Kể một câu chuyện nói về tình hữu nghị, Năm ông em 72 tuổi, mắt bị mờ dần. Tháng 9 năm ấy, Phòng Thương binh Xã hội và Bệnh viện huyện...
Kể chuyện thuật chuyện – Kể một câu chuyện nói về tình hữu nghị. Năm ông em 72 tuổi, mắt bị mờ dần. Tháng 9 năm ấy, Phòng Thương binh Xã hội và Bệnh viện huyện gửi giấy về cho biết ông em được đi mổ mắt thay thủy tinh thể. Năm ông em 72 tuổi, mắt bị mờ dần. Tháng 9 năm ấy, Phòng Thương binh ...
Năm ông em 72 tuổi, mắt bị mờ dần. Tháng 9 năm ấy, Phòng Thương binh Xã hội và Bệnh viện huyện gửi giấy về cho biết ông em được đi mổ mắt thay thủy tinh thể. Cả nhà ai cũng mừng vì có đoàn Bác sĩ Thụy Điển về tỉnh nhà, huyện nhà giải phẫu nhân đạo.
Sáng hôm ấy, bố mẹ em và chú thím Hạnh đưa ông đi. Anh Thi và em phải đi học nên không theo ông đi bệnh viện. Ông bảo: “Các cháu không nên bỏ học; bố mẹ các cháu đưa ông đi là được. Chiều nay, ông đã về rồi cơ mà!”.
Bệnh viện rất sạch. Một khẩu hiệu “Hoan nghênh Đoàn Y tế Thụy Điển đến Việt Nam giải phẫu nhân đạo” bằng chữ đỏ dán trên băng vải trắng căng trước cổng bệnh viện. Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế của ta trong bộ áo quần trắng chuyên dụng đi lại, thái độ vừa nghiêm trang vừa niềm nở. Nhiều người nhà bệnh nhân đứng ngồi lố nhố nơi phòng đợi. Buổi học hôm ấy, anh Thi và em xin nghỉ hai tiết cuối. Anh Thi đạp xe đạp chở em gái từ trường đi thẳng lên bệnh viện. Cả hai anh em đều hồi hộp và lo. Hơn 10 giờ, hai anh em mới đến bệnh viện huyện. Bố mẹ em ngạc nhiên lắm. Bố mẹ nói nhỏ gì đó với anh Thi.
Mỗi lần mổ mắt cho một bệnh nhân xong, hai nữ bác sĩ Thụy Điển lại đẩy xe đưa bệnh nhân ra ngoài. Bác sĩ ta phát thuốc, kê đơn và căn dặn người nhà. Lần đầu tiên em mới nhìn thấy hai nữ bác sĩ người da trắng trong bộ bờ-lu trắng toát, với gương mặt xinh tươi, đôi môi đỏ chót, tiếng nói ríu rít như chim hót. Đặc biệt là thái độ của hai bác sĩ hết sức ân cần, niềm nở.
Ông em là người mổ mắt thay thủy tinh thể cuối cùng. Khi ông nằm lên xe đẩy chuyên dụng của bệnh viện đưa vào phòng mổ, con cháu của ông, ai cũng hồi hộp. Nhưng chỉ 10 phút sau, ông đã được mổ xong. Đôi mắt ông được dính băng trắng. Bác sĩ dặn ông và bố em là về nhà mới được cởi băng. Hai ông bác sĩ Thụy Điển từ phòng mổ đi ra, trước ngực đeo băng hồng thập tự, mắt đeo kính, bắt tay ông và chúc ông mọi sự tốt lành. Có phải họ biết ông là bác sĩ quân y về hưu hay không mà họ đặc biệt quan tâm thế ? Bố em nói gì đó với chú bệnh viện trưởng và cô phiên dịch. Tiếp theo, bố đưa ông một chiếc làn mới xếp đầy 20 quả hồng xiêm, và anh Thi ôm bó hoa rõ to rõ đẹp tặng các bác sĩ Thụy Điển. Ông nói: “Món quà nhỏ, chỉ là cây nhà lá vườn với tấm lòng biết ơn”. Nghe ông nói và cô phiên dịch nhắc lại, sáu bác sĩ Thụy Điển khẽ reo lên, nắm lấy tay ông và ôm lấy em, ôm lấy anh Thi.
Năm nay, ông đã 75 tuổi, đôi mắt ông vẫn sáng. Ông đọc báo không còn phải đeo kính nữa. Mỗi lần thấy ông xem sách, đọc báo, em lại nhớ đến ánh mắt, nụ cười của các bác sĩ Thụy Điển năm xưa.