu của ông như ý định. Tuy vậy Darwin đã phải hối hả xuất bản quyển Nguồn Gốc Chủng Loại vì hai lý do: thứ nhất, sức khỏe ông đã suy sụp nhiều; và thứ hai, đương thời có một học giả về thiên nhiên khác là Alfred Russel Wallace cũng đang khảo cứu và sắp hoàn tất một lý thuyết rất tương tự với Darwin. Darwin nhận thấy điều ấy nên vội vàng ấn hành công trình khảo cứu của mình để được công nhận là người tiên phong đưa ra lý thuyết nầy. Quyển Nguồn Gốc Chủng Loại do đó được Darwin ấn hành với ý định chỉ là một yếu lược về lý thuyết Tiến Hóa; ông dự định sẽ có những ấn bản tiếp sau với đầy đủ chi tiết hơn.

Darwin không phải là người đầu tiên phổ biến ý niệm rằng chủng loại đã không được sáng tạo một cách riêng biệt và độc lập mà đã bắt nguồn và tiến hóa từ các chủng loại khác. Hai tác giả nổi bật trước Darwin đã đưa ra ý niệm nầy là Jean-Baptiste Lamarck và Robert Chambers. Tuy chi tiết về các lý thuyết của họ khác biệt đôi chút với lý thuyết của Darwin, và sự tiến triển của khoa học ngày nay cho thấy các lý thuyết của họ không chính xác, nhưng họ vẫn có công đã giới thiệu ý niệm “tiến hóa” đến với các khoa học gia sau nầy, kể cả Darwin.

Vài học giả về thiên nhiên cùng thời với Darwin cho rằng các yếu tố về môi trường sống như nhiệt độ, thức ăn, v.v. là nguyên nhân chính dẫn đến sự biến thể trong chủng loại. Darwin cho rằng phải có yếu tố chính yếu nào đó khác nữa mới có thể dẫn đến sự thích ứng hoàn hảo trong cấu trúc cũng như khả năng sinh sống của các chủng loại hiện hữu.

Darwin dựa trên những quan sát của ông về động thực vật trong thiên nhiên cũng như những chủng loại đã được thuần hóa và canh tác bởi con người để đưa đến một lý thuyết có thể giải thích vì sao có hiện tượng thích ứng hoàn hảo trên, và từ đó đưa đến nguồn gốc của những chủng loại.

Darwin giới thiệu một khái niệm gọi là “sự tuyển chọn bởi thiên nhiên”. Nguyên lý “tuyển chọn bởi thiên nhiên” cho rằng: 1/ có những sự biến thể xảy ra tự nhiên trong chủng loại, và 2/ chủng loại nào có các đặc điểm, hay đã biến thể để có được các đặc điểm, ích lợi trong môi trường sống của chúng sẽ được thiên nhiên “tuyển chọn” để có nhiều cơ hội sống còn hơn các chủng loại khác.

Darwin cũng trình bày rõ ràng về phương pháp lý luận khoa học mà ông dùng để khảo cứu vấn đề nầy. Hai nguyên lý chính được Darwin nhấn mạnh là: quan sát và thí nghiệm. Phương cách khảo cứu của Darwin dựa trên lối lý luận quy nạp; có nghĩa là dùng những thí dụ cụ thể có thật trong thực tế để dẫn giải đến những kết luận bao quát hơn. Đây là một phương pháp lý luận được sử dụng rộng rãi đem lại uy tín và vị thế cho các kiến thức và khám phá trong lãnh vực khoa học xưa nay.

Luận Giảng

Tuy Darwin tuyên dương phương pháp khoa học mà ông sử dụng để dẫn đến lý thuyết của ông, ông cũng đề cập gián tiếp đến sự thiếu chắc chắn hoàn toàn trong những khám phá của khoa học. Đây là một tính chất đặc thù về các khám phá và lý thuyết dựa trên phương pháp khoa học: luôn luôn có thể có những dữ kiện mới, những khám phá mới, những lý thuyết mới chính xác và hoàn hảo hơn các khám phá và lý thuyết hiện hữu. Nhờ tính chất đặc thù nầy mà kiến thức trong lãnh vực khoa học ngày càng mở rộng chớ không bế tắc bởi định kiến bảo thủ như trong một vài lãnh vực khác.

