25/05/2017, 09:47

Kể lại một giấc mơ, trong đó được gặp một nhân vật trong chuyện cổ tích – Văn mẫu lớp 9

Kể lại một giấc mơ, trong đó được gặp một nhân vật trong chuyện cổ tích – Văn mẫu lớp 9 4.8 (96%) 380 votes Kể lại một giấc mơ, trong đó được gặp một nhân vật trong chuyện cổ tích – Kể lại giấc mơ em gặp công chúa Lọ Lem Đã mấy năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in những sự việc xảy ra ...

Kể lại một giấc mơ, trong đó được gặp một nhân vật trong chuyện cổ tích – Văn mẫu lớp 9 4.8 (96%) 380 votes Kể lại một giấc mơ, trong đó được gặp một nhân vật trong chuyện cổ tích – Kể lại giấc mơ em gặp công chúa Lọ Lem Đã mấy năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in những sự việc xảy ra đêm mùa đông năm ấy. Tôi nhớ, bởi chính cái thời gian đó, ước mơ ...

Kể lại một giấc mơ, trong đó được gặp một nhân vật trong chuyện cổ tích – Kể lại giấc mơ em gặp công chúa Lọ Lem

Đã mấy năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ như in những sự việc xảy ra đêm mùa đông năm ấy. Tôi nhớ, bởi chính cái thời gian đó, ước mơ của tôi đã trở thành sự thực, một ước mơ có lẽ nhỏ nhoi với nhiều người nhưng lại lớn lao đối với tôi.

Đó là năm tôi mười tuổi. Đêm ấy là một đêm thật đặc biệt. Khi mà trên toàn thế giới đang nô nức trong cờ hoa lộng lẫy, vui tươi để chào đón lễ Nô-en thì căn nhà tranh nhỏ bé của gia đình tôi vẫn vắng vẻ, lặng im không một bóng đèn. Lúc đó khoảng nửa đêm, khi bố mẹ tôi đã đi ngủ. Con Mi-lu chắc cũng vừa chợp mắt vì tôi không còn nghe tiếng gầm gừ của nó sủa mấy con chuột cống ban nãy nữa. Riêng tôi thì chưa ngủ được. Tôi định bụng đến bến bàn học, thắp ngọn đèn dầu lên để đọc nốt phần kết truyện Cô bé Lọ Lem mà tôi vừa tìm ra trong đống sách cũ rích của chị gái. Cuốn truyện đó rất hay: kể về một cô bé ngoan ngoãn, xinh đẹp nhưng lại phải chịu sự đày đọa của bà mẹ kế và hai cô em gái, khiến cô trở thành Lọ Lem. Nhưng tôi lại sợ bố mẹ tôi khó ngủ vì sớm mai, họ còn phải gánh hàng ra chợ. Tôi mờ nhẹ hai cánh cửa sổ, cố không để chúng kêu lên những tiếng răng rắc. Trăng hôm nay tròn thật, nhưng những áng mây mờ giăng qua làm ánh trăng chỉ còn lại hiu hắt. Gió đông thổi nhè nhẹ chỉ đủ làm vơi nốt mấy chiếc lá khô của cây dâu da đầu hè kêu bồm bộp, chứ không rin rít như mấy độ trước. Tôi chợt nghĩ đến cô bé Lọ Lem, tôi tưởng tượng ra gương mặt xinh đẹp của cô bé và giọng hát trong trẻo như sơn ca của Lọ Lem. Tôi ước sao mình có thể gặp được Lọ Lem dù chỉ một lần thôi.

Bỗng mây mù dần kéo sang hai bên, để lộ ra vầng trăng sáng chói treo lơ lửng trên không, làm tôi chăm chú. Kìa! Tôi nghe từ xa như có tiếng gì như một đoàn xe với những con ngựa kéo to khỏe đang tiến dần. Một đốm sáng, to dần và khổng lồ đổ xuống sân nhà tôi. Tôi kinh hoàng. Con Mi-lu không thấy sủa gì. Cái gì vậy nhỉ? Người ngoài hành tinh chăng? Tôi chưa kịp định thần thì đốm sáng đã nhạt dần, vụt tắt rồi lại là tiếng vó, tiếng kéo xe vội vã xa dần. Bỗng tôi giật mình khi nghe thấy tiếng nhạc và tiếng hát ở đâu đó. Hát rằng:

–      Là la lá la, tôi là cô bé Lọ Lem, tôi ở trong cỗ xe bằng quả bí ngô, hỡi hoàng tử đáng mến, là la lá la.

