Hướng dẫn cảm nhận, phân tích một bài thơ, đoạn thơ thi vào lớp 10 THPT
Đánh giá bài viết Hiện nay tình trạng “diễn xuôi” các câu thơ trong quá trình phân tích, cảm nhận các văn bản thơ vẫn còn diễn ra rất phổ biến. Vì vậy, với bài viết này cô sẽ gợi ý cho các bạn một số vấn đề để tránh được việc diễn xuôi các câu thơ trong quá trình các em cảm nhận và phân ...
Đánh giá bài viết Hiện nay tình trạng “diễn xuôi” các câu thơ trong quá trình phân tích, cảm nhận các văn bản thơ vẫn còn diễn ra rất phổ biến. Vì vậy, với bài viết này cô sẽ gợi ý cho các bạn một số vấn đề để tránh được việc diễn xuôi các câu thơ trong quá trình các em cảm nhận và phân tích tác phẩm thơ, đoạn thơ, câu thơ trữ tình. Ở bài này cô chỉ hướng dẫn riêng cho các em học ...
Hiện nay tình trạng “diễn xuôi” các câu thơ trong quá trình phân tích, cảm nhận các văn bản thơ vẫn còn diễn ra rất phổ biến. Vì vậy, với bài viết này cô sẽ gợi ý cho các bạn một số vấn đề để tránh được việc diễn xuôi các câu thơ trong quá trình các em cảm nhận và phân tích tác phẩm thơ, đoạn thơ, câu thơ trữ tình.
Ở bài này cô chỉ hướng dẫn riêng cho các em học sinh cấp II, đặc biệt là các em chuẩn bị thi vào lớp 10 (2016 – 2017), còn đối với học sinh THPT cô sẽ có một bài khác bởi kiến thức THPT rộng hơn đòi hỏi kĩ năng và kiến thức nhiều hơn.
I. Khi cảm nhận, phân tích một bài thơ, đoạn thơ, câu thơ trữ tình các em cần chú ý đến:
1. Cuộc đời tác giả.
2. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
3. Thể thơ: lục bát, tự do, thơ 5 chữ,…
4. Hình ảnh thơ: Ví dụ như hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp – Mĩ trong “Đồng chí”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính, hình ảnh người bà trong “Bếp lửa”.
5. Chi tiết thơ:
6. Giọng điệu: gồm có giọng hào hùng, nhẹ nhàng, xót thương, bi lụy, triết lí…
7. Vần (nhịp) thơ.
8. Ngôn ngữ thơ: gồm có ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ bác học, ngôn ngữ được sử dụng trong bài thơ (từ láy, câu đặc biệt, thành ngữ, tục ngữ, dấu ?, dấu !… => tất cả đều có dụng ý của tác giả).
9. Bố cục: Đây là phần quan trọng nhất để các em tìm ý cho bài cảm nhận của mình. Có thể chia theo khổ, chia theo đoạn, câu…
Tất cả các đặc điểm trên ở tác phẩm nào cũng có nhưng mức độ đậm nhạt của các đặc điểm này trong mỗi tác phẩm là khác nhau. Thêm vào đó, các em cần chú ý dựa vào đề bài yêu cầu gì để lựa chọn các đặc điểm trên cho phù hợp theo sở trường và khả năng của mình.
II. Kiến thức cần có trước khi làm bài:
– Kiến thức về tác giả:
+ Tên, bút danh, năm sinh, năm mất, gia đình…
+ Xã hội mà tác giả sống và sáng tác…
+ Khuynh hướng sáng tác, chủ đề sáng tác.
+ Các tác phẩm tiêu biểu.
– Thuộc thơ (nếu đề bắt chép thuộc bài, đoạn, câu sau đó cảm nhận, phân tích…).
– Nội dung chính của tác phẩm.
– Nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.
– Một số tác giả, tác phẩm cùng chủ đề để so sánh đối chiếu (nếu có).
=> Tất cả các kiến thức này các em đã được trang bị ở trường thông qua tiết học dưới sự dẫn dắt của giáo viên. Lưu ý các em một điều lượng kiến thức này rất quan trọng, mỗi giáo viên sẽ hệ thống kiến thức bài học theo một cách riêng nhưng nhìn chung kiến thức là giống nhau ở mỗi tác phẩm.
