16/01/2018, 13:17

Kể về món ăn làm em nhớ mãi – Văn mẫu lớp 9

Kể về món ăn làm em nhớ mãi – Văn mẫu lớp 9 Kể về món ăn làm em nhớ mãi – Bài số 1 Nhớ đời món "Trinh nữ kén chồng" Ở miền Tây Nam Bộ có một làng nghề rất đặc biệt, đó là làng chuột Phù Dật. Phù Dật thuộc ấp Bình Chiến, xã ...

Kể về món ăn làm em nhớ mãi – Văn mẫu lớp 9

Kể về món ăn làm em nhớ mãi – Bài số 1

Nhớ đời món "Trinh nữ kén chồng"

   Ở miền Tây Nam Bộ có một làng nghề rất đặc biệt, đó là làng chuột Phù Dật. Phù Dật thuộc ấp Bình Chiến, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh Anh Giang. Làng chuột Phù Dật nằm sát bên dòng kênh Phù Dật rộng lớn, có quốc lộ 91 từ Châu Đốc qua Long Xuyên rồi tỏa rả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

   Làng Phù Dật hiện có 664 hộ, trong đó có 300 hộ chuyên sống bằng nghề săn bắt, mua bán chuột hoặc làm thịt chuột. Nhiều hộ gia đình đã xóa đói giảm nghèo bằng nghề này. Có không ít gia đình đã trở thành triệu phú, tậu thêm ruộng vườn, nuôi con vào Cao đẳng, Đại học bằng nghề săn bắt chuột, kinh doanh chuột.

   " Vua chuột" ở làng Phù Dật là vợ chồng anh Lê Duy Khánh và chị Thu Giang. Anh Khánh vốn là lính trinh sát của Binh chủng Đặc công; chị Giang nay mới 33 tuổi nhưng đã có thâm niên trong nghề mua bán chuột hơn 20 năm rồi đó.

   Mỗi ngày làng Phù Dật thường đánh bắt, thu mua và xuất ra các thị tứ, các quán nhậu đến năm sáu tấn thịt chuột. Lông, da, đuôi, tứ chị, ruột của " cu tí" thì được các hộ nuôi cá bè bao tiêu hết.

   Ngoài "chuột nội" còn có "chuột ngoại" nhập về. Từ bến đò Trại Thum (Campuchia), ngày nào cũng có một vài chuyến xe chở khoảng 2 tấn chuột về Phù Dật. Chuột sống, thịt chuột tươi ướp đá từ Phù Dật sẽ được đưa tới các nhà hàng ở tận Thành phố Hồ Chí Minh, vũng Tàu…

   Dân nhậu cho biết thịt chuột ngon, đậm, thơm, giòn, bùi, ngọt, bổ dưỡng … hơn bất kì sơn hào hải vị nào. Người cao tuổi ăn thịt chuột thì mắt sáng ra,như được truyền thêm sinh khí; các chị nuôi con thơ chỉ cần ăn vài đĩa thịt chuột sẽ có nguồn sữa dồi dào, kẻ mới xuất viện về nhà chỉ ăn dăm bát cháo chuột tất sớm bình phục.

   Một tay đầu bếp " thượng hạng" nhà hàng nổi tiếng ở Vũng Tàu đã tự hào giới thiệu về các món đặc sản thịt chuột như sau: chuột chiên, chuột xào, chuột bó giò, nướng chao, xào rau răm, bóp gỏi, chiên vàng nấu canh chua, rô ti nước dừa, hấp nước mắm, hấp nước ngọt, thịt chuột ninh hạt sen, nhồi sâm với thảo trùng … . Các món thịt chuột ninh hạt sen, nhồi sâm với thảo trùng này cực kì đặc biệt. Trước đây Từ Hi thái hậu cũng chưa từng được thưởng thức; còn các vị đàn ông đa thê, các ả đàn bà góa hồi xuân, chỉ cần nếm qua một lần sẽ " nhớ đời".

   Ở quán nhậu vùng Núi Cấm ( An Giang) có món "Trinh nữ kén chồng". Giá ưu đãi cũng phải 100 đô!. Nguyên liệu chuẩn là chuột cái chưa sinh đẻ, phải đủ 9 con ( cửu mĩ nhân). Sau khi lột da, mổ bụng, cắt bỏ phần ruột, tứ chi, đuôi, giữ lại phần đầu, các " nàng" được ướp gia vị với hỗn hợp gồm: thịt ba chỉ, gan heo, đậu xanh để nguyên vỏ, nấm mèo … . Tất cả được dồn vào bụng các "nàng" rồi khâu kín lại. Chuột được chiên vàng, sau đó sắp vào nồi đất, đổ nước dừa tươi lấp xấp ngang thịt chuột, bịt lá chuối tơ, đậy vung lại cho kín, lửa cỉu riu riu vừa phải, ninh cho đến lúc nước dừa sền sệt, trở cho chuột thấm đều. Món chuột "Trinh nữ kén chồng" có mùi vị cực kì hấp dẫn: thơm, béo, ngọt, đậm … . Thực khách phải cầm ngang " cô ả" mà cắn, ăn nhỏ nhẹ như thả, kèm với rau răm, nhâm nhi với li rượu " thiên điệp anh túc noãn kì tửu" thì sẽ không bao giờ quên vị đời! ( Một li rượu " Thiên điệp…" này, giá "chiếu cố" là 150 ngàn đến 200 ngàn Việt Nam đồng, mọi thứ rượu Tây không thể nào sánh được!)

