18/06/2018, 11:18

Liệu Vũ trụ đã được tạo ra để có mục đích nhất định nào không?

Một số nhà vật lý thiên văn nghĩ rằng, nếu đã có sự điều chỉnh những điều kiện tự nhiên ban đầu rất tinh tế như thế, thì Vũ trụ nguyên thủy ắt phải được thiết kế riêng để sự sống có hiểu biết cao xuất hiện sau này. Họ cho rằng sự chọn lựa ban đầu không thể là do ngẫu nhiên. Vũ trụ đã được tạo ra cố ...

Một số nhà vật lý thiên văn nghĩ rằng, nếu đã có sự điều chỉnh những điều kiện tự nhiên ban đầu rất tinh tế như thế, thì Vũ trụ nguyên thủy ắt phải được thiết kế riêng để sự sống có hiểu biết cao xuất hiện sau này. Họ cho rằng sự chọn lựa ban đầu không thể là do ngẫu nhiên. Vũ trụ đã được tạo ra cố ý để loài người xuất hiện hàng tỷ năm về sau. Quan điểm này đã trở thành một nguyên lý và được gọi là “nguyên lý vị nhân” (vì loài người) và là đề tài tranh luận giữa những nhà khoa học. Nguyên lý này ngụ ý là có một Đấng Tối cao, một Đấng Sáng tạo trị vì Vũ trụ và cũng đồng thời thích hợp với “thuyết nhân tâm” coi nhân loại là trung tâm của tất cả thế gian. Nguyên lý vị nhân tỏ ra đối lập với tư tưởng cách mạng của Copernic, vì tư tưởng này cho rằng trái đất không phải là trung tâm vũ trụ. Một số người ủng hộ tư tưởng nguyên lý vị nhân trong đó có Đức Giám mục George Coyne, nhà thiên văn và thành viên cuả Viện Hàn lâm Giáo hoàng Khoa học Vatican. Họ nghĩ rằng nguyên lý này có thể có tác dụng tốt đối với công việc nghiên cứu vũ trụ, do kết hợp được thần học với khoa học. Các nhà vũ trụ học thì tin rằng những giải thích có tính vị nhân chỉ có thể được dùng sau khi tất cả các lý lẽ dựa trên ngành khoa học vũ trụ thất bại.

Một phong trào dựa trên thuyết sáng tạo gọi là “thiết kế thông minh” đã được phổ biến rộng rãi tại một số quốc gia. Theo học thuyết này, sự sắp đặt có quy củ và vẻ đẹp cuả Vũ trụ phải nảy sinh từ một nguyên nhân thông minh nào đó, chứ không phải do một hiện tượng ngẫu nhiên. Thuyết thiết kế thông minh dường như có cơ sở lý thuyết vật lý thiên văn, đặc biệt là nguyên lý vị nhân tuy nguyên lý chưa được công nhận, nhưng kỳ thực thuyết này dựa trên tư tưởng thần học. Thuyết thiết kế thông minh mâu thuẫn với thuyết Darwin khẳng định rằng sự tiến hoá của muôn loài đã được thực hiện bằng sự chọn lọc tự nhiên, không có sự can thiệp của cuả một Đấng Sáng tạo. Đôi khi, thuyết thiết kế thông minh cũng được giảng dạy tại một số trường học để cạnh tranh với thuyết Darwin.

Những mô hình vũ trụ mô tả nguồn gốc và sự tiến hoá cuả Vũ trụ đã được xây dựng trên những kết quả quan sát thiên văn và những lý thuyết vật lý phức tạp. Sở dĩ những điều kiện tự nhiên trong Vũ trụ nguyên thủy được điều chỉnh tinh tế, nên có các nhà khoa học nảy ra ý kiến là có sự can thiệp cuả một thực thể tương tự như một Đấng Sáng tạo. Hiện tượng này tỏ ra thích hợp với tư tưởng của những tôn giáo độc thần, như Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo. Ngược lại, khái niệm sáng tạo không phù hợp với tư tưởng Phật giáo. Đạo Phật được coi là một tôn giáo không có Thượng đế, thậm chí chỉ là một thuyết triết học. Phật tử phải sống theo đạo lý cuả Phật giáo để được giác ngộ và thoát ra khỏi vòng luân hồi liên miên đầy đau khổ. Theo Phật giáo, Vũ trụ không có khởi điểm và cũng không có kết thúc. Tư tưởng này hoà hợp với thuyết đa vũ trụ, cho là có nhiều vũ trụ bong bóng vĩnh hằng và bất di bất dịch, không trải qua trạng thái nóng đặc của thuyết Vụ Nổ Lớn.

Tuy nhiên, tín ngưỡng là lòng tin thâm thúy của mỗi người và không cần phải được biện hộ bằng những chứng cứ khoa học. Tôn giáo và khoa học đi theo những con đường song song với nhau mà không bao giờ gặp nhau.

Nguyễn Quang Riệu

0