Tôi sửng sốt, trên… trên bàn học của tôi là cô bé Lọ Lem tí hon kìa! Tôi đã bất giác hét lên nếu Lọ Lem không ra hiệu cho tôi im lặng bằng cách đưa ngón tay trỏ cảu mình lên môi và khẽ suỵt nhỏ. Ngọn đèn dầu không cẳn thắp lên, tôi cũng vẫn nhìn rõ cô bé với chiếc váy hồng lộng lẫy có đính kim cương rực sáng. Thật giống như trong cổ tích, cô bé Lọ Lem đẹp tuyệt trần. Vì tôi đã thấy đôi mắt cô xanh, trong, lông mi dài, cong vút. Mái tóc vàng, bồng bềnh, thoang thoảng mùi thơm hoa cỏ đồng nội. Trên đó có gài chiếc vương miện nhỏ, bóng loáng. Cô bé Lọ Lem cất tiếng chào tôi:

–    Chào cô nhỏ!

Tôi lúng túng:

–    Chào… Chào Lọ Lem!

Sau một lúc bình tĩnh lại, tôi mới biết đây là sự thực, tôi sung sướng biết chừng nào. Tôi muốn ôm Lọ Lem vào lòng mà hôn thật nhiều nhưng ngặt nỗi, Lọ Lem nhỏ quá, tôi chỉ đặt được Lọ Lem trên tay như vẫn thường làm với con búp bê len của mình.

Tôi hỏi:

–    Công chúa Lọ Lem ơi, cô tới đây bằng gì?

Lọ Lem trả lời:

–    Tôi đi bằng cỗ xe bí ngô được sáu chú ngựa hóa từ sáu con chuột.

Tôi hỏi tiếp:

–   Thế tại sao Lọ Lem không đến chỗ ông già Nô-en để cùng vui hội với các nhân vật cổ tích khác?

Lọ Lem liền đáp:

–     Một lát nữa mới đến giờ. Chẳng phải bạn cũng rất muốn gặp tôi đó sao? Bạn là một cô bé ngoan ngoãn, chăm chỉ, và… cũng rách rưới như Lọ Lem ngày trước vậy…

Tôi buồn bã đặt Lọ Lem xuống bàn, ngắm qua bộ quần áo cũ nát của mình.

–    Nhưng tôi chẳng có bà tiên để cho quần áo mới, cho cỗ xe, cho hoàng tử như Lọ Lem… Nhà tôi nghèo lắm.

–    Bạn đừng lo, rồi bạn cũng sẽ được sung sướng… Lọ Lem nghiêng nghiêng đầu nhìn tôi và lấy tay lau nước mắt cho tôi. Rồi Lọ Lem mang một chiếc đũa thần ra, gõ nhẹ vào người tôi. Kìa, bộ đồ rách rưới của tôi biến đâu mất và thay vào đó là một bộ váy xanh lộng lẫy, tuyệt đẹp. Tóc của tôi cũng như được ai chải gọn và gài hoa vào. Tồi lấy mảnh gương nhỏ ra soi, đôi mắt tôi tròn xoe bất ngờ:

–   Mình đây sao!

Từ bé đến giờ, chưa ai cho tôi món quả đẹp đến thế, có chăng chỉ là vài bộ đồ cũ, đồ rách mà thôi. Lọ Lem còn cho tôi bao nhiêu là truyện cổ tích, những cuốn truyện mà tôi ao ước bấy lâu nay khi thấy mấy đứa bạn tôi đọc.

Tôi và Lọ Lem ngồi nói chuyện hồi lâu về các thành viên trong gia đình của Lọ Lem. Nghe cô bé kể về họ thật thú vị. Từ sự tàn ác, đểu giả của bà mẹ kế, đến vị hoàng tử hào hoa, đáng mến của vương quổc nàng, cả về bà tiên nhân hậu đã cho Lọ Lem rất nhiều thứ… Tôi càng cảm thấy vui thay cho Lọ Lem vì cuối cùng cô bé cũng tìm được hạnh phúc của mình sau khi bị hắt hui bởi bà mẹ kế và hai cô em.

