Lành nhớ Dở quên

Hứa Doãn. Người đời nhà Tống. Có tài văn chương. Thi đỗ Tiến sĩ. Làm quan rất được lòng dân cảm phục. Một hôm, vào dịp cuối tuần, Hứa Doãn thong dong xách cần đi câu cá. Chợt thấy một đôi vợ chồng đang đùa giỡn với nhau, mới giật mình bảo dạ: – Phàm đã là người, thì đàn ông phải có vợ. Đàn bà phải ...

Hứa Doãn. Người đời nhà Tống. Có tài văn chương. Thi đỗ Tiến sĩ. Làm quan rất được lòng dân cảm phục. Một hôm, vào dịp cuối tuần, Hứa Doãn thong dong xách cần đi câu cá. Chợt thấy một đôi vợ chồng đang đùa giỡn với nhau, mới giật mình bảo dạ:
– Phàm đã là người, thì đàn ông phải có vợ. Đàn bà phải có chồng. Chớ không thể một mình trong thanh vắng. Ngó trộm mái nhà chỉ có lá cùng tranh, thì cuộc sống nơi đây bao giờ mới vui được?
Rồi lúc ấy bỗng có một luồng gió mạnh thổi ngang, khiến Hứa Doãn… thốn tâm can mà rùng mình mấy lượt, rồi trong lúc đang tùm lum như thế, mới nhủ đôi lời nghe thấu ruột thấu gan:
– Chim khôn tìm cây cao mà đậu. Gái khôn tìm mấy cha nhậu mà nhờ. Ta nay không biết… thiên bôi thiểu nó mặn nhạt làm sao, thì chuyện trăm năm có khó khăn cũng là điều dể hiểu…
Chừng khi đến hồ ao câu cá, Hứa Doãn mới giật mình gọi mẹ gọi cha, khi thấy bóng in soi trên mặt hồ yên lặng, bèn chớp đôi mắt mà lòng nghe chua xót, mới thở cái khì mà ngẫm tựa như ri:
– Ở đời có những cái không nên biết, cũng như có những cái không nên quên. Có cái cần phải biết, mà cũng có cái cần phải quên. Đó là phương châm, là hướng tiến cho con đường hoan lộ của mình. Tỉ như có người thấy mình làm sai trái – mà sẵn lòng góp ý với ta – thì ta cũng… quên luôn chớ nhớ nhung làm chi nữa. Rồi có người biết ta vì mưu lợi cá nhân mà hãm hại người khác – thì điều đó ta cũng cần quên – mà cả kẻ thân sơ cũng chẳng nên nhớ làm chi cho nhọc. Ta có công đức với người – thì chẳng những suốt đời ta không được quên – mà ngay kẻ đón ân sâu ta cũng phải nhắc hoài nhắc mãi. Nay mặt nước hồ ao bỗng làm cho ta nhớ – tuổi đã lớn rồi sao chỉ mỗi mình ên – thì chẳng bao lâu sẽ… cha già con mọn. Thôi thì chuyện đua tranh tạm dừng trong chốc lát, để lo chuyện yên bề rồi hẵng tính liệu sau. Chớ không thể cứ mưu mô rồi con… đàn đống được!
Nghĩ vậy, bèn lục tục xách cần câu ra về. Hôm sau, Hứa Doãn ra chốn công nha làm việc. Được đâu một lúc chợt nghe hồn trống vắng, liền thét người hầu chuẩn bị dĩa tiết canh, đặng mượn tí hơi men đẩy đưa đời bớt bực, rồi trong lúc đang sầu vương như thế, chợt nghe giọng thân tình nhỏ híu tận bên tai:
– Thuốc đắng đã tật. Nói thật… mất việc làm. Nay kẻ bề tôi có đôi lời muốn tấu. Chẳng hay ngài có thuận ý dùm cho? Hay lại nóng lên rồi đẩy đi tìm… zóp lại?
Hứa Doãn nhướng mắt lên nhìn, thì nhận ra là Bảo Thúc. Một viên tướng rất là thân cận, bèn cười nửa nụ, rồi nói rằng:
– Muốn gì thì ngươi cứ nói. Chớ đừng úp mở làm chi, kẻo bản tướng nghĩ sai là thấy bà cố nội!
Bảo Thúc run run đáp:
– Kẻ bề tôi biết tướng quân thừa dũng cảm, nhưng lại thiếu… can đảm để nhìn vào sự thật!
Đoạn trầm ngâm một chút. Có ý trông chờ Hứa Doãn tính mần răng, mà hổng thấy chi bèn đăng đàn nói đại:
– Đời trần đối với tướng quân chẳng có gì luyến tiếc. Trừ nỗi muộn phiền chưa có được vợ con, thành thử có sống đây cũng như là sắp… tận!
Hứa Doãn bỗng bừng đôi mắt sáng, rồi dõi mắt vào cõi xa xăm, mà bụng bảo dạ rằng:
– Sinh ra ta là cha mẹ. Biết ta là Bảo Thúc. Mà đối với một người hiểu mình – thì dầu có mất chút mồi chút men – cũng cứ coi như chẳng mất gì hết cả…
Nghĩ vậy, Hứa Doãn liền rót đầy ly rượu, cùng bẻ một chút khô, đưa cho Bảo Thúc, rồi nói:
– Bệnh ruột gan ta ngươi đã tường đã biết. Vậy có cách nào chữa chạy được chăng?