Darwin hiểu rằng vì bản chất của phương pháp lý thuyết khoa học kể trên, ông không thể nào cam đoan một sự chắc chắn hoàn toàn trong lý thuyết về sự tuyển lựa của thiên nhiên. Ở đây khi Darwin trình bày về sự chưa toàn hảo nầy, ông đón mời lời phê bình từ độc giả về lý thuyết của ông. Tương tự, khi ông phát biểu những nghi ngại của ông về các lý thuyết của những học giả khác, ông cũng xác định sự thiếu chắc chắn hoàn toàn vốn có sẵn trong các phương pháp và lý thuyết khoa học. Darwin cho thấy tuy phương pháp khoa học đã đem đến uy tín và vị thế cho sự khám phá về nguồn gốc của chủng loại, uy tín và vị thế nầy không thể tuyệt đối được.

Sự kiện Darwin đã hối hả ấn hành quyển Nguồn Gốc Chủng Loại trước khi học giả thiên nhiên cùng thời Alfred Russel Wallace ấn hành công trình khảo cứu của ông (tiểu luận “Khuynh Hướng của Loài Giống Tách Rời Vô Hạn khỏi Chủng Loại Gốc của Chúng”) cũng đã đưa đến ít nhiều dư luận. Vì Darwin đã có dịp đọc qua bản thảo của Wallace trước khi quyển Nguồn Gốc Chủng Loại ra đời, có người cũng đã kết tội Darwin ăn cắp lý thuyết của Wallace.

Qua quyển Nguồn Gốc Chủng Loại, Darwin cho thấy rõ sự ngưỡng mộ thiên nhiên tuyệt cùng của ông. Từ sự ngưỡng mộ đó, ông nhận ra được thiên nhiên đã “cho phép” mỗi chủng loại đạt đến đỉnh cao trong khả năng thích ứng của chúng trong môi trường sống. Nói cách khác, mỗi chủng loại đều có những đặc tính giúp chúng sống thích ứng được nhất trong môi trường của chúng. Các học giả thiên nhiên theo phái thần học cho rằng hiện tượng trên là bằng chứng có sự “thiết kế thông minh” của một đấng sáng tạo. Trong khi ấy theo Darwin thì đó thật ra là bằng chứng cho thấy sự hiện hữu của một quá trình “tuyển chọn bởi thiên nhiên”.

CHƯƠNG 1

Sự Biến Thể trong những Sinh Vật đã được Thuần Hóa bởi Con Người

  Từ nhiều ngàn năm trước, con người đã bắt đầu thuần hóa (tức là chăn nuôi và canh tác) nhiều động thực vật khác nhau. Họ quan sát thấy rằng các con thú sinh ra bởi cùng cha mẹ hầu như không bao giờ hoàn toàn giống nhau. Có những con thú mang một vài đặc điểm khác hẳn với anh chị em của chúng. Hơn thế nữa, có khi có những con thú mang vài biến thể dị biệt chưa bao giờ thấy trong các thế hệ cha mẹ, ông bà của chúng. Các hiện tượng nầy xảy ra thường xuyên trong động vật cũng như trong thực vật.

Nhiều biến thể dị biệt xảy ra ở một thế hệ nào đó có thể di truyền được sang những thế hệ sau.

Darwin nhận thấy rằng những chủng loại đã được thuần hóa ngày nay có thể được phân chia ra nhiều các tiểu loại hơn các chủng loại trong thiên nhiên. Thí dụ như có rất nhiều các giống lúa, cam, táo, v.v. trong nông nghiệp so với các giống lúa, cam, táo, v.v. hoang trong thiên nhiên. Tương tự, có rất nhiều giống bò, heo, gà, chó, v.v. được chăn nuôi bởi con người so với các số giống bò, heo, gà, chó, v.v. hoang trong thiên nhiên.

Darwin cho rằng hiện tượng nầy có liên quan đến hiện tượng biến thể dị biệt vừa kể trên.

Nhiều khoa học gia cùng thời Darwin cho rằng sự biến thể và khác biệt của các chủng loại là do điều kiện của môi trường sống (như sự khác biệt về thức ăn, nhiệt độ, v.v.). Đó là thí dụ tại sao các loài thú sống ở vùng lạnh thường có lông dầy và nhiều mỡ dự trữ trên thân hơn so với các loài thú ở vùng ấm áp. Tuy vậy, Darwin nghĩ đây không phải là nguyên do chính yếu dẫn đến sự biến thể trong chủng loại; đó là vì có những sự biến thể mới vẫn xảy ra trong những chủng loại đã được thuần hóa từ lâu đời rồi trong khi không hề có một sự thay đổi nào ở môi trường sống của chúng.

