28/02/2018, 14:28

Lối thoát hiểm bí mật của Giáo hoàng ở thành Vatican

Hành lang bí mật giữa lòng thành Vatican từng cứu sống Giáo hoàng Clement VII khi thành Rome bị bao vây. Theo Ancient Origins, Passetto di Borgo, gọi tắt là Passetto , là hành lang nối giữa Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở thành Vatican và lâu đài Castel Sant' Angelo. Hành lang này nằm ...

Hành lang bí mật giữa lòng thành Vatican từng cứu sống Giáo hoàng Clement VII khi thành Rome bị bao vây.

Theo Ancient Origins, Passetto di Borgo, gọi tắt là Passetto, là hành lang nối giữa Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở thành Vatican và lâu đài Castel Sant' Angelo. Hành lang này nằm bên trên một bức tường cũ bao quanh thành, được các đời giáo hoàng sử dụng làm lối thoát hiểm bí mật khi gặp sự cố.

Trước đây, do không có tường bao bảo vệ, Vương cung thánh đường Thánh Phêrô từng bị cướp biển tấn công hai lần vào năm 830 và 846. Dưới sự thúc giục của hoàng đế La Mã Lothair I, Giáo hoàng Leo IV cho dựng một bức tường bảo vệ quanh công trình năm 850. Bức tường dài ba kilomet và có 44 tháp canh.

Một đoạn hành lang Passetto nhìn từ trên cao.
Một đoạn hành lang Passetto nhìn từ trên cao. (Ảnh: Fabrizio Troiani).

Passetto không nằm trong thiết kế ban đầu của Giáo hoàng Leo IV. Năm 1377, ý tưởng xây dựng Passetto ra đời khi các giáo hoàng trở về Rome sau kỳ khổ tu ở Avignon, Pháp. Họ nhận thấy lối đi thông giữa nơi ở của họ và lâu đài Castel Sant' Angelo rất quan trọng trong trường hợp cần trốn chạy đến nơi an toàn. Giáo hoàng Pope Nicholas III, giữ chức từ năm 1277 đến 1280, là người quyết định xây hành lang. Lối đi này được tu sửa vào cuối thế kỷ 15 dưới thời Giáo hoàng Alexander VI.

Passetto trở nên nổi tiếng sau khi được Giáo hoàng Clement VII sử dụng trong sự kiện thành Rome bị cướp phá năm 1527. Ngày 6/5/1527, đội lính đánh thuê của Đức tràn vào và cướp phá thành Rome suốt 8 ngày. Đức Giáo hoàng sống sót sau sự kiện nhờ được đội cận vệ Thụy Sĩ dẫn qua hành lang Passetto đến nơi an toàn trong lâu đài Castel Sant' Angelo. Trong số 189 cận vệ Thụy Sĩ thực hiện nhiệm vụ hôm đó, chỉ có 42 người sống sót.

Trong nhiều thế kỷ sau, Passetto không được các giáo hoàng sử dụng, cũng không mở cửa cho khách tham quan. Đội cận vệ Thụy Sĩ vẫn giữ một chiếc chìa khóa dành riêng cho giáo hoàng trong trường hợp khẩn cấp. Năm 2000, Passetto được tôn tạo và mở cửa vào mùa hè cho một lượng nhỏ khách tham quan do phần lớn hành lang xuống cấp và trở nên không an toàn sau thời gian dài bỏ không.

0