02/07/2018, 18:25

Lịch sử văn minh Châu Âu (bài 3)

Tỉnh giấc giữa đêm dài trung cổ Europe in 814 Tôn Thất Thông CHLB Đức Trong một bài viết trước đây, chúng ta đã đi đến kết luận tương đối chắc chắn rằng, ở ngưỡng cửa năm 1000, mọi dân tộc đều nghèo nàn lạc hậu như nhau, trình độ văn minh cũng tương đối ngang nhau. ...

Tỉnh giấc giữa đêm dài trung cổ

Europe_in_814_map

Europe in 814

Tôn Thất Thông

 CHLB Đức

Trong một bài viết trước đây, chúng ta đã đi đến kết luận tương đối chắc chắn rằng, ở ngưỡng cửa năm 1000, mọi dân tộc đều nghèo nàn lạc hậu như nhau, trình độ văn minh cũng tương đối ngang nhau. Ngoại trừ một thiểu số quan lại vua chúa và hàng giáo phẩm cao cấp sống xa hoa, còn lại thì mức sống của người dân trên các lục địa đều thô sơ như nhau, mặc không đủ ấm, ăn vừa đủ no để sinh tồn và duy trì nòi giống. Nhưng câu hỏi lý thú là: tại sao trong 800 năm tiếp theo, văn minh châu Âu vượt xa các lục địa khác, trong lúc châu Á giẫm chân tại chỗ? Một phần của câu trả lời – cũng là một phần rất quan trọng – có thể được tìm thấy khi khảo sát giai đoạn hậu trung cổ từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 16, giai đoạn mà nhà sử học François Guizot người Pháp gọi là thời kỳ thử nghiệm, mò mẫm tìm đường.

Xin giới thiệu với độc giả bài đầu tiên trong một loạt nhiều bài khảo sát giai đoạn thử nghiệm hết sức đặc thù này.

Giáo sư Guizot giảng tại đại học Sorbonne năm 1828: “Trong thời kỳ thử nghiệm, các thành tố của trật tự xã hội tiến sát lại gần nhau, tích hợp nhau cũng như loại trừ nhau mà tự các hoạt động đó, chúng chưa tạo nên một lực lượng nào chủ đạo chi phối tiến trình phát triển lâu dài và bền vững. Giai đoạn này kéo dài đến thế kỷ 16 hoặc lâu hơn[i]”.

Xã hội châu Âu từ thế kỷ thứ 11 đến 16 chưa thể gọi là một xã hội văn minh, nhưng những thử nghiệm trong giai đoạn này đã đặt nền móng cho các bước phát triển trong giai đoạn định hình nền văn minh về sau. Một tầng lớp trí thức mới được thành hình, có xu hướng suy nghĩ tự do, thoát ra ngoài khuôn sáo của ý thức hệ tôn giáo; hàng loạt đại học được thành lập với những qui chế tiến bộ tạo điều kiện để đại học hoạt động tự trị trong giảng dạy và nghiên cứu; tu viện không còn là nơi độc tôn thu hút giới tinh hoa đương thời; nghiên cứu triết học bắt đầu đi tìm một phương hướng cụ thể, lấy sự phát triển tự do cá nhân làm nền tảng; kỹ thuật in ấn được phát minh làm cho tri thức và văn hóa được lan truyền nhanh chóng; bản sắc châu Âu dù còn nhạt nhòa nhưng đã bắt đầu đơm hoa kết trái; khái niệm quốc gia đã thành hình rõ rệt, nhưng vẫn không làm mất tính chất quốc tế trong giao tiếp giữa các vùng với nhau; hoạt động kinh tế bắt đầu mang dáng dấp của phong cách hiện đại, sử dụng những phương pháp hiện đại trong thương mại, tài chánh, kỹ năng quản lý; kim loại quí, nhất là vàng và bạc mang về từ châu Mỹ làm cho lượng tiền lưu thông tăng, nhờ thế hoạt động thương mại tăng vọt. Và quan trọng hơn hết, vua chúa và giáo hội đã mất dần quyền lực tuyệt đối lên người dân, mở đường cho những thay đổi trong tư duy để phát triển văn hóa, triết học, khoa học và kinh tế.

