24/05/2018, 15:28

Kế toán huy động vốn của ngân hàng thương mại

Để phát huy vai trò của mình, kế toán Ngân Hàng có các nhiệm vụ chính sau: - Kế toán Ngân Hàng ghi nhận, phản ánh chính xác, kịp thời các nghiệp vụ kinh tế phát sinh thuộc về hoạt động nguồn vốn và sử dụng vốn của Ngân Hàng theo đúng ...

Để phát huy vai trò của mình, kế toán Ngân Hàng có các nhiệm vụ chính sau:

- Kế toán Ngân Hàng ghi nhận, phản ánh chính xác, kịp thời các nghiệp vụ kinh tế phát sinh thuộc về hoạt động nguồn vốn và sử dụng vốn của Ngân Hàng theo đúng pháp lệnh kế toán thống kê của nhà nước và các thể lệ, chế độ kế toán Ngân Hàng. Trên cơ sở đó, để bảo vệ an toàn tài sản của bản thân Ngân Hàng cũng như tài sản của toàn xã hội bảo quản tại Ngân Hàng.

- Kế toán Ngân Hàng phân loại nghiệp vụ, tộng hợp số liệu theo đúng phương pháp và theo những chỉ tiêu nhất định nhằm cung cấp thônh tin một cách kịp thời phục vụ lãnh đạo thực thi chính sách quản lý và chỉ đạo hoạt động kinh doanh của Ngân Hàng. Kế toán Ngân Hàng giám sát quá trình sử dụng tài sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các loại tài sản thông qua kiểm soát trước các nghiệp vụ bên nợ và bên có ở từng đơn vị Ngân Hàng cũng như toàn bộ hệ thống. Góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, củng cố chế độ hạch toán kế toán trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

- Kế toán Ngân Hàng tổ chức giao dịch phục vụ khách hàng một cách khoa học văn minh. Giúp đỡ khách hàng nắm được những nội dung cơ bản của kỹ thuật nghiệp vụ kế toán nói riêng, góp phần thực hiện chiến lược khách hàng của Ngân Hàng.

* Nhiệm vụ của kế toán huy động vốn.

Ngoài việc phải thực hiện các nhiệm vụ kế toán Ngân Hàng nói chung, kế toán huy động vốn phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Kế toán huy động vốn phải thực hiện việc ghi chép phản ánh đầy đủ kịp thời, chính xác các nghiệp vụ phát sinh trong quá trình huy động vốn(nhận tiền gửi, phát hành giấy tờ có giá…), tính và trả lãi cho khoản vốn huy động.

- Tính và trả lãi cho khách hàng phải đúng nguyên tắc, chính xác để đảm bảo thu nhập cho Ngân Hàng.

- Kế toán huy động vốn phải có trách nhiệm quản lý toàn bộ hồ sơ huy động vốn của khách hàng.

- Kế toán huy động vốn cần phối hợp với phòng tín dụng quản lý nguồn vốn huy động đem lại hiệu quả cao cho nguồn vốn huy động, cụ thể: Kế toán huy động vốn cung cấp thông tin chính xác, kịp thời số liệu về những nguồn vốn huy động ngắn, trung và dài hạn để cán bộ tín dụng có kế hoạch cho vay hợp lý, đồng thời cung cấp cho ban giám đốc quản lý điều hành có hiệu quả.

Như vậy kế toán huy động vốn cùng với các nghiệp vụ kế toán Ngân Hàng khác thông qua các hoạt động của mình giúp cho Ngân Hàng vừa thực hiện được chức năng kinh doanh, vừa phát triển nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế. Với vai trò đó, hệ thống kế toán Ngân Hàng nói chung và kế toán huy động vốn nói riêng cần phải được hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của kinh doanh Ngân Hàng và sự phát triển nền kinh tế.

Nhằm đảm bảo tính pháp lý trong quan hệ kinh tế giữa Ngân Hàng và khách hàng, khi mở tài khoản cho khách hàng cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

- Đơn vị tổ chức kinh tế tư nhân muốn mở tài khoản tại Ngân Hàng phải có tư cách pháp nhân, thực hiện hạch toán kinh tế độc lập. Nếu là thể nhân thì phải có nơi trú ngụ chính thức(có hộ khẩu), có đăng ký kinh doanh hợp lệ, hợp pháp.

