Đọc truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, một tác phẩm ra đời trong bão táp đấu tranh chống đế quốc Mĩ của nhân dân ta, ai cũng nhận thấy âm hưởng sử thi thấm đẫm trong từng lời, từng chữ. Tính sử thi đã chi phối từ nội dung đến bút pháp, từ kết cấu, giọng điệu đến hệ thống nhân vật. Đặc biệt, hình tượng xà nu là hình tượng bao trùm mang đậm tính sử thi. Xà nu đau thương. Xà nu anh dũng. Xà nu gắn bó với con người và xà nu cũng chính là con người. Xà nu là hình tượng giàu ý ...
Đời người và đời văn Nguyễn Trung Thành gắn bó sâu nặng với Tây Nguyên. Nhà văn muốn đế lại tình cảm đó trong câu chuyện về làng Xô Man đánh Mĩ với những tấm gương, những cuộc đời sáng đẹp ánh lên từ cuộc chiến đấu khốc liệt với kẻ thù xâm lược. Tất cả tình cảm đó được bộc lộ trong truyện ngắn Rừng xà nu. Nhà văn có thể đặt tên cho tác phẩm của mình là “làng Xô Man” hay đơn giản hơn là “Tnú” - nhân vật chính của truyện. Nhưng nếu như vậy tác phẩm sẽ mất đi sức khái quát và sự gợi mở. Đặt tên cho tác phẩm là Rừng xà nu dường như đã chứa đựng được cảm xúc của nhà văn và linh hồn tư tưởng chủ đề tác phấm. Hơn nữa, Rừng xà nu còn ẩn chứa cái khí vị khó quên của đất rừng Tây Nguyên, gợi lên vẻ đẹp hùng tráng, man dại - một sức sống bất diệt của cây và tinh thần bất khuất của người. Bởi vậy, Rừng xà nu mang nhiều tầng nghĩa bao gồm cả ý nghĩa tả thực lẫn ý nghĩa tượng trưng. Hai lớp ý nghĩa này xuyên thấm vào nhau toát lên hình tượng sinh động của xà nu, đưa lại không khí Tây Nguyên rất đậm đà cho tác phẩm.
Mở đầu tác phẩm, nhà văn tập trung giới thiệu về rừng xà nu. Đó không phải là một rừng xà nu chung chung đâu đó ta đã gặp nơi núi rừng Tây Nguyên mà là một rừng xà nu cụ thể được xác định rõ bên “con nước lớn đầu làng” và “nằm trong tầm đại bác của đồn giặc”, nằm trong sự hủy diệt bạo tàn:
“Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn đã thành lệ, mỗi ngày hai lần hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và xẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào đồi xà nu cạnh con nước lớn”.
Chỉ mấy câu giới thiệu mà gợi biết bao liên tưởng. Cây xà nu gắn bó với người Tây Nguyên. Rừng xà nu sát cánh với làng Xô Man cả trong thời bình lẫn hồi thử thách. Truyện mở ra một cuộc đụng độ lịch sử quyết liệt giữa làng Xô Man với bọn Mĩ - Diệm. Rừng xà nu cũng nằm trong cuộc đụng độ ấy. Từ chỗ tả thực, rất tự nhiên hình ảnh xà nu đã trở thành một biểu tượng. Xà nu hiện ra với tư thế của sự sống đang đối diện với cái chết, sự sinh tồn đối diện với sự hủy diệt. Cách mở của câu chuyện thật gọn gàng, cô đúc mà vẫn đầy uy nghi tầm vóc.
Đi suốt chiều dài câu chữ, ta thấy xà nu là hình tượng bao trùm, là mạch sống, mạch hồn của tác phẩm. Rất nhiều lần tác giả nhắc đến hai chữ “xà nu” (rừng xà nu, đồi xà nu, gốc xà nu, cây xà nu, lửa xà nu, khói xà nu, nhựa xà nu...). Chưa lúc nào tác giả đế gián đoạn mạch kế về xà nu dù số trạng miêu tả trực tiếp không nhiều. Xà nu trở thành mảnh hồn của làng Xô Man, của Tây Nguyên và cao hơn, trở thành hình tượng đại diện cho chính Tây Nguyên. Mỗi đặc điểm của xà nu mà tác giả nói tới đều có thể hiếu theo ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng cho con người Tây Nguyên.
Với kĩ thuật quay toàn cảnh, Nguyễn Trung Thành đã phát hiện: “cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào là không bị thương”. Với cái nhìn cận cảnh, quan sát kĩ từng cây xà nu, tác giả đã chứng kiến nỗi đau của xà nu: “có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt”. Rồi “có nhũng cây con vừa lớn ngang tầm ngực người bị đạn đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được cứ loét mãi ra, năm mười hôm sau thì cây chết”. Các từ ngữ: vết thương, cục máu lớn, loét mãi ra, chết... là những từ ngữ diễn tả nỗi đau của con người. Nhà văn đã mang nỗi đau của con người để biểu đạt cho nỗi đau của cây. Do vậy, nỗi đau này của cây tác động đến da thịt con người gợi lên cảm giác đau đớn. Những cây xà nu bị thương, bị chết cứ ám ảnh ta như những con người ngã xuống. Thương tích mà xà nu mang trên mình gợi cho ta nghĩ đến những ngày đen tối của Tây Nguyên, của cách mạng miền Nam. Bọn giặc đi trong rừng như lũ cọp beo, chúng đội những “chiếc mũ đỏ màu máu”, “lưỡi lê dính máu”. Làng Xô Man sống trong cảnh bị o ép dữ dội. Mọi người bị lùa đến nhà ưng, quần chúng bị chặt đầu, bị treo cổ, tiếng cười “sằng sặc”, “dần dật” của lũ ác ôn, tiếng roi “vun vút”, tiếng đạn “chói tai”, tiếng gậy sắt nện “hừ hự” xuống những thân người...
