Hồn trương ba da hàng thịt - Bài 4 - 5 bài soạn "Hồn trương ba da hàng thịt" hay nhất
I. Tìm hiểu chung: 1.Tác giả: -Lưu Quang Vũ (1948-1988) vốn là nhà thơ, chuyển sang sân khấu, trở thành kịch gia có tên tuổi nhất văn đàn những năm 80, với vài chục vở kịch chiếm lĩnh sàn diễn 3 kì, làm nổi sóng đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam. -Những năm 80 ...
I. Tìm hiểu chung:
1.Tác giả:
-Lưu Quang Vũ (1948-1988) vốn là nhà thơ, chuyển sang sân khấu, trở thành kịch gia có tên tuổi nhất văn đàn những năm 80, với vài chục vở kịch chiếm lĩnh sàn diễn 3 kì, làm nổi sóng đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam.
-Những năm 80 của thế kỉ 20, Lưu Quang Vũ nổi lên thành hiện tượng gây chú ý bậc nhất trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam, công chúng náo nức đến với sân khấu kịch để đón xem những vở kịch của ông.
-Chỉ trong bảy, tám năm ông đã sáng tác khoảng năm mươi kịch bản và hầu hết đều được xây dựng.
-Những vở kịch của Lưu Quang Vũ giành nhiều giải cao trong các kì hội diễn và tạo được tiếng vang trong và ngoài nước , tiêu biểu như: Lời thề thứ 9, Tôi và chúng ta, Nàng Xi-ta, Sống mãi tuổi 17, Nếu anh không đốt lửa, Hồn Trương Ba, da hàng thịt…
-Với những đóng góp lớn cho ngành sân khấu, Lưu Quang Vũ đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật năm 2000.
2.Tác phẩm:
a) Hoàn cảnh ra đời:
- Hồn Trương Ba, da hàng thịt được viết từ năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới ra mắt công chúng, đây là một trong những vở kịch tiếng vang nhất của Lưu Quang Vũ.
- Viết vở kịch này , Lưu Quang Vũ dựa vào một câu chuyện dân gian nhưng cũng đã có những thay đổi cơ bản.
- Trong truyện dân gian, nhân vật Trương Ba tiếp tục sống bình thường, hạnh phúc khi hồn được nhập vào thân xác anh hàng thịt. Còn Lưu Quang Vũ lại xây dựng một kịch bản mới, tập trung vào diễn tả tình cảnh trớ trêu của Trương Ba khi phải sống" bên trong một đằng , bên ngoài một nẻo".
b) Đoạn trích:
-Đoạn trích trong sách giáo khoa thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch, diễn tả nỗi đau, sự đau khổ, dằn vặt và quyết định cuối cùng đầy cao thượng của Hồn Trương Ba.
II. Tìm hiểu chi tiết:
1. Hoàn cảnh trớ trêu của nhân vật Trương Ba:
- Ông Trương Ba đã chết vô lí do sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu – 2 quan nhà trời với lí do : người hạ giới ai mà chả phải chết, không chết trước thì cũng chết sau.
- Họ sửa sai bằng cách cho Trương Ba được sống lại nhưng phải sống nhờ thân xác của người khác để trú ngụ linh hồn.
→ Việc làm đó đã đẩy Trương Ba vào một nghịch cảnh: linh hồn người làm vườn hiền lành phải sống nhờ trong thân xác thô phàm- xác của anh hàng thịt.
2. Nhân vật Hồn Trương Ba trong cuộc đối thoại giữa hồn và xác
* Kịch tính của vở kịch thể hiện trong những lời thoại, vừa khắc họa tính cách nhân vật, vừa đẩy xung đột ngày càng căng thẳng, thể hiện qua một số nấc:
- Nấc 1:
+ Hồn Trương Ba tỏ thái độ quyết liệt: "Ôm đầu, đứng vụt dậy" quyết định:"ta không muốn sống như thế này mãi".
→Hồn Trương Ba muốn thoát ra khỏi cái xác thô kệch không phải của mình.
+ Xác: lên tiếng giọng điệu mang sắc thái kiêu ngạo: "là không thể", "cái kinh hồn mờ nhạt khốn khổ của ông Trương Ba kia ơi".
- Nấc 2:
+Hồn Trương Ba mắng nhiếc cái Xác "xác thịt âm u đui mù không có tiếng nói".
+Xác nhạo báng lại, tuyên bố sức mạnh ghê gớm của mình, có thể át được linh hồn cao khiết.
- Nấc 3:
+ Hồn Trương Ba tiếp tục mắng nhiếc cái xác cho rằng đó chỉ là "cái vỏ bên ngoài,không ý nghĩa, không tư tưởng" với những bản năng tầm thường "thèm ăn ngon", "thèm rượu thịt".
+ Xác nhạo báng lại và dồn Hồn Trương Ba vào thế bí.
-Nấc 4:
+ Chẳng hạn Hồn Trương Ba không muốn nhắc lại chuyện đáng buồn suýt sa ngã bên vợ anh hàng thịt →sự chối bỏ, phản bác, hành động bịt tai bất lực : "Im đi,im đi…"
+ Xác vẫn mềm mỏng trong giọng điệu ngọt nhạt rằng hồn hãy chấp nhận thân xác và cho rằng: hồn và xác đã hòa vào làm một.
