18/06/2018, 11:19

Lời tựa của nhà xuất bản Mir

[...] Con người sẽ không thể làm gì nếu không có kim loại..., nếu không có kim loại, thì hẳn con người đã phải kéo lê kiếp sống thảm hại và ghê tởm nhất giữa bầy dã thú. Hẳn là người ta đã phải quay về với những hạt dẻ và những quả táo quả lê mọc dại trong rừng, phải ăn cỏ và rễ cây, phải dùng ...

[...] Con người sẽ không thể làm gì nếu không có kim loại..., nếu không có kim loại, thì hẳn con người đã phải kéo lê kiếp sống thảm hại và ghê tởm nhất giữa bầy dã thú. Hẳn là người ta đã phải quay về với những hạt dẻ và những quả táo quả lê mọc dại trong rừng, phải ăn cỏ và rễ cây, phải dùng móng tay đào bới cho mình những cái hang. [...]

Kể từ ngày thời kỳ đồ đá chuyển giao lại quyền hành của mình sang cho thời đại đồ đồng, các kim loại đã phục vụ con người một cách trung thành, giúp con người xây dựng và sáng tạo, khắc phục thiên tai, khám phá các bí mật của thiên nhiên, chế tác ra các cơ cấu và máy móc tuyệt diệu.

Gheor Agricôla (Georg Agricola) - nhà tư tưởng người Đức ở thế kỷ XVI, tác giả của nhiều công trình về luyện kim, đã từng nhấn mạnh vai trò to lớn của kim loại trong cuộc sống của chúng ta. Trong tác phẩm “Về ngành mỏ và luyện kim”, ông đã viết: “Con người sẽ không thể làm gì nếu không có kim loại..., nếu không có kim loại thì hẳn con người đã phải kéo lê kiếp sống thảm hại và ghê tởm nhất giữa bầy dã thú. Hẳn là người ta đã phải quay về với những hạt dẻ và những quả táo quả lê mọc dại trong rừng, phải ăn cỏ và rễ cây, phải dùng móng tay đào bới cho mình những cái hang để lấy chỗ ban đêm chui vào nằm, còn ban ngày thì lang thang hết chỗ này chỗ nọ trong các chốn rừng rậm và đồng hoang chẳng khác gì những con dã thú. Bởi vì lối sống như thế hoàn toàn không xứng đáng với trí tuệ con người - món quà quý nhất mà thiên nhiên ban cho, nên lẽ nào lại có người ngu ngốc và gàn dở đến nỗi không đồng ý rằng, kim loại thật cần tiết cho việc ăn mặc và nói chung là để duy trì cuộc sống cho con người?”

Nhà bác học vĩ đại M.V.Lomonosov cũng đánh giá rất cao ý nghĩa của kim loại đối với sự phát triển của xã hội loài người. Trong cuốn “Mấy lời bàn về lợi ích của hóa học”, ông đã viết: “Kim loại tạo nên vẻ đẹp và sự bền vững cho các đồ dùng quan trọng và cần thiết trong xã hội... Kim loại bảo vệ chúng ta trước sự tấn công của kẻ thù, các con tàu nhờ có kim loại mà trở nên cứng vững và được chằng buộc bởi sức mạnh của kim loại để lướt trên sóng biển trước những trận cuồng phong dữ dội. Kim loại làm cho đất đai trở nên phì nhiêu; kim loại giúp chúng ta trong việc săn bắt các loại động vật trên cạn và dưới nước để nuôi sống chúng ta... Nói tóm lại, không một lĩnh vực nghệ thuật nào, không một nghề thủ công đơn giản nào lại có thể tránh được việc sử dụng kim loại”.

Thế giới kim loại thật hấp dẫn và vô cùng phong phú. Trong số các kim loại có những thứ là người bạn đã lâu của con người: đồng, sắt, vàng, bạc, chì, thiếc, thủy ngân. Tình bạn này đã có từ hàng ngàn năm nay. Song cũng có những kim loại mà con người chỉ mới quen biết trong vòng mấy chục năm gần đây.

