25/05/2018, 13:27

Họ Bạc má

(danh pháp khoa học: Paridae), là một họ lớn chứa các loài chim nhỏ có dạng sẻ, sinh sống ở Bắc bán cầu và châu Phi. Phần lớn các loài trước đây được gộp trong chi Parus. Những loài chim này chủ yếu là chim nhỏ nhưng chắc ...

(danh pháp khoa học: Paridae), là một họ lớn chứa các loài chim nhỏ có dạng sẻ, sinh sống ở Bắc bán cầu và châu Phi. Phần lớn các loài trước đây được gộp trong chi Parus.

Những loài chim này chủ yếu là chim nhỏ nhưng chắc nịch, sinh sống ở đồng rừng với mỏ ngắn và mập. Một số loài có mào. Chúng là những loài chim dễ thích nghi, với thức ăn hỗn hợp, bao gồm các loại hạt và sâu bọ. Nhiều loài sinh sống cận kề những nơi con người sinh sống và dám đến những chỗ nuôi chim để kiếm hạt và quả, cũng như học cách lấy các loại thức ăn khác.

Các loài chim này làm tổ trong các hốc, đẻ các trứng với vỏ có đốm màu.

Gần đây, chi lớn Parus dần dà được chia tách thành vài chi khác nhau (như chỉ ra dưới đây), trong việc này những người tiên phong là các nhà điểu học Bắc Mỹ và ở mức độ hạn chế hơn (như tình trạng hiện tại) là các nhà điểu học của phần còn lại trên thế giới. Trong khi vào giữa thập niên 1990, chỉ có các chi Pseudopodoces, Baeolophus, Melanochlora và Sylviparus được coi là được hỗ trợ đủ mạnh nhờ các dữ liệu có sẵn như là các chi khác biệt với chi Parus . Hiện nay, kiểu sắp xếp này được coi là cận ngành như được chỉ ra bởi phân tích chuỗi mtDNA cytochrome b và chi Parus tốt nhất nên hạn chế trong nhánh Parus major - Parus fasciiventer, và thậm chí những họ hàng gần gũi nhất của loài thứ hai nói trên có thể được coi như là chi khác biệt

Trong phân loại của Sibley và Ahlquist, họ Paridae được mở rộng ra nhiều hơn để gộp cả các nhóm có quan hệ họ hàng như các loài phàn tước và bạc má đuôi dài, nhưng trong khi nhóm thứ nhất là hoàn toàn gần gũi với họ Bạc má và có thể đưa vào họ này một cách tin cậy được, cùng với Stenostiridae, thì nhóm bạc má đuôi dài lại không phải như thế. Trên thực tế, hai loài bạc má trán vàng và chim mào vàng có thể có quan hệ họ hàng đối với phần còn lại của họ Bạc má còn xa hơn cả mối quan hệ họ hàng giữa nhóm phàn tước với phần còn lại của họ Bạc má. Nếu như hai họ hiện tại này được gộp chung vào họ Paridae thì nhóm các loài bạc má trong bài này chỉ được coi là phân họ Parinae.

Một cách khác, tất cả các loài bạc má – ngoại trừ việc bảo lưu 2 chi đơn loài như đề cập ở dưới đây (Sylviparus, Melanochlora), cũng có thể cả chi Cyanistes, và không gộp bạc má đất Hume vào – có thể gộp đống trong chi Parus. Trong bất kỳ trường hợp nào, 4 nhánh chính của bạc má "điển hình" có thể được công nhận:

  1. Các loài bạc má mũ đen và họ hàng của chúng (Poecile gộp cả Sittiparus)
  2. Các loài bạc má mào dài (chi Baeolophus và Lophophanes)
  3. Các loài bạc má thường có má trắng và mào lông (chi Periparus gộp cả Pardaliparus) với màu sắc dịu hơn
  4. Các loài bạc má trong Parus nghĩa hẹp (gộp cả Melaniparus và Macholophus).

Tuy thế, các mối quan hệ liên nhánh giữa chúng cũng như các mối quan hệ của nhiều loài trong mỗi nhánh vẫn chưa được giải quyết tốt; phân tích hình thái và địa sinh học có thể đưa ra bức tranh thực tế hơn so với các dữ liệu phân tử đang có

Các loài bạc má có lẽ đã định cư tại Bắc Mỹ hai lần, có thể là vào khoảng thời gian trong Tiền-Trung Pliocen. Đầu tiên là các tổ tiên của chi Baeolophus; các loài bạc má chi Poecile đã tới đây hơi muộn hơn.

