Khái niệm giai cấp và đấu tranh giai cấp
a)Khái niệm giai cấp Trong tác phẩm Sáng kiến vĩ đại, Lênin định nghĩa: “Người ta gọi là giai cấp , những tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thường thì những quan hệ này ...
a)Khái niệm giai cấp
Trong tác phẩm Sáng kiến vĩ đại, Lênin định nghĩa: “Người ta gọi là giai cấp, những tập đoàn to lớn gồm những người khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử,
khác nhau về quan hệ của họ (thường thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với những tư liệu sản xuất, về vai trò của họ trong tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải xã hội ít hoặc nhiều mà họ được hưởng. Giai cấp là những tập đoàn người, mà tập đoàn này có thể chiếm đoạt lao động của tập đoàn khác, do chỗ các tập đoàn đó có địa vị khác nhau trong một chế độ kinh tế xã hội nhất định”1.
Như vậy, sự ra đời, tồn tại của giai cấp gắn với những hệ thống sản xuất xã hội nhất định. Sự khác nhau về địa vị của giai cấp trong hệ thống sản xuất là do:
Thứ nhất, khác nhau về quan hệ của họ đối với việc sở hữu những tư liệu sản xuất của xã hội.
Thứ hai, khác nhau về vai trò của họ trong tổ chức quản lý sản xuất, tổ chức quản lý lao động xã hội.
Thứ ba, khác nhau về phương thức và quy mô thu nhập những sản phẩm lao động của xã hội.
Trong những sự khác nhau trên đây, sự khác nhau của họ về sở hữu đối với tư liệu sản xuất có ý nghĩa quyết định. Tập đoàn người nào nắm tư liệu sản xuất sẽ trở thành giai cấp thống trị xã hội và tất yếu sẽ chiếm đoạt những sản phẩm lao động của các tập đoàn khác. Đó là bản chất của những xung đột giai cấp trong các xã hội có giai cấp đối kháng.
Trong các xã hội có giai cấp, ngoài giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, còn có các giai cấp và tầng lớp trung gian khác. Bộ phận này không có vị trí cơ bản trong phương thức sản xuất, nó thường xuyên bị phân hóa. Nhân tố chi phối sự phân hóa của các tầng lớp trung gian là lợi ích. Các giai cấp và tầng lớp trung gian ngả về phía giai cấp thống trị hay bị trị là tùy thuộc vào vị trí lợi ích của họ.
Giai cấp thực chất là một phạm trù kinh tế – xã hội có tính lịch sử. Nó luôn luôn vận động biến đổi cùng với sự biến đổi của lịch sử.