Học thuyết tiến hóa của Darwin
Chiến thắng của tư tưởng Duy vật biện chứng và Chân lý khách quan khoa học Phép biện chứng duy vật Thế giới quan là hệ thống những quan niệm của con người về thế giới, về vị trí của con người trong thế giới, nhằm giải đáp những vấn đề về nguồn gốc, ...
Chiến thắng của tư tưởng Duy vật biện chứng và Chân lý khách quan khoa học
Phép biện chứng duy vật
Thế giới quan là hệ thống những quan niệm của con người về thế giới, về vị trí của con người trong thế giới, nhằm giải đáp những vấn đề về nguồn gốc, mục đích, ý nghĩa cuộc sống của con người. Thế giới quan là sự thống nhất giữa tri thức và niềm tin. Do đó có thể coi thế giới quan là lăng kính qua đó con người xem xét, nhìn nhận thế giới, từ đó định hướng cuộc sống, chi phối nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người.
Khác với thần thoại và tôn giáo, triết học là lý luận về thế giới quan, diễn tả những vấn đề của thế giới quan không phải bằng niềm tin tôn giáo hay thuần thoại mà bằng hệ thống các khái niệm, các phạm trù lý luận. Chỉ có triết học mới có thể giải quyết được những vấn đề chung nhất của thế giới quan mà không một ngành khoa học cụ thể nào có thể làm được.
Phép biện chứng duy vật của Karl Marx là sự thống nhất giữa thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng, nhờ đó nó đã khắc phục được những hạn chế trước đây của phép biện chứng chất phác và biện chứng duy tâm, và thực sự trở thành một lĩnh vực khoa học. Có thể nói phép biện chứng duy vật là hệ thống tri thức lý luận khoa học, phản ánh thế giới một cách biện chứng, vạch ra những quy luật chung nhất của sự vận động và phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy con người.
Phép biện chứng duy vật gồm hai nguyên lý cơ bản là Nguyên lý về Mối Quan hệ Phổ biến và Nguyên lý Phát triển của các sự vật và hiện tượng. Từ hai nguyên lý cơ bản đó, phép biện chứng duy vật nêu lên ba quy luật cơ bản bao gồm: Quy luật Thống nhất và Đấu tranh giữa các mặt đối lập, Quy luật Lượng Chất và Quy luật Phủ định của Phủ định.
Nguyên lý về Mối Quan hệ Phổ biến là mối liên hệ giữa các sự vật với nhau bao gồm mối liên hệ bên ngoài và mối liên hệ bên trong. Nguyên lý này giúp ta thực hiện nguyên tắc toàn diện trong nhận thức, xem xét để tìm ra các mối liên hệ, trong đó có mối liên hệ chủ yếu quyết định và ảnh hưởng đến toàn bộ các mối liên hệ khác.
Nguyên lý Phát triển của các sự vật và hiện tượng xem bất kỳ sự vật nào cũng vận động và phát triển không ngừng. Nguyên tắc này giúp ta xem xét các sự việc trong trạng thái động, khái quát xu hướng chung của sự vận động là xu hướng đi lên, cái mới ra đời thay thế cái cũ. Sự vận động đi lên có thể diễn ra theo chiều hướng từ thấp tới cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện.
Quy luật Thống nhất và Đấu tranh giữa các mặt đối lập có vị trí quan trọng vạch ra nguồn gốc, động lực của sự phát triển. Nghiên cứu quy luật này phải thừa nhận mâu thuẫn khách quan và là hiện tượng phổ biến. Mỗi sự vật và hiện tượng đều là một thể thống nhất của các mặt, các thuộc tính, các khuynh hướng đối lập nhau nhưng lại liên hệ ràng buốc với nhau tạo thành mâu thuẫn. Giải quyết mâu thuẫn tạo tiền đề cho sự vật phát triển đi lên.
Quy luật Lượng Chất chỉ ra sự thay đổi về lượng dẫn tới sự thay đổi về chất và ngược lại. Đó là cách thức của sự vận động và phát triển của sự vật. Sự thay đổi về lượng ở một giới hạn nào đó dẫn tới sự thay đổi về chất và ngược lại. Quá trình tác động lẫn nhau giữa hai mặt chất và lượng tạo nên con đường vận động liên tục, từ biến đổi dần dần đến nhảy vọt, rồi lại biến đổi dần dần cho bước nhảy vọt tiếp theo, cứ thế làm cho sự vật không ngừng biến đổi và phát triển.
