13/01/2018, 16:53

Kể lại một câu chuyện về người bạn được quý mến – Văn hay lớp 5

Kể lại một câu chuyện về người bạn được quý mến – Văn hay lớp 5 Kể lại một câu chuyện về người bạn được quý mến – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Ninh Bình Đầu năm lớp Bốn, em được bầu làm tổ trưởng tổ 5. Sau ngày khai giảng, tổ em được bổ sung thêm một bạn mới tên ...

Kể lại một câu chuyện về người bạn được quý mến – Văn hay lớp 5

Kể lại một câu chuyện về người bạn được quý mến – Bài làm số 1 của một bạn học sinh giỏi văn tỉnh Ninh Bình

Đầu năm lớp Bốn, em được bầu làm tổ trưởng tổ 5. Sau ngày khai giảng, tổ em được bổ sung thêm một bạn mới tên là Lê Thái Nguyên. Thế là tổ em có bốn nam và bốn nữ: em, Nguyên, Trường, Hữu, Mỹ, Lệ, Trà, Hương. Cô giáo xếp Nguyên ngồi cạnh em, và cô dặn "nhớ giúp đỡ bạn, quý mến bạn".

Chỉ mấy ngày sau, bạn Hòa ở lớp 5A nói nhỏ với em: "Mẹ bạn Nguyên bị mù; Nguyên là đứa con ngoài giá thú". Em nói với bố mẹ tin này thì bị bố nạt và nói: "Mỗi người có một cảnh ngộ riêng. Con phải yêu thương quý mến bạn bè, nhất là đối với Nguyên chứ". Một tháng sau mẹ dặn em: "Chiều nay con mời bạn Nguyên dến nhà ta chơi nhé!

Nguyên người nhỏ bé, đôi mắt đượm buồn. Gương mặt sáng sủa, tóc quăn, ít cười nhưng nói thì dịu dàng như con gái. Nguyên học toán không bằng em, nhưng môn Chính tả, Tập đọc, Kể chuyện, Luyện từ, Tập làm văn thì hơn hẳn em và nhiều bạn khác. Sách vở của bạn giữ gìn rất cẩn thận, chữ Nguyên rất đẹp, đẹp nhất lớp. Trong giờ sinh hoạt, có lần cô giáo nói: "Các em nên học tập bạn Nguyên về tập viết chữ đẹp, để cuối năm học lớp chúng ta có nhiều em thi giật giải "Vở sạch chữ đẹp" toàn khối, toàn trường".

Lần Nguyên đến nhà em chơi, mẹ cho hai đứa ăn chè ngô, lúc ra về mẹ tặng Nguyên một hộp bút "Hồng Hà" khá đẹp. "Con cảm ơn bác", Nguyên khoanh tay nói với mẹ em như thế. Nguyên rất thân ái với các bạn. Bạn biết nhiều chuyện về các loài thú, loài chim, loài hoa. Bạn hiền lành và có vẻ nhút nhát, rất khiêm tốn học hỏi các bạn. Đến tháng 11, Nguyên vươn lên về môn Toán, các bài kiểm tra thường được 9, 10 như một số bạn trong lớp. Giờ ra chơi, Nguyên đã dám theo các bạn ra sân đá cầu nhưng còn vụng về lắm.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2004, cả tổ em rủ nhau kéo đến nhà Nguyên chơi. Bà ngoại và mẹ Nguyên rất vui khi đón tiếp các bạn nhỏ của con, của cháu mình. Nhìn thấy cảnh nhà nghèo và mẹ Nguyên bị mù, chúng em vô cùng cảm động. Bạn nào cũng thương, cũng quý Nguyên, nhất là các bạn gái trong tổ, trong lớp.

Nguyên là học sinh giỏi, thi "Vở sạch chữ đẹp" nhất trường, giành giải Nhì môn Tiếng Việt toàn quận. Bạn được cấp học bổng "Học sinh vượt khó học giỏi".

Lên lớp Năm, em được bầu làm lớp phó phụ trách học tập. Cả tổ bầu Nguyên làm tổ trưởng. Cô giáo khen: "Các em giỏi lắm. Nguyên thật xứng đáng".

Kể lại một câu chuyện về người bạn được quý mến – Bài làm số 2

Hè vừa rồi, có lẽ là kỉ niệm đẹp nhất trong suốt đời học trò của tôi. Đó là mùa chia tay thầy cô, bạn bè, tạm biệt mái trường tiểu học thân yêu đã ấp ủ biết bao dự định, ước mơ. Và còn là kỉ niệm đẹp về một người bạn mới quen – một cô bé – một trái tim lạc quan và yêu đời.

