Loài cỏ nào sống thọ nhất hành tinh?
Ảnh minh họa Sophie Arnaud-Haond, một nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Pháp, cùng các đồng nghiệp đã lấy mẫu từ 40 bãi cỏ biển Posidonia oceanica trên một khu vực có chiều dài tới 3.500km. Họ nhận thấy cấu trúc gene của các mẫu cỏ giống hệt nhau và tính toán rằng chúng đã tồn tại ...
Ảnh minh họa
Sophie Arnaud-Haond, một nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Pháp, cùng các đồng nghiệp đã lấy mẫu từ 40 bãi cỏ biển Posidonia oceanica trên một khu vực có chiều dài tới 3.500km. Họ nhận thấy cấu trúc gene của các mẫu cỏ giống hệt nhau và tính toán rằng chúng đã tồn tại hơn 100.000 năm, Livescience đưa tin.
"Cỏ Posidonia oceanica là một trong những sinh vật có tuổi lớn nhất hành tinh", Arnaud-Haond phát biểu.
Nhóm nghiên cứu cho rằng cỏ Posidonia oceanica sinh sản bằng cả hai phương pháp: hữu tính và vô tính.
“Điều đó có nghĩa là chúng có thể sinh sản bằng cách kết hợp gene của cả cá thể đực và cá thể cái, hoặc nhân bản bộ gene của một cá thể để tạo ra cây mới”, Sophie giải thích.
Bộ gene của sinh vật sinh sản vô tính được sao chép nguyên vẹn qua nhiều thế hệ nên chúng không thay đổi sau hàng nghìn năm.
Nếu dự đoán về tuổi của cỏ Posidonia oceanica được chứng minh là đúng, chúng sẽ đứng đầu danh sách những dạng sống đa bào tồn tại lâu nhất trên trái đất. Hiện tại sinh vật đa bào sống lâu nhất là một loài cây trên đảo Tasmania của Australia. Nó đã tồn tại hơn 43.000 năm nhờ phương pháp sinh sản vô tính.
Một giả thuyết cho rằng quá trình nhân bản vô tính không thể diễn ra mãi mãi vì những đột biến nhỏ trong quá trình sao chép sẽ tích tụ trong các gene theo thời gian.
“Phần lớn đột biến sẽ gây nên tác động tiêu cực. Sau khi hiện tượng thoái hóa xuất hiện ở một số thế hệ nhất định, sinh vật sẽ biến mất. Vì thế tuổi của những sinh vật vô tính cũng có giới hạn”, vị tiến sĩ nói.
Nhưng sự tồn tại của những mẫu cỏ Posidonia oceanica khiến nhiều nhà khoa học nghi ngờ giả thuyết về giới hạn tuổi của sinh vật có khả năng sinh sản vô tính.
“Chúng tôi có thể chứng minh bằng mô hình rằng cỏ Posidonia oceanica có một cơ chế sinh sản vô tính nào đó giúp chúng tránh được những đột biến xấu”, Arnaud-Haond khẳng định.