03/06/2017, 17:56
Truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành trong nhận thức của em.
Nơi nào không cầm súng, nơi đó không phải là Tổ quôc. Định nghĩa Việt Nam là phải cầm vũ khí diệt thù. (Chế Lan Viên). “Nếu minh họa lịch sử Việt Nam thì không trang nào không phải vẻ một thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu” ( Đường chúng ta đi – Nguyễn Trung Thành ). Họ - ...
Nơi nào không cầm súng, nơi đó không phải là Tổ quôc. Định nghĩa Việt Nam là phải cầm vũ khí diệt thù. (Chế Lan Viên).
“Nếu minh họa lịch sử Việt Nam thì không trang nào không phải vẻ một thanh gươm tự vệ và tô đậm một màu máu” ( Đường chúng ta đi – Nguyễn Trung Thành ).
Họ - Những nhà văn từng đi qua hai cuộc kháng chiến, từng thấy và ghi nhận đã nói về Tổ quôc đầy tự hào. Đẹp làm sao ngay cả nước cùng ra trận, khi mà mỗi ngọn tầm vông hiền hòa cùng là một lưỡi giáo đuổi giặc. Khi Đất nước đứng lên, khi thơ cũng là vũ khí thì bạt ngàn Rừng xà nu xanh tươi cũng là một chiến lũy – một thành lũy xanh ngăn quân thù.
Những đồi xà nu xanh mướt tới tận chân trời, xanh vượt cả tầm mắt trở thành gạch nối giữa con người với núi nước, với cách mạng. Rừng xà nu cứ tràn nhựa sống, xanh như chưa từng bị tàn phá trong bom đạn, và con người – những người lặng lẽ dưới gốc xà nu mà tâm hồn cứ xôn xao vươn lên như những tầm cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Một câu chuyện với kết cấu “ chuyện lồng chuyện” được kể trong đêm rừng như bắt lên từ làn khói mong manh của bếp lửa bập bùng sưởi ấm lòng người. Cũng là câu chuyện kể vể một anh hùng đấy thôi, như bao truyền thuyết, sử thi hoành tráng của núi nước Tây Nguyên. Có khác chăng là, người anh hùng không xa vời trừu tượng mà ở ngay trước mắt mọi người, một con người bằng xương bằng thịt, giữ im lặng trong suốt buổi kể chuyện đời mình. Hình như chính Tnú – anh hùng đang lặng đi vì quãng đời vừa qua, đau thương tủi cực, song ngời sức sống bất diệt.
Giọng văn cứ đều, chậm, rải ra theo từng lời kể của già làng, những câu chuyện cho ta hình ảnh về một miền xa thăm thẳm, về những con người la lẫm bắt đầu chính tên gọi lạ tai: Tnú, cụ Mết, Dít,Heng…và lối nói chuyện chân thành mộc mạc. Có cảm giác, Nguyễn Trung Thành cũng là một trong những người ngồi lẫn vào bên bếp lửa đêm ấy, tỉ mẩn nghe và say sưa ghi chép. Không phải là câu chuyện đường rừng theo lối truyện mạo hiểm và nhân vật “ người hùng” của tiểu thuyết lãng mạn mà là một thiên anh hùng ca bi tráng của đất Tây Nguyên kỳ vĩ torng đó tập thể làng Xô Man và những thành viên xuất sắc được khắc tạc như một tượng đài.
Nguyễn Trung Thành là nhà văn giàu sức khái quát, từ câu hò trong đêm, ông ngợi ca cả dân tộc và văn hóa, từ một chuyện chiến đấu ở Điện Ngọc, cho ta chân dung một thời đại oai hùng. Nhà văn say mê đi tìm cái lý, sự phổ quát trong từng chi tiết. Cũng vậy, ở Rừng xà nu, từ vẻn vẹn chưa đến năm nhân vật trung tâm và nửa trang giấy, tác giả gợi ra cả không gian Tây Nguyên con người và cảnh vật.
