Darwin, từ tư duy hình thức tới tư duy biện chứng
Nhật báo Le Monde và nhà xuất bản Flammarion đăng và bán, trong một ngày thôi, quyển L'origine des espèces của Darwin với giá 1 €, mở màn đăng "những quyển sách đã thay đổi thế giới", mỗi thứ 5 một quyển. Ôi, thế thì, mỗi tuần ta chỉ bỏ ...
Nhật báo Le Monde và nhà xuất bản Flammarion đăng và bán, trong một ngày thôi, quyển L'origine des espèces của Darwin với giá 1 €, mở màn đăng "những quyển sách đã thay đổi thế giới", mỗi thứ 5 một quyển. Ôi, thế thì, mỗi tuần ta chỉ bỏ 5€ thôi và chịu khó đọc một quyển trong bộ sách này thì sau một năm, ta có thể bớt ngu nhiều. Tôi đã mua quyển sách ấy với giá ấy. Nay đã đọc "lại". Phải nói : rất chán ! Cơ bản, đây là một cuộc tranh luận giữa Darwin với những thành kiến của thời ông, những thành kiến mà, hôm nay, người làm khoa học chẳng mấy ai tin nữa. Nhưng đấy cũng là giá trị lớn nhất của quyển sách : một cuộc tranh luận khổng lồ giữa nhiều thế kỷ tín ngưỡng của một nền văn minh với một cá nhân muốn hiểu.
Cuộc tranh luận ấy có thể tóm tắt, một cách thô bạo, như thế này.
Nói chung, tới thời Darwin, hầu hết trí giả đều chấp nhận sự mô tả thế giới tự nhiên của Linné : "vật giới", thảo giới, thú giới (règne minéral, végétal, animal) và, trong thú giới, sự sắp xếp của ông (Wikipedia) :
(vivant, sinh giới) → règne (giới) → embranchement (ngành) → classe (lớp) → ordre (bộ) → famille (họ) → genre (chi) → espèce (loài)
Thí dụ, cho loài người đời nay (Homo sapiens) :
(vivant, sinh giới) → règne animal (thú giới) → embranchement des vertébrés (ngành có xương sống) → classe des mammifères (lớp có vú) → ordre des primates (bộ khỉ) → famille des hominidés (họ=không tìm ra trong từ điển) → genre Homo (chi Người) → espèce Homo sapiens (loài Người hiện đại).
Thêm bước nữa, có giống nòi : variétés.
Đậy là một bước đường kinh điển trong quá trình tiến tới tri thức : quan sát thế giới, đặt tên cho sự vật, sự kiện, mô tả chúng, sắp xếp chúng theo một thứ tự dễ nhớ, dễ chấp nhận vì nó dựa vào một số đặc tính chung có thể quan sát được của những sự vật. Nét đặc thù của cách tiếp cận và suy luận này là : phi thời gian tính, phi lịch sử tính. Người ta trải kiến thức trong không gian, thế thôi. Với cách suy luận này, không thể tưởng tượng ra được học thuyết của Darwin. Mỗi loài đã được tạo ra như nó là, không ai tưởng tượng được rằng con ruồi, con giun, con ếch và con người có một "cụ tổ" chung !
So với thời ông, trong lĩnh vực sinh học, học thuyết của Darwin có hai nét đặc biệt :
1/ Ông muốn tiếp cận "sự sống" trong thời gian tính của nó, tìm hiểu quá trình vận động khai sinh ra các hình thái của nó. Đây là nét đặc thù của cách tiếp cận và tư duy biện chứng : nó không tìm hiểu bản thể của sự vật hay sự kiện vì đối với nó không có gì tự tại, trường tồn, sự vật và sự kiện chỉ là những hình thái tồn tại tạm thời ổn định đối với nhãn quan giới hạn của ta ; nó tìm hiểu quá trình vận động khai sinh ra sự vật sự kiện.
2/ Trong nhiều môn khoa học, đơn vị đo lường thời gian có thể là ngày, tháng, năm, 10 thế kỷ. Trong môn sinh học, với cách tiếp cận và suy luận của Darwin, đơn vị đo lường thời gian là 100 triệu năm1 ! Quá trình vận động của sự sống trong thời gian ấy chẳng để lại bao nhiêu dấu vết, chắc chắn không đủ để chứng minh học thuyết của Darwin đúng.
Thực tế, Darwin đã quan sát sự vận động của những hình thái sống ngay trong thời đại của mình, xuyên qua những kinh nghiệm, kiến thức mà loài người đã tích lũy được. Từ đó ông suy diễn ra lôgích vận động của sự sống nói chung, từ thuở xa xưa hàng trăm triệu năm, dẫn tới những hình thái sống có thực ngày nay. Và ông đưa ra một quan điểm biện chứng để giải thích sự hình thành của các loài vật. Quan điểm ấy dựa trên hai khái niệm "sự tiến hoá" (vận động trong thời gian) xuyên qua "sự chọn lọc tự nhiên" (hành-sự trong môi trường, trong không gian ở một thời điểm nhất định). Hai khái niệm này thống nhất với nhau nhờ khái niệm "sự di truyền có thêm sự thay đổi2").
Vì thế, học thuyết của Darwin không là một môn khoa học. Nó "chỉ là" một lý thuyết khoa học (théorie scientifique) theo định nghĩa của Gerald Edelman : một giả thuyết đi đôi với những biện luận phải được sự kiểm nghiệm khẳng định hay phản bác. Điều ấy dễ hiểu : lý thuyết của Darwin chỉ có thể đứng vững nếu ta hiểu được một cách khoa học "sự di truyền" là gì. Chưa kể tới chuyện di truyền có thêm sự thay đổi trong lý thuyết ấy. Thời ông, sự di truyền là một niềm tin vu vơ, một khái niệm mơ hồ, một "nguyên lý" không có cơ sở khoa học. Chính ông biết rõ điều ấy nên ông mong đợi rằng ngành cổ sinh vật học tương lai sẽ mang lại những thông tin cho phép khẳng định lý thuyết của ông. Hôm nay, mong đợi ấy đã được đáp ứng nhưng nhờ một kiến thức… khác !
Người đầu tiên tạo ra một nền tảng khoa học khẳng định lý thuyết của Darwin là Mendel với công trình nghiên cứu sự di truyền của ông, công bố năm 1865, chỉ 6 năm sau sự chào đời của quyển Nguồn gốc của các loài ! (1859). Nhưng thời đó không ai quan tâm tới tác phẩm của Mendel.
Đến thế kỷ 20, người ta mới có khả năng tìm hiểu sự sống ở mức phân tử, định nghĩa, kiểm chứng bằng cách thao tác vào chương trình gien của các loài sinh vật, xác định "sự di truyền" là gì và vận động ra sao. Dựa vào những kiến thức ấy, ngành cổ sinh vật học khám phá được trong ADN của nhiều di thể những bộ gien cho phép khẳng định quan điểm của Darwin. Lúc ấy lý thuyết của Darwin mới được dứt khoát khẳng định : đây là một cách tiếp cận và tư duy khoa học có thể làm sợi chỉ đỏ hướng dẫn suy luận của con người trong nhiều ngành khoa học của môn sinh học.
Darwin lớn ở đó.
Văn hoá Anh sau thời Phục Hưng quả là đồ sộ. Newton, một đỉnh cao của khoa học vật lý. Darwin lập nền tảng cho sinh học. Adam Smith lập nền tảng cho kinh tế chính trị học. Shakespeare và biết bao nhân tài khác trong những lĩnh vực của nghệ thuật và tư duy !