- Việc lựa chọn Ngân Hàng để mở tài khoản, số lượng tài khoản là quyền của khách hàng. Chủ nhân là pháp nhân kinh tế hay thể nhân đứng chủ tài khoản. Chủ tài khoản chịu trách nhiệm pháp lý về số tài sản trên tài khoản của mình. Như vậy, khi nào chủ tài khoản ra lệnh(thể hiện trên các chứng từ kế toán) Ngân Hàng mới trích tài khoản của khách hàng để thực hiện các dịch vụ thanh toán(trừ trường hợp có lệnh của toà án, trọng tài kinh tế nhà nước hay Ngân Hàng chủ động thu nợ khi đến hạn).

- Kế toán trưởng Ngân Hàng nơi đơn vị mở tài khoản phải kiểm soát đủ thủ tục mở tài khoản và trực tiếp quản lý hồ sơ mở tài khoản của khách hàng.

* Thủ tục mở tài khoản tiền gửi:

Để mở tài khoản tiền gửi, khách hàng phải gửi tới Ngân Hàng nơi mở tài khoản các giấy tờ sau:

- Đối với khách hàng là cá nhân:

+) Giấy đăng ký mở tài khoản(lập theo mẫu Ngân hàng quy định) do chủ tài khoản ký tên, trong đó có ghi đầy đủ các yếu tố theo quy định kể cả ngày và nơi cấp giấy chứng minh thư nhân dân.

+) Bản đăng ký mẫu chữ ký của chủ tài khoản để giao dịch với Ngân Hàng nơi mở tài khoản.

+) Chứng minh thư hoặc hộ chiếu(đối với người nước ngoài).

+) Số dư tối thiểu mở tài khoản tiền gửi ngoại tệ theo quy định của Ngân Hàng (nếu gửi ngoại tệ).

- Đối với khách hàng là doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

+) Giấy đăng ký mở tài khoản(lập theo mẫu Ngân Hàng quy định) do chủ tài khoản ký tên, đóng dấu, trong đó ghi đầy đủ yếu tố theo quy định.

+) Bản đăng ký mẫu dấu chữ ký giao dịch với Ngân Hàng nơi mở tài khoản(lập theo mẫu Ngân Hàng quy định) gồm: Chữ ký của chủ tài khoản, của kế toán trưởng và những người được uỷ quyền ký thay trên các giấy tờ giao dịch với Ngân Hàng, mẫu dấu của đơn vị.

+) Các văn bản chứng minh tư cách pháp nhân của đơn vị như:

  • Quyết định thành lập đơn vị của cơ quan có thẩm quyền.
  • Giấy phép đăng ký kinh doanh.
  • Quyết định bổ nhiệm tổng giám đốc, Giám đốc, thủ trưởng đơn vị, kế toán trưởng.
  • Khi có sự thay đổi chữ ký của những người được uỷ quyền ký trên các giấy tờ thanh toán giao dịch với Ngân Hàng hoặc khi thay đổi mẫu dấu, chủ tài khoản phải gửi cho Ngân Hàng nơi mở tài khoản bản đăng ký mẫu dấu chữ ký hay mẫu dấu của đơn vị mới thay đổi. Trong đó ghi rõ ngày bắt đầu có giá trị.
  • Khi nhận được những giấy tờ nói trên, Ngân Hàng có trách nhiệm giải quyết việc mở tài khoản tiền gửi của khách hàng ngay trong ngày làm việc. Sau khi chấp nhận việc mở tài khoản Ngân Hàng thông báo cho khách hàng biết số hiệu tài khoản, ngày ban đầu hoạt động của tài khoản khách hàng.

Tài khoản sử dụng trong kế toán huy động vốn.

Các tài khoản dùng trong kế toán huy động vốn được bố trí ở loại 4 của hệ thống tài khoản các tổ chức tín dụng theo quyết địng số 435/1998/ QĐ - NHNN ngày 25/12/1998 của Thống đốc NHNN các tài khoản huy động vốn phản ánh tình hình huy động vốn dưới các hình thức khác nhau theo quyết định của luật các tổ chức tín dụng bao gồm các tài khoản từ tài khoản 40 đến tài khoản 47.