Bảo Thúc đáp:
– Cha mẹ tướng quân đã ra người thiên cổ, thì chuyện trăm năm có phần hơi lấn cấn, nên đến giờ này vẫn gối chiếc phòng không, thì rõ ra trong cái xui có nhiều cái… xui bạo. Thôi thì kẻ bề tôi có quen người con gái. Cơm nước thêu thùa hổng có một lời chê, thì nếu duyên may xáp vô mần cái rẹt. Chớ cứ không lo những ngày xuân qua chóng, thì liệu mai này còn hối tiếc được chăng?
Hứa Doãn nghe thế bỗng mặt mày rạng rỡ hẳn lên, rồi gấp gáp hỏi rằng:
– Ta vẫn nghe người xưa hay nói: Một người vợ tốt, có nghĩa là Công Dung Ngôn Hạnh hội đủ trăm phần trăm. Vậy giai nhân kia đặng mấy mươi trên trăm phần thấy được?
Bảo Thúc lặng người đi một chút, rồi chậm rãi đôi lời nghe thấu ruột thấu gan:
– Phàm ở đời. Hễ mình thương yêu ai thì người đó dẫu chẳng đủ Công Dung, cũng trở nên xinh đẹp dưới mắt mình mãi mãi. Vì thế, cái đẹp thật sự không hẳn ở nơi người con gái, mà còn do sự rung cảm của người nhìn ngắm mà ra. Chớ không phải cứ phây phây mà mát lòng mát dạ. Chẳng vậy mà ông bà thường hay có nói: Ra đường lượm cánh hoa rơi, hai tay nâng lấy cũ người mới ta…
Hứa Doãn nghe thế mới lầm bầm bảo dạ:
– Thằng này ăn nói mạnh miệng như vầy, thì ta không thể bỏ qua mà lỡ mất đi phần cơ hội. Lại nữa. Nói dại mà nghe. Giả như hiền phụ chẳng mấy ngon, thì lúc ấy ta rước thêm vài… hầu cũng đặng. Đó là chưa nói tiền của ta chất đầy trong túi, thì hạnh phúc mai ngày cứ lấy bạc mà… mua. Chớ có phải trắng đôi tay mà lo này lo nọ!
Nghĩ vậy, Hứa Doãn mới chắc cú mà nói với Bảo Thúc rằng:
– Đất có Thổ công. Sông có Hà bá. Nay ngươi đã tỏ đường đi nước bước, thì cứ một lèo ngữ ấy mà phang. Chớ đừng hỏi lôi thôi mà phí phung giờ ấm mặn…
Rồi mọi chuyện xảy ra như nước ròng nước lớn. Như mưa đổ trên ngàn như suối chạy vào sông. Như lá như hoa như bờ ghe bến đậu. Chừng đến khi mọi việc ngon lành đâu vô đó, Hứa Doãn mới buồn rầu ra thở vào than. Như hát khúc Nam ai như kêu người khuất mặt, rồi trong lúc xót xa nhiều như thế, mới nhủ đôi lời nghe thấy mẹ thấy cha:
– Đàn bà mà không sắc, thì có khác gì mồi thiếu… mẹ nó men. Có khác chi tối ba mươi thiếu đi vài đốm lửa. Nay vợ của ta thiệt là trời ơi đất ới, khi sắc chỉ tí hìu thì sướng đặng mần răng? Hầu kéo đến trăm năm đến khi nhiều tóc bạc?
Đoạn, thừ ra trên ghế mà nghĩ này nghĩ nọ. Được một lúc sau, mới lấy hết can đảm mà hỏi vợ rằng:
– Đàn bà có tứ đức? Còn nàng. Được mấy đức?
Vợ của Hứa Doãn là Nguyễn thị, mới nở một nụ thật tươi, rồi thủng thẳng thủng tha đổ tuôn bầu tâm sự:
– Thiếp đây chỉ kém có Dung mà thôi!
Rồi ngẩng mặt lên quan sát chồng. Thấy Hứa Doãn đực mặt ra như từ cung trăng rớt xuống, bèn lấy chung trà thấm giọng ở bờ môi, rồi trổ giọng yến oanh hót lên điều hỉ nộ:
– Công Dung Ngôn Hạnh. Trong tứ đức đó, chàng cho Dung là quan trọng nhất, mà không nhớ rằng xấu người đã có… mỹ viện ở ngoài kia, thì dẫu có như ma cũng chẳng lấy gì làm quan trọng? Còn xấu tính xấu nết mới là chằng ăn trăn quấn. Mới sóng nổi ba đào chẳng biết trị liệu sao? Bởi cái xấu tâm can làm sao chàng… xâm sửa?
Nói xong, liền bắt chung trà chơi thêm vài hớp khác, khiến Hứa Doãn ngứa mắt không làm sao chịu được, bèn tức giận hỏi rằng:
– Nếu vậy, thì Công Ngôn Hạnh nàng đủ cả hay sao?