Quy luật Phủ định của Phủ định là quy luật chỉ ra khuynh hướng của sự vận động và phát triển của sự vật. Thông qua một số lần phủ định thì sự vật cũ mất đi, cái mới dường như lặp lại cái cũ nhưng trên cơ sở mới cao hơn, hoàn thiện hơn và tiến bộ hơn, đó là sự phát triển theo đường xoáy trôn ốc.
Học thuyết Tiến hóa của Darwin
Sự nhìn nhận và hiểu biết về bản chất sự sống tùy thuộc vào trình độ khoa học của từng thời đại và quan điểm triết học của nhà khoa học. Ngay từ khi con người nhận thức được sự hiện diện của mình trong thế giới xung quanh thì câu hỏi được đặt ra đầu tiên là về nguồn gốc sự sống và nguồn gốc của chính con người. Quan điểm về sự sống là lĩnh vực đấu tranh quyết liệt và không khoan nhượng giữa các trường phái triết học khác nhau qua mọi thời đại.
Mặc dù những kiến thức sinh học đã được hệ thống lại ngay từ thời cổ Hy Lạp, nhưng lịch sử sinh học với tư cách là khoa học của sự sống cũng phải trải qua những thăng trầm và trì trệ do ảnh hưởng của những quan điểm triết học siêu hình, duy tâm, máy móc như quan điểm của các nhà Sinh Lực Luận về lực sống hay mầm sống. Điều này cản trở sự tìm kiếm bản chất đích thực của sự sống trong một thời gian rất dài .
Học thuyết Tế bào (Matthias Schleiden & Theodor Schwann 1838 – 1839) và Học thuyết Tiến hóa (Charles Darwin, 1859) ra đời đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử, đưa Sinh học từ một lĩnh vực nặng về quan sát và mô tả trở thành một ngành khoa học chính xác, đồng thời cũng là cơ sở vững chắc cho tư duy triết học duy vật biện chứng. Chính vì vậy, nhà duy vật biện chứng Fridrick Engels đã đánh giá rất cao các phát kiến này và cho rằng Học thuyết Tế bào, Học thuyết Tiến hóa và Định luật Bảo toàn Năng lượng là ba phát minh khoa học tự nhiên vĩ đại nhất của thế kỷ XIX.
Từ một nhà duy tâm theo tư tưởng Thiên chúa giáo coi muôn loài là do thượng đế sáng tạo ra và bất biến, Darwin sau những cuộc hành trình gian khổ nghiên cứu thực tế đã cho ra đời học thuyết Tiến hóa. Học thuyết Tiến hóa của Darwin cho rằng đặc tính thích nghi của cơ thể và sự đa dạng về loài là kết quả của quá trình tiến hóa lâu dài, loài mới xuất hiện từ loài cũ, thông qua đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên.
Trong cuốn “Nguồn gốc các loài” Darwin cho rằng tiến hoá bằng con đường chọn lọc tự nhiên là áp dụng cho tất cả các sinh vật, kể cả con người. Trong cuốn “Nguồn gốc loài người và chọn lọc sinh dục” ông khẳng định con người có nguồn gốc từ động vật và tổ tiên con người có chung nguồn gốc với khỉ.
Học thuyết Tiến hóa của Darwin như một bản tuyên ngôn chống lại quan điểm duy tâm siêu hình cho rằng loài có tính đứt đoạn, bất biến và không có mối liên hệ với nhau. Học thuyết Tiến hóa cũng thể hiện tính cách mạng trong tư duy về thế giới khi cho rằng thế giới là một thực thể khách quan luôn biến đổi và phát triển và có thể nhận thức được. Động lực của sự phát triển là những nhân tố tự nhiên, khách quan chứ không phải do một lực huyền bí siêu nhiên điều khiển. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nguyên lý về mối quan hệ phổ biến và nguyên lý phát triển của sự vật và hiện tượng theo quan điểm biện chứng duy vật. Như vậy, Học thuyết Tiến hóa có thể được xem như là nền tảng của triết học duy vật biện chứng về thế giới sống.