* Tài khoản 40 – Các khoản nợ Chính phủ và NHNN.

Huy động thông qua tài khoản tiền gửi không kỳ hạn: Tài khoản này phản ánh các khoản nợ Chính phủ và NHNN.

* Tài khoản 41 – Các khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước.

* Tài khoản 42 – Các khoản nợ nước ngoài.

Tài khoản 41, tài khoản 42 có kết cấu tương tự tài khoản 40.

* Tài khoản 43 – Tiền gửi của khách hàng.

Kết cấu:

Bên nợ ghi: Số tiền khách hàng đang gửi tại Ngân Hàng.

Bên có ghi: Số tiền khách hàng gửi vào.

* Tài khoản 44 – Tổ chức tín dụng phát hành giấy tờ có giá.

Kết cấu:

Bên nợ ghi: Số tiền chi trả cho các giấy tờ có giá (số tiền gốc kế toán hạch toán trên các chứng từ có giá).

Bên có ghi: Số tiền thu được do phát hành các giấy tờ có giá.

Dư có: Phản ánh số tiền và các giấy tờ có giá đã phát hành nhưng chưa thanh toán cho người mua.

* Tài khoản 45 – Vốn tài trợ uỷ thác đầu tư.

Kết cấu:

Bên nợ ghi: Số vốn chuyển trả lại cho các tổ chức giao vốn.

Bên có ghi: Số vốn của các tổ chức quốc tế và các tổ chức khác giao cho để sử dụng theo các mục đích chỉ định.

* Tài khoản 46 – Các khoản phải trả khách hàng.

Kết cấu:

Bên nợ ghi: Số tiền đã trả cho người được thanh toán.

Bên có ghi: Các khoản phải trả.

* Tài khoản 47 – Các khoản phải trả nội bộ.

Tài khoản này có kết cấu tương tự tài khoản 46.

Chứng từ sử dụng trong kế toán huy động vốn.

Để ghi chép nghiệp vụ huy động vốn vào sổ kế toán. Ngân Hàng sử dụng các loại chứng từ sau:

- Giấy gửi tiền(giấy nộp tiền mặt).

- Giấy lĩnh tiền.

- Sổ tiền gửi hoặc sao kê số dư tiền gửi.

- Bảng kê tính lãi, phiếu chuyển khoản, phiếu thu- chi, thẻ tiết kiệm .

- Kỳ phiếu, trái phiếu.

Kế toán tiền gửi .

Quy trình luân chuyển chứng từ kế toán nhận và trả tiền gửi.

Quy trình luân chuyển chứng từ nhận và trả tiền gửi bao gồm tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm được thực hiện theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nước.

* Đối với nhận tiền gửi :

Thực hiện theo quy trình luân chuyển chứng từ kế toán Ngân Hàng, đảm bảo nguyên tắc thu tiền trước, ghi sổ sau;ghi nợ trước ghi có sau(nếu là chứng từ chuyển khoản) Quy trình được thực hiện như sau:

- Khách hàng nộp giấy nộp ( gửi) tiền kèm sổ tiết kiệm (nếu nộp tiền vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm) hoặc khách hàng nhận các chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt từ Ngân Hàng khác chuyển đến như: Bảng kê nộp séc kèm theo tờ séc, chứng từ uỷ nhiệm thu- uỷ nhiệm chi.

- Bộ phận kế toán giữ tài khoản của khách hàng kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của các yếu tố trên chứng từ sau đó chuyển sang bộ phận kiểm soát viên.

- Kiểm soát viên là kiểm soát tiền mặt (nếu nộp tiền mặt), kiểm soát chuyển khoản (nêu nộp chứng từ chuyển khoản), kiểm soát chứng từ, ký và chuyển sang thủ quỹ (nếu nộp tiền mặt), chuyển sang thủ quỹ hoặc thanh toán viên ghi nợ (nếu thanh toán cùng Ngân hàng) kế toán thanh toán (nếu thanh toán khác Ngân Hàng).

- Thủ quỹ thu tiền vào sổ quỹ, ký tên ( đối với chứng từ tiền mặt) thanh toán viên ghi nợ vào tài khoản (nếu chuyển khoản cùng Ngân Hàng) kế toán thanh toán ghi nợ vào tái khoản thích hợp (nếu chuyển khoản khác Ngân Hàng, sau đó chuyển chứng từ sang kiểm soát viên).