Sắp đến giờ Lọ Lem phải đi, tôi rất tiếc, Lọ Lem nói sẽ hát cho tôi nghe một khúc nhạc trước khi chia tay. Tôi đồng ý nhưng cũng không quên nhắc Lọ Lem hát nhỏ để không làm bố mẹ tôi thức giấc. Lọ Lem cười trìu mến và bắt đầu tiết mục. Lọ Lem hát rất hay, múa cũng dẻo nữa, đôi chân nhỏ của cô bé nhẹ lướt trên đế, trông cô bé như một diễn viên múa ba lê vậy.

–   Là la lá la, tôi là cô bé Lọ Lem, tôi ở trong cỗ xe bằng bí ngô, là la lá la…

Cứ thế, cứ thế, tôi say sưa theo giai điệu nhịp nhàng của khúc nhạc cho đến khi.

–    A! Tôi kêu lên khi có một giọt nước lạnh rơi vào má buốt lên, ánh sáng và bài hát vụt tắt. Chỉ còn tiếng chuông đồng hồ cúc cu điểm 12 giờ đêm. Tôi sững sờ, ngoài trời đang đổ mưa phùn, chính cơn mưa đã làm tôi tỉnh mộng. Hóa ra, cô bé Lọ Lem tôi gặp chỉ là giấc mơ thôi ư? Tôi vội nhìn lại mình, không còn váy nữa, tôi vẫn chỉ vận bộ đồ rách rưới. Chung quanh tôi tối om, tôi bỗng cảm thấy mình lạc lõng vô cùng. Tôi bất giác ôm mặt khóc nức nở. Cái ý nghĩ bị bỏ rơi, không được ông già Nô-en cho quà như những đứa trẻ khác làm tôi càng muốn khóc to hơn.

Chít chít, tiếng một chú chuột nhắt chạy vôi qua bàn tôi đã động phải vật gì kêu tách một cái. Tôi giật mình:

Là la lá la, tôi là cô bé Lọ Lem, tôi ở trong cỗ xe bằng quả bí ngô, hỡi hoàng tử đáng mến, là la lá la.

Cả khoảng không quanh tôi bừng sáng lên để hiện ra trước mắt tôi một búp bê Lọ Lem xinh xắn bằng nhựa đang quay múa. Tôi chưa khỏi ngạc nhiên thì cô bé đã ở ngay bên cạnh tôi với một cây bút cầm trên tay: Dòng chữ nắn nót trẻ con: Tặng bạn quà Nô-en nè! không khỏi làm tôi nghi ngờ. Cho đến tận sáng hôm sau, nỗi ngờ vực của tôi được giải thoát khi tôi bắt gặp nụ cười bất ngờ, thân thương cúa cậu bạn nhỏ bàn trên cho mình. Hóa ra, đêm Nô-en hôm qua, bạn ấy đã lén đến nhà tôi và đặt vào bàn học của tôi công chúa Lọ Lem qua song cửa sổ.

Tôi đã hiểu, khi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thì quanh ta vẫn còn nhiều điều kì diệu như thế giới cổ tích.

Kể lại một giấc mơ, trong đó được gặp một nhân vật trong chuyện cổ tích – Kể lại giấc mơ em gặp Thánh Gióng

Môn học mà tôi yêu thích nhất là môn Văn vì khi học Văn, tôi được đọc nhiều câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, truyện cười thú vị. Nhắc đến truyền thuyết, tôi lại nhớ ra một kỉ niệm vô cùng đặc biệt.

Lần ấy, tôi mải mê đọc những truyện truyền thuyết và ngủ thiếp đi từ lúc nào. Bỗng tôi thấy mình lạc dến một xứ sở rất xa lạ, xung quanh mây phủ trắng, mùi thơm của các loài hoa tỏa ra ngào ngạt. Khung cảnh rất giống thiên đình – nơi có các vị thần tiên mà tôi thường thấy trong các câu chuyện cổ. Tôi còn đang ngơ ngác thì bỗng một tráng sĩ vóc dáng cao to, vạm vỡ tiến về phía tôi. Tôi vẫn chưa hết ngỡ ngàng thì người đó đã đứng ngay trước mặt tôi và nở một nụ cười thân thiện:

– Chào cháu bé! Cháu từ đâu đến vậy?