   Bác Sáu Chì, một thương lái trên kênh Vĩnh Tế đã kể cho tôi nghe giai thoại sau: " Một vị quan tham nọ bụng phệ, có nhiều đất nền trên một số chung cư, đô thị, có nhiều triệu đô la gửi ngân hàng Thụy Sĩ, có một biệt thự ở Vương quốc Anh sương mù, và có nhiều cô bồ nhí chân dài! Hắn ta bị sứ giả của Diêm Vương bắt đóng gông, giải xuống ngục Cửu U. Lúc đưa lên giàn hỏa thiêu tra tấn, chỉ mới được một lúc, nước mỡ trong bụng hắn trào ra, một mùi thơm xông lên ngào ngạt. Bọn quỷ sứ cứ đứng há mồm, hít ra hít vào liên tục. Bỗng một con quỷ sứ mắt xanh mỏ đỏ thét lên: " Tắt lửa! Ngừng thui!" Pháp quan đến gần tên tội đồ, hỏi: " Trên cõi trần , mi ăn chi mà lắm mỡ rứa, thịt mi thơm rứa?"

   – Bẩm đại quan! Con ghiền " Thiên điệp anh túc noãn kì tửu" và món thịt chuột " Trinh nữ kén chồng" ạ ! Rát bỏng con lắm! Oan con lắm ! Xin Ngài thương con mà tha cho!

   Bầy quỷ sứ cười ầm lên!

   Bác Sáu Chì mỉm cười , hỏi tôi:

   – Thế chú giáo đã mấy lần đến nhà hàng Núi Cấm thưởng thức món đặc sản thịt chuột " Trinh nữ kén chồng" và kì tửu " Thiên điệp…."? Cứ nói thiệt đi!

   – Bác Sáu ơi! Tiền lương ba cọc ba đồng. Vợ thất nghiệp, còn mẹ già và hai con đang đi học phổ thông, lấy tiền mô mà xài cái món đặc sản đó!

   – Tui hỏi cho biết thôi! Chứ nhìn cái bộ hiền lành và cù đờ của chú thi tui đã rõ. Chứ bà già năm nay mấy mươi rồi?…

   Trên đây là những điều tôi nghe thấy, nhìn thấy vào tháng 7 năm 2009, khi tôi đến Châu Đốc và An Giang có chút công việc.

   Lúc tạm biệt, bác Sáu Chì nắm lấy vai tôi dặn đi dặn lại: "Mùa thi sang năm, chú có vô đây, thế nào tui cũng đãi chú món thịt chuột " Trinh nữ kén chồng" một bữa cho đã!…

   Bỗng một tiếng hò trong vắt ngân dài cất lên trên dòng kênh:

" Còn non, còn nước, còn dài,
Còn về còn nhớ đến người hôm nay".

   Tôi đứng lặng trên bến. Lòng man mác bâng khuâng dõi nhìn con thuyền bác Sàu Chì khuất dần trên dòng kênh.

   Mờ xa trong bóng chiều tím thẫm là ngọn núi Sam, nơi có lăng Thoại Ngọc Hầu và bà Đại phu nhân Vĩnh Tế.

Kể về món ăn làm em nhớ mãi – Bài số 2

Thời gian dần trôi qua, tôi đã gặp không biết bao nhiêu món ngon trên đời nhưng những ký ức về món tôm của mẹ sẽ mãi mãi vẫn ở trong lòng mà không thứ gì sánh được.

Ngày còn bé, điều kiện gia đình không mấy khá giả. Những lúc đói, nhà không gì ăn mẹ tôi thường lặn lội mò tôm bắt cá. Lúc ấy, cá tôm trên sông nhiều vô kể, chỉ cần mon men cặp mé kênh cũng kiếm được khá nhiều tôm cá.

Mẹ tôi khá khéo, những món ăn mẹ nấu cứ thế đi sâu vào lòng, đặc biệt là món tôm kho tàu trong những ngày trời se lạnh. Mùi tôm tự nhiên thơm ngọt chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi. Thịt tôm chắc và ngọt lịm chỉ muốn ăn mãi không thôi.

Mỗi ngày đến giờ ăn, ngôi nhà nhỏ đơn sơ lại tấp nập tiếng nói cười. Món tôm của mẹ làm cả nhà thêm ấm áp.

Thời gian dần trôi qua, các chị em tôi giờ đã lớn. Mọi ký ức ngày xưa vẫn còn đọng đó trong tâm trí. Dẫu giờ đây mỗi đứa đều có sự nghiệp của riêng mình, hàng ngày được thưởng thức không biết bao nhiêu là món ngon, vị lạ nhưng vẫn chưa có món ăn nào ngon như món tôm mẹ nấu những ngày còn khó khăn.

