25/04/2018, 14:33

Hình ảnh và một số kỉ niệm của người thân yêu sống mãi trong lòng em, Mỗi khi đi đâu xa, vắng mẹ, hoặc khi mẹ đi công tác, ngồi một...

Văn tự sự lớp 8 – Hình ảnh và một số kỉ niệm của người thân yêu sống mãi trong lòng em. Mỗi khi đi đâu xa, vắng mẹ, hoặc khi mẹ đi công tác, ngồi một mình, nhiều lúc lòng tôi cứ nao nao trống trải. Nhớ đến mẹ, tôi không sao quên được những gì mẹ đã hi sinh cho riêng tôi. Bài làm 1: Thầy ...

Văn tự sự lớp 8 – Hình ảnh và một số kỉ niệm của người thân yêu sống mãi trong lòng em. Mỗi khi đi đâu xa, vắng mẹ, hoặc khi mẹ đi công tác, ngồi một mình, nhiều lúc lòng tôi cứ nao nao trống trải. Nhớ đến mẹ, tôi không sao quên được những gì mẹ đã hi sinh cho riêng tôi.

Bài làm 1: Thầy giáo thương binh

Chỉ hai hôm nữa là trường tôi làm lễ kỉ niệm 40 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba – phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước trao tặng. Không khí lao động và học tập của trường thật sôi nổi và hào hứng. Nhiều thầy cô giáo cũ đã về hưu hay đang công tác ở xa đã lần lượt trở về thăm tnrờng. Ngôi trường được quét vôi lại mang vẻ đẹp tinh khôi tuyệt đẹp.  Cột cờ được thay bằng cột kim loại không gỉ. Sân trường, hội trường, các lớp học, các phòng chức năng… sáng bừng lên. Thư viện nhà trường được bổ sung nhiều sách mới…

Chiều hôm ấy, tôi vừa ra khỏi cổng trường thì gặp thầy Nguyên, thầy chủ nhiệm dạy mẹ tôi thời chống Mĩ, và dạy tôi năm tôi học lớp 6, hai năm về trước. Thầy dạy môn toán và làm chủ nhiệm lớp 6. Thầy đã về hưu, hiện sống ở quê thầy, cách trường hơn 40km. Thầy nhận ra tôi trước. Thầy cất tiếng hỏi rất ấm áp:

–    Em Vinh đấy à? Trông em lớn quá! Học lớp tám rồi chứ? Em còn nhớ thầy không?…

Tôi sững người, nói ấp úng sau hai tiếng “Thưa thầy” rồi nước mắt ứa ra. Hai thầy trò chuyện trò một lát, tôi chào thầy ra về, vì biết thầy đạp xe đường xa mệt. Tháy nắm vai tôi, nhẹ nhàng nói: “Em cho thầy gửi lời thăm sức khỏe cụ và bố mẹ em…”.

Xã Bình Minh quê hương tôi có ba thôn: thôn Thượng, thôn Trung và thôn Hạ. Ngoài nghề nông, bà con xã tôi còn có nghề làm hương, làm mộc mĩ nghệ nổi tiếng trong vùng. Trường cấp II Bình Minh trước đây từng là niềm tự hào của bà con làng trên xóm dưới, một vùng quê giỏi làm ăn và hiếu học.

Thầy Nguyên sau mấy năm dạy học ở Bình Minh đã đi bộ đội, chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây – Nam. Thầy bị thương ở chân và bụng, bị mất cánh tay phải. Năm 1986, thầy trở lại trường. Ông tôi nói: “Việc thầy Nguyên trở lại trường Bình Minh xã ta là một việc làm rất tình nghĩa…”. Tôi vừa đi vừa bồi hồi nghĩ về thầy.

Sau 3 năm gặp lại, thầy vẫn như xưa. Dáng cao gầy, mắt hiền từ tươi sáng. Tóc có bạc thêm, vẫn cắt ngắn. Bộ quần áo ka-ki màu thẫm, ống tay phải cài kim băng. Có lẽ là ngày lễ nên thầy đi giày vải còn mới. Vai trái khoác cái túi vải bạc màu, cái túi ngày xưa thầy vẫn đựng sách vở, tài liệu khi đến lớp. vẫn chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ ấy… Thầy vừa dắt xe vừa bước khoan thai.

Thầy chỉ còn một tay mà làm gì cũng nhanh và khéo léo. Trước khi về trường, ở trại thương binh, thầy đã khổ luyện viết, vẽ, làm việc bằng tay trái suốt hai năm. Dạy toán, thầy không dùng được thước, chỉ vẽ bằng tay mà đường nét thẳng tắp, chuẩn xác. Chữ thầy phê vào bài, vào vở học sinh, hay viết lên bảng, trông đều tăm tắp và rất đẹp.

