Khoa học lý giải Tâm linh như thế nào?
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với GS.VS Đào Vọng Đức, nguyên viện trưởng Viện Vật lý, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người về Khoa học và Tâm linh. Khoa học và Tâm linh không đối nghịch nhau Ông là một nhà khoa học rất tâm huyết trong việc tìm hiểu và nghiên ...
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với GS.VS Đào Vọng Đức, nguyên viện trưởng Viện Vật lý, nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người về Khoa học và Tâm linh.
Khoa học và Tâm linh không đối nghịch nhau
Ông là một nhà khoa học rất tâm huyết trong việc tìm hiểu và nghiên cứu về tâm linh. Ông nghĩ sao về sự tương tác giữa khoa học và tâm linh?
Thế kỷ XX, vật lí học hân hoan chào đón sự ra đời của Thuyết tương đối và Thuyết lượng tử. Thế kỷ XXI, theo như tiên đoán của nhiều học giả nổi tiếng, sẽ được đánh dấu một bước tiến vĩ đại, đó là sự nhận thức được rằng, Khoa học và Tâm linh không đối nghịch nhau. Nó là hai mặt đối ngẫu bổ sung cho nhau để nghiên cứu thực tại. Pauli, nhà vật lí nguyên tử lừng danh của thế kỷ XX đã nhận định rằng: "Nếu Vật lý và Tâm linh được xem như các mặt bổ sung cho nhau của thực tại thì sẽ cực kỳ thỏa mãn".
Nhưng có một thực tế, là những gì không lý giải được, những gì hư hư, thực thực, thậm chí vô lí thì một số người cho rằng: Phật bảo thế, Thánh bảo thế...
Einstein đã nói lên quan điểm về sự tương đồng giữa Khoa học hiện đại và Phật giáo. Có thể dẫn ra một ví dụ minh họa như sau: Tiên đề của thuyết lượng tử là "Nguyên lý bổ sung đối ngẫu" khẳng định rằng, Sóng và Hạt là hai mặt bổ sung cho nhau của thực tại. Nguyên lí này dẫn đến một hệ quả cực kỳ quan trọng là vật thể vi mô chuyển động không theo bất cứ một quỹ đạo xác định nào, có nghĩa là chuyển từ vị trí này sang vị trí khác theo vô số con đường cùng một lúc.
Suy rộng ra là vật thể vi mô có thể cùng một lúc có mặt tại vô số vị trí khác nhau, cùng một lúc có thể ở vô số trạng thái khác nhau, cùng một lúc có thể làm vô số việc khác nhau. Điều này gợi cho ta liên tưởng tới Kinh Phật nói về các đức Phật, các chư vị Bồ tát phân thân ra trăm nghìn vạn ức hóa thân đi khắp ba nghìn Đại thiên thế giới, giáo hóa cứu độ chúng sinh.
GS.VS Đào Vọng Đức
Cần sự hỗ trợ của "trực ngộ chân như"
Dù ông có chứng minh thế nào đi chăng nữa thì rõ ràng cho đến nay vẫn còn rất nhiều điều điều bí ẩn mà khoa học chưa giải thích được?
Khi nghiên cứu các lĩnh vực với mức độ tinh tế khác nhau thì cách tiếp cận phải khác nhau. Đặc biệt với các hiện tượng siêu tinh tế thì đòi hỏi phải vận dụng các khái niệm và các hệ tiên đề hoàn toàn mới, có thể rất xa lạ với những điều đã quen thuộc trước đó. Chẳng hạn, có thể còn có các dạng siêu tương tác ứng với các dạng siêu năng lượng, liên quan đến các hiện tượng siêu tự nhiên mà các giác quan bình thường của con người không thể cảm nhận được, cũng như khoa học và kỹ thuật hiện nay chưa đủ trình độ để phát hiện.
Đặc biệt, trong thế giới vi mô, khi mọi quan hệ tương tác đều được vận hành bởi các quy luật lượng tử, nguyên lí đối ngẫu càng thể hiện rõ nét là một nguyên lí nền tảng dẫn đến những điều huyền diệu, nhiều khi khó diễn đạt được tường tận bằng ngôn ngữ của lập luận logic thông thường, mà cần sự hỗ trợ của yếu tố "trực ngộ chân như" (giác ngộ).
Các hoạt động tâm linh hiện nay chưa được số đông ủng hộ. Phải chăng đó là vì bản thân vấn đề tâm linh chưa tự chứng minh được sự trong sáng, mặt tích cực, lợi ích cho đời sống xã hội?
