Khái niệm Luật tố tụng dân sự – Giáo trình pháp luật Việt Nam đại cương
Khái niệm Luật tố tụng dân sự a, Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, khi giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành án dân sự theo thủ tục mà Luật tố tụng dân sự quy định thì sẽ xuất hiện những quan hệ giữa tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án với ...
Khái niệm Luật tố tụng dân sự
a, Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự
Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, khi giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành án dân sự theo thủ tục mà Luật tố tụng dân sự quy định thì sẽ xuất hiện những quan hệ giữa tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án với nhau, với các đương sự, với những người tham gia tố tụng khác. Các quan hệ này được các chủ thể thực hiện trong khuôn khổ mà Luật tố tụng dân sự xác định nhằm giải quyết các vụ việc dân sự. Hành vi của mỗi một chủ thể tham gia vào các quan hệ đó đã được những quy phạm pháp luật tố tụng dân sự điều chỉnh, buộc các chủ thể này thực hiện các quyền và nghĩa vụ nhất định. Các quan hệ phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án dân sự và thi hành án dân sự chính là đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự.
Đối tượng điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự là các quan hệ xã hội phát sinh giữa tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, đương sự và những người tham gia tố tụng khác trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và thi hành án dân sự.
b, Phương pháp điều chỉnh của Luật tố tụng dân sự
Với các quy phạm pháp luật, Luật tố tụng dân sự đã tác động tới đối tượng điều chỉnh bằng các phương pháp điều chỉnh sau đây:
Phương pháp quyền uy mệnh lệnh. Luật tố tụng dân sự điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong tố tụng bằng phương pháp quyền uy mệnh lệnh thể hiện ở chỗ quy định địa vị pháp lý của Tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án và các chủ thể khác trong tố tụng không giống nhau; các chủ thể khác đều phải phục tùng Tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án. Các quyết định của Tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án có giá trị bắt buộc các chủ thể khác phải thực hiện, nếu không sẽ bị cưỡng chế thực hiện. Quy định này xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan trên phải có những quyền lực pháp lý nhất định đối với các chủ thể khác. Do đó, ở các quan hệ do Luật tố tụng dân sự điều chỉnh không có sự bình đẳng giữa Tòa án, viện kiểm sát và cơ quan thi hành án với các chủ thể khác.
Phương pháp “mềm dẻo – linh hoạt” dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền bình đẳng và tự định đoạt của các đương sự. Phương pháp điều chỉnh này xuất phát từ các quan hệ pháp luật nội dung mà Tòa án có nhiệm vu giải quyết trong các vụ việc dân sự là các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình. Các chủ thể của các quan hệ này có quyền tự quyết định quyền lợi của mình khi tham gia vào các quan hệ đó. Trong vụ việc dân sự, các chủ thể đó là đương sự. Do vậy, để bảo đảm quyền tự quyết định quyền lợi của các đương sự trong tố tụng, Luật tố tụng dân sự điều chỉnh các quan hệ giữa Tòa án với các đương sự phát sinh trong quá trình tố tụng bằng phương pháp điều chỉnh này. Theo đó, các đương sự được tự quyết định việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ trước Tòa án. Khi có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại hay tranh chấp các đương sự tự quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết giải quyết vụ việc. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự và thi hành án dân sự, các đương sự vẫn có thể thương lượng, dàn xếp, thỏa thuận giải quyết những vấn đê tranh chấp, rút yêu cầu, rút đơn khởi kiện, tự thi hành án hoặc không yêu cầu thi hành án nữa.
Luật tố tụng dân sự điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tố tụng bằng hai phương pháp quyền uy mệnh lệnh và “mềm dẻo, linh hoạt”, trong đó phương pháp điều chỉnh chủ yếu là phương pháp quyền uy mệnh lệnh.