Huỳnh Thúc Kháng
Hoàng Thúc Kháng (Huỳnh Thúc Kháng) (Bính tí 1876 - Đinh hợi 1947) Chí sĩ, Học giả thuơ trẻ có tên là Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Minh Viên (còn có nhiều bút danh khác: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khi ưu Sinh, Xà Túc tử, Thức Tự Dân,Ưu Thời Khách, Hải Âu, ...
Hoàng Thúc Kháng
(Huỳnh Thúc Kháng)
(Bính tí 1876 - Đinh hợi 1947)
Chí sĩ, Học giả thuơ trẻ có tên là Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Minh Viên (còn có nhiều bút danh khác: Sử Bình Tử, Tha Sơn Thạch, Khi ưu Sinh, Xà Túc tử, Thức Tự Dân,Ưu Thời Khách, Hải Âu, Ngu Sơn, Khách Quan). Quê làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang thượng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng).
Năm Canh tý 1900, ông đổ giải nguyên, năm Giáp thìn 1904 ông đỗ Hoàng giáp, 28 tuổi, ông không làm quan, nhiệt thành lo nước thương dân, kết bạn thâm tình với các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp. Ông bị bắt trong năm Mậu thân 1908, bị đày Côn Đảo suốt 13 năm (1908-1921) mới được trả tự do, vì ông là một trong các nhân vật lãnh đạo phong trào Duy tân năm 1908.
Năm Bính dần, 1926 ông được cử làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kì. Trong 3 năm hoạt động ở Viện, ông cương quyết tranh đấu trong nghị trường, rồi nhân chống lại viên Khâm sứ Pháp Jabouille ông từ chức và sáng lập tờ báo Tiếng Dân, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo này tại Huế (1927-1943).
Thời gian đại chiến thế giới thứ hai, phát xít Nhật và đám thân Nhật toan mua chuộc ông, nhưng không lung lạc được ông. Sau Cách mạng tháng 8-1945, ông nhận chức Bộ trưởng bộ Nội vụ chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và trong khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, ông được trao quyền Chủ tịch Chính phủ (1946). Ông cũng là một sáng lập viên và là Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt ). Bắt đầu cuộc toàn quốc kháng chiến, ông được chính phủ đặc phái vào Liên khu 5 công tác ...
Tuổi già, lâm bịnh, ông mất tại Quảng Ngãi ngày 21-4-1947 thọ 71 tuổi.
Các tác phẩm chính của ông :(đã xuất bản )
- Thi tù tùng thoại.
- Thơ văn với thời đại.
- Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam (kí Phi Bằng).
- Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử.
- Huỳnh Thúc Kháng niên phố.
- Bức thư gởi Cường Đế.
Và rất nhiều thơ chữ quốc ngữ, chữ Hán có giá trị. Sinh thời tâm chí ông biểu lộ rỏ trong bài cảm khái lúc đi đày về :
"Nợ bầy đeo đuổi giục bên người
Chả để nằm yên góc xó trời.
Biển Bắc dễ cùng chung mấy độ
Nhành Nam chim sẵn ổ muôn đời.
Rừng sâu với quế ca xăng xái,
Hang thẳm tìm Lan dạ thảnh thơi!
Rốt cuộc máu lòng tìm chỗ dốc,
Sử xanh nước biếc rưới cung nơi"
Đến lúc nước nhà giành được độc lập tự do, ông ra tham chính. Mừng xuân năm 1947, đôi liễn của ông cũng nói lên tấc lòng yêu nước thương dân chí thiết.
" Trẻ lại với xuân, nước tổ bốn ngàn năm lịch sử:
Đứng lên làm chủ, quyền người hai chục triệu dân sinh"'