- Kiểm soát viên kiểm soát lại chứng từ và chữ ký trên chứng từ sau đó chuyển chứng từ cho thanh toán viên ghi có vào tài khoản tiền gửi.

- Sau khi ghi có vào tài khoản tiền gửi thanh toán viên chuyển chứng từ cho bộ phận kế toán tổng hợp lưu trữ chứng từ.

Nếu thực hiện tài khoản trên máy thì toàn bộ quy trình nghiệp vụ được thực hiện trên máy.

* Đối với chi trả tiền gửi:

Đảm bảo nguyên tắc luân chuyển chứng từ: ghi sổ trước, chi tiền sau; ghi nợ trước, ghi có sau (nếu chuyển khoản) quy trình được thực hiện như sau:

- Khách hàng nộp séc lĩnh tiền (nếu là tiền gửi thanh toán); giấy rút tiền (nếu tiết kiệm không kỳ hạn); sổ tiết kiệm vào Ngân Hàng. Nếu rút tiền bằng chuyển khoản thì khách hàng nộp các chứng từ thanh toán không dùng tiềm mặt như uỷ nhiệm chi.

- Thanh toán viên giữ tài khoản ghi nợ vào tài khoản khách hàng hoặc nhập số liệu vào máy tính. Sau đó chuyển chứng từ cho kiểm soát viên (nếu chi tiền mặt) hoặc cho thanh toán viên ghi có vào tài khoản (nếu thanh toán cùng Ngân Hàng) cho kế toán thanh toán qua Ngân Hàng(nếu thanh toán khác Ngân Hàng).

- Kiểm soát viên vào sổ nhật ký quỹ(nếu chi tiền măt). Thanh toán viên ghi có tài khoản khách hàng(nếu thanh toán cùng Ngân Hàng); kế toán thanh toán Ngân Hàng ghi có tài khoản thích hợp(nếu thanh toán khác Ngân Hàng) sau đó chuyển chứng từ sang thủ quỹ, kiểm soát viên chuyển khoản.

- Thủ quỹ kiểm soát lại sau đó chi tiền cho khách hàng, vào sổ quỹ, chuyển trả chứng từ cho kiểm soát tiền mặt.

- Kiểm soát tiền mặt, kiểm soát chuyển khoản kiểm soát lại chứng từ lẫn nữa sau đó chuyển sang kế toán tổng hợp lưu trữ chứng từ.

Nếu thực hiện kế toán máy thì toàn bộ quy trình trên được thực hiện trên máy.

Phương pháp hạch toán.

* Kế toán tiền gửi không kỳ hạn:

- Khi khách hàng có nhu cầu gửi tiền, kế toán căn cứ vào chứng từ (giấy nộp tiền) hạch toán:

Nơ TK: 1011 (1013) TK tiền mặt tại quỹ VND (USD)

Có TK: 4311(4321) TK- TG không kỳ hạn bằng VND (USD)

- Khi khách hàng đền lĩnh tiền căn cứ vào giấy lĩnh tiền tiền mặt hoặc séc nhận tiền mặt, kế toán kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ, kiểm tra số dư trên tài khoản, tiến hành hạch toán:

Nợ TK: 4311(4321) Tiền gửi khách hàng

Có TK: 1011(1031) Tiền mặt tại quỹ

Chú ý: nếu thay việc gửi- lĩnh bằng tiền mặt thành chuyển khoản thì:

- Khi khách hàng gửi tiền, kế toán ghi:

Nợ TK: TK tiền gửi khách hàng (B)

Có TK: 4311(4321) TK tiền gửi khách hàng (A)

- Khi khách hàng rút tiền, kế toán ghi:

Nợ TK: 4311(4321) TK tiền gửi khách hàng (A)

Có TK: Tiền gửi khách hàng (B)

- Tính và hạch toán lãi cho khách hàng.

+) Tiền lãi trên các khoản tiền gửi không kỳ hạn được tính theo phương pháp tích số và được nhập gốc hàng tháng.

