Khái quát về hợp đồng kinh tế
Trong các mối quan hệ xã hội có những quan hệ được các bên thoả thuận thiết lập nhằm mục đích làm phát sinh những đổi thay chấm dứt quyền và nghĩa vụ - giữa các bên với nhau. Những mối quan hệ thuộc loại này được gọi chung là quan hệ hợp ...
Trong các mối quan hệ xã hội có những quan hệ được các bên thoả thuận thiết lập nhằm mục đích làm phát sinh những đổi thay chấm dứt quyền và nghĩa vụ - giữa các bên với nhau. Những mối quan hệ thuộc loại này được gọi chung là quan hệ hợp đồng. Cũng như vậy quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế được gọi là quan hệ hợp đồng kinh tế . Trong khoa học pháp lý, hợp đồng kinh tế thường được hiểu theo hai nghĩa. Đó là nghĩa khách quan và chủ quan.
- Theo nghĩa khách quan (tức là dưới góc độ ý chí Nhà nước ) : hợp đồng kinh tế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng giữa các bên chủ thể kinh doanh với nhau (còn gọi là chế độ hợp đồng kinh tế hay pháp luật về hợp đồng kinh tế). Chế độ hợp đồng kinh tế của nước ta mang đặc thù của pháp luật xã hội chủ nghĩa nó bao gồm các quy phạm pháp luật về nguyên tắc ký kết tư cách chủ thể tham gia; trình tự và thủ tục ký kết hợp đồng kinh tế; các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng cũng như các nguyên tắc và nội dung thực hiện; các điều kiện và cách thức giải quyết hậu quả của việc thay đổi, huỷ bỏ, đình chỉ và thanh lý hợp đồng kinh tế; quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hợp đồng kinh tế; trách nhiệm vật chất do vi phạm hợp đồng kinh tế.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế , sự thay đổi của quan hệ kinh tế, chế độ hợp đồng kinh tế cũng được thay đổi và phát triển.
- Theo nghĩa chủ quan (tức là theo ý chí của các bên ký kết hợp đồng) : "Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản hoặc tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về thực hiện công việc sản xuất trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu , ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự qui định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình" (Điều 1 - Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngày 25/9/1989). Theo nghĩa này, hợp đồng là sự thống nhất ý chí của các chủ thể hợp đồng kinh tế.
Như vậy, xét về thực chất hợp đồng kinh tế , cũng như các loại hợp đồng khác, đều là sự thay đổi giữa các chủ thể về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong các quan hệ cụ thể. Tuy nhiên, có một số điểm khác nhau giữa hợp đồng kinh tế với các loại hợp đồng khác về tư các chủ thể, mục đích, hình thức ký kết, thực hiện....
Những thay đổi cơ bản trong nền kinh tế cũng như chế độ quản lý kinh tế theo sự thay đổi những qui định của chế độ hợp đồng kinh tế để phù hợp với tình hìh diễn biến mới trong các quan hệ kinh tế. Vì thế, những qui định của pháp luật về hợp đồng kinh tế hiện nay có các đặc điểm để chúng ta phân biệt với những qui định hợp đồng kinh tế trước đây. Đồng thời cũng phân biệt với các loại hợp đồng khác. Những đặc điểm đó là :
Đặc điểm về mục đích của hợp đồng kinh tế
Hợp đồng kinh tế được ký kết nhằm mục đích kinh doanh. Mục đích này được thể hiện trong nội dung công việc mà các bên thoả thuận trong hợp đồng như là : thực hiện hoạt động sản xuất , trao đổi hàng hoá, dịch vụ.... Điều đó có nghĩa là hợp đồng kinh tế phải gắn với quá trình sản xuất và tái sản xuất của các chủ thể kinh doanh, trong đó ít nhất một bên ký hợp đồng phải có mục đích kinh doanh còn bên kia có thể không có mục đích kinh doanh nhưng không có mục đích đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt. Đặc điểm này dùng để phân biệt hợp đồng kinh tế với hợp đồng dân sự, hơn nữa mục đích kinh doanh là đặc trưng của các quan hệ kinh tế.
