Lạm thu - lỗi tại ai?

“Nghệ thuật” thu tiền Ban phụ huynh (BPH) là ai? Thực tế, nếu con bạn ở đầu cấp thì họ sẽ là những người được chỉ định từ trước (cô giáo đưa ra gợi ý và thường thì không ai phản đối hoặc tự ứng cử thêm). Nếu họ đã làm việc qua 1 năm học rồi thì việc bầu lại BPH trước khi vào năm ...

“Nghệ thuật” thu tiền

Ban phụ huynh (BPH) là ai? Thực tế, nếu con bạn ở đầu cấp thì họ sẽ là những người được chỉ định từ trước (cô giáo đưa ra gợi ý và thường thì không ai phản đối hoặc tự ứng cử thêm). Nếu họ đã làm việc qua 1 năm học rồi thì việc bầu lại BPH trước khi vào năm học mới chỉ là thủ tục lấy lệ, vì hầu như phụ huynh trong lớp đều nhất trí để BPH cũ làm việc tiếp.

Buổi họp phụ huynh đầu năm bao giờ cũng là áp lực với cha mẹ học sinh. Theo thông lệ, buổi họp phụ huynh ở cấp nào cũng vậy, bao giờ cũng bắt đầu bằng việc cô giáo thông báo tình hình chung của trường, của lớp và của một số học sinh mà cha mẹ cần lưu ý. Sau đó, đại diện BPH của lớp lên tặng hoa, chúc sức khỏe cô giáo nhân dịp đầu năm học. Lúc này, cô giáo tạm ra ngoài để BPH lên “làm việc”.

Trước đây, BPH thường phát cho phụ huynh tờ thông báo các khoản thu và dự kiến thu quỹ lớp, lấy biểu quyết cho đúng thủ tục, rồi mọi người đọc qua, nhất trí và đóng tiền. Vài năm gần đây, đã có sự thay đổi. Người của BPH sẽ “mất công” chép các khoản thu cứng (thu hộ nhà trường) lên bảng, còn quỹ lớp sẽ được thông báo và xin ý kiến bằng miệng.

Một phụ huynh ở quận Cầu Giấy cho biết, vừa phải đóng hơn 3 triệu đồng, trong đó bao gồm cả tiền học tăng cường, quỹ lớp, đồng phục và nhiều khoản mà anh không thể nhớ nổi. Phụ huynh có con học ở một trường THPT của quận Hai Bà Trưng chia sẻ: Tổng các khoản thu của nhà trường khoảng hơn 1 triệu đồng, nhưng cộng với tiền quỹ lớp nên số tiền phải đóng mỗi học sinh khoảng hơn 2 triệu đồng. “May mà nhà trường tách ra thu trước khoản Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thân thể trước đó rồi chứ không thì chắc phải đóng cao hơn nữa”- phụ huynh này nói.

Được biết, để tránh tình trạng mỗi nơi thu một mức khác nhau, nhiều quận, huyện đã ban hành quy định khung hoặc mức trần (phổ biến khoảng từ 100.000 - 200.000 đồng/học sinh/năm). Thế nhưng, đã có lớp nào, trường nào BPH thu theo mức đó?

Văn bản số 8568/SGD& ĐT-KHTC của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc thực hiện các khoản thu khác ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2012-2013 quy định, nhà trường không được gộp các khoản thu vào đầu năm học. Thế nhưng, các khoản thu thường được BPH sốt sắng thu gộp ngay từ đầu năm học. Theo ý kiến của nhiều phụ huynh thì nên thu các khoản tách ra theo từng học kỳ để giảm áp lực cho cha mẹ học sinh, nhưng điều này mấy ai dám nói trước đám đông và với BPH. Phụ huynh thường chỉ dám “thì thầm” với nhau về sự “lạm thu” của BPH vì tuân theo số đông và sợ con mình sẽ bị “ảnh hưởng”.

Lam thu - loi tai ai?

“Lạm thu” dẫn đến “loạn chi”…


Một phụ huynh có con học lớp 1 trường công lập tại quận Cầu Giấy cho biết: Riêng tiền quỹ lớp đã lên đến 1,5 triệu đồng/học sinh. Làm một phép tính nhẩm, lớp của con anh có 60 học sinh, việc chi tiền cũng không diễn ra ngay lập tức, vậy trong một khoảng thời gian, số tiền đó sẽ được sử dụng vào việc gì? Khi bị chất vấn, BPH trình bày miệng dự kiến chi như sau: Mua máy tính xách tay cho cô giáo, mua 1 máy chiếu, lắp 2 máy điều hòa, ủng hộ trường, chi quà cho cô giáo và BGH, ngoài ra sẽ trang trí lại lớp học… Điều đáng nói ở đây là BPH không đồng ý photo bản chi tiêu để công khai hóa việc thu chi, ai thắc mắc sẽ được cho xem hóa đơn.