Công thức tính lãi:

Số lãi = Tổng tích số tính lãi x (lãi suất tháng/30)

( Tích số tính lãi = Dư nợ x số ngày dư nợ )

+) Hạch toán lãi cho khách hàng (lãi được nhập gốc)

Nợ TK: 801 Chi phí trả lãi tiền gửi

Có TK: 4311(4321) TK tiền gửi khách hàng

* Kế toán tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn.

- Khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm không kỳ hạn, kế toán phải hướng dẫn cho khách hàng ghi phiếu gửi tiền tiết kiệm. Số tài khoản và phiếu lưu phải đảm bảo các yếu tố cần thiết. Sau khi thu tiền đầy đủ phải ký chứng nhận. Sổ tiết kiệm phiếu lưu giấy gửi tiền sẽ được chuyển cho kiểm soát để kiểm soát lại các yếu tố trên chứng từ, sau đó trao lại cho kế toán. Kế toán trao sổ tiết kiệm cho khách hàng và lưu lại phiếu lưu để theo dõi cập nhật đối chiếu mỗi khi khách hàng đến giao dịch. Sau đó tiến hành hạch toán.

Nợ TK: 1011, 1031( 4311(4321)/ KH. Nếu gửi bằng chuyển khoản)

Có TK: 4331(4341) Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn.(KH- A)

- Khi khách hàng có nhu cầu rút tiền sẽ nộp vào Ngân Hàng giấy lĩnh tiền kèm sổ tiết kiệm, kế toán nhận chứng từ sẽ lấy phiếu lưu để kiểm tra đối chiếu, sau đó ghi ngày rút tiền, số tiền rút ra và sau đó ghi số dư vào cả sổ tiết kiệm và phiếu lưu, trình cho kiểm soát viên kiểm tra lại, sau đó chuyển phiếu chi cho thủ quỹ để chi tiền mặt cho khách hàng và hạch toán:

Nợ TK: 4331(4341)/ KH- A

Có TK: Thích hợp (1011, 1031, 4331/ KH- B)

- Tính và hạch toán lại cho khách hàng.

Phương pháp tính lãi tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn giống như phương pháp tính lãi tiền gửi không kỳ hạn, nhưng lãi được hạch toán và nhập gốc đúng vào ngày khách hàng gửi tiền của tháng sau đó.

* Kế toán tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn.

- Khi có nhu cầu gửi tiền khách hàng cần phải ghi rõ số tiền gửi, loại kỳ hạn, để kế toán ghi vào trong sổ tiền gửi và phiếu lưu. Sau đó tiến hành hạch toán:

Nợ TK: 1011(1031) Tiền mặt tại quỹ, 4311/ KH – B

Có TK: 4332(4333) Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn của KH – A

- Tính và hạch toán lãi cho khách hàng.(Lãi không được nhập gốc)

> Trường hợp trả lãi trước.

+) Khi khách hàng đến gửi tiền Ngân Hàng trích một phần trả lãi cho khách hàng, ghi vào tài khoản chi phí chờ phân bổ và hạch toán:

Nợ TK: 1011(1031)

Nợ TK: 375 Chi phí chờ phân bổ

Có TK:4332(4333) KH- A

+) Hàng tháng Ngân Hàng phân bổ lãi trả trước vào tài khoản chi phí trả lãi tiền gửi .

Nợ TK: 801 Chi phí trả lãi tiền gửi

Có TK: 375 Chi phi chờ phân bổ

> Trường hợp trả lãi sau.

+) Hàng tháng Ngân Hàng phải tính lãi dự trả cho khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn và hạch toán:

Nợ TK: 801 Chi phí trả lãi tiền gửi

Có TK:437 Tiền lãi cộng dồn dự trả

+) Đến kỳ hạn khách hàng đến rút lãi, kế toán ghi:

Nợ TK: 437 Tiền lãi cộng dồn dự trả

Có TK: 1011(1031) Tiền mặt tại quỹ

Lưu ý: +) Nếu đến kỳ hạn mà khách hàng không đến lĩnh lãi thì kế toán tự động nhập lãi vào gốc và coi như khách hàng gửi một kỳ hạn mới và hạch toán:

Nợ TK: 437 Tiền lãi cộng dồn dự trả

Có TK: 4332(4333) Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn

+) Nếu khách hàng đến lĩnh lãi trước hạn thì Ngân Hàng sẽ thoái chi lãi cộng dồn dự trả và tính lãi cho khách hàng theo mức lãi suất không kỳ hạn cho thời gian gửi thực tế:

Thoái chi lãi.