Thì ngắm kĩ thấy vị tráng sĩ mặc áo giáp sắt rất giống trong truyền thuyết Thánh Gióng. Tôi sung sướng hỏi:

– Ông có phải là ông Giống không ạ?

Tráng sĩ nhìn tôi, mỉm cười đáp:

– Ta đúng là Thánh Gióng đây! Sao cháu lại biết ta?

– Chúng cháu đang học về truyền thuyết Thánh Gióng đấy ông ạ! May qua, hôm nay, cháu được gặp ông ở đây. Cháu có thể hỏi ông vài điều mà cháu đang thắc mắc được không ạ?

Ông Gióng nhìn tôi mỉm cười:

– Được cháu cứ hỏi đi.

– Ông ơi, vì sao khi đánh thắng giặc Ân xong, ông không trở về quê nhà mà lại bay lên trời? Hay ông chê quê cháu nghèo, không bằng xứ thần tiên này?

– Không! Ta muốn được ở cùng họ, nhưng vì ta là con trưởng của Ngọc Hoàng nên phải trở về thiên đình sau khi đã hoàn thành sứ mệnh.

– Thế ông nhớ cha mẹ ông ở dưới kia không?

– Có chứ, cha mẹ đã từng mang nặng đẻ đau ra ta, ta rất biết ơn họ. Những ngày tháng ta chưa biết đi, chưa biết nói, họ không hề ghét bỏ ta mà vẫn yêu thương ta. Ta rất muốn có ngày nào đó trở về báo đáp ơn nghĩa của cha mẹ Cũng chính vì lẽ đó mà ta đã cố gắng đánh ta quân xâm lược để cha mẹ ta cũng nhân dân được sống trong tự do, thanh bình.

– Ồ, giờ thì cháu hiểu rồi. Ông đã báo đáp công nuôi dưỡng cha mẹ mình bằng việc đánh đuổi quân xâm lược.

– Ừ, đó là một trong những cách thể hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ đấy cháu ạ!

– Khi cháu còn nhỏ thì phải học tâp thật tốt để cho cha mẹ vui lòng, đó cũng chính là tỏ lòng biết ơn cha mẹ phải không ông?

– Đúng rồi, cháu ngoan và thông minh lắm! Ông chúc cháu học thật giỏi nhé! Thôi hẹn gặp cháu vào lần khác. Ta phải đi gặp Ngọc Hoàng đây.    

Trong phút chóc, ông Gióng dã biến mất sau đám mây trắng. Vừa lúc đó tôi nghe có tiếng mẹ gọi:

– Lan! Dậy vào giường ngủ đi con!

Tôi bừng tỉnh, hóa ra cuộc gặp gỡ với Ông Gióng là một giấc mơ. Nhưng giấc mơ ấy đã cho tôi biết được nhiều điều bổ ích và khiến tôi nhớ mãi.

Kể lại một giấc mơ, trong đó được gặp một nhân vật trong chuyện cổ tích – Kể lại giấc mơ em gặp cô Tấm

Hè vừa rồi, Nô-bi-ta và Đô – rê – mon (hai nhân vật trong truyện tranh Đô-rê-mon chúng em vẫn đọc) sang Việt Nam du lịch. May mắn thế nào, hai cậu lại ghé qua nhà tôi xin ngủ nhờ. Thật là một ngày vui đặc biệt.

Ăn xong, bố mẹ cho ba đứa lên phòng tôi chơi. Sau khi đã xem xét căn phòng nhỏ của tôi, Nô-bi-ta tỏ ý rất thích, chỉ tiếc rằng trông nó hơi bị… luộm thuộm một tí. Sau đó cậu ta khoe:

–    Đô-rê-mon tài như thế nào cậu biết rồi đấy. Giờ cậu ước điều gì, cậu ấy sẽ thực hiện ngay lập tức.

Đô-rê-mon lườm Nô-bi-la một cái, nhưng rồi cậu ta cũng nói:

–    Tớ không làm được tất cả mọi thứ đâu. Nhưng bây giờ cậu muốn đi đâu chơi thật xa, chúng ta sẽ đi. Tớ có mang theo cánh cửa thần kì đây.

