Khám phá hiện tượng kỳ bí "Mặt biển chia đôi" trên mỗi đại dương
Mỗi đại dương trên thế giới đều có một số khu vực xảy ra hiện tượng mặt biển bị chia đôi, thành hai màu nước khác hẳn nhau. Thiên nhiên vẫn luôn là một thứ gì đó rất kỳ diệu. Nó có thể thật hung hiểm, bạo tàn với sức mạnh không gì chống đỡ được, nhưng cũng có khi đẹp mịn màng, rực rỡ và kỳ vĩ, ...
Mỗi đại dương trên thế giới đều có một số khu vực xảy ra hiện tượng mặt biển bị chia đôi, thành hai màu nước khác hẳn nhau.
Thiên nhiên vẫn luôn là một thứ gì đó rất kỳ diệu. Nó có thể thật hung hiểm, bạo tàn với sức mạnh không gì chống đỡ được, nhưng cũng có khi đẹp mịn màng, rực rỡ và kỳ vĩ, giống như hiện tượng trong bức hình dưới đây.
Hiện tượng mặt biển chia đôi ghi lại ở bang Mississippi.
Nếu muốn chiêm ngưỡng rõ hơn cảnh tượng tuyệt đẹp này, mời các bạn xem video dưới đây.
Video hiện tượng "Mặt biển chia đôi" này được ghi lại tại bang Mississippi (Mỹ). Về mặt lý thuyết, nó có thể xảy ra ở mọi đại dương trên thế giới, tại những khu vực "Cửa sông" - nơi nước sông chảy ra và đổ vào biển. Tuy vậy, hiếm nơi nào có được sự chia cắt đặc biệt như khu vực sông Missisippi.
Khu vực nước bên trái là nước sông và bên phải là nước biển. Nơi giao nhau của chúng đã tạo nên cảnh tượng tuyệt đẹp này.
Nhưng tại sao nước biển và nước sông không hoà vào nhau, mà lại tạo thành một ranh giới kỳ lạ như vậy?
Khu vực nước bên trái là nước sông và bên phải là nước biển.
Trước kia, nhiều nền văn hóa lý giải, nguyên nhân hiện tượng này liên quan đến tâm linh. Như kinh Quran của người Hồi giáo cho rằng, nước sông - nước biển không thể hòa lẫn, do đó thần linh đã tạo nên một ranh giới giữa nước sông và nước biển để cứu lấy con người. Nước biển dù lớn, nhưng không thể chiếm lấy sông - nguồn nước ngọt của con người.
Trên thực tế, kinh Quran cũng có ý đúng: nước biển và nước sông đơn giản là không thể hòa vào nhau. Tuy nhiên lý do lại không được đơn giản như vậy.
Để hiểu được chuyện này, cần biết rằng trước kia nước biển trên Trái đất không mặn như ngày nay. Nhưng khi mưa rơi xuống, nó hòa tan muối và chất khoáng trên đất liền, rồi theo những dòng sông đổ ra biển.
Nói cách khác, đại dương là nơi tiếp nhận muối từ mọi con sông, nên độ mặn của biển lớn hơn hẳn. Và chính sự chênh lệch về độ mặn đã khiến mật độ nước 2 bên khác nhau và không thể hoà lẫn. Thay vào đó, nước muối sẽ chảy bên dưới nguồn nước ngọt phía trên.
Hiện tượng này không chỉ xuất hiện tại cửa sông, mà tại cả những khu vực giao nhau của hai đại dương, chỉ cần độ mặn hai bên có sự chênh lệch.