Nợ TK: 437 Tiền lãi cộng dồn dự trả

Có TK: 801 Chi phí trả lãi tiền gửi

Tính và trả lãi thực tế cho khách hàng và hạch toán:

Nợ TK: 801 Chi phí trả lãi tiền gửi

Có TK:1011(1031), 4311 KH – A

Kế toán phát hành giấy tờ có giá.

Hiện nay, các công cụ huy động vốn phổ biến ở các Ngân Hàng Thương Mại bao gồm: kỳ phiếu Ngân Hàng, trái phiếu Ngân Hàng, các chứng chỉ tiền gửi, các giấy tờ có giá ngắn hạn, dài hạn khác. Việc phát hanh kỳ phiếu, trái phiếu Ngân Hàng được thực hiện theo đợt, định kỳ theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nước và nhu cầu về vốn của các Ngân Hàng Thương Mại. Đối tượng mua kỳ phiếu, trái phiếu Ngân Hàng phát hành là công dân Việt Nam, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội, các tổ chức tài chính tín dụng, kho bạc nhà nước, cá nhân, tổ chức kinh tế nước ngoài hoạt động kinh doanh, sinh sống tại Việt Nam.

Quy trình luân chuyển chứng từ phát hành và chi trả giấy tờ có giá.

* Đối với việc phát hành kỳ phiếu,trái phiếu.

Quy trình được thực hiện như sau:

- Khách hàng mua kỳ phiếu, trái phiếu viết giấy gửi tiền nộp vào Ngân Hàng.

- Bộ phận kế toán sau khi kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ, lập kỳ phiếu, trái phiếu và thực hiện các thủ tục phát hành kỳ phiếu, trái phiếu theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nước.

- Thủ quỹ thu đủ tiền, giao chứng từ cho khách hàng.

- Tuỳ theo đặc điểm của từng loại kỳ phiếu, trái phiếu phát hành có thể trả lãi trước hoặc trả lãi sau mà bộ phận kế toán tiến hành tính lãi và hạch toán vào tài khoản thích hợp.

* Đối với việc chi trả kỳ phiếu, trái phiếu.

Quy trình được thực hiện như sau:

- Khi đến hạn thanh toán khách hàng sở hữu kỳ phiếu, trái phiếu đến Ngân Hàng nộp để thanh toán.

- Sau khi nhân chứng từ bộ phận kế toán kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của chứng từ. Tuỳ theo từng loại kỳ phiếu, trái phiếu tính lãi, hạch toán và thực hiện thủ tục chi trả.

- Thực hiện xong các thủ tục thủ quỹ chi trả tiền và lấy chữ ký của chủ sở hữu kỳ phiếu, trái phiếu.

Hàng ngày kế toán tổ chức kiểm kê, xác định kỳ phiếu, trái phiếu đã phát hành hay đã thanh toán trong ngày, số còn lại cuối ngày. Đảm bảo các chứng từ có giá được lưu trữ bảo quản như tiền.

Phương pháp hạch toán nghiệp vụ phát hành giấy tờ có giá.

* Kế toán nghiệp vụ phát hành giấy tờ có giá trả lãi trước.

- Khi phát hành (bán cho khách hàng), kế toán ghi:

Nợ TK: 1011(Tiền mặt), 4311(Tiền gửi khách hàng): Mệnh giá- Tổng số lãi

Nợ TK: 375 Chi phi chờ phân bổ: Tổng số lãi

Có TK: 441,442(TK phát hành giấy tờ có giá): Mệnh giá

- Hàng tháng kế toán phân bổ lãi trả trước vào chi phí trả lãi phát hành giấy tờ có giá, kế toán ghi:

Nợ TK: 803 Chi phí trả lãi trên các giấy tờ có giá: Lãi hàng tháng

Có TK: 375 Chi phí chờ phân bổ: Lãi hàng tháng

- Thanh toán tiền khi đáo hạn giấy tờ có giá, kế toán ghi:

Nợ TK: 441,442(TK phát hành giấy tờ có giá): Mệnh giá

Có TK: 1011(Tiền mặt), 4311(Tiền gửi khách hàng)… : Mệnh giá

* Kế toán nghiệp vụ phát hành giấy tờ có giá trả lãi sau.