Rừng núi Tây Nguyên đẹp hoang sơ và hùng vĩ. Một núi đá Ngọc Linh cao vời vợi với những gân đá trắng, cứng cáp và mạnh mẽ, những con suối rừng chảy xiết và những cánh rừng xà nu bạt ngàn, ngào ngạt nhựa thơm. Đất Lạng Sơn có rừng hồi chín đỏ, ướp hương cả đất trời, miền rẻo cao Tây Bắc bung nở hoa ban tuyền một sắc trắng tinh khôi. Còn Tây Nguyên, Tây Nguyên trải dài bao đồi xà nu. Cây xà nu gắn bó với người ở và gây ấn tượng đặc biệt cho người đến. Làng Xô Man sống sau “ rừng xà nu”, đốt đuốc bằng “ nhựa xà nu”, con người dường như cũng mang cái dáng cây xà nu cao rộng. Cây xà nu buộc con người ta phải gật gù mà nhận xét ít có loài cây nào có sức sống mãnh liệt như cây xà nu, “ cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế:.
“ Làng nằm trong tầm đại bác của giặc” mà đồi xà nu là trạm tiền tiêu, là người lính đi đầu, “ ưỡn tấm ngực lớn” che cho cả buôn làng.
Mỗi loài cây mang tinh huyết nơi cội rễ nó hút nhựa, cây xà nu mạnh mẽ vươn lên chính từ đất Tây Nguyên oai hùng. Câu chuyện đưa ta vào một cõi không gian khác lạ, nơi những nhân vật đẹp - một vẻ đẹp không cần khắc chạm, đẽo gọt của bàn tay nhà văn gia công. Tác phẩm tự nó mang một kết cấu nội tại đặc biệt, câu chuyện cứ nối nhau, xen kẽ quá khứ và hiện tại, đôi lời dẫn dắt tự sự một cách hết sức tự nhiên. Lúc là lời dẫn chuyện của tác giả, khi thì giọng kể, giọng đối thoại, hồi tưởng. Nhờ vậy, mỗi con người hiện lên đều sống động, giàu sức truyền cảm.
Họ là những con người đậm nét vững chãi, mênh mang của núi rừng. Một cụ Mết quắc thước, “ sáu mươi tuổi mà giọng nói vẫn ồ ồ trong lồng ngực:. Người già làng ấy như thân cây đại thụ càng cao niên càng thêm rễ cành vững chắc. Bóng hình uy nghi ấy tạc vào đêm một cái gì mạnh mẽ, gân guốc, sừng sững. Mỗi lời cụ Mết là một tiếng gọi, một mệnh lệnh hành động mà tự thân nó đã có sức mạnh ngàn cân. Nó mạnh cũng hệt như bàn tay nặng trịch của cụ Mết mà một người quen “ gùi đá ở núi Ngọc Linh” như Tnú vẫn cảm thấy rất rõ trên vai. Cách vỗ vai và sức mạnh ấy chỉ cụ Mết mới có cho nên chỉ vừa nghe tiếng vỗ ấy. Tnú nhận ran gay vị chỉ huy của buôn làng. Nguyên một sức mạnh hiếm thấy, cuộc sống quen lao động cũng tôi rèn họ: Tnú tay không “ quật ngã thằng lính giặc to béo” hay cô bé Dít đã biết cầm chày “ gần đủ ba mươi lon gạo”. Nét đẹp của cpn người Xô Man là nét khỏe khoắn, nổi hình khối nhưng không phần duyên dáng.
Mộc mạc như bông hoa rừng, thơm tinh khiết, người con gái Tây Nguyên hiện ra, dịu dàng như Mai khi khuyên Tnú học chữ, e ấp và kín đáo như Dít trong cử chỉ “ kéo tấm đồ che kín cả gót chân”.
Hình như cái chung nhất ở những con người đó là đôi mắt trong sáng hồn nhiên và chân thật “ đôi mắt mở to bình thản”. Có một cái gì dịu hiền nhưng cũng đầy quyết liệt trong đôi mắt thẳm sâu ấy. Hay phải chăng đó là sức bật, sức mãnh kiệt của núi rừng ngầm tụ? Cái sức mạnh khi có thù thì bừng lên mãnh liệt khiến cho “ hai con mắt Tnú như hai cục lửa”, nhưng mỗi phút giây im tiếng súng, họ lại trở về với chính mình. Vừa thành thạo hướng dẫn chông, bẫy cho Tnú như một du kích thực sự, thằng bé Heng đã lập tức bộc lộ sự ngây thơ khi “ chống mũi súng xuống đấ” gọi cả làng ra đón khách. Trong nó cũng hiện hữu ngây thơ bé êm đềm và hồn nhiên của tất cả dân làng Xô Man, của Tnú, của Mai và Dít.