Nhưng tác giả không đế cho xà nu khép mình trong nỗi đau thầm lặng. Nhà văn đã phát hiện được sức sống mãnh liệt của cây xà nu, một sức sống bất chấp bom đạn: “trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy”. Đây là yếu tố cơ bản để xà nu vượt qua giới hạn của sự sống và cái chết. Sự sống tồn tại ngay trong sự hủy diệt.
“Cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên”. Tác giả sử dụng cách nói đối lập (ngã gục - mọc lên; một - bốn năm) để khẳng định một khát vọng thật của sự sống. Cây xà nu đã tự đứng lên bằng sức sống mãnh liệt của mình: cây con mọc lên, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Xà nu đẹp một vẻ đẹp hùng tráng, man dại đẫm tố chất núi rừng. Xà nu không những tự biết bảo vệ mình mà còn bảo vệ sự sống, bảo vệ làng Xô Man: “Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho làng”. Hình tượng xà nu chứa đựng tinh thần quả cảm, một sự kiêu hãnh của vị trí đứng đầu trong bão táp chiến tranh. Hình tượng cánh rừng xà nu “ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho làng” gợi ra bức tranh thiên nhiên hoành tráng chứa đựng nguồn cảm hứng sử thi dồi dào. Cái hay của đoạn văn chính là ở chỗ nhà văn đã miêu tả rừng xà nu như một sinh thế có hồn, hòa nhập với tinh thần bất khuất của con người Tây Nguyên nói chung và làng Xô Man nói riêng.
Trong quá trình miêu tả rừng xà nu, cây xà nu, nhà văn đã sử dụng nhân hóa như một phép tu từ chủ đạo. Ông luôn lấy nỗi đau và vẻ đẹp của con người làm chuẩn mực đế nói về xà nu khiến xà nu trở thành một ẩn dụ cho con người, một biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất, kiên cường. Ngược lại, khi miêu tả con người, tác giả cũng thường so sánh với xà nu. Cụ Mết có bộ ngực “căng như một cây xà nu lớn”, tay “sần sùi như vỏ cây xà nu”. Cụ Mết chính là cây xà nu cổ thụ hội tụ tất cả sức mạnh của rừng xà nu.
Các thế hệ con người làng Xô Man cũng tương ứng với các thế hệ cây xà nu. Tnú cường tráng như một cây xà nu được tôi luyện trong đau thương đã trưởng thành mà không đại bác nào giết nổi. Dít trưởng thành trong thử thách với bản lĩnh và nghị lực phi thường cũng giống như xà nu phóng lên rất nhanh tiếp lấy ánh mặt trời. Cậu bé Heng là mầm xà nu đang được các thế hệ xà nu trao cho những tố chất cần thiết đế sẵn sàng thay thế trong cuộc chiến cam go còn có thể phải kéo dài “năm năm, mười năm hoặc lâu hơn nữa”.
Trong sự tiếp nối bất diệt, hình tượng dân làng Xô Man đã được hiện lên từ rừng cây xà nu, cây và người chiếu ứng, tỏa sáng, tôn vẻ đẹp lẫn nhau. Cây xà nu ham ánh sáng cũng như dân làng yêu chuộng tự do. Cây hứng chịu đau thương cũng như dân làng nếm trải biết bao mất mát. Nếu cây có sức sống mạnh mẽ, bất diệt thì người trước bao đau thương vẫn không gục ngã. Không có sự tàn bạo nào tiêu diệt được xà nu cũng như dân làng Xô Man kiên định vững vàng trước thử thách để chiến đấu và chiến thắng.
Để khắc họa hình tượng rừng xà nu, ngoài phép nhân hóa, tác giả sử dụng nguồn cảm hứng sử thi với nhiều thủ pháp thường thấy trong các thiên anh hùng ca. Trong truyện không dưới 20 lần nhà văn nói đến xà nu. Chất sử thi của truyện sẽ không thể trở thành giọng điệu chính của tác phẩm nếu thiếu đi hình tượng xà nu được khai thác từ nhiều góc độ, được lặp lại nhiều lần đến như vậy. Xà nu có mặt ở mọi nơi, mọi lúc trong cuộc sống, trong chiến đấu của con người. Lửa xà nu thối cơm. Đuốc xà nu soi cho Dít giã gạo, soi đường cho dân làng vào rừng lấy giáo mác. Nhựa xà nu, khói xà nu dùng làm bảng để học cái chữ. Mười đầu ngón tay Tnú bị tấm dầu xà nu đốt cháy dần dật như mười bó đuốc lớn đã đốt lên ngọn lửa căm thù và tinh thần đồng khởi để rồi “cả rừng xà nu ào ào rung động”. Xà nu có mặt trong đời sống, xà nu tham dự vào những sự kiện trọng đại của con người. Xà nu mang âm hưởng sử thi và khí vị Tây Nguyên rất rõ. Những lớp nghĩa khác nhau được người đọc tiếp nhận ở hình tượng rừng xà nu chính là nhờ cách viết vừa kể vừa tả vừa gợi liên tưởng, tưởng tượng của tác giả.
Câu văn mở đầu được lặp lại ở cuối tác phẩm (đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chần trời) gợi ra cảnh rừng xà nu hùng tráng, kiêu dũng và bất diệt, của con người Tây Nguyên nói riêng và con người Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước vĩ đại. Ấn tượng đọng lại trong kí ức người đọc mãi mãi chính là cái bát ngát của cánh rừng xà nu kiêu dũng đó.