Thật đúng dịp. Chả là sáng nay chúng tôi tranh luận với nhau: cô Tấm là người thế nào? Tại sao một người hiền lành, tốt bụng, hiếu thảo như côTấm lại có thể trừng phạt cô em và dì ghẻ một cách vô cùng khốc liệt như vậy? Cãi nhau chán không ăn thua, chúng tôi định bụng hỏi cô giáo nhưng cô lại đi họp vắng. Tại sao không tranh thủ lúc này đến hỏi thẳng cô Tấm nhỉ?

Nghe tôi đề đạt yêu cầu, Đô-rê-mon bảo:

–     Hay đấy! Tớ cũng muốn đến thăm thế giới cổ tích của các bạn. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không đi bằng cánh cửa thần kì mà sẽ sử dụng cỗ xe thời gian này.

Nói rồi cậu ta rút ngay cỗ xe từ trong chiếc túi thần kì ra. Theo túi Đô-rê-mon, tôi vừa nhắm mắt lại, mở mắt ra đã thấy mình đang ở trong một thế giới vô cùng xa lạ. Một cung điện huy hoàng, tráng lệ ở ngay trước mắt. Người hầu kẻ hạ đi lại tấp nập. Thấy một cô gái đang ngồi trên chiếc võng đỏ trong vườn, chúng tôi đến hỏi thăm. Không ngờ người đó lại chính là cô Tấm (Nô-bi-ta và tôi, mỗi đứa mất một chiếc bánh rán với Đô-rê-mon về chuyện này). Chúng tôi tranh thủ làm một cuộc phỏng vấn ngăn ngắn:

–    Chào chị Tấm! Chúng em từ thế kỉ XXI về thăm chị đây.

–    Chào các em! Các em về thăm chị hay còn muốn hỏi chị gì nữa?

Ba chúng tôi nhìn nhau. Không ngờ chị Tấm lại biết trước việc chúng tôi định làm. Nô-bi-ta nhanh nhảu:

–     Dạ thưa chị, chúng em vẫn nói với nhau là: "Hiền như cô Tấm". Chị đã phải mò cua, bắt ốc, làm lụng vất vả mà vẫn bị mụ dì ghẻ chửi mắng, bị cô em bắt nạt. Bắt được con cá bống chị cũng không ăn mà lại thả vào chum để nuôi, khi không thể nhặt được số thóc lẫn mà mụ dì ghẻ giao cho, chị chỉ biết khóc… thì đúng là chị hiền thật. Vậy tại sao chị có thể làm cái việc mà không mấy người dám làm, đó là xui cô Cám dội nước sôi vào người, sau lại đem xác cô Cám làm mắm để gửi về cho mụ dì ghẻ?

–    Có chuyện như vậy thật ư? Cô Tấm sửng sốt.

Tôi vội đỡ lời:

–    Đúng thế đấy chị ạ. Em còn mang cả sách theo đây này.

Tôi lấy cuốn sách ra, đọc rành rọt phần kết thúc cho cô Tấm nghe. Nghe xong, cô Tấm ngẩn người ra một lúc. Rồi cô bảo chúng tôi:

–     Không phải thế đâu các em ạ. Dù ghét, thậm chí căm thù mẹ con Cám đến đâu chăng nữa, sao chị có thể làm nổi một việc kinh khủng như vậy. Chắc là có chuyện nhầm lẫn ở đây. Thật là đáng sợ.

Chúng tôi không biết nói sao, sau khi theo chị đi thăm cung điện, chúng tôi chào chị ra về, lòng không khỏi băn khoăn.

Trong bữa cơm chiều, chúng tôi đem câu chuyện kể lại cho mẹ nghe. Mẹ tôi bảo:

–     Cô Tấm nói đúng đấy các con ạ. Một người bình thường cũng khó làm nổi việc ấy chứ đừng nói là cô Tấm.

Tôi thắc mắc:

–    Vậy tại sao trong sách lại có đoạn ấy hả mẹ?