Ở trường Bình Minh lâu nay không có chuyện học thêm. Thầy Nguyên mỗi tuần 2 buổi, đến với từng nhóm học sinh, chăm chút cho những em học yếu, bồi dưỡng thêm cho những em học giỏi. Các vị phụ huynh coi thầy như người nhà. Các cụ già, các bác cán bộ về hưu rất quý trọng thầy thương binh của xã mình. Thầy vẫn đến thăm ông nội tôi mỗi tháng đôi lần khi thầy còn dạy học.

Sau khi hai đứa con của thầy tốt nghiệp Đại học, ra trường đi làm, số tiền trợ cấp thương tật, thầy dành lại làm phần thưởng cho những học sinh vượt khó học chăm, học giỏi.

Các thầy cô giáo vẫn ca ngợi tấm gương tự học của thầy Nguyên. Thầy tự học thì được bằng cấp tiếng Anh, rồi học tại chức, thầy tốt nghiệp Đại học Ngoại Ngữ.

Thầy dạy giỏi, rất thương học sinh, nhất là những em gặp khó khăn. Thầy vẫn nói với học sinh trong giờ học Đạo đức: “Thầy mồ côi bố. Nhà nghèo, nhờ mẹ thương mà học hành nên người. Đi dạy học, đi bộ đội mà được giáo dục trưởng thành”. Mấy năm liền, thầy là giáo viên giỏi cấp tỉnh, nhưng thầy vẫn sống giản dị, khiêm tốn. Ngày tôi thi học sinh giỏi Toán lớp 6 được giải Nhì toàn huyện, thầy tặng tôi quyển sổ tay rất đẹp với lời ghi: “Chúc em Vinh cố gắng, ngoan ngoãn và học giỏi, vươn lên!”. Tôi vẫn giữ quyển số ấy như một kỉ vật quý báu của một tấm lòng vàng.

Về nhà tối hôm ấy, tôi khoe chuyện gặp thầy Nguyên ở cổng trường và chuyển lời hỏi thăm của thầy tới ông nội và bố mẹ. Trong bữa cơm, ông nhắc lại một vài kỉ niệm về thầy, rồi nói: “Sáng mai ông ra trường gặp thầy Nguyên và mời thầy vào nhà chơi”. Mẹ thì nói: “Ngày thầy đi bộ đội, cả lớp đều khóc. Thế mà đã 35 năm trôi qua. Chóng thật!”…

(Lê Phú Vinh – lớp 8C Trường THCS Bình Minh – Hải Dương)

Bài làm 2: Cha tôi, một tình thương ấp ủ bao la

Có lẽ, ít người cha trên đời này thương yêu con như cha tôi. Mẹ tôi mất từ lúc tôi lên hai, cha nuôi tôi từ thủa ấy. Người dùng chiếc xe xích lô kiếm sống, cũng là chiếc nôi chở tôi đi khắp nẻo đường thành phố. Tôi lớn lên trong sự nhọc nhằn, thức khuya dậy sớm, nai lưng đạp xích lô của cha.

Cha hay kể về mẹ bằng những lời ngọt ngào. Cha kể đến mức tôi thuộc lòng hình ảnh mẹ. Hễ nhắm mắt là lại thấy mẹ hiện lên, khuôn mặt đôn hậu, hai mắt mở to nhìn tôi. Cha bảo, mẹ có nụ cười đầm ấm dễ thương. “Mẹ Thu của con đã cứu cha thoát chết bởi một trận sốt rét ác liệt. Hàng tháng trời cha nằm ở trạm giao liên. Mẹ lặn lội khắp rừng tìm lá thuốc nam sắc cho cha uống. Mẹ xuống bìa rừng bắt giun, dùng lá chè xanh chuốt sạch nhớt bắt cha uống. Sau khi thoát chết là đói. Đói đến nỗi tóc và lông mày rụng hết, cha phải dùng cả hai tay mới bò nổi từng bước. Mẹ lại lần đến những bản xa xôi của những người cùi, xin bắp về nấu cháo, bón cho cha từng thìa”.

Tôi thương cha hàng ngày phải làm thay phần việc của mẹ. Lo từng mớ rau, quả cà và cả việc vá may. Nghề đạp xích lô không ai lạ gì. Phải dậy thật sớm đón khách đi chợ, đón người từ ga tàu về. Nhiều hôm, phố xóm đã cơm nước ngồi xem ti vi, cha mới lạch cạch đạp chiếc xe cà khổ về nhà. Cha hì hục lau chùi, rồi dùng sắt khóa vào chân giường cha nằm. Cha bảo đó là con ngựa chiến nuôi sống gia đình mình.