Dân làng Xô Man, qua ngòi bút điển hình hóa thành công của Nguyễn Trung Thành là những con người giàu tình yêu thương, nặng nghĩa thủy chung. Họ yêu thương buôn làng, sẵn sàng hy sinh ngay cả tính mạng cho sự nghiệp cách mạng, cho Tây Nguyên và làng Xô Man không còn bóng thù. Họ chia sẻ cho nhau, từ hạt muối cụ Mết “ để dành cho người ốm” đến tình thương và những giọt nước mắt xót thương cả làng dành cho cái chết của Mai. Với tầm vóc một tiểu thuyết, Đất nước đứng lên cho ta thấy rõ hơn về cuộc sống cộng đồng cùng sản xuất và sinh hoạt của người Tây Nguyên. Trong truyện ngắn Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành phần nào gợi lên được điều đó chỉ trong vài chi tiết rất nhỏ. Người làng Xô Man sống và yêu thương nhau như ruột thịt, cụ Mết - mà tác giả chưa hề bao giờ nhắc đến gia đình và con cháu – là cha chung, còn Tnú – đó là đứa con yêu quý của cả buôn làng.
Con người trong Rừng xà nu còn là những người đậm nghĩa tình với người thân ruột thịt. Tnú đã bất chấp cả hiểm nguy, lao ra ngoài cứu Mai khi tay không tắc sắt. Mãi sau ba năm “ đi lực lượng”, hình ảnh Mai vẫn cứ luôn ám ảnh trong lòng Tnú. Mối tình Tnú – Mai là một khúc tình ca Tây Nguyên thơ mộng, nó ngân lên như tiếng sáo gọi bạn tha thiết, êm đềm.
Sống yêu thương và tình nghĩa, các dân tộc Tây Nguyên mà tiêu biểu là làng Xô Man cùng vượt qua thử thách, lớn lên trong đau thương và căm hờn. Tội ác giặc gây ra được nhấn mạnh bằng năm cái chết: anh Xút bị treo cổ rồi bà Nhan bị chặt đầ, anh Quyết bị thương nặng. Mai và đứa con còn chưa kịp có tên bị đánh đến chết. Màu máu lửa hình như đã lấn át sắc rừng xanh trong trang văn miêu tả tội ác giặc. Và cuối cùng, một sự mất mát có lẽ còn kinh khủng hơn cái chết, mất đi đôi bàn tay. Chi tiết bàn tay Tnú cháy rừng rực đượm nhựa xà nu thổi bùng lên ngọn lửa căm hờn đồng thời soi cho ta rõ gương mặt anh hùng của người con núi rừng. Bàn tay truyền lửa, thắp lên bao ngọn đuốc từ mệnh lệnh “ Đốt lửa lên”.
Để rồi, người Tây Nguyên lại vươn lên, vững chãi, vượt qua đau thương và căm hờn để chiến đấu và chiến thắng.
Câu chuyện kể về một dân tộc trong bao dân tộc ít người vùng Tây Nguyên. Dân tộc ấy cũng có những tự hào nho nhỏ “ gạo người Strá mình làm ra ngon nhất núi rừng”, tự hào đã năm năm chưa có cán bộ bị bắt ở làng bên cạnh niềm tự hào lớn – sự anh hùng và quật khởi của cả buôn làng.
Thực tế đã được nhà văn nghiền ngẫm và thu lượm có chọn lọc, cho ta một cái nhìn toàn diện về núi rừng và con người làng Xô Man, từ niềm tin vào tôn giáo rồi thói quen thốt kêu. “ Giàng ơi..” cho đến cuộc sống thiếu thốn của một tập thể tự cung tự cấp. Cuộc sống thiếu từ hạt muối ăn đến tấm vải mặc, khi Mai sinh con muốn có vải làm tấm địu cũng phải tính đi Kon Tum mua hay sự thiếu thốn được thể hiện ngay trong bữa ăn của cụ Mết: cơm “ ghế rất nhiều củ pom chu” và “ vài con cá chua “ chỉ dành đãi khách. Thực tế chiến đấu cũng được khái quát chính xác và đầy đủ, cuộc chiến buổi đầu chỉ là giáo mác và lẩn trốn, giữ bí mật, nhiều đau thương mất mát cho đến ngày quật khởi kiên cường.