Tất cả các yếu tố ấy đều bắt nguồn từ một khởi điểm: người châu Âu tự giải phóng ra khỏi khuôn viên chật hẹp của tình trạng độc tôn về triết học. Hay nói theo ngôn ngữ hiện đại hôm nay: họ đã thoát khỏi vòng kim cô của tình trạng độc quyền về văn hóa và tư tưởng. Không có sự bức phá này thì tư tưởng của giới trí thức vẫn tiếp tục nghèo nàn bảo thủ, lục địa châu Âu chắc hẳn vẫn còn tiếp tục lạc hậu như mọi nơi khác. Không có sự bức phá đó thì phong trào phục hưng, phong trào cải cách tôn giáo chắc hẳn sẽ bị trì hoãn rất lâu mới thành hình, và gắn liền với nó là sự trì hoãn phong trào khai sáng, vốn dĩ là nền tảng tư tưởng của mọi cuộc cách mạng về sau.

Trong thời kỳ thử nghiệm kéo dài hơn 500 năm, châu Âu trải qua ba giai đoạn khác nhau: đầu tiên là 300 năm bắt đầu hưng thịnh, lục địa châu Âu đã thấy ánh sáng sau đường hầm, người châu Âu đã khắc phục tình trạng mặc chưa đủ ấm, ăn vừa đủ no để bước qua nếp sống tương đối khá hơn, ăn no mặc đẹp và ưa trau dồi kiến thức. Tiếp đến là thế kỷ 14 tối đen với thiên tai, mất mùa, đói kém, dịch bệnh, tử vong chỉ còn lại 2/3 dân số. Sau cùng là sự vươn dậy toàn diện mọi mặt kinh tế, khoa học, triết học, nghệ thuật, văn chương. Đấy là thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa nhân bản và phong trào phục hưng, chấm dứt nếp sống trung cổ để bắt đầu bước vào thời kỳ hiện đại.

Thiên niên kỷ thứ I chấm dứt với hình ảnh châu Âu ảm đạm, nghèo nàn lạc hậu, chiến tranh triền miên, 90% dân mù chữ và mê tín. Khi năm 1000 đến gần, người ta cảm thấy sợ hãi về ngày tận thế sẽ đến nay mai. Họ tin vào Mặc khải Thánh John: “Rồi ta thấy một vị thiên thần hiện xuống; trên tay cầm chìa khóa cửa địa ngục và một sợi xích lớn. Ngài chinh phục con rắn – đó là con yêu tinh, quỉ sa-tăng – và ngài trói nó lại 1000 năm. Ngài ném nó xuống địa ngục, khóa cửa lại để nó không còn phá phách ai, cho đến hạn kỳ 1000 năm chấm dứt. Sau đó nó phải được thả ra một thời gian ngắn[ii]”.

Viễn tượng một thế giới có yêu tinh làm loạn, dù chỉ là một thời gian ngắn, làm tăng thêm nỗi sợ hãi về ngày tận thế. Trong thập niên cuối của thế kỷ thứ 10, đời sống kinh tế bị ngưng trệ, khi mọi người không có hứng thú làm chuyện gì có tính cách lâu dài. Người mê tín thì lang thang ở ngoài đường để cầu nguyện với niềm hy vọng được Chúa cứu rỗi[iii]. Nhưng năm 1000 đến bình thản, rồi trôi qua một cách yên lành. Không có yêu tinh phá hoại, cũng không có quỉ sa-tăng dụ dỗ, cho nên con người bỗng nhiên lạc quan hưng phấn. Họ có niềm tin rằng Chúa đã tha tội cho loài người. Chúa sẽ cứu rỗi họ thoát khỏi đời sống tối tăm của những năm qua. Dường như niềm lạc quan ấy đã làm cho họ hăng say làm lụng, tích lũy của cải để tạo dựng một cuộc đời mới. Đó là tâm lý xã hội trong thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới.

Giai đoạn trổ hoa

Tâm lý lạc quan nói trên có thể chỉ là giả dụ hoang tưởng, nhưng trong thực tế, châu Âu đã trở nên phồn vinh suốt gần ba thế kỷ tiếp theo, nhiều tiến bộ được áp dụng trong nông nghiệp, thương mại và quản lý kinh tế. Người ta thường gặp những cụm từ quen thuộc như giai đoạn trổ hoa, thời cực thịnh trong sách vở của những sử gia chuyên về trung cổ[iv].

Dấu hiệu đầu tiên là không còn nạn đói trong suốt mấy thế kỷ, kết quả của trình độ sản xuất nông nghiệp tăng lên, đủ để cung ứng thực phẩm cho nhu cầu xã hội. Diện tích trồng trọt tăng, nông dân khai hoang để tạo thêm đất canh tác, sử dụng sáng kiến để tăng năng suất trồng trọt. Khác với thời gian trước, nông dân bây giờ làm lụng không những đủ ăn, mà có người còn thừa thãi để mang lên thành thị trao đổi lấy hàng hóa khác. Thương mại nông sản trở nên một nghề hưng thịnh, tạo ra một lớp người giàu sang mới, không những ở thành phố mà cả vùng thôn quê. Nông dân ít phụ thuộc vào điền chủ và giới nhà giàu thành thị, nên tự họ có thể sống độc lập, tìm nguồn thu nhập mới, dần dần giàu có hơn. Hiện tượng này không chỉ xảy ra cá biệt một vài nơi mà đã xuất hiện khắp mọi miền, từ Flanders[v] bên bờ Đại Tây Dương đến Brandenburg phía đông, từ Tirol ở nam Âu lên đến Tây Ban Nha, Anh, Pháp.