  • Các loài phàn tước và
  • ”chích” Stenostirid

có thể gộp vào đây

  • Chi Poecile – trước đây trong chi Parus
    • Bạc má Sombre Poecile lugubris
    • Bạc má Caspi Poecile hyrcanus (thường gộp trong P. lugubris)
    • Bạc má đầm lầy Poecile palustris
    • Bạc má liễu Poecile montanus
    • Bạc má Songar Poecile songarus (thường gộp trong P. montanus)
    • Bạc má Carolina Poecile carolinensis
    • Bạc má mũ đen Poecile atricapillus
    • Bạc má núi Poecile gambeli
    • Bạc má Mexico Poecile sclateri
    • Bạc má trán trắng Poecile superciliosus
    • Bạc má Père David Poecile davidi
    • Bạc má Siberi hay Bạc má đầu xám Poecile cinctus
    • Bạc má phương bắc Poecile hudsonicus
    • Bạc má lưng hung Poecile rufescens
    • Bạc má khoang Poecile varius – đôi khi tách ra thành Sittiparus
  • Chi Periparus - trước đây trong chi Parus
    • Bạc má ngực đen hay bạc má gáy hung Periparus rufonuchalis
    • Bạc má huyệt hung Periparus rubidiventris
    • Bạc má cánh đốm hay bạc má mào đen Periparus melanolophus
    • Bạc má than Periparus ater – có thể cận ngành
    • Bạc má bụng vàng Periparus venustulus - đôi khi tách ra thành Pardaliparus
    • Bạc má tao nhã Periparus elegans - probably paraphyletic; đôi khi tách ra thành Pardaliparus
    • Bạc má Palawan Periparus amabilis - đôi khi tách ra thành Pardaliparus
  • Chi Lophophanes - trước đây trong chi Parus
    • Bạc má mào Lophophanes cristatus
    • Bạc má mào xám Lophophanes dichrous
  • Chi Baeolophus
    • Bạc má mặt vênh Baeolophus wollweberi
    • Bạc má sồi Baeolophus inornatus
    • Bạc má bách xù Baeolophus ridgwayi
    • Bạc má mào lông Baeolophus bicolor
    • Bạc má mào đen Baeolophus atricristatus
  • Chi Parus
    • Bạc má vai trắng Parus guineensis - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má đen cánh trắng Parus leucomelas - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má đen miền nam Parus niger - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má Carp Parus carpi - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má bụng trắng Parus albiventris - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má lưng đen Parus leuconotus - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má tối màu Parus funereus - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má bụng hung Parus rufiventris - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má ngực nâu vàng Parus pallidiventris - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má họng đỏ Parus fringillinus - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má ngực sọc Parus fasciiventer - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má Somali hay bạc má Acacia Parus thruppi - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má Miombo Parus griseiventris - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má xám tro Parus cinerascens - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má xám miền nam Parus afer - đôi khi tách ra thành Melaniparus
    • Bạc má lớn hay bạc má Parus major
    • Bạc má Nhật Bản Parus minor (thường gộp trong P. major)
    • Bạc má Turkestan Parus bokharensis
    • Bạc má lưng xanh hay bạc má bụng vàng Parus monticolus
    • Bạc má cánh trắng Parus nuchalis
    • Bạc má mày đen Parus xanthogenys - đôi khi tách ra thành Macholophus
    • Bạc má má vàng hay bạc má mào Parus spilonotus
    • Bạc má vàng Parus holsti - đôi khi tách ra thành Macholophus
    • Bạc má ngực trắng Parus semilarvatus - đôi khi tách ra thành Sittiparus
  • Chi Pseudopodoces
    • Bạc má đất Hume Pseudopodoces humilis (trước đây gọi là "giẻ cùi đất Hume")

    Loài này chỉ được di chuyển gần đây từ họ Quạ (Corvidae) để đặt vào họ này.

  • Chi Cyanistes - trước đây trong chi Parus
    • Bạc má lam Cyanistes caeruleus
    • Bạc má lam Canary Cyanistes teneriffae
    • Bạc má thiên thanh Cyanistes cyanus
    • Bạc má ngực vàng Cyanistes flavipectus (thường gộp trong C. cyanus)
  • Chi Sylviparus
    • Bạc má rừng hay bạc má mày vàng Sylviparus modestus
  • Chi Melanochlora
    • Chim mào vàng Melanochlora sultanea

    Hai chi đơn loài này có thể ít gần với các loài bạc má còn lại so với phàn tước.

0