Từ những chất liệu và chuỗi chi tiết đó, Nguyễn Trung Thành muốn ngợi ca sự anh hùng, ngợi ca sức sống bất diệt của con người vượt qua đạn lửa. Quy luật bất diệt về sự vùng lên của con người bị áp bức và cuộc chiến tất yếu cũng được nhấn mạnh trong tư tưởng chính của truyện. Nguyễn Trung Thành không hề lẩn tránh, ông nhìn thẳng vào sự thất bại của Tnú “ Tnú không cứu được Mai” bởi vì Tnú lúc ấy chỉ có hai bàn tay không. Không có vũ khí, Tnú không cứu được ai kể cả mình và không có vũ khí, những vật thân thuộc nhất như nhựa cây xà nu cũng có thể thành vật tra tấn. Qua câu nói chắc nịch của cụ Mết “ chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo”, nhà văn going lên hồi chuông báo hiệu giờ phút quật khởi bằng vũ khí mà kết quả đã được thấy rõ trong cái chết của mười tên giặc. Trận đánh nhỏ khơi mào cho trăm ngàn trận đánh lớn của cả Tây Nguyên, cả đất nước. Buôn làng Xô Man đã đi đến cuối chặng đường đấu tranh, đau thương ở lại phía sau nhưng bao thử thách đang chờ đón. Câu chuyện cũng đã kết thúc mở với sự lên đường của Tnú trong đồi xà nu mênh mang, như một cách nối dài câu chuyện, nâng chủ nghĩa anh hùng cách mạng dài theo mỗi bước chân nhân vật.
Từ một truyện ngắn mang tầm vóc tiểu thuyết sử thi, nhà văn dựng lên một khung cảnh thơ mộng và hùng vị trong đó bốn thế hệ làng Xô Man đã trưởng thành và nối bước, cụ Mết, Tnú, Dít và Heng. Các tập thể anh hùng cách mạng ấy mãi đứng ở tầm cao với sự tin tưởng tuyệt đối nơi Đảng và cán bộ, với sức sống mãnh liệt. Ngòi bút điển hình hóa và lối miêu tả chấm phá, không rườm rà đã vẽ nên những bức tranh núi rừng thưa thoáng, đẹp hùng vĩ và những chân dung con người nhân vật điển hình những “ người lạ mặt quen biết”.
Nằm trong chuỗi tác phẩm viết về đấu tranh cách mạng và torng hệ thống các tác phẩm về Tây Nguyên của Nguyễn Thành Trung, Rừng xà nu là nét phác nối tiếp hoàn chỉnh bức tranh Tây Nguyên, hoàn chỉnh phong cách nghệ thuật giàu tính địa phương và đậm chất sử thi hùng ca của nhà văn.Có thể khẳng định, Nguyễn Trung Thành là nhà văn củ núi rừng hùng vĩ, nhà văn của chiến tranh nhân dân.
Đất nước thấm máu nhưng cũng thắm tươi trong trang văn Nguyễn Thành Trung. Rừng xà nu – một câu chuyện với nhiều cái chết và một bàn tay cháy đỏ lại được tưới mềm bằng rất nhiều sắc xanh hy vọng, sức sống.
Nguyễn Trung Thành là người đầu tiên mở cánh cửa văn học vào vùng đất Tây Nguyên, cũng là người duy nhất cho đến nay viết hay và đặc sắc nhất về mảnh đất này.
Một nhà văn từng nhận xét “ có những cây đại thụ đổ xuốn làm trống một khoảng trời”. Nhưng đó không phải là khoảng trống trơ trọi và xám xịt, vượt lên những khoảng trống, cầu vồng vẫn lấp lánh tỏa ánh ngũ sắc. Dường như khoảng trống càng lớn, cầu vồng càng vươn cao, vươn cao…Các tác phẩm là chiếc cầu vồng vĩnh cửu hoá tên tuổi nhà văn. Và Rừng xà nu – cũng là một tác phẩm như thế.