Ngành chăn nuôi cũng phát triển theo. Lý do dễ hiểu là, nền kinh tế có xu hướng ưu tiên phục phụ cho nhu cầu đời sống. Trước đây, khi ngành trồng trọt không cung ứng đủ thực phẩm, nhu cầu sản xuất nông sản đã đẩy lùi ngành chăn nuôi. Bây giờ, khi ngành nông nghiệp phát triển, nông sản dư thừa, sự hưởng thụ đời sống tăng lên, thịt trở thành một nhu cầu mới để nâng cao chất lượng sống. Ngành chăn nuôi vì thế phát triển mạnh, nhất là ở hành lang kéo dài từ Elsasse, qua Thụy Sĩ, Nam Đức và Áo.

Nền sản xuất nông nghiệp tăng lên có sự tham gia tích cực của ngành tiểu thủ công nghiệp chuyên chế tạo các dụng cụ sản xuất. Kiến trúc sư Villard de Honnecourt[vi] người Pháp đã đi khắp các vùng Tây Âu và ghi lại nhiều dụng cụ mới mẻ ông bắt gặp trên chuyến du hành. Người ta tìm thấy trong sách phác họa của ông những hệ thống sử dụng sức nước, cối xay gió, cối xay thủy lực, xe đẩy để tiết kiệm sức người, dụng cụ nâng các vật liệu nặng, sơ đồ xây dựng nhà thờ v.v… Những điều Honnecourt ghi chép được ở Chartres, Laon, Reims, Meaux, Lausanne và đến tận nước Hung là chứng cớ cho sự chuyển biến xã hội từ thời đại Kitô trước sang một thời đại mới văn minh hơn[vii].

villard-de-honnecourt_trebuchet_pd

Hình [1] và [2]: Vài ghi chép của Villard de Honnecourt đầu thế kỷ 13. Nguồn: Commons.wikipedia.org – Vùng công cộng

Những tiến bộ kỹ thuật phát sinh từ các sáng kiến ở thành thị được đem ra ứng dụng ở nông thôn, làm tăng thêm thu hoạch trong nông nghiệp. Với những sáng kiến kỹ thuật, người nông dân biết dùng máy móc thiết bị để thay cho sức người, làm cho năng suất, thu nhập và lợi nhuận được nâng cao, hàng hóa lại được đem bán lên thành thị. Từ hiệu ứng tương tác này, phồn vinh của thành thị cũng có sự tham gia tích cực của nông dân.

Từ ăn no, đến ăn ngon thì tất yếu sẽ dẫn đến nhu cầu mặc đẹp. Ngành dệt bắt đầu hưng thịnh, nhất là dệt hàng cao cấp. Trước đây lụa và vải cao cấp phải nhập từ vùng Ả Rập, Ấn Độ và Trung Hoa, và cũng chỉ có vua chúa quan lại giàu có mới đủ sức tiêu thụ. Bây giờ nhờ những sáng kiến kỹ thuật trong ngành dệt vải, châu Âu sản xuất được những hàng cao cấp với giá rẻ mà giới trung lưu có thể mua được. Lần đầu tiên, châu Âu tự sản xuất lụa cao cấp cung ứng đủ cho nhu cầu cả lục địa. Các trung tâm sản xuất lớn có thể kể là Palermo, Lucca, Bologna, Castiglione ở Ý, Provence ở Pháp, Augsburg và Ulm ở Đức.

Khi sản xuất có thặng dư, nhu cầu trao đổi tăng lên, ngành thương mại trở thành lĩnh vực mang lại giàu có cho mọi vùng. Thành phố trở nên trù phú và đông dân. Hệ thống giao thông từ đó cũng phát triển mạnh và trải đều khắp nơi, đặc biệt là những con đường xuyên dãy núi Alps nối hai trung tâm thương mại lớn là Ý và các nước ở tây bắc châu Âu, Flanders, Anh và bắc Đức. Nhà lập niên sử Bonvesin della Ripa diễn tả thần kỳ Mailand năm 1288 như sau[viii]: “Có 12.500 căn nhà mới mọc lên, dân số lên đến 200.000 người, có 60 trung tâm buôn bán, 200 nhà thờ, 10 nhà thương, 300 tiệm bánh mì, 400 tiệm thịt, 1000 tiệm ăn, 150 khách sạn, 80 xưởng đúc, 40 người chép sách[ix]. Ngoài chợ thì đầy rẫy các loại trái cây quí hiếm…”.