Hè năm nào cũng vậy, mẹ đều cho tôi theo học lớp hội họa ở cung thiếu nhi. Như đã hẹn, cứ sau một năm học tập đầy cố gắng, lớp vẽ của chúng tôi lại gặp nhau, bạn bè tay bắt mặt mừng. Nhưng buổi học hôm nay đã có thêm một người bạn mới.
Thầy giáo bước vào lớp, tất cả đều đứng lên chào:

–    Chúng em chào thầy ạ!

Thầy nhẹ nhàng:

–    Chào cả lớp! Từ hôm nay lớp chúng ta sõ có thêm một thành viên mới. Nào, các em vào lớp đi!

Cả lớp chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Đó là một cô bé ngồi trên xe lăn. Hai bím tóc xinh xinh đen nhánh, đôi mắt bồ câu thật dễ thương và một lời nói nhẹ nhàng: “Chào các bạn, mình tên là Hoa, mình rất mong được làm quen với các bạn!”.
Lớp học bắt đầu bàn tán xôn xao về người bạn mới. Chợt tôi giật mình khi nghe tiếng thầy giáo:

– Hoa, em hãy xuống dưới kia và ngồi cạnh bạn Giang nhé!

Hoa ngồi cạnh chỗ tôi. Giờ học vẽ hôm nay thầy giáo cho đề tài: “Em hãy vẽ một bức tranh tưởng tượng xem em sẽ làm gì trong tương lai”.

Tôi quay sang Hoa mỉm cười, đôi bàn tay nhỏ bé đang cố gắng vẽ những nét đầu tiên. Tôi bất ngờ khi đọc được dòng chữ in đậm trên xe lăn: Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam năm 2003. Tôi giật mình, thì ra Hoa là nạn nhân của chất độc màu da cam. Tôi lặng người khi biết vậy và phần nào hiểu được sự chịu đựng của Hoa. Tôi vẽ tiếp bức tranh của mình, nhưng không thể tập trung được nữa…

Cuối buổi học, thầy giáo nhận xét các bài vẽ và có một bức tranh đã thu hút sự chú ý của cả lớp. Trong tranh là một cô giáo đang dạy các em nhỏ tật nguyền học vẽ, học viết. Tôi ngờ ngợ nhận ra bức tranh này là của Hoa, một ước mơ giản dị biết bao, một tương lai đầy màu sắc, với những dự định. Với một con người như tôi, đó là một ước mơ không quá khó, nhưng với Hoa đó là cả một quá trình cố gắng. Tan học tôi lại gần Hoa, bạn vẫn tươi cười vui vẻ và lúc lắc hai bím tóc.

Hoa làm quen với tôi rất nhanh. Trên con đường rợp bóng cây, chúng tôi đã nói mọi chuyện, và tôi tình cờ đã biết được nhà Hoa. Một ngôi nhà đã cũ và nằm khuất trong một con ngõ nhỏ ở thành phố.

Từ đó, ngày nào đi học tôi cũng ghé qua nhà Hoa và bắt gặp bức tranh hôm nào được dán lên tường. Tình bạn đã nảy nở giữa tôi và Hoa. Cuối hè, chúng tôi chia tay nhau dựới tán cây phượng vĩ và cùng hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt và hạn nhau cùng gặp lại vào hè năm sau.

Hè năm nay, tôi vẫn đến lớp học vẽ nhưng chỗ ngồi của Hoa đã trống. Tan học, tôi ghé qua nhà Hoa, ngôi nhà đã vắng chỉ còn lại một cây phượng, trên cây vẫn còn một chùm hoa đỏ thắm, màu hoa của tình bạn. Và sau đó, tôi được biết nhà Hoa đã chuyển về quê.

Tuy đã xa nhau nhưng ánh mắt nụ cười và cả ước mơ của Hoa vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Hoa sẽ mãi là người bạn, một bông hoa đẹp trong trái tim tôi.

Kể lại một câu chuyện về người bạn được quý mến – Bài làm số 3

Đầu học kì II năm ngoái có một học sinh mới chuyển về lớp tôi. Đó là Nguyễn Thu Trang. Nhìn nước da đen đen, người lùn lùn, áo quần không có gì tươm tất, tôi đã cảm thấy không mấy ưa Trang rồi.

Ông trời thật bất công – tôi nghĩ thế khi cô giáo xếp Trang ngồi cạnh tôi. Mấy ngày sau, tôi đến lớp muộn vì mải xem một vụ tai nạn giao thông trên đường đi học. Oái oăm thay cũng vì cái vụ đi muộn ấy mà cô giáo cách chức tổ trưởng của tôi, và chính Trang lại được cô phân công giữ chức tổ trưởng thay thế tôi. Điều đó càng làm tôi thấy ghét Trang hơn. Đã thế, trong giờ học, ngồi buồn, tôi mới nói chuyện một chút mà nó đã “lên mặt dạy đời” nhắc nhở tôi:

– Ấy chú ý nghe giảng đi, đừng nói chuyện nữa mà không hiểu bài đâu. Không hiểu bài chỗ nào ấy cứ bảo tớ sẽ giúp.

