28/02/2018, 14:28

Những trận chiến kinh điển làm thay đổi lịch sử thế giới

Lịch sử nhân loại đã chứng kiến nhiều trận chiến không những ác liệt mà còn làm thay đổi số phận của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Có cuộc chiến mở ra niềm hi vọng tự do, độc lập nhưng bên cạnh đó, cũng tồn tại những trận chiến bắt đầu cho một thời kì đen tối và đáng sợ… 1. Trận ...

Lịch sử nhân loại đã chứng kiến nhiều trận chiến không những ác liệt mà còn làm thay đổi số phận của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Có cuộc chiến mở ra niềm hi vọng tự do, độc lập nhưng bên cạnh đó, cũng tồn tại những trận chiến bắt đầu cho một thời kì đen tối và đáng sợ…

1. Trận chiến Marathon

Vào khoảng năm 500 TCN, Đế quốc Ba Tư đã trở thành một vương triều hùng mạnh ở Tây Á. Dù đã nắm giữ một diện tích khổng lồ gần 2 triệu km2 tại châu Á, Ai Cập… nhưng với lòng tham vô đáy, hoàng đế Ba Tư - Darius I tự phong mình là “vua của các vị vua” và tiến hành xâm lăng chinh phục, mở rộng lãnh thổ của mình.

Trận marathon

Darius I lần lượt chiếm lấy Ấn Độ, Thracia (nay là Thổ Nhĩ Kỳ), dẹp tan cuộc nổi dậy ở Babylon… Trên đà chiến thắng, vị vua quyền lực quyết định mở rộng đế chế của mình qua Hy Lạp.

Tuy nhiên, Hy Lạp thời đó chỉ là tập hợp của nhiều thành bang, trong đó mạnh mẽ nhất là thành Athens và Sparta. Những cư dân ở đây luôn có tinh thần tự chủ, yêu nước nên không đời nào chịu khuất phục trước Ba Tư. Khi sứ giả của vua Darius I tới Hy Lạp để yêu cầu dân chúng cống nộp sản vật, họ liền bị bao vây, đem đi chặt đầu.

Trận marathon

Darius tức giận, tiến hành cuộc viễn chinh xứ Theraso của Hy Lạp nhưng dưới sự đoàn kết của dân chúng, cuộc xâm lược liền nhanh chóng thất bại. Vị hoàng đế không hề nao núng, ông dồn sức chuẩn bị quân lực và lương thảo để "phục thù". Đúng hai năm sau, với hơn 72.000 quân, đế quốc Ba Tư tiến hành xâm lược thành Athens chỉ với 600 chiến thuyền và 10 vạn quân với quyền chỉ huy của tướng Datis.

Tuy nhiên, thành Athens lại làm nên kì tích tại thung lũng Marathon, cách Athens 42km. Quân Hy Lạp lựa chọn địa hình Marathon vì nơi đây có vùng đất ngập nước hạn chế tối đa sự di chuyển của kị binh Ba Tư đông đúc.

Cuộc viễn chinh xứ Theraso

Quân của Hy Lạp tuy ít nhưng lại được bố trí theo đội hình khi tấn công khi phòng ngự, tất cả các chiến binh đều tiến, lùi cùng nhau một cách hợp lý, khác với quân Ba Tư đông đảo nhưng thiếu kỉ luật và hèn nhát. Chính vì vậy, quân đội Athens dễ dàng đẩy lùi quân xâm lược, giết chết 6.400 lính Ba Tư mà chỉ thiệt hại có 200 lính Hy Lạp.

Sau trận Marathon, hàng loạt cuộc nổi dậy của thuộc địa chống lại Ba Tư nổ ra khắp nơi. Nhiều quốc gia đã giành lại được chủ quyền và không ít dân tộc thoát khỏi kiếp nô lệ. Đế quốc Ba Tư dần suy yếu và từ bỏ âm mưu xâm lược quốc gia nhỏ lân bang.