- Khi phát hành giấy tờ có giá(bán cho khách hàng ), kế toán ghi:

Nợ TK: 1011(Tiền mặt), 4311(Tiền gửi khách hàng)… : Mệnh giá

Có TK: 441, 442 (Phát hành giấy tờ có giá): Mệnh giá

- Hàng tháng kế toán tính lãi cộng dồn dự trả trên giấy tờ có giá cho khách hàng, kế toán ghi:

Nợ TK: 803 Chi phí trả lãi giấy tờ có giá: Lãi hàng thán

Có TK: 447 Tiền lãi cộng dồn dự trả: Lãi hàng tháng

- Thanh toán gốc và lãi khi đáo hạn giấy tờ có giá cho khách hàng, kế toán ghi:

Nợ TK: 441, 442 ( Phát hành giấy tờ có giá): Mệnh giá

Nợ TK: 447 Tiền lãi cộng dồn dự trả trên các giấy tờ có giá: Tổng số lãi

Có TK: 1011(Tiền mặt), 4311(Tiền gửi khách hàng )… : Gốc + lãi

Lưu ý: Đối với giấy tờ có giá khi đến hạn thanh toán mà khách hàng vẫn chưa đến lĩnh cho cả hai trường hợp trên thì Ngân Hàng sẽ tính lãi bổ sung cho số ngày dôi ra kể từ khi đáo hạn trên mệnh giá và theo lãi suất không kỳ hạn.

Ngoài các biện pháp huy động vốn ở trên thì các Ngân Hàng Thương Mại còn huy động vốn thông qua vay Ngân Hàng Nhà Nước, vay các Tổ chức Tín dụng, nhận uỷ thác đầu tư từ các Tổ chức Kinh tế. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm của nó, chẳng hạn như đối với việc huy động vốn từ tiền gửi không kỳ hạn tuy Ngân Hàng bỏ ra chi phí huy động thấp nhưng đây là nguồn vốn có tính chất không ổn định, các Ngân Hàng Thương Mại không sử dụng toàn bộ số vốn này cho vay trung và dài hạn được mà phải luôn đảm bảo nhu cầu thanh toán của khách hàng bất cứ lúc nào. Ngược lại đối với hình thức huy động vốn bằng việc phát hành các giấy tờ có giá dài hạn như kỳ phiếu Ngân Hàng trên một năm đem lại nguồn vốn tín dụng trung, dài hạn cho các Ngân Hàng Thương Mại, song Ngân Hàng phải trả chi phí huy động cao trong khi vốn sử dụng cho vay trung dài hạn thường có rủi ro cao. Do đó, để có một cơ cấu vốn huy động hợp lý đảm bảo đem lại chi phí huy động rẻ, an toàn và hiệu quả cao các Ngân Hàng Thương Mại cần phải nghiên cứu các hình thức huy động vốn áp dụng cho phù hợp với khả năng, điều kiện của mỗi Ngân Hàng đồng thời không ngừng hoàn thiện nghiệp vụ kế toán huy động vốn ở mỗi Ngân Hàng.

Tóm lại: Trong nền kinh tế thị trường, nguồn vốn huy động của mỗi Ngân Hàng Thương Mại có vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của Ngân Hàng cũng như phát triển kinh tế- xã hội của một đất nước. Đặc biệt đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay và trong nhiều năm tới. Do vậy, việc mở rộng nguồn vốn huy động và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn bộ hệ thống Ngân Hàng Việt Nam trong việc phân tích và đánh giá đúng thực trạng huy động vốn của các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam để chỉ ra những ưu điểm cần phát huy và những hạn chế tồn tại cả về phương diện chính sách, thể lệ cũng như việc tổ chức thực hiện tại các đơn vị Ngân Hàng là cần thiết. Để một mặt thu hút tối đa nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội phục vụ phát triển kinh tế, mặt khác tăng hiệu quả kinh tế của các Ngân Hàng Thương Mại.

0