–     Con phải nhớ rằng, Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích. Trước khi được in thành sách cho các con học như bây giờ, nó được lưu truyền qua lời kể của nhân dân. Bởi vậy, nó thể hiện cách nhìn, cách nghĩ và cả quan niệm của nhân dân về đời sống cũng như niềm mơ ước về một xã hội công bằng, trong đó những con người nghèo khổ, chịu nhiều thiệt thòi như cô Tấm phải được sống hạnh phúc, còn những kẻ độc ác như mẹ con Cám phải bị trừng trị đích đáng. Thạch Sanh tha tội cho cho Lí Thông nhưng tội của Lí Thông quá lớn, trời đất làm sao dung tha được. Giả sử cô Tấm có tha tội chết cho Cám thì cô ta cũng sẽ phải chịu cái kết cục như Lí Thông thôi. Nhưng mẹ con Cám còn tàn ác hơn Lí Thông nhiều lần. Lí Thông chi đẩy Thạch Sanh đi chết thay mình, hay cùng lắm thì lấy đất lấp cửa hang để Thạch Sanh không lên được, mẹ con Cám thì không chỉ giết chết Tấm một lần. Tấm chết hoá thành chim vàng anh, mẹ con Cám bóp chết vàng anh. Tấm hóa thành cây xoan đào, họ chặt cây xoan đào. Thậm chí khi Tấm hoá thân vào khung cửi, họ cũng không ngần ngại đốt bỏ cả khung cửi. Mẹ con Cám quyết giết Tấm đến cùng. Cái tội ác như vậy, nhân dân ta cho rằng, phải để chính tay Tấm trừng trị Cám thì mới thỏa.

Hành động của Tấm, cái chết thảm khốc của mẹ con Cám chính là chiến thắng của cái Thiện đối với cái ác sau khi cái thiện đã phải đấu tranh quyết liệt bằng máu và nước mắt. Trong thực tế, cô Tấm không thể làm được việc đó nhưng nhân dân ta đã trả thù thay cho Tấm, đã dùng trí tưởng tượng để thực thi lẽ công bằng.

À ra thế! Chúng tôi không ngờ chỉ trung thời gian ngắn đã được một bài học thật bổ ích. Đô-rê-mon bảo:

–    Mình không ngờ, thế giới cổ tích của các bạn phức tạp thật, nhưng cũng thật lí thú.

Đã đến giờ Đô-rê-mon và Nô-bi-ta phải ra về. Hai cậu hẹn tôi đến mùa hè sang năm sẽ trở lại để cùng nhau khám phá thế giới cổ tích li kì và bí ẩn.

Kể lại một giấc mơ, trong đó được gặp một nhân vật trong chuyện cổ tích – Kể lại giấc mơ em gặp Lang Liêu

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, cũng như bao gia đình Việt Nam khác, gia đình tôi lại gói những chiếc bánh chưng xanh để cúng tổ tiên. Đó là một phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta.

Tôi nhớ nhất cảm giác đêm 29 Tết được ngồi quay quần bên nồi bánh chưng trên bếp lửa hồng cùng gia đình rồi lặng yên nghe mẹ đọc sự tích Bánh chưng, bánh giầy. Giọng của mẹ thật ngọt ngào, ấm áp. Hình ảnh chàng Lang Liêu hiền lành, chăm chỉ cứ hiện lên rõ nét trong trí tưởng tượng của tôi. Tôi cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhàng trong trẻo. Đôi chân tôi như bước theo câu chuyện về chiếc bánh chưng mẹ vừa kể.

Tôi lang thang trên những cánh đồng ngạt ngào hương lúa. Phía xa xa là những triền khoai lang xanh rờn. Bỗng tôi thấy một anh nông dân đang cặm cụi nhặt từng ngọn cỏ trên ruộng lúa. Tôi thấy gương mặt anh có nét gì đó rất quen thuộc. Đúng rồi, đó chính là hoàng tử Lang Liêu trong sự tích Bách chưng, bánh giầy. Tôi bước lại gần và hỏi:

– Em chào anh Lang Liêu! Sao anh lại ở đây ạ?

Anh nông dân dừng tay làm, nhìn tôi mỉm cười và nói:

– Chào em gái! Lẽ ra anh phải em điều đó chứ!

Tôi chợt hiểu và giới thiệu:

– Dạ, em là Mai Thùy. Năm nay, em học lớp 6 trường THCS Quang Minh. Ngày mai, lớp em có tiết văn học về Bánh chưng, bánh giầy. Thế mà hôm nay em lại được gặp anh, thật là vui quá!

Nghe nhắc đến chuyện bánh chưng, bánh giầy, anh nông dân có vể trầm ngâm. Còn tôi thì rất háo hức vì đây là một cơ hội hiếm có để được nghe chính hoàng tử Lang Liêu kể chuyện cho nghe. Đoán được suy nghĩ của tôi, hoàng tử Lang Liêu mỉm cười, nói:

– Em có muốn anh kể cho em nghe về cuộc thi tài kén vua của phụ vương anh không?