Nền thương mại xuất phát từ các doanh nhân năng nổ không những tạo nên phồn vinh trong xã hội, mà còn thúc đẩy sáng kiến, phát minh của những người có đam mê thử nghiệm cái mới trong nhiều lĩnh vực như giả kim[x], biến đổi năng lượng, giao thông vận tải, luyện kim v.v… Dụng cụ kim loại không còn là của hiếm hoi chỉ có trong các gia đình giàu có, mà đã trở thành phổ biến trong các gia đình bình dân. Ở vùng Bohemia, bắc Âu và Anh đã xuất hiện các phương pháp mới trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, từ đó họ tiếp cận được nguồn tài nguyên về sắt thép, đồng, chì, kẽm[xi].

Khoảng thời gian 1170, việc khám phá mỏ bạc đầu tiên ở Freiberg[xii] đã đánh dấu „thời gian vĩ đại đầu tiên trong lịch sử khai thác khoáng sản của phương Tây“. Kỹ thuật đúc tiền vàng và bạc từ đó cũng phát triển nhanh chóng. Đến cuối thế kỷ 12, nhiều trung tâm thương mại lớn tự đúc tiền của riêng mình và tìm cách nâng cao trị giá trao đổi trên thị trường. Thí dụ như Genua và Florence có tiền riêng từ 1252, Pháp có từ 1263, Venice từ 1284. Tây Âu không còn phụ thuộc vào đồng tiền Dinar của khối Islam và tiền Besant của Byzantine, vốn dĩ trước đó là mẫu mực tiền tệ cho cả lục địa châu Âu, là “đồng dollar” của khu vực Địa Trung Hải[xiii].

Tiền luân lưu trong thị trường ngày càng nhiều. Thế kỷ 13 có thể được xem như thời điểm đánh dấu sự cáo chung của nền kinh tế đổi chác tại châu Âu để tiến đến nền kinh tế tài chánh, lấy tiền vàng và bạc làm đơn vị chuẩn cho việc buôn bán trao đổi.

Với sự xuất hiện của tiền tệ, nền thương mại đi vào một khúc quanh mới, việc buôn bán được tổ chức hiệu quả hơn, tài sản của thương nhân cũng được tích lũy nhanh hơn. Ở giai đoạn cuối thế kỷ 12, một tầng lớp doanh nhân thành đạt và giàu có được thành hình đông đảo. Hoạt động của họ, cho dù có chủ ý hay không, đã góp phần nâng cao phồn vinh cho xã hội. Đó chính là tầng lớp mà sau này Karl Marx gọi là giai cấp tư sản. Như Marx nói, “giai cấp tư sản đã đóng vai trò cách mạng nhất trong lịch sử[xiv]”. Hình ảnh đó chưa bao giờ rõ ràng hơn tại châu Âu trong hai thế kỷ 11 và 12, khi mà khắp nơi tại Ý, Đức, Flanders xuất hiện hàng trăm thành phố tự nhận là không thuần phục đế chế. Họ thách thức giới cai trị phong kiến đương thời để đòi quyền tự quyết. Và họ đã thắng[xv].

Tiến bộ về sản xuất nông nghiệp và phong cách làm kinh doanh là thí dụ điển hình về tính chất đặc thù của văn minh châu Âu, như đã diễn giải trước đây. Thông qua giao tiếp thương mại, sáng kiến trong sản xuất từ vùng này đã nhanh chóng lan qua các vùng khác trong tinh thần mọi bên đều có lợi. Hoàn toàn xuất phát từ tư nhân, chúng đi ra khỏi ranh giới các vùng một cách dễ dàng, tự nhiên, nhanh chóng và theo thời gian lan rộng ra mọi miền trên lục địa. Hiện tượng này chúng ta ít thấy ở châu Á hoặc một nơi nào khác trên thế giới.

Thành hình lớp trí thức mới

Ngược dòng thời gian, châu Âu từ thế kỷ thứ sáu bị cai trị bởi chế độ phong kiến lạc hậu kéo dài ba thế kỷ, trong đó không ít vua chúa và giới lãnh đạo xuất thân từ giống dân hoang dã Goths và Vandals. Thời gian này đã để lại dấu vết đen tối lên lịch sử châu Âu. Một vùng đất rộng lớn bị tàn phá từ vật chất tới văn hóa. Không có từ ngữ nào đúng hơn là bạo tàn trung cổ để diễn tả giai đoạn này. Các sử gia gọi ba thế kỷ đó là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử châu Âu.

