Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) và tạm ước Việt –Pháp (14-9-1946)
Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) và tạm ước Việt –Pháp (14-9-1946) Sau khi chiếm đóng các đó thị ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, thực dân Pháp chuẩn bị tiến quân ra miền Bắc để thôn tính cả nước ta. ...
Hiệp định Sơ bộ (6-3-1946) và tạm ước Việt –Pháp (14-9-1946)
Sau khi chiếm đóng các đó thị ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, thực dân Pháp chuẩn bị tiến quân ra miền Bắc để thôn tính cả nước ta.
Sau khi chiếm đóng các đó thị ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, thực dân Pháp chuẩn bị tiến quân ra miền Bắc để thôn tính cả nước ta.
Để tránh đụng độ với lực lượng kháng chiến của nhân dân ta, thực dân Pháp kí với Chính phủ Tưởng Giới Thạch Hiệp ước Hoa - Pháp (28 - 2 - 1946). Theo Hiệp ước này, quân Tưởng được Pháp trả lại một số quyền lợi trên đất Trung Quốc và được vận chuyển hàng hóa qua cảng Hải Phòng vào Hoa Nam không phải đóng thuế. Ngược lại, Pháp được đưa quân ra miền Bắc Việt Nam thay quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật.
Trước tình hình đó, ta chủ động đàm phán với Pháp, tạm hòa hoãn với chúng để nhanh chóng gạt 20 vạn quân Tưởng về nước và tranh thủ thời gian chuẩn bị lực lượng để bước vào cuộc chiến tranh với Pháp sau này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí với đại diện Chính phủ Pháp là Xanh-tơ-ni bản Hiệp định Sơ bộ (6 - 3 - 1946).
Theo hiệp định này, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng nằm trong khối Liên hiệp Pháp; Chính phủ Việt Nam thỏa thuận cho 15000 quân Pháp vào miền Bắc thay quân Tưởng làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, số quân này sẽ rút dân trong thời hạn 5 năm ; hai bên thực hiện ngừng bắn ngay ở Nam Bộ, tạo không khí thuận lợi cho việc mở cuộc đàm phán chính thức ở Pa-ri.
Nhưng sau khi kí Hiệp định Sơ bộ, thực dân Pháp vẫn tiếp tục gây xung đột vũ trang ở Nam Bộ, lập Chính phủ Nam Kì tự trị, âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam. Do sự đấu tranh kiên quyết của ta, cuộc đàm phán chính thức giữa hai chính phủ được tổ chức tại Phông-ten-nơ-blô - nước Pháp. Nhưng cuộc đàm phán đã thất bại. Trong khi đó, tại Đông Dương, quân Pháp tăng cường hoạt động khiêu khích. Quan hệ Việt Pháp ngày càng căng thẳng và có nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí với Chính phủ Pháp bản Tạm ước ngày 14 - 9 - 1946, tiếp tục nhượng bộ cho Pháp một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam để có thời gian xây dựng và củng cố lực lượng, chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhất định sẽ bùng nổ.