Tôi thích thú:

– Có ạ! Anh kể cho em nghe đi!

Lang Liêu bắt đầu kể, giọng anh như trầm xuống:

– Anh sinh ra trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Mẹ anh không được vua yêu chiều như những vương phi khác nên khi mẹ sinh ra anh, chỉ có hai mẹ con quấn quýt bên nhau. Chẳng bao lâu, bà mất sớm, để lại anh một mình côi cút. Từ đó, anh chăm chỉ với ruộng đồng, khoai lúa.  Ngày tháng thoi đưa, chẳng mấy chốc, anh đã đến tuổi trưởng thành. Ngày ngày, anh vui với công việc đồng ánh của mình, chẳng dám mong đến công danh, bổng lộc của triều đình. Một hôm, khi đang lúi húi vun mấy khóm khoai trước nhá, bỗng anh nhận được lệnh vua cha gọi vào chầu.

– Thế anh có lo lắng không? – Tôi vội hỏi.

Lang Liêu chậm rãi trả lời:

– Anh cũng cảm thấy hơi lo lắng vì lâu rồi không vào triều, biết đâu phụ vương giận hoặc đau yếu. Bới vậy, sau khi nhận được lệnh, anh vội vã thay quần áo vào chầu phụ vương. Trên đường đến đó, anh đã nghe nói vua cha thấy mình già yếu nên muốn tìn một người nối ngôi, chỉ cần người đó có tài có đức chứ không nhất thiết là con trưởng hay con thứ. Khi anh đến nơi, các anh trai của anh đã ở đó. Thấy các con đã về tựu đông đủ, vua cha nói: “Tới ngày lễ Tiên Vương, ai làm vừa lòng ta ta sẽ truyền ngôi cho người ấy ngôi báu để tiếp tục trị vì đất nước”.

Nghe đến đây, tôi lại buột miệng hỏi:

– Chắc anh lo lắng lắm khi nhận được tin này bởi anh rất nghèo, đâu có những thứ quý giá dâng lên vua cha!

Lang Liêu nhìn tôi gật đầu và kể tiếp:

– Sau khi nghe lời vua cha phán truyền, các anh trai của anh rất vui mừng vì họ có biết bao ngọc ngà, châu báu. Còn anh nhìn khắp nhà chỉ thấy toàn lúa, sắn, khoai, không có thứ gì là giá trị cả, biết lấy gì để dâng lên Tiên Vương. Thực ra, anh cũng không có ý tranh giành ngôi báu nhưng anh cũng muốn làm đẹp lòng phụ vương. Suốt mấy ngày sau đó, anh mất ăn mất ngủ vì nghĩ đến món quà sẽ dâng lên phụ vương. Lòng anh ngổn ngang trăm mối. Nếu đi mua đồ quý như các anh của mình thì anh không có tiền. Còn nếu dâng lên khoai và sắn thì chắc chắn phụ vương sẽ buồn lòng vì những thứ tầm thường đó. Một đêm, sau một hồi trằn trọc suy nghĩ, anh ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ, anh thấy một vị thần hiện lên mách rằng: “Hãy lấy chính những sản phẩm mà con làm ra để dân gleen Tiên Vương”. Anh chợt tỉnh giấc và cảm thấy rất sung sướng. Ngay sáng hôm đó, anh bắt tay vào làm bánh như lời Thần báo mộng. Anh tìm thứ gạo nếp ngon nhất đem vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong xanh gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm cho thật nhừ. Anh nghĩ cần phải làm thêm một loại bánh nữa. Vậy là anh đổ gạo rồi đem giã nhuyễn và nặn thành hình tròn. Bánh hình tròn biểu tượng cho trời, bánh hình vuông biểu tượng cho đất. Đến ngày lễ Tiên Vương, anh đem hai loại bánh đó vào cung. Nhìn chồng bánh bằng lúa gạo của anh, không ít người xem thường khi đặt cạnh những món sơn hào hải vị, nem công chả phượng của các lang. Nhưng anh không thấy ngại ngùng gì vì anh chỉ mong đẹp lòng tổ tiên bằng chính tấm lòng thành của mình. Tất cả các lễ vật được bày ra trước mặt đức vua, ai ai cũng hồi hộp hi vọng vua cha chọn lễ vật của mình. Vua cha lần lượt tới trước lễ vật của các lang rồi xem xét hoặc nhấm nháp từng món ăn nhưng gương mặt Người vẫn không biểu thị một thái độ gì. Có lẽ Người vẫn chưa ưng ý một lễ vật nào cả. Nhiều người đã tỏ ra thất vọng khi thấy vua cha lướt món ăn của mình rất nhanh. Hai loại bánh của anh được đặt ở sau cùng. Khi đứng bên mâm bánh của anh, vua cha dừng hẳn, chăm chú nhìn. Có lẽ Người thấy ngạc nhiên vì mâm bánh của anh khác hẳn các món sơn hào, hải vị khác. Sauk hi nhìn ngắm, Người liền cầm từng chiếc bánh lên tỏ vẻ thích thú, bỗng Người cất tiếng hỏi: “chiếc bánh này làm bằng gì hả Lang Liêu?” Anh bẩm: “Thưa phụ vương! Hai loại bánh này được làm từ gạo. Đây là những sản phẩm do chính tay con làm nên đấy ạ!”. Ánh mắt cha nhìn anh trìu mến. Anh cảm thấy thật hạnh phúc. Sau đó, anh giới thiệu cách làm cũng như ý nghĩa của từng loại bánh. Vua cha vô cùng kinh ngạc và vui vẻ. Người liền lệnh cho cắt bánh mời tất mọi người cùng ăn. Ai cũng tấm tắc khen ngon. Vua cha nói: “Trong tất cả các món lễ vật dâng lên Tiên Vương hôm nay, ta ưng ý nhất là món bánh của Lang Liêu. Nó vừa mang ý nghĩa là biểu tượng của đất trời, của sự no đủ, đoàn kết, vừa thể hiện được tấm lòng hiếu thảo của một người con. Do vậy, ta quyết định chọn Lang Liêu là người thừa kế ngôi vị”.