Tiếp đến, sau khi Charlemagne thống nhất trung Âu thành một mối[xvi] vào cuối thế kỷ thứ 8, triều đại Carolingian, đã cố gắng phục hồi ngành giáo dục, phác họa một chương trình phát triển văn hóa qui mô, nhằm mục đích đào tạo một tầng lớp học sĩ mới để quản lý vương quốc. Nhưng đó chỉ là những người học để làm quan, được đào tạo để phục vụ cho vương triều và giáo hội với những đặc quyền đặc lợi không khác gì thời kỳ La Mã. Triều đại Carolingian trong thế kỷ thứ chín chưa xây dựng được một guồng máy hành chánh vững mạnh để quàn lý vương quốc rộng lớn do Charlemagne để lại. Chương trình văn hóa ấy cuối cùng không thực hiện được trọn vẹn vì thiếu tài chính[xvii].

Mãi đến thế kỷ 12, lịch sử mới chứng kiến bước ngoặt lớn đầu tiên. Vào thời điểm đó, sau một thời gian dài hưng thịnh, cấu trúc kinh tế và đi liền với nó là cấu trúc xã hội đã chuyển biến vô cùng sâu sắc. Điều này đã tạo nên những trào lưu dân sự ở địa phương và dần dần thay đổi cả cấu trúc chính trị. Từ đó, bước thay đổi tất yếu kế tiếp là chuyển biến về văn hóa và tư tưởng[xviii].

Một tầng lớp trí thức mới dần dần được thành hình. Họ coi thường sự thuần phục quyền lực của giới trí thức cũ. Họ tự đặt cho mình những tính chất mới của người trí thức, ấy là người có tư duy mới mẻ, biết thực hiện những điều mới mẻ. Quan trọng hơn là họ tự đặt cho mình nhiệm vụ rõ ràng: người trí thức không phải học để làm quan, mà học và tìm tòi cái mới để truyền bá lại cho quãng đại quần chúng. Từ đó, nghiên cứu và dạy học trở thành một nghề nghiệp cao quí được trọng vọng, ngày càng thu hút nhiều người đeo đuổi, trong đó có nhiều người sẵn sàng thách thức những học giả tiếng tăm đang phục vụ cho vua chúa và giáo hội. Họ từ chối lối học từ chương và tư duy giáo điều của hàng giáo phẩm.

Là chuyên gia, giới trí thức hiểu rằng họ phải làm tròn chức năng và thực hành nghề nghiệp của họ, là truyến bá kiến thức chứ không phải đi làm quan. Giới trí thức nhận chân được sự kết nối cần thiết giữa khoa học và giáo dục. Họ tin tưởng mãnh liệt rằng, khoa học cần được lưu hành rộng rãi trong xã hội, chứ không phải là tài sản cần được giữ kín và bảo vệ[xix].

Họ, bất kể xuất thân từ thôn quê hay thành thị, có người xuất thân từ giới quan lại, đều là những người tự cho là trốc rễ, là đại diện tiêu biểu cho một thời đại, trong đó sự bùng nổ dân số, sự thăng hoa của thương mại, sự tái sinh của đời sống thành thị đã làm nổ tung cấu trúc phong kiến còn tồn tại. Giới trí thức thời đại chống lại lối suy nghĩ xưa cũ và phản khoa học, thí dụ như phản đối quyết định của hội nghị hàng giáo phẩm Reims năm 1131 cấm giáo sĩ hành nghề y khoa dưới mọi hình thức ở bên ngoài tu viện[xx]. Tính chất bảo thủ của giáo hội đã mở đường cho việc thành lập các trường tư nhân ở bên ngoài vòng ảnh hưởng của tu viện và thánh đường. Hypocrates đã được cất cánh từ đây.

Sự chuyển biến lực lượng trí thức được tăng tốc bởi hai trào lưu lớn trong thế kỷ 12 và 13: Phong trào dịch sách và phong trào thành lập đại học.

Phong trào dịch sách: Mặc dù nền sản xuất đã phát triển, châu Âu vẫn phải tiếp tục nhập những hàng quí hiếm từ Tiểu Á, Ả Rập và Bắc Phi. Thương nhân các vùng đó không những buôn bán hàng hóa, họ còn mang theo những thứ khác còn quí hiếm hơn, đấy là sách vở thuộc văn minh Hy Lạp thời cổ đại và văn minh Ả Rập. Trước đây, những tài liệu đó không được phép lưu hành trong đế chế La Mã, đã được mang về vùng Tiểu Á và Ả Rập, được các thư viện ở đó rộng rãi đón nhận. Giờ đây chúng được lưu truyền ngược lại vào Tây Âu để phục vụ cho nhu cầu cấp thiết của tầng lớp trí thức mới.