-Nấc 5:
+ Hồn Trương Ba vẫn khẳng định rằng mình vẫn giữ được "đời sống riêng", "nguyên vẹn", "trong sạch"…
+ Xác: cười mỉa mai, nó có lí do của nó bởi khi phải sống nhờ vào thân xác của người khác, phải chiều theo những đòi hỏi của thân xác thì không thể có được linh hồn nguyên vẹn trong sạch được.
→Lời thoại của Hồn Trương Ba quyết liệt càng về sau càng đuối lí, tuyệt vọng còn Xác thì ngày càng đắc thắng, bộc lộ tính cách ti tiện, bao biện cho xác phàm.
3. Hồn Trương Ba trong cuộc đối thoại với người thân:
a) Từ khi sống trong thân xác anh hàng thịt, nhân vật Hồn Trương Ba có những thay đổi ngày càng rõ nét
- Theo lời vợ: không còn là người làm vườn chăm chỉ, hết lòng yêu thương vợ con như trước.
- Theo lời cái Gái: ông vụng về thô lỗ chứ không còn khéo léo nhẹ nhàng khi chăm sóc cây.
- Theo lời chị con dâu: vẻ hiền lành ngày xưa không còn nữa.
b) Hồn Trương Ba khi đón nhận thái độ lên án của người thân
- Lúc đầu: Hồn Trương Ba chưa nhận thức được mình, còn bao biện cho mình "Thế mà tôi không biết…", "chỉ tại…".
- Càng về sau thái độ của Hồn Trương Ba thay đổi theo hướng tiếp nhận sự thật một cách đau đớn: "mặt lạnh… ta không… Cám ơn con…"
- Đỉnh điểm: thắp hương gọi Đế Thích cầu xin sự giải thoát cuối cùng, không thể sống mãi trong hoàn cảnh như vậy được.
4. Nhân vật Hồn Trương Ba và cuộc đối thoại với Đế Thích:
- Hồn Trương Ba thể hiện thái độ kiên quyết từ chối không chấp nhận cảnh sống trong ngoài bất nhất "Tôi muốn được là tôi toàn vẹn".
- Hồn Trương Ba chỉ ra sai lầm của Đế Thích, rằng lòng tốt hời hợt chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cho ai.
- Đế Thích định sửa sai bằng cách Hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị.
- Hồn Trương Ba phản đối không chấp nhận cảnh sống giả tạo, kêu gọi Đế Thích hãy sửa sai bằng một việc làm đúng đó là trả lại linh hồn cho cu Tị.
- Đế Thích cuối cùng cũng làm theo đề nghị của Hồn Trương Ba với lời nhận xét:" người hạ giới thật là kì lạ…".
→Những lời thoại với Đế Thích chứng tỏ Hồn Trương Ba đã ý thức về hoàn cảnh đầy bi kịch khi phải sống bên trong một đằng bên ngoài một nẻo.
- Đoạn kết Trương Ba trả lại xác cho anh hàng thịt chấp nhận chết để linh hồn được trong sạch và hóa thân vào những sự vật thân thương.
Câu 5. Cảm nghĩ của anh (chị) sau khi đoạn kết.
Trương Ba đã trả lại xác cho anh hàng thịt, chấp nhận cái chết để linh hồn được trong sạch và hoá thân vào những sự vật thân thương, tồn tại vĩnh viễn bên cạnh những người thân yêu của mình.
- Cuộc sống lại trở về với qui luật vốn có của nó.
- Để được sống thì rất đáng quý, sống là chính mình thì còn đáng quý hơn.
- Cuộc sống phải có sự hài hòa giữa linh hồn và thể xác,
Màn kết với chất thơ sâu lắng đã đem lại âm hưởng thanh thoát cho một bi kịch lạc quan và truyền đi thông điệp về sự chiến thắng của sự sống đích thực của chân, thiện, mỹ.
Luyện tập:
Giả định Đế thích cho Trương Ba được quyền sống (không phải mượn) trong xác hàng thịt hoặc hồn Trương Ba nhập vào Cu Tị và Trương Ba đồng ý. Theo anh chị cuộc sống của Trương Ba sau đó sẽ như thế nào? Trình bày ý tưởng về những rắc rối sẽ xảy ra và viết một lớp kịch ngắn về điều đó
Trả lời:
Giả định Đế thích cho Trương Ba được quyền sống(không phải mượn) trong xác hàng thịt hoặc hồn Trương Ba nhập vào Cu tị và Trương Ba đồng ý. Theo em cuộc sống của Trương Ba sau đó sẽ rơi vào bế tắc, bị tha hóa bởi lối sống thực dụng, thèm rượu thịt, và gia trưởng, luôn tự cho mình là nhất. Mọi người thân xa lánh, gia đình ông sẽ tan vỡ......
Ý tưởng: Trương ba sống trong Xác Hàng thịt, bê tha rượu thịt, và tới ở cùng cô hàng thịt nhưng vẫn luôn cho mình là thanh cao. Sau đó ông bị mọi người ghét bỏ, dẫn tới kết cục thảm hại.