Kể lại kỉ niệm sống mãi trong lòng em
Đề: Hãy kể về một người thân trong gia đình đã để lại trong lòng em một kỉ niệm sống mãi. (Có ai hiểu vì sao bài này lại nằm trong sách học tốt không ? Đọc xong chả hiểu nổi 60 tuổi ) BÀI LÀM Bà nội tôi mất cách đây đã hơn nửa thê' kỉ. Cha tôi cũng đã mất người ...
Đề: Hãy kể về một người thân trong gia đình đã để lại trong lòng em một kỉ niệm sống mãi. (Có ai hiểu vì sao bài này lại nằm trong sách học tốt không ? Đọc xong chả hiểu nổi 60 tuổi )
BÀI LÀM
Bà nội tôi mất cách đây đã hơn nửa thê' kỉ. Cha tôi cũng đã mất người lăm năm nay!
Tôi bây giờ đã ngót sáu chục mà vẫn cảm thấy mọi sự việc, hình ảnh như mới đâu đây, còn quanh quẩn lúc mơ, lúc tỉnh...
Tôi muốn kể lại với các bạn trẻ về tấm lòng làm con của cha tôi với bà nội.
Bà nội tôi thọ lắm. Ngoài 90 tuổi, cụ mới trút lại mọi lo toan trần thế. Năm, sáu năm cuối đời, cụ mắc chứng lẫn, mắt mờ. Nhưng tính cách vẫn rất năng nổ. Suốt một đời làm dâu, làm mẹ, làm bà, bao giờ bà nội tôi cũng gánh vác hết lòng, hết sức. Và thương yêu con cháu hơn cả thân mình.
Cho nên khi bị chứng lẫn, cả ngày bà tôi loanh quanh với tâm trạng ấy. Người luôn luôn đòi cha tôi đưa về quê cắt đặt công việc. Ở quê chưa ấm chỗ, lại nôn nóng đòi ra Hà Nội trông hàng họ, cửa nhà cho con cháu...
Ngoài giờ nhiệm sở, cha tôi luôn gần bà. Hình như lúc nào cha tôi cũng sợ phút tất yếu của tạo hóa.
Thấy con về, bà nội gọi:
- Anh giáo, gọi xe cho đẻ (tiếng xưng mẹ xưa) và về quê xem nhà cửa. Mấy hôm nay đẻ nóng ruột quá!
Cha tôi nhanh nhảu:
- Vâng! Xe, chở cụ tôi về quê!
Thế rồi cha tôi khom lưng thấp sát mép phản gụ, đỡ bà ngồi rạp trên lưng, vờ đi nhún nhảy vào bếp, ra sân rồi quay ra sân lên nhà vài vòng... Và reo to: ‘Đến quê rồi, đẻ ơi; thím Hải đâu ra đón đẻ này’. Đỡ nhẹ mẹ xuống tấm sập gụ cụ nằm đã gần trọn đời, cha tôi lại lấy giọng tự nhiên: ‘Thím Hải lấy nước mưa bể nhà cho đẻ rửa mặt nhé! ‘
Bà tôi thích thú, quay ngang quay ngửa ra ý xem nhà cửa như thuở nào, rồi lần tay vào chậu tìm khăn rửa mặt. Nét miệng tươi tỉnh:
- Nước mưa mát quá. Đẻ không thích rửa mặt nước vòi Hà Nội bằng thứ này. Năm nay bể có đầy không, chị Hải, còn múc gáo cán ngắn được chứ? Cái rốn bể còn rò không? Bể nhà ta xây năm đẻ về làm dâu họ Nguyễn đấy. - Trầm ngâm, bà hướng mặt về một cõi nào, rồi lại khen: ‘Gió giời mát quá, dễ chịu hơn gió quạt Hà Nội... ‘
Được một lúc, bà vội vàng giục cha tôi:
- Đẻ sốt ruột ngoài Hà Nội quá. Thôi chơi thế thỏa rồi. Chị Hải trông nom nhà cửa, vườn tược chu đáo nhé, gần Tết đẻ về sắm đèn nhang. Anh Giáo cho đẻ về.
- Vâng, thưa đẻ, xe đã có.
Cha tôi lại ghé lưng kề nép sập, nhấc nhẹ mẹ lên ‘xe’; lại nhún nhảy từ nhà ra sân, từ sân vào bếp, từ bếp lên nhà. Lại loanh quanh vài vòng rồi đặt mẹ xuống sập, tíu tít gọi vợ con mở quạt trần, lấy khăn mặt cho bà...
Bà bảo: ‘Ra đến Hà Nội là nóng, quạt trần kêu nhức đầu! ‘ Chúng tôi lăn ra cười, lăn kềnh cả vào lòng bà. Bà vui lắm, thường những lúc ấy bà hay cho tiền ăn quà. Có ngày bà tôi đòi ‘về quê’ và ra ‘Hà Nội’ vài lượt. Lúc nào cha tôi cũng sấn sàng chiều mẹ.
Ròng rã suốt năm, sáu năm tuổi thơ, ngày nào chúng tôi cũng lăn ra cười cái trò ‘Cho đẻ về quê’ rồi lại ‘Cho đẻ ra Hà Nội’ của bà. Và hình ảnh cha tôi vui vẻ cõng chiều mẹ trên lưng giả làm xe ‘về quê’, ‘ra Hà Nội’...
Không chỉ có thế. Thời gian gần hai năm cuối, bà nội tôi còn dầm dề. Cha tôi tự tay giặt giũ cho mẹ, e rằng người giúp việc ghê bẩn, giặt không sạch,
bà mặc phải tội. Cha tôi tự tay bón cơm cháo cho bà ngày ba, bốn bữa. Tự mình, cha tôi săn sóc, nâng giấc mẹ đến phút cuối cùng. Có lẽ cái gì ở tuổi thơ cũng đọng lại sâu lắng, lâu bền. Càng về cuối đời, tôi càng thấm rõ điều đó. Nhớ đến cha đến bà, là cả chuỗi năm tháng ấy bùng lên, hiển hiện. Chỉ khác là ngày xưa nhìn cha cõng bà, tôi cười rũ rượi. Nay nghĩ đến cha cõng bà, tôi cứ rưng rưng. Và khi cha tôi già yếu, lâm trọng bệnh ở bệnh viện K Hà Nội, chúng tôi cũng trông nom người tận tình cho đến phút người ra đi. Tôi nhớ đến câu: ‘Giọt nước trước chảy đâu Giọt nước sau chảy đấy’
Cha tôi đã dạy chúng tôi chữ hiếu từ thuở người làm con. Và đây là lời kể của cha tôi, kể lại cho các con nghe.