2. Cuộc chiến ở Cajamarca

Trận Cajamarca diễn ra vào năm 1532, là đợt tấn công táo bạo và bất ngờ của người Tây Ban Nha đối với Đế chế Inca. Cuộc chiến này mở đầu cho sự xâm lược đẫm máu của các đế quốc châu Âu lên các tộc thổ dân châu Mỹ.

Nguyên nhân của cuộc chiến là do nhà thám hiểm Francisco Pizarro và 168 tùy tùng của ông đã yêu cầu hoàng đế Atahualpa của Inca phải cải sang đạo Kitô. Atahualpa cầm quyển Kinh Thánh ném xuống sàn nhà như một lời thách đấu.

Cuộc chiến ở Cajamarca

Một cuộc chiến xảy ra vào ngày 16/11/1532, quân Tây Ban Nha chỉ có 168 người nhưng với những trang bị hiện đại là súng, pháo thần công, bộc phá đã đập tan quân đội 8.000 người của đế chế Inca.

Vua Atahualpa bị bắt sống và đã ra giá chuộc tự do cho mình với người Tây Ban Nha bằng số vàng nhét đầy căn phòng đang giam giữ ông. Pizarro đồng ý thỏa thuận nhưng khi người Inca đáp ứng đủ số của cải để chuộc, nhà thám hiểm Tây Ban Nha liền bội ước.

Những người Tây Ban Nha tiếp tục duy trì sự giam giữ vua Atahualpa như một nguồn cung ứng các đòi hỏi của họ. Cuối cùng, khi sự chu cấp cạn kiệt cũng là lúc người Tây Ban Nha kết thúc sự sống của Atahualpa - vào tháng 8/1533.

Pizarro lập nên thành phố Lima ngay sau đó và nó trở thành trung tâm của đất nước Peru. Chiến thắng của ông tạo tiền đề cho sự xâm lược của thực dân châu Âu lên hàng loạt các vương quốc ở châu Mỹ.

3. Trận Waterloo

Năm 1814, các nước châu Âu vì quá sợ hãi khả năng cầm quân của Napoleon đã liên kết lại để cùng lật đổ Hoàng đế Napoleon Bonaparte. Vị hoàng đế bất bại phải thoái vị và bị đày lên một hòn đảo nhỏ ở Địa Trung Hải.

Nhưng vị vua này không chịu ngồi yên, biết được dân chúng Pháp vẫn ủng hộ mình nên ông đã bí mật trốn khỏi nơi giam cầm quay trở về nước. Nhận được tin, vua Pháp bấy giờ đã cử quân đội đến để bắt giữ ông nhưng hết đoàn quân này đến đoàn quân khác được cử đi để bắt Napoleon cuối cùng lại quay về dưới quyền chỉ huy của hoàng đế cũ.

Trận Waterloo

Quá lo sợ sức mạnh của Napoleon sẽ khiến cho toàn bộ quốc gia châu Âu mất chủ quyền, liên quân Anh, Áo, Nga và Phổ quyết định tấn công hoàng đế Pháp tại làng Waterloo.

Napoleon trì hoãn trận đánh đến trưa ngày 18/6 để chờ mặt đất khô ráo. Quân của liên minh do Wellington đứng đầu đã chống trả nhiều đợt tấn công dữ dội của quân Pháp cho đến chiều tối. Tưởng chừng quân đội do Napoleon chỉ huy đã đánh vỡ được phòng tuyến của liên minh thì quân Phổ kéo tới, xuyên thủng cánh phải đội quân Napoleon.

Liên quân Anh, Áo, Nga và Phổ quyết định tấn công hoàng đế Pháp tại làng Waterloo

Lúc đó, quân của Wellington cũng phản công và khiến quân Pháp phải rút lui trong rối loạn. Lực lượng liên quân truy đuổi sau đó, tiến vào Pháp và phục hồi vương vị cho vua Louis XVIII.