Nhưng những tài liệu đó cần được dịch ra tiếng la-tinh, vốn dĩ là chữ viết duy nhất vùng Tây Âu. Công việc này rất công phu và tốn kém, cần người giỏi tiếng Hy Lạp cổ và tiếng Ả Rập. Ai đứng ra làm công việc này?

Tình cờ đúng lúc ấy, phong trào Reconquista[xxi] tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang trong giai đoạn thoái trào và phát triển chậm. Vị chân phước Petrus Venerabilis (1092-1156) có sáng kiến là, để thắng đội quân Muslim, việc cần thiết đầu tiên là thu phục lòng dân trong những vùng bị chiếm đóng. Nói khác đi là phải thắng trên mặt trận văn hóa, mà trước hết là làm cho mọi người hiểu sự phi lý chứa đựng trong kinh Qur’an. Vị chân phước Petrus Venerabilis qui tụ một nhóm học giả đủ mọi tôn giáo, tinh thông các ngôn ngữ Hy Lạp và Ả Rập. Họ lùng sục mọi tài liệu trong các tu viện và thư viện Islam để nghiên cứu. Cuối cùng một bản Qur’an đồ sộ bằng tiếng la-tinh ra đời năm 1142 và được phổ biến rộng rãi cho những người biết đọc tiếng la-tinh.

Nhưng đấy chỉ là chuyện bên lề. Vị chân phước Petrus Venerabilis hoàn toàn không quan tâm đến việc dịch và quãng bá triết học Hy Lạp. Nhưng việc đọc được kinh Qur’an bằng tiếng la-tinh đã tạo cảm hứng cho rất nhiều học giả đương thời đang khát khao triết học và khoa học. Từ đó thành hình một giới dịch giả khắp nơi, nhất là tại Ý và Tây Ban Nha, mà tên tuổi của họ còn lưu truyền đến ngày hôm nay, thí dụ Jacob ở Venice, Burgundio ở Pisa, Moses ở Bergamo, Leon Tuscus ở Byzantine, Arristippos ở Palermo vùng Sicily, Adelard ở Bath, Plato ở Tivoli, Gerhard ở Cremosa, Hugo von Santalla, Gondisalvi ở Tây Ban Nha v.v…

Các dịch giả này đã lấp đầy lỗ trống mà chính sách độc giáo của đế chế La Mã để lại cho văn hóa Tây Âu suốt thời kỳ trung cổ: sự nghèo nàn về triết học và khoa học. Kiến thức là một mặt, mặt khác quan trọng hơn là phương pháp, là lo-gic trong văn hóa Hy Lạp và Ả Rập. Các dịch giả đã mang hai nền văn hóa ấy truyền bá vào châu Âu cho đủ mọi ngành[xxii]. Từ Hy Lạp là triết học của Socrates, Plato, Aristotle; toán học của Euclid, Archimedes, Pythagoras, Thales; y học của Hypocrates, Galenus; nghiên cứu vũ trụ của Ptolemy và nhiều ngành khác như sử học, nghệ thuật. Thêm vào đó là tác phẩm của những nhà khoa học Ả Rập uyên bác trong các lĩnh vực toán học, thiên văn, y khoa, vật lý, quang học, thí dụ như Al-Jarazi, Fibonacci[xxiii], Ibn al-Haytham, Abu-Mahmud al-Khujandi, Al-Kharizmi, Rhazi, Ibn Sina, Al Farabi v.v…

Có thể nói rằng, nguồn triết học và khoa học của Tây Âu bắt đầu bằng những tác phẩm của các học giả Hy Lạp và Ả rập, trong đó hoạt động tiên phong của các dịch giả đương thời đóng vai trò then chốt. Thật khó để đánh giá đầy đủ công trạng của những dịch giả tiên phong này trên quá trình phát triển văn minh châu Âu, nhưng rõ ràng bản dịch các công trình nghiên cứu khoa học tự nhiên của các học giả Ả Rập đã tạo cảm hứng cho sự thành lập các ngành khoa học mới mẻ trong các trường đại học được thành lập vào thế kỷ 13.

