Sử lớp 9. chương IV. Tình hình nước ta sau cách mạng tháng Tám
Sử lớp 9. chương IV. Tình hình nước ta sau cách mạng tháng Tám Chỉ 10 ngày sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công. ...
Sử lớp 9. chương IV. Tình hình nước ta sau cách mạng tháng Tám
Chỉ 10 ngày sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công.
Chỉ 10 ngày sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, quân đội của các nước trong phe Đồng minh, với danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật, đã kéo vào nước ta.Từ vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng) trở ra Bắc, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch ồ ạt vào Hà Nội và hầu khắp các tỉnh. Chúng kéo theo bọn tay chân nằm trong các tổ chức phản động : Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) với âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, thành lập chính quyền tay sai. Trong khi đó, từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, quân Anh đã mở đường cho thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Lợi dụng tình hình trên, các lực lượng phản cách mạng ở miền Nam như Đại Việt, Tờ-rốt-kít, bọn phản động trong các giáo phải ngóc đầu dậy làm tay sai cho Pháp, ra sức chống phá cách mạng, ở nước ta lúc đó còn 6 vạn quân Nhật chờ giải giáp, nhưng một bộ phận của chúng đã theo lệnh đế quốc Anh đánh lại lực lượng vũ trang của ta, tạo điều kiện cho thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng. Nền độc lập, tự do của nước ta bị đe dọa nghiêm trọng, nhà nước cách mạng lại chưa được củng cố. Nền kinh tế nước ta chủ yếu là nông nghiệp vốn đã nghèo nàn, lạc hậu, còn bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Hậu quả của nạn đói do Nhật - Pháp gây ra cuối năm 1944 - đầu năm 1945 vẫn chưa được khắc phục. Tiếp đó, nạn lụt lớn tháng 8 - 1945 làm vỡ đê 9 tỉnh Bắc Bộ, rồi đến hạn hán kéo dài, làm cho 50% ruộng đất không thể cày cấy được. Sản xuất công nghiệp đình đốn, hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt. Nạn đói mới lại đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân. Ngân sách nhà nước lúc này hầu như trống rỗng. Nhà nước cách mạng lại chưa kiểm soát được Ngân hàng Đông Dương. Thêm vào đó, quân Tưởng tung ra trên thị trường các loại tiền đã mất giá trị, càng làm cho nền tài chính nước ta thêm rối loạn.Chế độ thực dân, phong kiến để lại những hậu quả rất nặng nề về mặt văn hóa : hơn 90% số dân không biết chữ, các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc, nghiện hút... tràn lan. Nước Việt Nam đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.