17/08/2018, 21:55

Lãnh cung ở đâu trong Tử Cấm Thành?

Trong gần 10.000 gian phòng ở cung điện xa hoa của hoàng đế Trung Hoa, các phi tần sợ hãi nhất là Lãnh cung, nơi dành cho kẻ bại trận sau cuộc đấu đá và họ biết sẽ chết mòn ở đó. Tử Cấm Thành là cố cung của các triều đình phong kiến Minh, Thanh và có tuổi đời hơn 560 năm. Đại công trình này ...

Trong gần 10.000 gian phòng ở cung điện xa hoa của hoàng đế Trung Hoa, các phi tần sợ hãi nhất là Lãnh cung, nơi dành cho kẻ bại trận sau cuộc đấu đá và họ biết sẽ chết mòn ở đó.

Tử Cấm Thành là cố cung của các triều đình phong kiến Minh, Thanh và có tuổi đời hơn 560 năm. Đại công trình này nằm ở trung tâm Bắc Kinh, với diện tích khoảng 720.000m2, tương truyền gồm 9.999,5 gian phòng (tức là thiếu nửa gian nữa để tròn 10.000 phòng). Tuy nhiên, các nhân viên của bảo tàng Cố Cung Trung Quốc xác nhận Tử Cấm Thành chỉ có hơn 8.600 phòng.

Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc
Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Công trình được xây từ năm 1406, trải qua 24 đời hoàng đế. Đây là nơi tập trung quyền lực, triệu tập quần thần, nơi tiến hành các đại lễ, cũng là nơi sinh sống của hoàng đế và các phi tần. Tường thành bao quanh quần thể dài hơn 3.000m, cao gần 10m. Một con sông đầy cá sấu và sâu 6m bao quanh tường thành, được cho là để bảo vệ an ninh, không người nào có thể xâm nhập hoặc trốn thoát khỏi cung cấm nếu không được phép.

Trong số gần 10.000 gian phòng, nhiều khách thăm quan tò mò về khu vực hậu cung, bởi họ muốn biết liệu có "tam cung lục viện, 72 phi tần" hay không. Đặc biệt, khi một phi tần bị thất sủng và bị giam vào "lãnh cung", người đó sẽ trải qua điều kiện sống như thế nào, có giống như trong một nhà tù hay không.

Kết cục bi thảm ở lãnh cung

Theo Ifeng, các học giả cho rằng không có một gian phòng cố định để làm lãnh cung, mà những nơi để giam lỏng các phi tần, hoàng tử thì được gọi là "Lãnh cung". Trong thời Minh và Thanh, một số gian phòng từng được sử dụng làm lãnh cung.

Vào thời Quang Tự nhà Thanh, Trân Phi mà hoàng đế Quang Tự yêu mến bị Từ Hy Thái Hậu giam lỏng tại gian phòng phía bắc của Các Cảnh Kỳ, rồi sau đó vị hoàng phi này bị ép nhảy xuống giếng mà chết.

Vào thời Minh, Cung Càn Tây ở phía tây Ngự Hoa Viên được sử dụng làm lãnh cung. Khách Thị là nhũ mẫu của Hoàng đế Minh Hy Tông - Chu Du Hiệu. Khách Thị cấu kết với thái giám Ngụy Trung Hiền và nắm nhiều quyền thế trong cung. Tất cả những người không vừa ý Khách Thị đều bị hãm hại.

Như Trương Dụ Phi có lời qua tiếng lại với Khách Thị, ả ôm hận trong lòng và đặt điều nói xấu trước mặt Hoàng đế Hy Tông, nói rằng đứa con mà Trương Dụ Phi mang trong mình không phải là cốt nhục của hoàng đế. Hy Tông nghe xong thì tống Trương Dụ Phi vào lãnh cung ở vị trí sau này là Ngự Hoa Viên của nhà Thanh. Khách Thị cũng không cho người mang đồ ăn đến đầy đủ khiến cho Trương Dụ Phi chết đói trong lãnh cung.

Thành Phi, một người phi khác của Hy Tông, có lòng tốt, đem câu chuyện bi thảm của Trương Dụ Phi nói với hoàng đế. Khách Thị biết được cũng giả truyền chỉ dụ của hoàng đế và giam Thành Phi vào lãnh cung ở phía tây Ngự Hoa Viên. Thành Phi đoán biết trước được cảnh này và giấu sẵn đồ ăn nên thoát được cảnh chết đói. Sau đó, một số phi tần cũng bị giam ở đây.

Các phi tần thường bị bỏ đói hoặc chết vì cô đơn trong lãnh cung.
Các phi tần thường bị bỏ đói hoặc chết vì cô đơn trong lãnh cung. (Ảnh minh họa: Qulishi).

Thời Hoàng đế Minh Hiến Tông, Hoàng hậu Lý Mục Kỷ cũng từng bị giam ở lãnh cung. Điều đặc biệt là một hoàng đế tương lai được sinh hạ chính ở nơi này. Khi đó, Vạn Quý Phi được Hoàng đế Hiến Tông sủng ái và không thích những kẻ khác đến gần ông. Những người đã sinh con cho hoàng đế và cả Hoàng hậu Lý Mục Tế đang mang thai cũng bị đưa vào lãnh cung.

Hoàng hậu sinh ra Chu Hựu Đường, về sau trở thành Hoàng đế Minh Hiếu Tông. Dưới sự giúp đỡ của nhiều thái giám và cung nữ, Chu Hựu Đường sống trong lãnh cung đến năm 6 tuổi thì được vào cung nhận cha.

Ngoài ra, một nhà nghiên cứu từng nhắc đến "An Lạc Đường", cũng là một lãnh cung. Những người phụ nữ có tội hoặc già yếu, đau bệnh đều được đưa đến đây.

Lãnh cung, chốn dừng bi thảm của những phi tần bị thất sủng.
Lãnh cung, chốn dừng bi thảm của những phi tần bị thất sủng. (Ảnh minh họa: Baidu).

Cung Tiêu Diêu: Lãnh cung cho đàn ông

Nhiều người phụ nữ, phi tần bị nhốt vào lãnh cung và phải chết ở đây khiến thế gian mặc định lãnh cung là chỉ dành cho phụ nữ. Bởi vậy, không nhiều người biết, trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, lãnh cung cũng được dùng để giam giữ đàn ông và kết cục của họ cũng bi thảm như những người phụ nữ.

Cung này được đặt tên khá mỹ miều là Cung Tiêu Diêu, nghĩa là hạnh phúc và gắn liền với Hoàng đế sáng lập nhà Minh, Chu Nguyên Chương. Vị hoàng đế này từng có tuổi thơ cơ cực do đó rất ghét người lười nhác. Ông quy định cho quần thần và dân chúng chỉ được nghỉ ba ngày một năm là năm mới, đông chí và ngày sinh nhật của ông. Tất cả những người cờ bạc hoặc rỗi rãi dắt chó, cầm lồng chim đi dạo thì đều phải giam vào Lầu Tiêu Diêu, biến nơi hạnh phúc trở thành nơi những kẻ lười nhác phải chết đói.

Lầu Tiêu Diêu vốn ở kinh đô cũ của triều Minh. Sau khi nhà Minh dời đô về Bắc Kinh, Cung Tiêu Diêu được xây dựng. Cung này về sau không còn giam những người bình dân nữa mà thành nơi giam giữ phạm nhân và các thái giám. Họ bị bỏ đói cho đến chết. Sau đó, dưới thời nhà Thanh, "truyền thống" này của Cung Tiêu Diêu cũng được kế thừa.

Giải bí ẩn lãnh cung trong Tử Cấm Thành

0