Đặc điểm về chủ thể hợp đồng kinh tế :
Theo Điều 2 - pháp lệnh hợp đồng kinh tế, thì hợp đồng kinh tế được ký kết giữa các bên : pháp nhân với pháp nhân; pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh theo qui định của pháp luật. Như vậy theo qui định này thì chủ thể ký kết hợp đồng kinh tế phải là chủ thể có điều kiện tổ chức, phải là pháp nhân và luôn phải là một bên ký kết, còn bên kia có thể là cá nhân có đăng ký kinh doanh.
Cá nhân có đăng ký kinh doanh được hiểu là cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đặc điểm về hình thức hợp đồng kinh tế
Hợp đồng kinh tế có thể ký kết dưới hình thức văn bản hợp đồng hoặc tài liệu giao dịch (như công văn, điện báo, đơn chào hàng, đặt hàng). Ngoài ra các bên có thể ký kết các văn bản phụ lục hợp đồng cụ thể hoá các điều kiện trong hợp đồng hoặc biên bản bổ sung những điều khoản mới thoả thuận vào văn bản hợp đồng. Phụ lục hợp đồng và biên bản bổ sung có giá trị pháp lý như hợp đồng kinh tế.
Dựa trên những căn cứ khác nhau mà hợp đồng kinh tế được phân thành nhiều loại khác nhau.
Căn cứ và tính chất của quan hệ hợp đồng, hợp đồng kinh tế gồm các loại sau:
* Hợp đồng kinh tế mang tính chất đền bù :
Là loại hợp đồng mà theo đó quyền và nghĩa vụ của các bên tương xứng nhau (quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại). Trong quan hệ hợp đồng, một bên có nghĩa vụ giao hàng hoá, thực hiện dịch vụ hoặc kết quả công việc đã thoả thuận, bên kia có nghĩa vụ nhận hàng hoá hoặc kết quả đó và thanh toán tiền. Đây là loại hợp đồng phản ánh quan hệ hàng hoá - tiền tệ với bản chất là quan hệ ngang giá và được sử dụng trong các lĩnh vực như la trao đổi hàng hoá; vận chuyển hàng hoá.....
* Hợp đồng kinh tế mang tính tổ chức :
Là loại hợp đồng được xác lập trên cơ sở sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể kinh doanh có thể thoả thuận với nhau lập ra một cơ sở kinh tế - kỹ thuật mới để thực hiện mục đích chung. Hợp đồng này không phản ánh quan hệ hàng hoá tiền tệ, không mang tính chất đền bù. Các bên chủ thể có thể thoả thuận góp vật chất, góp sức lao động để lập ra cơ sở kinh doanh mới. Song chủ thể của loại hợp đồng này phải có tư cách pháp nhân đầy đủ. Tuỳ theo tính chất của tổ chức, hợp đồng không chỉ có 2 bên chủ thể mà có nhiều bên cùng tham gia.
Căn cứ vào thời hạn thực hiện hợp đồng, hợp đồng kinh tế chia làm 2 loại :
* Hợp đồng kinh tế dài hạn :
Là những hợp đồng kinh tế có thời hạn thực hiện từ 1 năm trở lên nhằm thực hiện kế hoạch dài hạn
* Hợp đồng kinh tế ngắn hạn :
Là những hợp đồng kinh tế có thời hạn thực hiện từ 1 năm trở xuống, gồm hợp đồng năm, nửa năm, quý, tháng để thực hiện kế hoạch năm và những phần kế hoạch trong năm.
Như vậy, tuỳ theo đối tượng của hợp đồng, tính chất của mối quan hệ, giá cả thị trường.... mà các chủ thể có thể ký kết hợp đồng ngắn hạn hay dài hạn.