III. Cách cảm nhận, phân tích một bài thơ, đoạn thơ, câu thơ
1. Sự khác nhau giữa đề “Cảm nhận…” và đề “Phân tích…”:
Trong phần lớn các đề thi vào lớp 10 năm học 2015 – 2016 ở các sở giáo dục trong cả nước cô nhận thấy:
– Đề “Phân tích…” không nhiều mà chủ yếu là đề “Cảm nhận…”. Điều này phù hợp với xu hướng đổi mới dạy học văn hiện nay, kích thích học sinh tự cảm nhận cái hay cái đẹp trong mỗi văn bản.
– Đề chủ yếu yêu cầu các em cảm nhận, phân tích đoạn thơ, câu thơ chứ ít yêu cầu cảm nhận, phân tích cả bài thơ. Điều này giúp các em đào sâu, lí giải, khái quát trong thời gian ngắn, tránh sự lan man, liệt kê như trước những năm trước đây.
– Sự khác biệt giữa đề cảm nhận và để phân tích theo cô đó là:
+ Đề yêu cầu cảm nhận: dựa vào nội dung, nghệ thuật của bài mà đề ra các em sẽ lựa các nội dung yêu thích để cảm nhận, lí giải, đưa ra dẫn chứng mở rộng vấn đề còn những nội dung các em thấy không hấp dẫn thì chỉ cần điểm qua. Đề cảm nhận mang nặng cá tích, dấu ấn của người viết.
+ Đề yêu cầu phân tích: các em cũng dựa vào nội dung, nghệ thuật của bài theo yêu cầu đề ra để phân tích lí giải đưa ra các dẫn chứng minh họa cho các nội dung. Dạng đề này các em cũng nên chọn những nội dung hấp dẫn đối với bản thân để phân tích nhưng bên cạnh đó cũng cần đảm bảo đủ nội dung trong bài. Ở dạng đề này cũng có cái tôi cá nhân trong bài viết nhưng không sâu đậm bằng đề cảm nhận.
2. Các bước cảm nhận, phân tích một bài thơ, đoạn thơ, câu thơ
a. Mở bài:
Trong phần mở bài các em cần có các nội dung chủ yếu sau:
– Giới thiệu qua về tác giả.
– Giới thiệu nội dung chính của tác phẩm.
– Nội dung ý nghĩa của đoạn, câu thơ các em chuẩn bị phân tích (nếu đề cho ra đoạn, câu thơ)
– Bắt vào phần đề bài yêu cầu.
Lưu ý: Phần mở bài cần tự nhiên, đủ nội dung và sáng tạo.
b. Thân bài:
Đây là phần quan trọng nhất, khó nhất chính vì thế cũng chiếm nhiều điểm nhất và trong bài viết của các em cũng thể hiện lỗi “diễn xuôi” thơ nhiều hơn cả. Để khắc phục được tình trạng này trước khi làm bài các em nên lập dàn ý theo cách:
– Soi bài thơ, đoạn thơ, câu thơ của đề yêu cầu phân tích vào các đặc điểm cô đã nêu ở phần I . Khi cảm nhận, phân tích một bài thơ, đoạn thơ, câu thơ trữ tình các em cần chú ý đến để rút ra điều các em cần cảm nhận từ yêu cầu của đề bài.
– Đoạn đầu tiên của thân bài các em nên trình bày khái quát nội dung nghệ thuật của cả tác phẩm, đặc biệt là các đề chỉ yêu cầu phân tích đoạn, câu thơ.
– Đưa các nội dung chính của bài thơ, đoạn thơ thành các luận điểm lớn, nếu đề yêu cầu cảm nhận đoạn thơ, câu thơ, thì các em chia nhỏ các nội dung có trong đoạn, trong câu, biến chúng thành các luận điểm lớn đề đi sâu cảm nhận.
– Mỗi đoạn văn các em nên viết theo cách diễn dịch hoặc quy nạp, nhớ trình bày rõ câu chốt, câu diễn giải, câu dẫn chứng, câu khái quát nội dung đoạn các em vừa phải khái quát được nội dung đoạn mình vừa viết, vừa phải liên hệ được với nội dung mà đề yêu cầu, mỗi khi chuyển đoạn mới phải có liên kết đoạn.
– Phần thân bài các em cần triển khai khoảng bốn đến 5 đoạn, dựa vào khả năng viết của mình, nhào nặn những nội dung cơ bản trong mỗi đoạn thành sản phẩm mang đậm cái tôi của chính mình trong bài viết.