Nhưng các tác phẩm khoa học chưa phải là thành tố quan trọng hàng đầu, mà quan trọng nhất là hệ thống triết học Hy Lạp được xây dựng bởi Socrates, Plato, Aristotle, khi được dịch ra tiếng la-tinh vào thế kỷ 12 và 13 là nguồn tri thức vô giá, cho dù việc hoàn tất để quãng bá cũng vô cùng gian nan. Tác phẩm về Logics của Aristotle phải đợi đến năm 1130 mới tương đối đầy đủ. Luân lý học (Ethics) mãi đến 1200 mới dịch xong và phải đợi thêm 50 năm sau để có bộ chính trị học (Politics)[xxiv]. Plato và Socrates thì mãi sau này mới lần lượt xuất hiện đầy đủ.

Những công trình dịch thuật đó đã gieo mầm cho sự phát triển tư tưởng con người trong phong trào phục hưng thế kỷ 15 và 16. Cũng nhờ thế mà chỉ sau một thế kỷ, phong trào khai sáng nở rộ trên khắp mọi miền của lục địa châu Âu kể từ thế kỷ 17, làm nền tảng tư tưởng cho các cuộc cách mạng dân chủ và cách mạng công nghiệp trong những thế kỷ tiếp theo.

Nếu văn minh châu Âu phát triển rực rỡ từ thế kỷ 18, điều đó chắc hẳn không thể tách rời khỏi nỗ lực đầu tiên của nhiều dịch giả tiên phong từ thế kỷ thứ 12 và 13.

Phong trào thành lập đại học: Thế kỷ 13 là thế kỷ của đại học. Với sự hình thành của tầng lớp doanh nhân giàu có mới, bộ mặt các thành phố đã thay đổi, cấu trúc xã hội của chúng cũng thay đổi sâu sắc. Trước đây, chỉ có giáo sĩ, quan lại, binh lính nắm quyền bính tại địa phương. Nay thành phần doanh nhân mới và đi kèm với nó là thành phần trí thức mới ngày càng tự tin hơn, họ đòi hỏi bình đẳng và được quyền tham gia quyết định vào mọi mặt trong đời sống, mà quan trọng hàng đầu là giáo dục cấp cao. Họ đòi hỏi rõ ràng: giáo dục đại học phải được tự trị, không bị chi phối bởi ý thức hệ giáo điều của giáo hội, cũng không có sự áp chế quyền lực của vua chúa quan lại. Trong tinh thần đó, một loạt đại học mới được thành lập tại các thành phố lớn, những trung tâm kinh tế lớn của thế kỷ 12 và 13.

Bắt đầu là đại học Bologna thành lập năm 1130 với nhiều phân khoa, trong đó có một phân khoa mới mẻ là luật học có mục đích phục hồi, phát triển thêm và giảng dạy luật La Mã để từng bước xây dựng nền dân luật phục vụ cho hệ thống luật pháp toàn xã hội. Luật Công giáo từ nay không còn đóng vai trò độc tôn như trước. Đến tiền bán thế kỷ 13 thì đã có hàng loạt các đại học khác mọc lên với tinh thần tự trị và nội dung giảng dạy mới: Modena (1175), Paris[xxv] (1200), Cambridge (1204), Oxford (1214), Salamanca (1218), Padua (1222), Neapel (1224), Toulouse (1229), Salermo (1231), Orléan (1235), Montpellier (1242) v.v… Những môn học mới nhanh chóng chiếm ngự trái tim của sinh viên là luật học, triết học và y khoa. Nổi bật trong các đại học lúc ấy là Paris vươn lên như một vì sao.

Paris không phải là đại học được thành lập sớm nhất. Biết bao đại học khác ra đời trong cùng giai đoạn đó ở Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v.v… Nhưng ở các trường đại học đó chưa có tinh thần tranh luận tư tưởng giữa sinh viên với nhau, lại càng không có tranh luận giữa sinh viên và thầy giáo, hoặc giữa thầy giáo với nhau[xxvi]. Paris đã phá vỡ sự im lặng đó. Sinh viên chạy từ giảng đường này tới giảng đường khác để học hỏi, họ tranh luận công khai giữa đường phố về các vấn đề lo-gic và lý giải Thánh Kinh[xxvii]. Chính Paris là nơi đầu tiên sinh thành trào lưu tranh luận và đình công bãi khóa, mở đầu cho ý thức tự chủ trong tư duy, độc lập trong ý thức xây dựng xã hội, và can đảm đứng lên tranh đấu cho lẽ phải, dù phải có hy sinh. Từ những nước khác, những ai đã viếng thăm Paris đều ngạc nhiên về sức sống mãnh liệt của sinh viên và giáo sư. Khi trở về nước, họ kháo nhau: Paris là thiên đường trên trái đất, là hoa hồng của thế gian, là tinh túy của vũ trụ[xxviii].