Tôi thương cha nên sớm thành cô gái ngoan. Tôi muốn đỡ phần bếp núc, quét dọn nhà cửa. Căn nhà của cha con tôi là một tổ ấm nho nhỏ. Một lần tôi nghe một cô gái trạc tuổi tôi nói như hét vào nhà:

–  Xích lô! Đi ga nhé!

Tôi buồn rầu hỏi cha:

–  Có nghề gì tốt hơn đạp xích lô không cha? Bốc vác, bơm xe…

Nghĩ ngợi một lát, cha tôi cười:

–   Con hiểu cho cha, cha đi lính từ năm mười bảy, lúc chưa kịp rời ghế nhà trường nên chẳng biết nghề ngỗng gì. Với lại, con ạ, chiếc xích lô này sẽ đưa con vào trường đại học. Rồi cha kể cho tôi nghe sự phong phú của “binh chủng” xích lô. Người mù chữ có, người có bằng cấp có, lính có, quan có… Có chàng ban ngày lên bục giảng, đêm đến cùng “con ngựa chiến” ra đi…

Những hôm vắng khách, cha bảo tôi lên xe ngồi và cha con tôi rong ruổi khắp phố phường. Bạn bè tôi thích cuộc sống đạm bạc của cha con tôi. Các cậu ấy nói cùng cha:

–   Bác ạ, con gái bác sẽ vào đại học bằng “chú ngựa sắt” của bác, rồi bác sẽ đỡ khổ.

Tôi muốn kiếm sống bằng một nghề, đỡ đần cho cha, chắc mẹ tôi dưới suối vàng cũng ngậm vui. 

Bài làm 3: Đối với tôi, mẹ là tất cả

Mỗi khi đi đâu xa, vắng mẹ, hoặc khi mẹ đi công tác, ngồi một mình, nhiều lúc lòng tôi cứ nao nao trống trải. Nhớ đến mẹ, tôi không sao quên được những gì mẹ đã hi sinh cho riêng tôi.

Năm vào học lớp sáu, tôi là một đứa trẻ ốm yếu, mỗi ngày đến trường phải có mẹ đưa đón, nhưng hôm ấy bỗng dưng trời đổ mưa thật to kéo dài mấy giờ. Từ gian hàng, mẹ chạy đến trường để đón tôi. Cái áo mưa chỉ đủ để che cho một người mẹ dứt khoát để cho tôi che. Mẹ nói: “Mẹ dầm mưa quen rồi”; tôi ngây thơ che áo mưa mà không chút ngập ngừng, về đến nhà, trời đã tối sầm thế mà cơn mưa chiều nay vẫn chưa tạnh. Nó kéo dài ghê thật!

Bữa cơm chiều hơi muộn của gia đình tôi được bắt đầu thật vắng vẻ, chỉ có tôi và mẹ. Bởi vì cha tôi bận công tác nơi xa. Ngồi ăn cơm với mẹ, trông mẹ có vẻ mệt mỏi. Thấy mặt tôi buồn buồn, mẹ tôi báo: “Con cứ ăn đi, mẹ chỉ hơi mệt thôi”.

Và ngày hôm sau mẹ không đến trường đón tôi như mọi khi. Tôi đi nhanh một mạch về nhà thì hay tin mẹ tôi bị cảm nặng phải nằm viện. Tôi cuống cuồng chạy vào bệnh viện, nhìn gương mặt mẹ mệt mỏi, xanh xao, tôi thấy lòng mình đau nhói. Suốt mấy ngày mẹ nằm viện, tôi luôn ngồi cạnh mẹ cho đến khi mẹ được xuất viện.

Câu chuyện diễn ra chỉ có vậy, nhưng đối với tôi là cả một kỉ niệm về tình mẹ cao quý. Tôi không còn cho mẹ đón tôi nữa, tự tôi đến trường và đi về. Làm sao tôi có thể quên được hình ảnh mẹ tôi ngày hôm ấy? Mình mẹ ướt sũng, khuôn mặt mệt mỏi của mẹ xanh lợt, cặp môi hồng là thế mà nay tím ngắt, chắc là mẹ lạnh lắm phải không mẹ? Càng nhớ đến những hình ảnh ấy, tôi càng khắc sâu câu ca dao:”. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cho đến bây giờ, dù thời gian có qua đi nhưng kỉ niệm của tôi về mẹ không phôi pha. Đối với tôi, mẹ là tất cả, là sự sống của đời tôi. Và làm sao tôi có thể quên được hình ảnh mẹ tôi lưới thướt trong mưa.

nguyễn phương

0 chủ đề

23913 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0