Giờ đây, công tác xa nhà khiến chúng tôi trở nên lười nhác và cũng ít có dịp về thăm gia đình để được ngồi nghe cha kể những chuyện về xóm làng, đồng ruộng và được thưởng thức những món ăn thơm ngọt dưới bàn tay khéo léo của mẹ. Giờ đây tôm tự nhiên chẳng còn nhiều nữa, những món tôm của mẹ chỉ sử dụng tôm nuôi nhưng vẫn còn nồng nàn kỉ niệm.

Ai đi xa cũng mong được trở về nhà và ấm áp trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Đôi lúc chỉ một món ăn thôi cũng khiến người ta cảm thấy ấm lòng. Và với tôi, món tôm của mẹ chính là món quà vô giá mà quá khứ đã mang đến. Tất nhiên, đó cũng sẽ là những kí ức vẹn nguyên về một thời hạnh phúc, ngọt ngào.

Kể về món ăn làm em nhớ mãi – Bài số 3

“Quê hương mỗi người chỉ một

 Như là chỉ một mẹ thôi.

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”.

              (Quê hương – Đỗ Trung Quân)

Chắc hẳn hai từ quê hương thiêng liêng luôn để lại trong góc nhỏ trái tim mỗi người với sự nhớ nhung và trân trọng. Bởi quê hương là nơi con người ta được sinh ra, lớn lên và đó cũng là nơi muốn tìm về sau những tháng ngày lăn lộn mệt mỏi với cuộc đời. Nhớ đến kỷ niệm đẹp thời thơ ấu nhất là món ăn mẹ nấu – bát canh bầu nấu với tôm.

Quả bầu thuộc họ bầu bí xưa nay được biết đến rất lành tính, còn gọi là bầu nậm, bầu đất, bầu canh… rất thích hợp để ăn trong những ngày hè bởi vị ngọt, vị mát, ăn rất bổ và lại chữa được nhiều bệnh. Bầu thường mọc theo giàn, cũng có nhiều giống bầu khác nhau bởi hình dáng, kích thước của quả. Có quả dài tới một mét, hình trụ, vỏ màu xanh mướt, có quả lại có hình chuông, giữa quả thắt lại, phần dưới và phần trên quả phình to ra trông như hồ lô rất vui mắt.

Nhà mình hồi đó trồng rất nhiều bầu, những giàn bầu khắp vườn như tấm thảm che nắng. Chúng con thường chơi đuổi bắt trốn tìm dưới những giàn bầu ấy, hay đung đưa trên chiếc võng ngửa mặt nhìn lên xem những trái bầu treo lủng lẳng mà nghĩ ngợi về những điều xa xôi. Bất chợt thấy mẹ đi chợ về, con liền chạy ra đón mẹ và bưng ly nước cho mẹ uống. Mẹ bảo: “con ra cắt cho mẹ một khúc bầu”. Con hỏi: “để làm gì hả mẹ?”, “mẹ nấu món này cho cả nhà thưởng thức”, mẹ đáp. Lúc đó con vô cùng háo hức vội đi làm ngay. Con đứng bên bếp con ngửi thấy mùi thơm thật lạ và thật hấp dẫn… đó là canh tôm nấu với bầu.

Mẹ tôi bảo nấu món này rất đơn giản nhưng phải đúng cách thì mới ngon được, theo mẹ:

Chọn quả bầu không già sau đó gọt vỏ, rửa sạch, thái lát. Tôm cắt chân, râu để nguyên vỏ, rửa sạch, ướp gia vị trước khi nấu 30 phút cho thấm. Làm nóng chảo với dầu, cho hành vào khử thơm rồi cho tôm vào xào. Sau đó đổ nước lên đun sôi, bỏ bầu vào và nhớ để lửa to làm lát bầu xanh. Khi canh sôi thì nhắc xuống rắc hành ngò vào. Nếu để lâu trên bếp bầu sẽ nhừ không ngon.

Quả thật, giữa ngày hè oi ả, nóng nực có bát canh bầu mẹ nấu khiến bữa cơm thêm ngon miệng, xua tan đi cái nóng của cơ thể. Hèn gì ca dao có câu “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Tôi luôn nhớ cái cảm giác lần đầu tiên được thưởng thức món canh bầu với tôm mẹ nấu ấy. Lát bầu vừa mềm, vừa xanh rất hấp dẫn húp với nước canh rất ngọt cùng với vị thơm của hành ngò, cay của ớt và tiêu làm tôi nhớ mãi. Nhìn những chai sạn trên đôi vai của mẹ tôi thấu hiểu mọi gánh nặng cuộc sống như đè nặng lên đôi vai gầy guộc ấy để cho chúng tôi hương vị ngọt ngào như ngày hôm nay.

Vũ Hường tổng hợp

Từ khóa tìm kiếm

  • giải bài tập ngữ văn 9
  • giải ngữ văn 9
0