Nguyễn thị nghe thế, mới cười mĩm chi một phát, rồi chậm rãi đáp rằng:
– Công. Tạm hiểu là thêu thùa may vá. Là giặt giũ băm rau. Là lo bữa sớm hôm cho chồng luôn an mạnh. Thiếp nghĩ. Thời buổi bây giờ cần chi mà may vá. Cứ việc khuân về hàng may sẵn mà mang, thì dẫu có đau lưng cũng còn hơn mắt… cận. Còn bữa sớm tối đã có người giao đến. Ba món đổi hoài đủ vị Bắc Trung Nam, thì dẫu sống xa quê cũng gần ngay bên cạnh. Vậy chữ Công kia chẳng cần cho con gái – mà chỉ… lương chàng không thiếu hụt một ly – thì mọi việc tiếp theo chẳng lo gì nữa cả!
Ngôn. Tạm hiểu là lời nói. Là biết khi nhặt khi khoan. Biết cái nói ra cái nằm im trong bụng – thì dẫu có nói tràn lan thiên tướng – mà chẳng rao mời bán chuyện của người ta, hoặc nói mánh mung cho phần ta thêm lợi, thì chữ Ngôn kia như nằm trong túi áo. Muốn ngó giờ nào cứ việc lấy mà coi, thì có chi đâu mà rùm beng lớn chuyện?
Hạnh. Tạm hiểu là cái nết. Là cách cư xử ở đời. Là tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Là cái thanh tao trong lòng người cao trọng. Thiếp tự xét mình dư thừa quá xá – bởi lấy vui chồng làm hạnh phúc của thân – thì dẫu đến muôn niên cũng chẳng bao giờ biến cải. Chớ Dung cho lắm mà chỉ bên bàn son phấn, cùng hiệu mác ì xèo cho thỏa cái lòng đua – thì hạnh phúc trăm năm – Có khác chi tơ trời chờ nắng… rụng?
Đoạn, thở hắt ra một tiếng, rồi nói với Hứa Doãn rằng:
– Thiếp nghe nói kẻ sĩ có Bách hạnh. Dám hỏi chàng được mấy hạnh?
Hứa Doãn gật gù đáp:
– Ta đây đủ cả Bách hạnh.
Nguyễn thị bỗng trầm mặt xuống, rồi buồn bã nói rằng:
– Trong Bách hạnh thì Đức ở hàng đầu. Chàng là người hiếu sắc mà không hiếu Đức – thì đủ Bách hạnh – là đủ đặng làm sao?
Hứa Doãn nghe nói, mới cả thẹn trong lòng, mà trộm nghĩ:
– Bảo Thúc có nói với ta rằng: Người con gái này văn nhã ôn nhu. Chưa từng cất tiếng nặng nhẹ với ai bao giờ. Đã vậy lại có lòng nhân hậu, biết nghĩ đến tha nhân. Ngay cả con kiến cũng không nở xách cây mà đập. Nay ta được một người nâng khăn sửa túi – mà đặng có lòng Nhân – thì không hiểu mấy kiếp tu mới may thành duyên nghiệp? Thôi thì sẵn vài ghim đang nằm trong túi áo. Ta hãy đưa nàng đi bơm sửa tùm lum, thì chữ Dung kia chỉ sớm hôm là có liền tất tật. Chớ nết như thế mà không mừng không quý, thì liệu mai này còn hối sửa được chăng?
Từ đó, Hứa Doãn một lòng kính vợ như tân, khiến hạnh phúc trăm năm như keo bền dán chặt. Thời may có ông lão sống gần bên đó. Hiểu thật rõ ràng câu chuyện của đời nay, liền gọi các con mà khuyên này khuyên nọ:
– Phàm đã là người, thì từ ngàn trước đến ngàn sau, ai cũng ưa thích cái đẹp nhiều hơn cả. Dầu vậy, cái đẹp thì có hạn, nhưng cái nết thì vô cùng. Những người thường đưa cái đẹp để mê hoặc hay mua chuộc lòng người – thường hay bị cư xử ra chiều tệ bạc – Là cớ làm sao? Là bởi cái xuân theo ngày tháng biến đổi đi, thì lòng người cũng bắt đầu chán ngán, nên chuyện… đứt dây khó lòng bây tránh được. Còn cái nết thì êm đềm thắm thía, nên cảm được người bất kể lạ hay quen, thành thử sống muôn niên cứ như vừa mới hợp…
Đoạn, ngẫm nghĩ một chút, rồi nói tiếp:
– Cái nết đánh chết cái đẹp. Nhưng thật tình mà nói, thì đã được mấy người lấy đức thay hương? Đã được mấy ai biết yêu vì cái… hậu? Thành ra muốn tốt thì phải xâm này xâm khác. Phải cắt bỏ chỗ thừa đắp đỗi chỗ đàng kia. Phải chắp vá lung tung cho ra chiều dân… ngoại. Chớ cứ vô tư mà không dùng son phấn, thì có ngày… chết mẹ đó à con!

0