02/06/2017, 23:41

Kể về một lần em mắc khuyết điểm làm thầy (cô) giáo buồn (Bài 1)

Công cha nghĩa mẹ chữ thầy, Học sao cho giỏi những ngày còn thơ. Em đã tự nhủ lòng mình như vậy. Thế nhưng vì một phút nông nổi, em đã làm cô giáo dạy văn phải buồn, phải thất vọng về em. Em nhớ rất rõ, hôm ấy là tiết học Ngữ văn, cô giáo cho làm văn viết tại lớp. Thú thật, hôm ấy em không ...

Công cha nghĩa mẹ chữ thầy, Học sao cho giỏi những ngày còn thơ.

Em đã tự nhủ lòng mình như vậy. Thế nhưng vì một phút nông nổi, em đã làm cô giáo dạy văn phải buồn, phải thất vọng về em.
 
Em nhớ rất rõ, hôm ấy là tiết học Ngữ văn, cô giáo cho làm văn viết tại lớp. Thú thật, hôm ấy em không chuẩn bị bài. Vì chủ quan nên không đọc kỹ những tác phẩm đã học. Thế là em không làm được bài văn viết ở lớp. Nội dung tác phẩm không nắm được thì lấy đâu kiến thức để làm bài. Em đành viết qua loa, sơ sài. Bài văn của em không đủ ý. Đến tiết trả bài, em dự đoán mình sẽ bị điểm kém nên nên vội chạy lên bục giảng xin cô để được phát bài kiểm tra. Cô gật đầu, em cầm xấp bài đi nhanh xuống lớp để phát cho các bạn. Lòng em thấp thỏm lo âu. Rồi dự đoán của em cũng trở thành sự thật. Em phát hiện bài làm của mình chỉ có điểm ba. Thế là em vội gấp bài làm lại rồi kẹp ngay vào vở của mình. Em chợt nảy ra một ý định …
 
Cô giáo yêu cầu chúng em đọc điểm để cô ghi vào sổ. Đến lúc gọi tên em, lời hô của em thật dõng dạc:
 
- Dạ, tám điểm ạ!
 
Cô gọi tiếp bạn khác, em thở phào nhẹ nhõm. Ghi điểm xong, cô yêu cầu những học sinh có điểm cao đọc bài trước lớp để các bạn tham khảo. Cô gọi tên em đọc bài đầu tiên. Thế là em như người mất hồn. Em đứng khựng như ai chôn chân xuống đất, miệng nói chẳng nên lời. Cô giáo bước xuống xem lại bài làm của em. Sắc mặt cô đã thay đổi sau khi hiểu rõ vấn đề “Tại sao em không đọc bài?” Thế nhưng cô không nói gì thêm vào lúc ấy. Cả lớp bàn tán xôn xao, cô giáo yêu cầu lớp yên lặng và gọi tên bạn khác đọc bài. Nghe bạn đọc bài rành rọt, em thật thẹn thùng. Lúc ấy, em chỉ muốn khóc thật to cho vơi đi nổi buồn về sự dối điểm của mình. Em tự nghĩ: “Sao mình nỡ lừa cô giáo đến thế?” Làm sao xoá đi lỗi lầm của mình? Bao câu hỏi cứ vẫn vơ trong em. Hiểu được tâm trạng của em cô giáo đã cho em ngồi xuống. Cả lớp không ai biết em đã dối điểm. có lẽ đây là khuyết điểm lớn nhất đối với một học sinh giỏi như em. Vì một suy nghĩ non dại, em đã làm cô giáo rất buồn. Em đã hối tiếc nhưng cũng đã muộn màng. Cuối tiết học, em đã gặp cô giáo. Em xin cô giáo tha lỗi cho em. Cô ôn tồn bảo: “Cô thất vọng vì em là một học sinh giỏi nhưng kết quả làm bài lại như thế? Và cô còn thất vọng hơn về việc em dối điểm. Cô mong em tỉnh ngộ và học tập tốt hơn. Bây giờ cô tha lỗi cho em, hãy yên tâm và cô gắng học tập hơn nữa”. Lời nói của cô đã thấm sâu vào tâm hồn em. Lời khuyên nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Ánh mắt cô vẫn nhìn em bằng cái nhìn đôn hậu, hiền từ. Thế nhưng, em vẫn rút rè, e ngại, cô giáo khẽ bảo: “Ai cũng có lần phạm lỗi lầm, nhưng biết lỗi và sửa lỗi là tốt. Cô hy vọng em mãi là học sinh ngoan. Hãy cố gắng lên, cô sẽ giúp đỡ cho em hành trang kiến thức của môn Ngữ văn”.
 
Lời khuyên của cô lúc ấy tựa như lời khuyên của mẹ. Lòng em đã ấm áp hẳn lên. Em đã bớt lo sợ vì cô đã thực sự tha thứ. Ôi? Tấm lòng của cô giáo thật độ lượng, bao dung. Lời dặn dò của cô em đã khắc ghi, nó như mạch nước nguồn chảy mải. Mạch nước ấy đã giúp em khôn lớn, nên người.
 
Từ bài kiểm tra hôm ấy, em đã rút ra cho mình bài học sâu sắc. Đó là bài học về sự “Tôn sư trọng đạo”, “Biết ơn thầy cô giáo”. Em còn rút ra bài học quý giá về tính trung thực. Con người không nên đánh mất niềm tin, không giẫm lên lòng tin của người khác. Trung thực trong làm bài, trung thực trong thi cử, trung thực với thầy cô giáo. Bên cạnh tính trung thực là tính kiên trì vượt khó, không chủ quan, không ỷ lại …Tất cả những đức tính ấy sẽ giúp chúng ta vững bước đi lên và trở thành người tốt.
 

0