3.3. Căn cứ vào tính kế hoạch của hợp đồng, hợp đồng kinh tế gồm :
* Hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh :
Là những hợp đồng kinh tế được ký kết nhằm thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho các doanh nghiệp Nhà nước. Việc ký kết hợp đồng kinh tế giữa những đơn vị kinh tế được giao nhiệm vụ kế hoạch là nghĩa vụ, là kỷ luật của Nhà nước. Hợp đồng này mang tính kế hoạch cao, vì thế, tính tự nguyện và bình đẳng giữa các chủ thể của hợp đồng bị hạn chế. Tuy nhiên, trong cơ chế mới loại hợp đồng này không còn được áp dụng phổ biến nữa mà chỉ những doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích mới thực hiện nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước giao.
* Hợp đồng kinh tế thông thường :
Loại hợp đồng này được ký kết theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi . Việc ký kết hợp đồng là quyền tự do ý chí của các đơn vị kinh tế , không một tổ chức hay cá nhân nào được áp đặt ý chí của mình cho các đơn vị kinh tế khác. Trong cơ chế mới này, loại hợp đồng này được áp dụng rất phổ biến.
Căn cứ vào nội dung giao dịch của quan hệ hợp đồng gồm:
* Hợp đồng mua bán hàng hoá
Là hợp đồng mà theo đó bên bán có nghĩa vụ chuyển giao hàng hoá và quyền sở hữu đối với hàng hoá đó cho bên mua theo đúng điều kiện đã thoả thuận trong hợp đồng, còn bên mua có nghĩa vụ nhận hàng hoá và thanh toán tiền hàng. Quan hệ hợp đồng này là quan hệ trao đổi hàng hoá, gọi là quan hệ hàng hoá - tiền tệ
* Hợp đồng vận chuyển hàng hoá
Là hợp đồng mà theo đó bên vận tải hàng hoá có nghĩa vụ vận chuyển hàng hoá nhất định đến địa điểm đã ấn định để giao cho bên nhận hàng, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cho bên vận tải một khoản tiền nhất định gọi là cước phí vận chuyển.
* Hợp đồng xây dựng cơ bản :
Là hợp đồng kinh tế trong đó bên nhận thầu có nghĩa vụ xây dựng và bàn giao cho bên giao thầu toàn bộ công trình theo đúng đồ án thiết kế và thời hạn như đã thoả thuận trong hợp đồng, còn ben giao thầu có nghĩa vụ bàn giao mặt bằng xây dựng , các bản thiết kế và đầu tư xây dựng đúng tiến độ đồng thời có nghĩa vụ nghiệm thu công trình và thanh toán cho bên nhận thầu. Hợp đồng này mang tính chất đền bù.
* Hợp đồng dịch vụ :
Là hợp đồng kinh tế theo đó bên cung cáp dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện hành vi nhất định phù hợp với ngành nghề đã đăng ký để thoả mãn nhu cầu của bên thuê dịch vụ và được hưởng khoản tiền công nhất định gọi là phí dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ có nghĩa vụ tiếp nhận kết quả dịch vụ và thanh toán cho bên thuê dịch vụ phí như đã thoả thuận.
Tóm lại, trên đây là những hợp đồng kinh tế cụ thể được áp dụng phổ biến trong thực tiễn đời sống kinh tế của nước ta hiện nay.
1- Nghị định số 735/TTg ngày 10/4/1960 ban hành điều lệ về hợp đồng kinh doanh.
2- Nghị định 04/TTg ngày 04/1/1960 ban hành điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh và cơ quan Nhà nước.
3- Nghị định 54/CP ngày 10/3/1975 ban hành điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế
4- Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngày 25/9/1989
5- Nghị định 17/HĐBT ngày 16/1/1990 của Hội đồng bộ trưởng qui định chi tiết thi hành pháp lệnh hợp đồng kinh tế
6- Quyết định 18/HĐBT ngày 16/1/1990 của Hội đồng bộ trưởng về việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh.
Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về chế độ pháp lý về hợp đồng kinh tế