Napoleon phải thoái vị và bị lưu đày tới đảo Saint Helena - nơi ông qua đời vào năm 1821. Nhiều người cho rằng, giả sử nếu ngày ấy, liên minh của Wellington thất bại trước Napoleon thì khó có một quốc gia nào có thể "đấu" lại được trước tài cầm quân của hoàng đế nước Pháp.

Cuộc chiến này đưa Anh vươn lên vị trí siêu cường lúc bất giờ, đồng thời giúp châu Âu thoát khỏi ách bá quyền, đem lại hòa bình, mở đường cho sự thống nhất nước Đức sau này.

4. Trận chiến Stalingrad

Cuộc chiến Stalingrad bắt đầu từ 17/7/1942 trong lúc quân Đức đang trên đà bất bại với sức mạnh kinh khủng của mình. Quân đội Liên Xô dù đã cố duy trì các phòng tuyến nhưng đã bị các đơn vị bộ binh Đức với số lượng vượt trội chia cắt, chiếm lĩnh tới 90% thành phố.

Trận chiến Stalingrad

Với ý chí quyết chiến, Hồng Quân đã trụ vững, giữ lấy 10% thành phố còn lại cho đến mùa Đông và phản công trong tháng 11, tiêu diệt 841.000 quân Đức, đẩy lùi quân xâm lược ra khỏi Stalingrad.

Chiến thắng này được xem là bước ngoặt quyết định về chính trị, quân sự và tâm lý của Chiến tranh thế giới thứ II vì đây là lần đầu tiên quân đội vô địch của nước phát xít Đức bị đánh bại trong một trận đánh tiêu diệt lớn, với gần 1/4 quân số toàn chiến trường Xô - Đức bị tiêu diệt.

Thậm chí, thắng lợi này còn được xem là một trong những bước ngoặt quyết định hơn cả của nhân loại trong thế kỷ XX, mang lại lợi thế và củng cố niềm tin thắng lợi. Từ đây, quân đội Đồng Minh từ thế thất thủ, chuyển qua giai đoạn phản công, đẩy lùi lực lượng Phát xít trên khắp các mặt trận.

5. Trận Tours

Trận Tours (ngày 10 tháng 10 năm 732), còn được gọi là trận Poitiers là một trận chiến diễn ra ở một địa điểm giữa các thành phố Poitiers và Tours, nằm ở phía bắc trung tâm nước Pháp, gần ngôi làng Moussais-la-Bataille, khoảng 20 km (12 dặm) về phía đông bắc của Poitiers. Vị trí của trận chiến ở gần biên giới giữa vương quốc Frank và công quốc Aquitaine.

Trận Tours

Trận chiến là cuộc đọ sức giữa lực lượng liên quân của người Frank và Burgundy dưới sự chỉ huy của tể tướng Charles Martel chống lại một đội quân Hồi giáo của vương triều Umayyad dưới sự chỉ huy của Abdul Rahman Al Ghafiqi, viên Tướng toàn quyền vùng Al-Andalus. Người Frank đã chiến thắng, Abdul Rahman Al Ghafiqi đã bị giết, và sau đó Charles mở rộng quyền lực của mình ở phía nam.

Các nhà viết sử thế kỷ 9 đã giải thích kết quả của cuộc chiến như là một phán xử của Thiên Chúa mang lại ân huệ cho người Công giáo. Những thông tin chi tiết của trận đánh, bao gồm cả vị trí của nó và số lượng cụ thể của binh lính đôi bên, không thể được xác định một cách chính xác từ các ghi chép còn sót lại. Một điều rất đáng chú ý là quân Frank thắng trận mà không hề có lực lượng kỵ binh hỗ trợ.

Người châu Âu hết sức ca ngợi trận đánh này và xem nó là sự kiện bước ngoặt trong việc ngăn cản các thế lực Hồi giáo xâm nhập vào châu Âu. Hầu hết các sử gia cũng đều công nhận rằng trận đánh này đã góp phần vào việc hình thành Đế chế Frank và sự thống trị của người Frank tại châu Âu trong thế kỷ tiếp theo.

0