Kể từ nay, trong các thành phố châu Âu xuất hiện một tầng lớp trí thức được đào tạo các nguyên lý về cuộc đời thế tục[xxix], từ đó nâng cao lòng tự tin, uy tín và ảnh hưởng lên các biến cố thời sự trong xã hội. Nếu trước đây sự thăng tiến công danh sự nghiệp chỉ có thể đạt được thông qua con đường đào tạo của giáo hội và vì thế cũng chỉ giới hạn trong hạn hẹp đó, thì từ nay, sự thăng tiến có thể đạt được qua giáo dục đại học. Ở bên ngoài hệ thống phong kiến và nhà thờ đã hình thành một tầng lớp trí thức mới. Và đại học Paris với tinh thần tự do phóng khoáng của nó, lần đầu tiên đã bẻ gãy độc quyền giáo dục của giáo hội để tiến đến một nền giáo dục độc lập để phục vụ đời sống thế tục[xxx]. Tinh thần tự do và ý thức tự trị đó đã làm khuôn mẫu cho nền giáo dục đại học châu Âu và kéo dài đến tận hôm nay.

Khỏi cần nói thêm rằng, sinh viên được theo học miễn phí ở đại học. Họ cho rằng, khoa học là tài sản của riêng Thượng đế, nên không thể xem là một món hàng để mua bán[xxxi]. Thế thì các giáo sư sống bằng gì? Nếu là giáo sĩ, họ có thể nhận lương từ giáo hội hoặc triều đình. Người học giả không thuộc giáo hội, khi trở thành giáo sư thì cũng hưởng qui chế công chức của vương triều.

Lần đầu tiên, một trường giáo dục cấp cao được tổ chức thành phân khoa. Năm phân khoa chính là văn chương nghệ thuật, thần học, y khoa, luật công giáo và dân luật. Triết học tuy chưa thành một phân khoa riêng nhưng có thể giảng dạy trong khoa văn chương nghệ thuật. Thần học không còn là nội dung quan trọng nhất trong giáo dục cao cấp, mà triết học, luật học và y khoa đã nắm vai trò dẫn đầu, thu hút sự chú ý của sinh viên. Những người được đào tạo trong đại học với những ngành mới mẻ đó sau này sẽ trở thành chuyên gia, công chức nhà nước, cố vấn chính trị. Thông qua họ, hướng đi của châu Âu đã bắt đầu định hình, và cũng chính những sinh viên này là những người nắm vận mệnh quốc gia của họ trong suốt nhiều thế kỷ tiếp theo.

Sinh viên và tập thể giáo sư có cùng một mục tiêu muốn đạt đến: tự trị đại học. Trước hết, họ muốn rằng viện trưởng và khoa trưởng phải do hội đồng giáo sư tuyển chọn chứ không do vương triều hoặc các giám mục chỉ định. Chương trình, nội dung giảng dạy, chế độ thi cử, cấp phát văn bằng, học vị là lĩnh vực trách nhiệm độc quyền của đại học.

Để đạt đến nền tự trị đó, các đại học phải đối đầu với cả hai thế lực đang còn thống trị xã hội: giáo hội và vương triều, đấy là chưa kể phản ứng dữ dội của các cơ quan địa phương. Họ là những người trong các cơ cấu quyền lực, đồng thời cũng nắm nguồn tài chánh cho các hoạt động của đại học, cho nên cuộc đấu tranh giành quyền tự trị ban đầu rất khó khăn, như David đối đầu với Goliath.

Lấy thí dụ Paris. Quyền tự trị đại học chỉ đạt được sau những biến cố đẫm máu từ năm 1229 giữa sinh viên và cảnh sát của triều đình. Nhiều sinh viên bị lực lượng an ninh bắn chết. Vì thế, phần lớn sinh viên và nhân viên đại học tổ chức đình công và rút về Orléan. Trong vòng hai năm sau, trường Paris không có một xê-mi-ne nào được tổ chức. Cuộc đấu tranh kéo dài đến 1231 thì cuối cùng, vua Saint Louis phải công nhận quyền tự trị và trả lại các quyền khác mà vua Phillippe August đã qui định lúc thành lập năm 1200[xxxii].

Cuộc đấu tranh dai dẳng, đầy hy sinh nhưng thành công lớn của đại học Paris đã làm cho các đại học khác phấn chấn noi theo. Oxford, Bologna, Pedua v.v… làm những bước kế tiếp. Đến cuối thế kỷ 13, tự trị đại học đã trở thành một tính chất nền tảng cho các trường đã và sẽ thành lập, một truyền thống của giáo dục châu Âu. Tự do trở thành biểu tượng gắn liền với mỗi đại học.

0