Từ đó, tôi không bao giờ nói chuyện và nhìn mặt nó nữa. Khi nghe tôi kể, đứa nào cũng đồng tình với tôi và bọn con gái chúng tôi quyết định “tẩy chay!” Trang.

Một hôm, trời mưa, khi mẹ đi làm về, tôi liền rót mời mẹ cốc nước ấm để nịnh mẹ cho tiền đến tối mua quà tặng sinh nhật cái Lan. Mẹ quay ra lấy tiền thì hốt hoảng kêu lên: “Trời ơi! Cái ví của tôi đâu rồi? Con ơi, toàn bộ tiền lương tháng này mẹ vừa lĩnh xong thế là mất hết”. Mẹ vội vàng lấy xe đi tìm dọc con đường vừa đi nhưng không thấy ví đâu. Không còn cách nào khác, mẹ tôi liền đi báo công an.

May sao, đã có người nhặt được ví của mẹ tôi và nộp lại cho các chú công an đầy đủ không thiêu một xu. Theo lời các chú ấy thì người nhặt được ví là một cô bé đi bán vé số. Tôi thầm nghĩ: Con bé đó tốt thật đấy, đi bán vé số mà nhặt được ví tiền còn đem trả lạ thì quá tốt còn gì.

Tối hôm đó, theo địa chỉ mà các chú công an cho biết, tôi cùng mẹ đi đến nhà đứa bé để cảm ơn. Vòng vèo mãi, đến một con hẻm nhỏ, mẹ và tôi đứng trước một ngôi nhà lụp xụp. Soi lại đúng số nhà, mẹ mạnh dạn gõ cửa. Thật bất ngờ! Người ra mở cửa chính là Trang, đứa bạn gái ngồi cạnh mà tôi luôn ghét bỏ. Bước vào nhà, tôi sững sờ vì thấy trong nhà quá đơn sơ. Ngoài 2 chiếc giường chỉ có một chiếc tủ, một bộ bàn ghế cũ kĩ và một góc bếp con. Trên giường là một đứa bé chừng hơn một tuổi đang nằm ngủ. Còn trên chiếc bàn con là một mâm cơm với một đĩa rau muông luộc, một đĩa trứng tráng, một bát nước chấm và mấy chiếc bát, đôi đũa đã sắp sẵn. Tôi đoán nhà Trang mới chuẩn bị ăn cơm tối.

Mẹ tôi bỗng bật khóc khi nghe bà Trang kể. Thì ra bố Trang đã mất vì tai nạn giao thông, để mẹ Trang ở lại với bà nội, và 2 chị em Trang. Vì mới sinh em bé lại gặp phải hoàn cảnh éo le nên mẹ Trang ngã bệnh trầm trọng phải đi lằm viện luôn, ở nhà, bà nội Trang tuy già nhưng vẫn phải đi bán hàng ăn vào buổi sáng và bán ốc luộc vào buổi chiều. Còn Trang lúc không phải đến lớp học là tranh thủ đi bán vé số phụ giúp bà, giúp mẹ nuôi em.

Từ sau buổi đến nhà Trang tôi tự cảm thấy mình thật có lỗi với bố mẹ vì bố mẹ đã tạo điều kiện để cho tôi ăn học, thế mà tôi lại học chẳng ra gì. Còn với Trang, tôi thấy thật xấu hổ vì bạn vừa đi làm vừa đi học mà vẫn học giỏi. Tôi tự trách mình không biết và thông, cảm với hoàn cảnh của Trang mà lại còn luôn ghen tị với bạn.

Đem chuyện của Trang kể cho các bạn ở lớp nghe, từ đó lũ con gái chúng tôi không những không ghét Trang mà còn luôn luôn tìm cách giúp đỡ bạn mỗi khi có thể. Năm nay lên lớp 8, cô giáo chủ nhiệm cho bầu lớp trưởng, tất cả chúng tôi đều nhất trí bầu Nguyễn Thu Trang.

Hồng Loan tổng hợp

Bài viết liên quan

  • Tả một bạn học của em – Văn hay lớp 5
  • Kể về một con chó có nghĩa với chủ – Văn hay lớp 6
  • kể về gia đình em với một người bạn em mới quen – Văn hay lớp 3
  • Tả một bạn học sinh trong lớp em được nhiều người quý mến – Văn hay lớp 5
  • Viết lại buổi đầu em đi học thành một đoạn văn ngắn – Văn hay lớp 3
  • Viết một đoạn văn ngắn thuật lại ý kiến của các bạn trong nhóm em về những việc cần làm để bảo vệ môi trường – Văn hay lớp 3
  • Em đã lớn rồi. Kể về sự thay đổi của em – Văn hay lớp 6
  • Thuyết minh về di tích lịch sử Bến Nhà Rồng – Văn hay lớp 9
0