Trong những thập niên gần đây, ngày càng dồn dập thông tin về những khả năng đặc biệt của con người, những hiện tượng kỳ bí mang tính tâm linh thể hiện rất đa dạng trong đời sống cộng đồng trong nước cũng như trên thế giới. Tiếp cận những vấn đề này một cách khách quan với thái độ thực sự cầu thị, tôn trọng sự thật, khiêm tốn học hỏi để khám phá, nhằm mục đích tối thượng phục vụ lợi ích cộng đồng là điều tâm đắc của nhiều người. Bên cạnh đó, cũng có những hiện tượng tiêu cực dẫn đến những hệ quả không tốt, làm hại đến uy tín của những người hoạt động chân chính.
Vậy theo ông có cách nào để kìm chế được mặt tiêu cực đó?
Ngoài việc tăng cường quản lý Nhà nước, việc làm sáng tỏ về mặt khoa học các hiện tượng mang tính tâm linh cũng là một đóng góp rất hữu hiệu.
Ông có tin vào số phận không, thưa ông?
Về mặt lí thuyết chưa ai chứng minh được là có hoặc không có số phận. Ở đây, tùy thuộc vào lòng tin và sự trải nghiệm của mỗi người.
Tôi rất tâm đắc với câu của nhà bác học vĩ đại Einstein khi ông này khẳng định rằng: "Khoa học, Tôn giáo, Nghệ thuật là những cành, nhánh của cùng một cây... Khoa học không có Tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo không có Khoa học thì mờ ảo".
Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm rằng, những thành tựu của vật lí học hiện đại rọi những tia sáng mới vào khoa học dự báo. Dự báo liên quan mật thiết đến phạm trù không gian - thời gian. Einstein đã phát biểu rằng: "Quá khứ, hiện tại, tương lai chỉ là những ảo tưởng cố hữu". Schrodinger, tác giả của phương trình cơ bản trong Thuyết lượng tử đã phát biểu: "Muôn đời và mãi mãi chỉ có bây giờ... Hiện tại là cái duy nhất không có kết thúc".
Phật pháp chỉ đường lìa mê về bến Giác
Theo tôi được biết, ngay trong khoa học cũng có những thứ được chứng minh, nhưng không xuất hiện một cách tường minh?
Tạo hóa đã ban cho vũ trụ chúng ta các dạng tương tác một cách tối ưu bao gồm tương tác mạnh, tương tác yếu, tương tác điện từ và tương tác hấp dẫn. Đó là các loại tương tác cơ bản nhất tạo nên bức tranh của cả vũ trụ chúng ta.
Bất kỳ một loại tương tác nào, một hiện tượng nào dù phức tạp đến mấy, từ vi mô đến vĩ mô cũng đều bắt nguồn từ các loại tương tác đó. Một hướng nghiên cứu có tính thời sự nhất hiện nay là xây dựng Lí thuyết thống nhất, tức là tìm một cơ cấu thiết kế chung gắn kết các loại tương tác với nhau trên cùng một nền tảng và phương hướng được xem là có nhiều triển vọng nhất để xây dựng Lí thuyết thống nhất nói trên chính là Lí thuyết Dây.
Điều đặc biệt là trong lí thuyết Dây nhất thiết phải có các trường "Vong". Các trường "Vong" này giữ vai trò then chốt trong cơ cấu của lí thuyết, chi phối các cơ chế tương tác nhưng không hề xuất hiện một cách tường minh trong thực tế.
Ở góc độ là một nhà khoa học, ông muốn nhắn nhủ điều gì đến cả những người đang làm công tác nghiên cứu tâm linh, những người có khả năng đặc biệt?
Đây là cuộc viễn chinh khoa học gian nan nhưng đầy hứa hẹn, đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa Khoa học và Tâm linh, sự đóng góp lâu dài công sức và trí tuệ của các nhà khoa học và các nhà ngoại cảm. Chúng ta có cơ sở để hy vọng rằng, cùng với sự phát triển ngày càng sâu rộng của khoa học và công nghệ, dần dà sẽ tiếp cận được những hiện tượng mà cho tới nay vẫn được xem là huyền bí hoặc hầu như là phi lý. Chúng ta sẽ có được những phương pháp hữu hiệu và thực hiện những bước tiến theo tinh thần "Phật pháp chỉ đường lìa mê về bến Giác".
Xin trân trọng cảm ơn ông. Mong rằng tất cả những linh hồn, những con người còn u mê sẽ tìm được con đường về bến Giác Thiện. Xin kính chúc ông sức khoẻ!