Darwin cũng không đồng ý với lý thuyết cho rằng thói quen sử dụng một bộ phận nào đó trong cơ thể (nghĩa là bộ phận đó được sử dụng nhiều) là nguyên do chính yếu của sự biến thể trong chủng loại. Tuy ông công nhận thói quen sử dụng khác nhau có thể đưa đến cấu trúc cơ thể khác nhau, thí dụ như loài vịt không biết bay có chân phát triển lớn mạnh trong khi loài vịt biết bay có cánh phát triển lớn mạnh, ông vẫn thấy lý thuyết nầy không giải thích được nhiều trường hợp biến thể rõ rệt khác.

Theo Darwin, tính di truyền của những biến thể dị biệt kể trên mới là cơ cấu chính yếu đưa đến sự biến thể trong chủng loại. Những sinh vật cha mẹ truyền các đặc điểm dị biệt của chúng xuống con cháu, và một số các đặc điểm dị biệt nầy được tiếp tục truyền xuống các thế hệ tiếp sau. Sự di truyền giải thích được tại sao thỉnh thoảng có những biến thể chưa hề thấy lại đột nhiên xuất hiện trong cá nhân một động thực vật và rồi sau đó lại tái xuất hiện trong các thế hệ con cháu của chúng.

Darwin nhìn nhận khoa học trong thời đại ông không có đủ kiến thức để thấu hiểu về quy luật di truyền. Thí dụ như không ai biết rõ tại sao có khi có những đặc điểm dị biệt xuất hiện tự nhiên và đột ngột trong một vài cá nhân; cũng như tại sao có những biến thể nhảy một vài thế hệ, xảy ra trong cha mẹ nhưng không xảy ra trong con cái của chúng, và rồi lại tái xuất hiện trong con cái của con cái của chúng.

Có những biến thể đem đến ích lợi hay hợp sở thích của con người. Con người lựa chọn những cá nhân, những nhóm động thực vật nào có những biến thể mang ưu điểm để cho phép chúng sinh sản và tồn tại trong tương lai. Khi các biến thể dạng nầy xảy ra qua nhiều thế hệ và càng tích tụ chồng chất lên nhau thì những ưu điểm trên trong các thế hệ hậu sinh càng rõ rệt, và đồng thời chúng càng dần dần biến đổi khác biệt đi. Đến một mức độ khác biệt nào đó, các thế hệ sau sẽ được xem là những tiểu loại, hay có khi là những chủng loại mới.

Nói cách khác, trong quá trình chăn nuôi và canh tác, con người tích cực và liên tục tuyển chọn những tiểu loại, và chủng loại, nào có ích lợi hay hợp với sở thích của họ nhất. Các tiểu loại và chủng loại nầy sẽ được con người giữ lại để phát triển. Các tiểu loại và chủng loại không ích lợi hay không hợp sở thích của họ sẽ bị loại bỏ ra và bị tuyệt giống đi.

Ngoài những đặc tính có lợi hiển nhiên cũng có khi có những đặc tính tiềm ẩn rất khó nhận biết. Những đặc điểm ích lợi tiềm ẩn có thể được tích tụ qua nhiều thế hệ chăn nuôi và canh tác mà không do sự chủ động của con người. Thí dụ như một số loài vật có thể phát triển khả năng chống cự lại bệnh tật gây ra bởi một số vi khuẩn; hay thí dụ như có giống cừu mà những con nào lông trắng thì có thể ăn và tiêu hóa được một số cây lá có độc tố trong khi các con cừu lông đen tuy cùng giống nhưng sẽ bị trúng độc. Tuy vậy, kết quả vẫn là những sinh vật nào mang các đặc tính hữu ích nầy sẽ được con người ưa chuộng hơn những giống khác.

Trong Chương 1 nầy, Darwin chú trọng về nguồn gốc của các sinh vật đã được chăn nuôi và canh tác bởi con người. Trong đa số trường hợp, không ai có thể xác định rõ ràng một chủng loại đã phát xuất từ một chủng loại gốc duy nhất hay từ nhiều chủng loại gốc khác nhau.

0