Lấy điểm trung bình lớp 12 xét tốt nghiệp THPT phát sinh tiêu cực?
Trao đổi riêng với PV, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Việc điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT hiện nay chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện vì chúng ta vẫn dạy và học theo chương trình hiện hành. Chúng ta cố gắng điều chỉnh tốt nhất theo hướng tiếp cận ...
Việc đưa điểm trung bình các môn lớp 12 vào để xét tốt nghiệp có thể phát sinh ra những vấn đề tiêu cực. Thứ trưởng có thể giải thích rõ hơn về việc đưa thêm thông số này vào nhằm mục đích gì? Làm thế nào để đảm bảo kết quả đánh giá đó là thực chất?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Nghị quyết TƯ 8 đã yêu cầu đối với thi tốt nghiệp THPT phải đánh giá đúng năng lực học sinh và phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
Việc thi tốt nghiệp là để đánh giá kết quả cuối cùng qua bài thi (có tính chất như là đánh giá từ bên ngoài), việc sử dụng điểm quá trình học tập của học sinh (có tính chất như là đánh giá từ bên trong), như vậy là có sự kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá cuối kì trong xét và công nhận tốt nghiệp. Mục đích này cũng nhằm tránh rủi do số phận của những học sinh chỉ phụ thuộc vào một kì thi, để hạn chế bất cập của “học tài thi phận”. Có thể một yếu tố nào đó mà các em làm bài chưa được tốt nhưng thực tế năng lực và kết quả học tập của các em không đến nỗi như thế thì phương án mà Bộ đưa ra là tương đối hợp lý.
Sở dĩ chúng ta không dùng kết quả 3 năm cấp THPT để xét tốt nghiệp vì kết quả học tập ở các lớp dưới đã được dùng làm điều kiện để xét lên lớp trên; mặt khác, chúng ta coi trọng giá trị của quá trình học tập, thực tế là có những người xuất phát khác nhau nhưng có khi lên trên thì lại bằng nhau hoặc có những người xuất phát cao hơn nhưng cuối cùng lại có kết quả thấp hơn người khác, đó là do kết quả của sự cố gắng, tiến bộ khác nhau trong quá trình học tập, rèn luyện.
Việc chúng ta giao tỷ lệ học sinh được miễn thi tốt nghiệp cho các trường sẽ làm cho công tác đánh giá khách quan hơn. Nếu muốn xét được đúng thì bắt buộc việc đánh giá trong quá trình học phải đúng, nghĩa là phải xếp được anh hơn, anh kém. Chính điều này sẽ thúc đẩy việc kiểm tra đánh giá phải nghiêm túc. Điều này đồng nghĩa, nhà trường buộc phải chỉ đạo việc kiểm tra đánh giá chính xác bởi nếu không thì ngay trong nội bộ sẽ có thắc mắc. Như vậy vai trò giám sát của học sinh, phụ huynh, giáo viên của Hiệu trưởng nhà trường sẽ cao hơn.
Nhiều giáo viên lo lắng với việc thi tốt nghiệp THPT 4 môn nhưng lại có hai môn tự chọn sẽ dẫn đến học sinh bỏ học các môn khác. Chẳng hạn như môn học được xã hội nhắc đến nhiều trong thời gian qua là môn Lịch Sử. Thứ trưởng nghĩ sao về sự lo lắng này?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Môn Sử cũng như các môn khác đều có thi nhưng nằm trong môn thi tự chọn. Kiến thức và các giá trị học được từ lịch sử không chỉ nằm trong môn Lịch sử. Kiến thức lịch sử, giá trị con người Việt Nam vẫn được lồng ghép, tích hợp ở các môn học và các hoạt động giáo dục khác. Chúng ta đã thấy điều này được thể hiện trong đề thi mấy năm vừa qua. Đề thi Ngữ văn cũng kiểm tra về đạo đức công dân; Đề thi môn Địa có thể hỏi về giá trị lịch sử, biển đảo Việt Nam… Chúng ta không nên quan niệm phải thi môn Sử thì mới có kiến thức, bài học về lịch sử.
Có ý kiến cho rằng môn Ngoại ngữ nên là môn tự chọn bởi nếu tách riêng ra để thi lấy điểm khuyến khích thì dễ trở thành trào lưu và gây tốn kém?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Vấn đề này Bộ sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng. Thật ra, Bộ muốn đưa Ngoại ngữ thành môn khuyến khích để chỉ những em thực sự có năng lực mới dự thi. Không nên lo ngại có nhiều hay có ít học sinh đăng ký dự thi, điều cần quan tâm trước mắt là điều chỉnh cách thi làm sao cho điểm thi phản ánh đúng hơn năng lực sử dụng ngoại ngữ của thí sinh nếu các em dự thi, có như vậy thì việc thi mới có tác dụng tốt trở lại việc học.
Thưa Thứ trưởng, điều chỉnh thi tốt nghiệp nhưng tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn theo khối. Điều này có thể dẫn đến rất khó điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, nhất là đối với các khối ngành xã hội?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Hiện nay chưa đủ điều kiện để đạt được mục tiêu đồng bộ giữa tốt nghiệp THPT với tuyển sinh ĐH, CĐ. Như chúng ta đã biết, tuyển sinh ĐH, CĐ cũng đang đổi mới. Các trường đang hướng tới phương án xét, phương án thi tuyển khác nhau sao cho phục vụ tốt nhất những ngành nghề mà trường sẽ đào tạo.
>> Điểm thi tốt nghiệp
>> Danh sách môn thi tốt nghiệp thpt năm 2014
>> Đối tượng được miễn thi tốt nghiệp THPT 2014