12/01/2018, 10:50

Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu

Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu Hiện nay, trong cơ cấu công nghiệp của cả nước, vùng Đông Nam Bộ chiếm tỉ trọng cao nhất . ...

Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu

Hiện nay, trong cơ cấu công nghiệp của cả nước, vùng Đông Nam Bộ chiếm tỉ trọng cao nhất .

a) Trong công nghiệp

Hiện nay, trong cơ cấu công nghiệp của cả nước, vùng Đông Nam Bộ chiếm tỉ trọng cao nhất với vị trí nổi bật của các ngành công nghệ cao như: luyện kim, điện tử, chế tạo máy, tin học, hóa chất, hóa dược, thực phẩm…Việc phát triển công nghiệp của vùng đặt ra nhu cầu lớn về năng lượng. Cơ sở năng lượng của vùng đã từng bước được giải quyết nhờ phát triển nguồn điện và mạng lưới điện.

Một số nhà máy thủy điện được xây dựng trên hệ thống sông Đồng Nai như nhà máy thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai (400 MW), thủy điện Thác Mơ (150 MW) và nhà máy thủy điện Cán Đơn trên sông Bé. Dự án thủy điện Thác Mơ mở rộng (75 MW) dự kiến hoàn thành vào năm 2010.

Hình 39. ở Đông Nam Bộ

Từ khi đưa được khí đồng hành vào đất liền, các nhà máy điện tuôc bin khí được xây dựng và mở rộng, gồm Trung tâm điện tuôc bin khí Phú Mỹ (Phú Mỹ 1, 2, 3, 4), nhà máy điện Bà Rịa…,trong đó lớn nhất là Trung tâm điện tuôc bin khí Phú Mỹ, với tổng công suất thiết kế hơn 4000 MW.

Một số nhà máy nhiệt điện chạy bằng dầu phục vụ cho các khu chế xuất cũng được dầu tư xây dựng.

Đường dây siêu cao áp 500 kV Hòa Bình-Phú Lâm (TP.Hồ Chí Minh) được đưa vào vận hành từ giữa năm 1994 đã có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cho vùng. Các trạm biến áp 500 kV và một số mạch 500 kV được tiếp tục xây dựng như tuyến Phú Mỹ-Nhà Bè, Nhà Bè-Phú Lâm. Hàng loạt công trình 220 kV, các công trình trung thế và hạ thế được xây dựng theo quy hoạch.

Sự phát triển của vùng không tách rời xu thế mở rộng quan hệ đầu tư với nước ngoài (giai đoạn 1998-2006), vùng đã thu hút số vốn đăng kí 42019,8 triệu USD, chiếm hơn 50% của cả nước). Do vậy, những vấn đề môi trường phải luôn luôn được quan tâm. Sự phát triển của công nghiệp cũng cần tránh làm tổn hại đến ngành du lịch mà vùng có nhiều tiềm năng.

b) Trong khu vực dịch vụ

Các ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của vùng. Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các hoạt động dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng. Đó là các hoạt động dịch vụ thương mại, ngân hàng, tín dụng, thông tin, hàng hải, du lịch…Vùng Đông Nam Bộ dẫn đầu cả nước về sự tăng trưởng nhanh và phát triển có hiệu quả các ngành dịch vụ.

c)Trong nông, lâm nghiệp

Vấn đề thủy lợi có ý nghĩa hàng đầu. Nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng. Công trình thủy lợi Dầu Tiếng trên thượng lưu sông Sài Gòn (tỉnh Tây Ninh) là công trình thủy lợi lớn nhất của nước ta hiện nay.

Dự án thủy lợi Phước Hòa (Bình Dương-Bình Phước) được thực thi sẽ giúp chia một phần nước sông Bé cho sông Sài Gòn, cung cấp nước giúp cho sinh hoạt và sản xuất. Nhờ giải quyết nước tưới cho các vùng khô hạn về mùa khô và tiêu nước cho các vùng thấp dọc sông Đồng Nai và sông La Ngà, sẽ làm tăng diện tích đất trồng trọt, tăng hệ số sử dụng đất trồng hàng năm và khả năng đảm bảo lương thực, thực phẩm của vùng cũng khá hơn.

Việc thay đổi cơ cấu cây trồng đang nâng cao vị trí của vùng như là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn của cả nước. Những vườn cây cao su già cỗi, năng suất mủ thấp, được thay thế bằng các giống cao su cho năng suất cao và ứng dụng công nghệ mới, nhờ thế mà sản lượng cao su của vùng không ngừng tăng lên. Đông Nam Bộ cũng đang trở thành vùng sản xuất chủ yếu cà phê, hồ tiêu, điều. Cây mía và đậu tương vẫn chiếm vị trí hàng đầu trong các cây công nghiệp ngắn ngày.

Cần bảo vệ vốn rừng trên vùng thượng lưu của các sông để tránh mất nước ở các hồ chứa, giữ được mực nước ngầm. Cần phục hồi và phát triển các vùng rừng ngập mặn. Các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển cũng cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

d) Trong phát triển tổng hợp kinh tế biển

Vùng biển và bờ biển Đông Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tổng hợp kinh tế biển: khai thác tài nguyên sinh vật biển, khai thác khoáng sản thềm lục địa, du lịch biển và giao thông vận tải biển. Việc phát hiện dầu khí ở vùng thềm lục địa Nam Biển Đông của nước ta và việc khai thác dầu khí (từ năm 1986) với quy mô ngày càng lớn, có sự hợp tác đầu tư của nhiều nước, đã tác động mạnh đến sự phát triển của vùng, nhất là ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Vũng Tàu là nơi nghỉ mát lí tưởng cho vùng Nam Bộ và cả nước, nay còn là cơ sở dịch vụ lớn về khai thác dầu khí. Việc phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu và các ngành dịch vụ khai thác dầu khí thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế và sự phân hóa lãnh thổ của vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển và chế biến dầu mỏ.

0