Tôi thích thú nghe câu chuyện Lang Liêu vừa kể và cảm thấy vô cùng khâm phục, kính trọng anh. Nhưng tôi ngạc ngiên vì thấy Lang Liêu chẳng khác gì một anh nông dân cả. Đọc được suy nghĩ của tôi, Lang Liêu cười lớn và nói:

– Hôm nay ta vi hành về thôn quê để dạy dân cách cấy cày, chăm sóc lúa khoai.

Nói xong, Lang Liêu liền tạm biệt tôi để đi ra phía ngoài xa kia, ở đó, bà con nông dân đang đợi anh. Vừa nói, anh vừa bước đi rất nhanh. Tôi liền gọi với theo:

– Anh Lang Liêu! Anh Lang Liêu! Cho em đi cùng với!

Vừa lúc đó, tôi tỉnh giấc và thấy mẹ đang ngồi bên cạnh lay tôi dậy chuẩn bị đón giao thừa. Mẹ hỏi:

– Con vừa ngủ mơ đúng không? Mẹ thấy con ú ớ gọi ai đó.

Tôi dụi mắt tỉnh giấc. Tôi đã có một giấc mơ thật đẹp. Thấy tôi vẫn mủm mỉm cười, mẹ liền bảo:

– Con chuẩn bị đón giao thừa và khai bút đầu năm cho may mắn nhé!

Tôi tới trước bàn thờ tổ tiên và chắp tay lạy thật thành kính. Mùi nhanh trầm thoang thoảng quyên với mùi bánh chưng xanh thơm phức làm thấy thật thiêng liêng và ấm áp làm sao. Tôi trở lại bàn học nắn nót viết những nét chữ khai bút đầu xuân bằng giấc mơ tuyệt đẹp này! Dưới nhà, chị tôi đang ngân nga bài thơ:

Gạo nếp ngon đồng bằng

Lá dong tươi trên núi

Đậu xanh nơi bãi sông

Tiêu thơm vùng đảo nổi

Bao miền quê tụ hội

Trong khoanh bánh mịn màng

Năm cũ và năm mới

Buộc nhau bằng sợ gang

Đã qua mấy nghìn năm

Bánh vẫn rền vẫn dẻo

Lòng người con chí hiếu

Bay thơm cả đất trời ….

Từ khóa tìm kiếm

  • kể lại giấc mơ được gặp người thâ

Bài viết liên quan

0