Việc “loạn chi” còn dẫn đến sự lãng phí khi BPH một số trường tiểu học còn nhận thêm việc mua vở, đồ dùng học tập cho các con để tạo sự đồng bộ trong quá trình học tập trên lớp. Nhiều cha mẹ méo mặt khi thông báo này được biết sau khi họp phụ huynh (có nghĩa là bắt đầu vào năm học gần 1 tháng). Trong khi đó, theo thông lệ, cha mẹ đã đưa các bé đi sắm đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập khi sắp bước vào năm học mới. Chị L.T, mẹ một bé than thở: “Bây giờ em không biết mang số đồ dùng, sách vở đã mua trước đấy đi đâu, và em cũng đã bỏ ra một số tiền khá lớn so với đồng lương của em”.

Một số phụ huynh khá bức xúc khi biết được lý do BPH “sốt sắng” thu tiền và đứng ra “chi hộ”. Ngoài việc giữ một số tiền lớn của cha mẹ học sinh trong khoảng thời gian dài sẽ được quay vòng sinh lời theo nhiều cách, thì việc được hưởng “chiết khấu” cũng là một lý do “nhiệt tình” của một số BPH. “Khi mua sách vở, đồ dùng học tập với số lượng lớn bao giờ người mua cũng được trích lại 10% tiền “hoa hồng” ”, một nhân viên nhà sách 45B Lý Thường Kiệt, Hà Nội cho biết. Hầu như năm nào các em học sinh cũng sẽ được tổ chức đi tham quan, và theo thông tin từ một Cty du lịch, Cty sẽ trích tới 30% “hoa hồng” cho người đặt tour lớn.

Năm nào Sở GD&ĐT cũng ra văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi ngay từ đầu năm học. Theo đó, các khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh phải công khai mức thu, nội dung chi, đảm bảo nguyên tắc “lấy thu bù chi”. Với kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu phải thu, chi dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch.

Dù đã có văn bản chỉ đạo nhưng tình trạng “lạm thu”, “loạn chi” trong các trường học vẫn còn diễn biến khá phức tạp, và ngày càng biến tướng dưới nhiều hình thức. Mỗi phụ huynh hãy bước qua sự e ngại, công khai đấu tranh với việc “lạm thu” trong môi trường con mình đang học tập, chỉ như vậy, những đống tiền chúng ta bỏ ra mới thực sự được sử dụng đúng với mục đích ươm mầm tương lai.

Hà Nội: Kiểm tra việc thực hiện thu - chi đầu năm học

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa thành lập 20 đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các khoản thu - chi và hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm đầu năm học 2013 - 2014 tại các nhà trường trên địa bàn TP. Công tác thanh tra tập trung vào các nội dung cơ bản: Việc thực hiện các khoản thu theo quy định và các khoản thu ngoài học phí, các chính sách hỗ trợ cho học sinh khó khăn và việc triển khai hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm theo quy định của Bộ GD&ĐT và UBND TP Hà Nội. Thời gian thanh tra, kiểm tra các nội dung nêu trên kéo dài đến hết ngày 25-9-2013.
Theo Sở GD&ĐT, đối với việc thực hiện các khoản thu khác - khoản thu dễ nảy sinh bức xúc trong dư luận, trong khi chưa có văn bản của UBND TP, các nhà trường sẽ thực hiện theo hướng dẫn tạm thời của Sở GD&ĐT như năm học trước. Văn bản này ấn định danh mục khoản thu thỏa thuận gồm: Phục vụ bán trú, học 2 buổi/ngày, học phẩm và nước uống tinh khiết cho HS. Để tránh tình trạng mỗi nơi thu một kiểu, Hà Nội cũng đã quy định mức trần cụ thể cho từng khoản với yêu cầu các nhà trường căn cứ vào tình hình thực tế xây dựng dự toán chi để làm căn cứ tính toán mức thu và phải có văn bản thỏa thuận tới từng phụ huynh.
Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm. Trong đó, người đứng đầu đơn vị đó phải chịu trách nhiệm và đưa vào đánh giá thi đua cuối năm với cá nhân và đơn vị có vi phạm.

Theo PL & XH

>> Thí điểm đề án mới - "liều thuốc mạnh" chống lạm thu

0