Học thuyết Tiến hóa Tổng hợp
Học thuyết Tiến hóa của Darwin đã làm cuộc cách mạng thực sự trong khoa học và tư duy. Tuy vậy, vào thời kỳ Học thuyết Tiến hóa ra đời, một số vấn đề vẫn chưa giải thích được và được xem là những điểm yếu của Học thuyết Tiến hóa của Darwin. Ngay cả Darwin cũng chưa lý giải được cơ chế di truyền các đặc điểm thích nghi. Darwin đề cập đến hiện tượng biến dị của cá thể trong quần thể. Ông cho rằng điều kiện tự nhiên đã chọn lọc các biến dị đó, nhưng chưa phân biệt rõ thường biến và biến dị di truyền và nguyên nhân của biến dị là gì. Chính vì vậy, nhiều người ủng hộ học thuyết Tiến hóa đã cho rằng nguyên nhân của biến dị là do điều kiện môi trường thay đổi. Theo quan điểm này, Lysenko (1940 -1960) cho rằng có thể dùng điều kiện ngoại cảnh để chọn lọc những biến dị có lợi và áp đặt quan điểm này trong thực tế ở Liên Xô trước đây. Với sai lầm này, trường phái Lysenko tồn tại hơn hai mươi năm đã làm tụt hậu đáng kể không chỉ nền sản suất nông nghiệp mà còn cản trở bước tiến của khoa học sinh học Xô Viết trong một thời gian dài.
Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học sinh học, đặc biệt là các Định luật di truyền của Melden phát hiện ra gene với tên gọi là “nhân tố di truyền cố định”, phát minh của Watson và Crick về cấu trúc phân tử của DNA và sự phát triển như vũ bão của di truyền học và sinh học phân tử trong những năm 50 của thế kỷ XX đã làm sáng tỏ bản chất và khẳng định tính đúng đắn của thuyết Tiến hóa của Darwin. Đây được coi là Học thuyết Tiến hóa tổng hợp.
Học thuyết về đột biến của di truyền đã làm rõ bản chất học thuyết của Darwin khi chỉ ra rằng đột biến gene, đột biến thể nhiễm sắc cũng như biến dị tái tổ hợp là đặc tính của cơ thể xảy ra trong quá trình biến đổi của vật chất sống, không mang tính định hướng, là nguyên liệu cho tác động của chọn lọc tự nhiên. Theo thuyết Tiến hóa Tổng hợp thì biến đổi thích nghi là kết quả của đột biến di truyền và chọn lọc tự nhiên. Đột biến là hiện tượng phổ biến trong cơ thể sống từ virus cho đến con người và được xem là một đặc tính của sự sống, bởi đột biến là nguyên liệu của chọn lọc tự nhiên và bản chất của di truyền là truyền lại cho thế hệ sau gene và hệ gene (kể cả đột biến và không đột biến), tức là genotip chứ không phải di truyền trực tiếp các tính trạng phenotip.
Học thuyết của Darwin chủ yếu đề cập đến biến dị của từng cá thể trong quần thể và mối tương quan sinh sản giữa các cá thể, mà chưa đề cập đến vốn gene của quần thể. Darwin cũng chưa đưa ra được tiêu chí để xác định loài cũng như chưa làm sáng tỏ được cơ chế hình thành loài mới từ các thứ hoặc loài phụ. Sau khi di truyền học quần thể ra đời với các quy luật của Hardy – Weinberg, người ta mới hiều rõ rằng tác động của chọn lọc tự nhiên không chỉ ở mức cá thể mà còn thể hiện ở mức quần thể. Vốn gene của quần thể có thể thay đổi do nhiều nguyên nhân như đột biến, gene nhảy, do dòng gene, do cách ly sinh sản hay cách ly địa lý sinh thái v.v. Chính nhân tố chọn lọc tự nhiên đã tác động lên vốn gene của quần thể, làm biến đổi các mức độ thứ, loài phụ thành loài mới. Vì vậy học thuyết Tiến hóa Tổng hợp đã xác định loài là đơn vị của tiến hóa và chia quá trình tiến hóa thành tiến hóa vi mô và tiến hóa vĩ mô.
Cho dù có những hạn chế nhất định, học thuyết Tiến hóa của Darwin thực sự là phát kiến thiên tài, đã mở ra một trang mới của lịch sử phát triển sinh học đồng thời khẳng định tính đúng đắn của tư duy duy vật biện chứng. Bản thân Darwin cũng là tấm gương lớn về nhân cách của một nhà khoa học chân chính không màng vinh hoa, không sợ chỉ trích, lao động quên mình và luôn kiên trì trên con đường gian nan vô tận để tìm kiếm chân lý khoa học khách quan.