Hiệu trưởng gây ra hàng loạt lỗi vẫn được khen thưởng
Ra sức "vơ vét" sinh viên Theo kết luận thanh tra số 639/KL-BGDĐT ngày 20/7/2012 về việc thanh tra nội dung tố cáo đối với ông Trần Trung, Hiệu trưởng Trường ĐHSPKT Hưng Yên đã “vạch ra” nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến công tác quản lý, lãnh đạo của vị hiệu trưởng này. ...
Ra sức "vơ vét" sinh viên
Theo kết luận thanh tra số 639/KL-BGDĐT ngày 20/7/2012 về việc thanh tra nội dung tố cáo đối với ông Trần Trung, Hiệu trưởng Trường ĐHSPKT Hưng Yên đã “vạch ra” nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến công tác quản lý, lãnh đạo của vị hiệu trưởng này.
Trong công tác tuyển sinh các năm 2010, 2011, Hội đồng tuyển sinh nhà trường đã cố ý làm sai quy định tuyển sinh ngành Kế toán và Quản trị doanh nghiệp với 2 loại điểm trúng điểm và 2 loại học phí khác nhau trong cùng một lớp học. Sinh viên trúng tuyển với điểm thấp phải đóng học phí cao hơn 90.000 đồng/tháng.
Lý giải cho việc làm sai trái này, Hiệu trưởng Trần Trung cho rằng năm 2011, thí sinh đăng ký vào Trường tập trung chủ yếu vào 2 ngành Kế toán và Quạn trị kinh doanh.
Kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT về những nội dung tố cáo đối với ông Trần Trung
Với điểm chuẩn là 14 điểm thì không đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh cho cả trường và khoa Kinh tế. Nhưng nếu lấy điểm chuẩn là 13 thì sẽ dẫn đến vượt quá chỉ tiêu. Vì vậy, nhà trường đã tạo cơ hội cho chí sinh có điểm chuẩn 13, nếu đóng góp thêm 90.000 đồng/tháng học phí thì sẽ được nhập học!?
Liên quan đến vấn đề này, Thanh tra Bộ GD-ĐT nêu rõ: Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 33 Quy chế tuyển sinh năm 2010, 2011: “Các trường xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng theo quy định: Điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, đảm bảo tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng; không hạ điểm trúng tuyển. Những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định”. Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có văn bản nào quy định về việc các trường ĐH được phép tuyển hệ “ngoài ngân sách” thu thêm học phí vì vậy việc Trường ĐH SPKT Hưng Yên công khai tuyển sinh hệ “ngoài ngân sách”, thu thêm học phí 90.000đồng/tháng (năm 2010) và 105.000đồng/tháng (năm 2011) đối với ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh khi chưa có văn bản đồng ý của Bộ GD&ĐT là sai quy định.
Ngoài ra, khi vào học tại trường, sinh viên phải “è cổ” nộp vô số các khoản thu bất hợp lý khác do nhà trường tự lập ra như: tiền giấy thi, giấy nháp với mức 50.000 đồng/sinh viên; tiền học lại, thi lại; tiến phôi bằng 40.000 đồng/sinh viên; tiền chứng chỉ các chuẩn đầu ra, học cải thiện, tiền kiểm tra đầu vào, thi chuẩn đầu ra…
Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến 2011, Trường đã thu gần 11 tỷ 500 triệu đồng cho việc học lại, thi lại, học cải thiện điểm của sinh viên. Và trên 500 triệu đồng trong số thu khổng lồ từ mồ hôi, nước mắt của các bậc phụ huynh có con em đang theo học tại ngôi trường này được trích chi cho Ban giám hiệu nhà trường cùng một số Trưởng khoa phòng!
Việc thu tiền hết sức tùy tiện của Ban giám hiệu nhà trường đã bị đoàn thanh tra lật tẩy, làm rõ. Thậm chí, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị nhà trường phải chấm dứt ngay các khoản thu tùy tiện không có trong quy định.
Song trên thực tế, Ban giám hiệu nhà trường và trực tiếp là Hiệu trưởng Trần Trung người chịu trách chính đã cố tình phớt lờ, không thực hiện. Khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng lợi ích cá nhân nhận được từ các khoản thu tùy tiện từ sinh viên là quá lớn nên không một ai nỡ dừng bỏ?
Việc sinh viên phải chịu mức học phí cao ngất ngưởng trong những lớp học “chui” núp dưới cái tên mỹ miều: Lớp công nghệ thông tin “Dịch vụ chất lượng cao” đã được Hiệu trường Trần Trung “bật đèn xanh”.
Cụ thể, ngày 6/6/2011, Hiệu trưởng Trần Trung ký Quyết định số 392/QĐ-ĐHSPKTHY về việc qui định mức học phí năm học 2011-2012, qui định mức thu học phí đối với ĐH chính quy là 395.000đồng/tháng. Nhưng lớp Công nghệ thông tin thu 7.500.000đồng/5tháng và lớp Quản trị kinh doanh thu học phí 2.425.000đồng/5 tháng như vậy là vượt trần quy định. Qua kiểm tra xác minh, thanh tra Bộ GD&ĐT cũng làm rõ lớp đào tạo lớp kỹ sư “Dịch vụ chất lượng cao” khóa 2011-2015 với 17 sinh viên là lớp học “chui” do Trường chưa xin phép Bộ GD&ĐT.
Sai phạm phải kỷ luật nhưng vẫn được khen thưởng có thành tích
Danh sách 160 người được nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu 2008-2013 có tên ông Trần Trung, người có nhiều sai phạm được chỉ ra trong KL thanh tra của Bộ GD&ĐT. |
Trong khi sai phạm cũ chưa được xử lý dứt điểm, thì Hiệu trưởng Trường ĐHSPKY Hưng Yên Trần Trung tiếp tục bị cán bộ nhà trường tố có thêm những hành vi sai phạm mới như: Lập khống hồ sơ nhà đất để hợp thức đất công thành đất tư mang cá nhân ông Trần Trung; Cố ý làm trái quy định về sử dụng xe ôtô 8 chỗ ngồi BKS 31A-0103 làm phương tiện đưa đón phục vụ việc đi lại hàng ngày từ nhà riêng ở Hà Nội về Hưng Yên và ngược lại; Tuyển sinh đào tạo trình độ Thạc sỹ khi chưa đủ điều kiện về giảng viên cơ hữu có trình độ Tiến sỹ và trên Tiến sỹ theo như quy định; Tuyển sinh đào tạo nghề “chui’ khi chưa đăng ký; Mở thêm các cơ sở đào tạo tại các địa phương nhưng chưa có quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ?
Những sai phạm không được xử lý triệt để, cá nhân để sai phạm như nói ở trên chưa được Bộ GD&ĐT xử lý kiên quyết, mạnh tay thậm chí lại còn được khen thưởng đang khiến dư luận hoài nghi về cách xử lý của Bộ GD&ĐT có hay không sự bao che, dung túng cho sai phạm tại Trường ĐHSPKT Hưng Yên.
>> Chỉ tiêu tuyển sinh Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên năm 2013