IV. Ví dụ:
Cô sẽ đưa ra một số ví dụ để các em dễ dàng nhận ra cách làm bài nhé:
Đề bài: Cảm nhận của em về cơ sở hình thành tình đồng chí trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp qua tác phẩm “Đồng Chí” của Chính Hữu.
Nội dung chính:
1. Mở bài:
– Chính Hữu (1926 – 2007) tên thật là Trần Đình Đắc, quê Hà Tĩnh, là nhà thơ mặc áo lính ông chủ yếu viết về người lính, cách mạng, thơ ông giàu cảm xúc, ngôn ngữ, hình ảnh chọn lọc.
– “Đồng chí” là một trong những tác phẩm hấp dẫn nhất trong tập thơ chính của ông: “Đầu súng trăng treo” (1966), “Đồng chí” thể hiện vẻ đẹp lung linh của những người lính giai đoạn đầu kháng chiến chống pháp gian khổ nhưng chứa chan tình đồng đội.
– Tình đồng chí ấy được vun đắp, xây dựng từ những cơ sở rất tự nhiên, chân thành của những người nông dân khoác trên mình chiếc áo lính.
ó Với những kiến thức trên các em hãy xây dựng cho mình một mở bài hấp dẫn nhé.
2. Thân bài:
* Đầu tiên các em phải xác định được yêu cầu đề ra với kiến thức các em đã học trên lớp có mấy luận điểm:
– Cùng hoàn cảnh xuất thân.
– Cùng mục đích lí tưởng chiến đấu.
– Cùng chia sẻ mọi gian lao thiếu thốn trong quân ngũ.
* Soi đề bài vào các vấn đề trên để lấy thêm nhiều ý cho bài viết phong phú:
– Hoàn cảnh ra đời: Giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống pháp.
– Thể thơ: Tự do. Có tác dụng gì trong việc thể hiện cảm xúc của tác giả?
– Hình ảnh cụ thể, giản dị: người nông dân gợi cho em suy nghĩ gì về tính cách, cuộc sống của họ? “Súng bên … thành đôi tri kỉ” gợi lên cho em điều gì?…
– Giọng điệu ngôn ngữ:
+ Tâm tình nhẹ nhàng, sâu lắng… Tác dụng gì?
+ Sử dụng thành ngữ: “nước mặn, đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”,
+ Câu đặc biệt: Đồng chí! Có ý nghĩa gì về mặt nội dung và nghệ thuật?…
– So sánh với bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” để thấy được cái hay cái hấp dẫn của người lính thời kì chống Pháp.
* Vạch luận điểm cụ thể cho thân bài:
– Luận điểm 1: Giới thiệu chung về nội dung, ý nghĩa của cả bài “Đồng chí”.
– Luận điểm 2: Cùng hoàn cảnh xuất thân.
– Luận điểm 3: Cùng mục đích lí tưởng chiến đấu.
– Luận điểm 4: Cùng chia sẻ mọi gian lao thiếu thốn trong quân ngũ.
– Luận điểm 5: Trình bày được: Từ cơ sở này đã tạo nên nên tình đồng chí gắn bó keo sơn, với những biểu hiện rất cụ thể để rồi tạo cho họ sức mạnh vượt qua mọi khó khăn, chiến đấu giành thắng lợi. Kết tinh cho vẻ đẹp tình đồng chí thể hiện ở ba câu thơ cuối bài… So sánh được với bài “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
Lưu ý:
+ Ở mỗi luận điểm các em nên viết theo phương pháp viết đoạn cụ thể (diễn dịch, quy nạp, song hành, móc xích… tùy khả năng của mình).
+ Câu chốt đoạn phải khái quát được nội dung đoạn và liên hệ với phần yêu cầu của đề.
+ Viết rõ ràng, có lí giải, dẫn chứng không lan man, phải thể hiện được cá tính của mình trong bài…
3. Kết bài:
– Khái quát được nội dung đề yêu cầu.
– Từ những gì đã cảm nhận em rút ra được bài học rút ra cho bản thân hoặc liên hệ với cuộc sống.
Hi vọng với những gì cô vừa cung cấp các em sẽ tìm cho mình được một phương pháp cảm nhận, phân tích thơ, tránh được lỗi diễn xuôi câu thơ.