Tình chất của các kim loại thật kỳ lạ và đa dạng. Chẳng hạn, thủy ngân không bị đông cứng ngay cả ở ba mươi độ âm, còn vonfram thì không sợ những cuộc vây hãm nóng bỏng nhất của ngọn lửa. Bạc và đồng dẫn điện rất thoải mái, còn titan thì chẳng thích thú gì cái việc ấy. Liti nhẹ bằng một nửa nước và dù muốn đến đâu cũng không thể nhấn chìm, còn osimi - nhà vô địch của các kim loại nặng, thì chìm nghỉm như một tảng đá, bởi vì mật độ của nó lớn hơn của nước trên hai mươi lần. Hành tinh của chúng ta rất giàu nhôm, còn franxi thì hiếm đến nỗi hàm lượng của nó trong vỏ trái đất chỉ được tính bằng gam.

Thật khó hình dung nổi điều gì sẽ xảy ra trong thế giới xung quanh chúng ta nếu như các kim loại bỗng nhiên biến mất hết. Nếu không có sắt thì chúng ta chẳng có ôtô và tàu hỏa, không có cầu và đường ray bằng thép, không có những cỗ máy công cụ và những kết cấu bêtông cốt thép; nếu không có nhôm thì ngày nay không thể nói đến ngành hàng không và ngành xây dựng; đồng mà mất đi thì chủng loại sản phẩm kỹ thuật điện sẽ giảm sút ghê gớm; nếu không có vonfram thì hàng tỷ bóng đèn điện sẽ tắt ngấm; nếu không có crom và niken thì thép không gỉ sẽ bị bao phủ bởi một lớp gỉ dày cộm.

Tôi nghĩ rằng, sẽ chẳng cần phải vẽ tiếp bức tranh buồn thảm này nữa: chính là vì hầu hết mọi kim loại đều có những “công lao cá nhân” của mình đối với kỹ thuật hiện đại. May mắn thay, chúng ta không bị tất cả sự mất mát đó đe dọa. Hơn thế nữa, còn có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, quy mô sản xuất và tiêu dùng hầu như tất cả mọi kim loại công nghiệp sẽ ngày càng được mở rộng, các nhà bác học sẽ tạo ra rất nhiều kim loại mới, rồi cả những kim loại và hợp kim “cũ” cũng sẽ bộc lộ thêm những khả năng mới đầy bất ngờ của chúng. Chẳng hạn, ai mà biết được trong những năm sắp tới, các thứ “thủy tinh” kim loại đa dạng - các kim loại đông đặc ở trạng thái vô định hình, sẽ cho chúng ta thấy những tính chất gì? Hợp kim thần diệu nitinon và hàng loạt các hợp kim tương tự khác đã thể hiện năng lực có một không hai là “nhớ” được hình dạng ban đầu của mình. Triển vọng của các vật liệu phối trí mà thành phần quan trọng của chúng là kim loại, hợp kim và các hợp chất hóa học của kim loại thật là to lớn. Tóm lại, không còn nghi ngờ gì nữa, trong tương lai lâu dài, kim loại vẫn giữ được vị trí hàng đầu của mình và sẽ là cơ sở của nền văn hóa vật chất của chúng ta.

Cuốn sách mà tôi có vinh dự được giới thiệu cùng bạn đọc ở đây kể về số phận của những kim loại quan trọng nhất. Tôi tin chắc rằng, nó sẽ gây nên sự hứng thú không những ở các bạn thanh thiếu niên đang muốn mở ra cho mình một thế giới khoa học, mà còn ở tất cả những ai tuy đã rời ghế nhà trường phổ thông hay đại học từ lâu, song vẫn không mất đi tính ham hiểu biết vốn có của tuổi trẻ và muốn tận dụng mọi cơ hội để mở rộng tầm mắt của mình.

Viện sĩ A. F. Belov

0