Hãy giải thích và trình bày cảm nhận của em về câu ca dao sau đây: "Mỗi năm mỗi thắp đèn trời, Cầu cho cha mẹ ở đời với con”
Hãy giải thích và trình bày cảm nhận của em về câu ca dao sau đây: “Mỗi năm mỗi thắp đèn trời, Cầu cho cha mẹ ở đời với con” Hướng dẫn Ca dao chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong thơ ca dân tộc, và đã góp phần không ít vào kho tàng văn học phong phú của nước ...
Hãy giải thích và trình bày cảm nhận của em về câu ca dao sau đây: “Mỗi năm mỗi thắp đèn trời, Cầu cho cha mẹ ở đời với con”
Hướng dẫn
Ca dao chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong thơ ca dân tộc, và đã góp phần không ít vào kho tàng văn học phong phú của nước nhà. Nó đã, đang và sẽ là nguồn sữa ngọt không bao giờ vơi cạn. Vì sao vậy? Vì điều kiện lịch sử đặc biệt, chữ viết của chúng ta ra đời chậm, nên trong thời gian dài, ca dao trở thành thơ ca dân tộc ở buổi bình minh lịch sử. Nó không chỉ là ngọn nguồn của văn học mà còn là những con suối nhỏ len lỏi, thấm sâu vào từng khía cạnh của cuộc sống, từng tâm hồn của người dân Việt Nam. "Ca dao là tiếng tơ đàn muôn điệu”. Ta chợt bắt gặp một điệu trong muôn vần điệu thấm đượm tình nghĩa thiêng liêng:
Mỗi năm một thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Chúng ta được ngồi ở đây, được vui chơi, học hành, được hưởng những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống, là do ai? Phải chăng đó chính là công cha nghĩa mẹ dưỡng dục, sinh thành. Chúng ta nhận thức được tình mẹ ơn cha không chỉ vì chúng ta có học thức, được đến trường mà đó còn là truyền thống lâu đời của dân tộc, là nền tảng đạo lí của nhân dân. Từ xưa, những con người lao động vất vả, tầng lớp bình dân, đa số không học thức vẫn cảm nhận được tinh nghĩa sâu nặng của các bậc sinh thành. Bởi vậy, trong ca dao, về khía cạnh này, các nghệ sĩ nhân gian đã tài tình dùng ngòi bút của mình để nói lên ơn nghĩa sinh thành:
Mỗi năm mỗi thắp đèn trời
Đó là một tập tục lâu đời của nhân dân ta, nhất là đối với người dân phía Nam: ngày chín tháng giêng (âm lịch) họ đem nhang đèn ra giữa trời, khấn vái, cầu xin những gì mình muốn. Họ quan niệm rằng, ngày này chính là ngày mà cổng trời mở để thấu nghe những lời cầu xin của dân tình. Điệp từ "mỗi" như nhấn mạnh một sự lặp lại đều đặn và thường xuyên. Trong ca dao, ta thường bắt gặp các biện pháp tu từ. Câu trên có sử dụng nghệ thuật hoán dụ, nói đến việc "thắp đèn" để nêu lên công việc cúng vái tại gia của nhân dân ta. Đó không phải là mê tín dị đoan, mà là người dân muốn có người hiểu họ, để họ giãi bày tâm tư thầm kín, những mong muốn mà họ hằng ấp ủ. Và thế là "trời" xuất hiện, đau nỗi đau chung của nhân dân, hiểu những tâm tư tình cảm của họ vì trời sống trong tiềm thức của mỗi người dân, trong tấm lòng thành kính của họ. Cầu xin là một sự việc xảy ra thực trong cuộc sống trước đây và ngay cả bây giờ. Trong thời đại công nghiệp hoá, mọi người tất bật với cuộc sống, nhưng vẫn còn trong lòng họ một khoảng dành cho tâm linh. Cũng xuất phát từ hiện thực đó mà câu ca dao được sáng tác. Trong khung cảnh vắng lặng, với tâm trạng thành kính, chúng ta hãy nghe người dân còn đang cầu xin điều gì?
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Tại sao không ước muốn giàu sang, chức tước, mà lại xin mỗi một điều để "cha mẹ sống đời với con". Lời ca dao như một lời nói thông thường, giản dị mà sâu lắng. Nhịp thơ 2121212 phù hợp với tâm trạng mong muốn chân thành của người con. Một cảm xúc bất chợt trỗi dậy trong lòng ta. Câu thơ hầu hết được gieo thanh bằng và có ba chữ được gieo thanh trắc, nhưng ấy từ ấy không tách riêng mà hoà nhập với tổng thể của câu thơ. Cũng như "cha mẹ" mãi sẽ chan hoà sống êm vui cùng con cái dưới một mái nhà. Tại sao người con lại khát khao được ở bên cha mẹ mặc dù bản thân đã lớn, có thể đủ sức để bay đi mà không cần sự chăm nom của mẹ? Chính vì công ơn của cha mẹ quá lớn lao, như "Thái sơn", như "nước trong nguồn". Tình mẹ mênh mông hơn biển, sâu hơn sông nước, biết lấy gì đo được! Chỉ cần nhắc đến tiếng "mẹ" thân thương thôi, mỗi chúng ta như hiện ra hình ảnh người mẹ chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau sinh con ra, chăm cho con từng miếng cơm, manh áo, giọt sữa để nuôi con lớn, thấm sâu vào từng tế bào cơ thể con. Từ khi biết nói, trên môi con đã vang tiếng mẹ, tiếng mẹ ầu ơ hát ru. Con mở mắt chào đời, tự thuở nào mẹ đã là ca dao, à ơi theo tiếng võng sớm, theo tiếng nồi khuya cho con tròn giấc. Con lớn lên một chút, mẹ đồng nghĩa với cổ tích, hoá thân vào một ông bụt, bà tiên sao cho giấc mơ của con vành vạnh theo những điều hay lẽ phải ở đời, theo thời gian, con lớn dần lên nhưng đối với mẹ, lúc nào con cũng là đứa trẻ luôn cần được che chở bảo ban. Con lớn lên cho bóng hình mẹ nhỏ lại, nhấp nhô cùng ngọn sóng, khúc khuỷu theo núi cao, chạy dài ra biển lớn, những nẻo lo toan hằn lên vầng trán mẹ cho gương mặt con rạng rỡ với đời. Còn cha suốt ngày vật lộn với cuộc sống để cho con có được tấm áo, được đến trường, không thua thiệt với bạn bè. Thấy món ngon, cha cũng không dám ăn, để dành cho con. Cha không có điều kiện cống hiến sự hiểu biết của mình cho đời thì nay con là người mà cha mẹ đặt trọn niềm tin để thực hiện ước mơ của cha. Bàn tay cha đặt lên vai con như truyền cho con thêm nghị lực, sức mạnh để vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Ánh mắt đầy tin tưởng của cha như tiếp cho con sức sống để đi đến tương lai. Bấy nhiêu thôi cũng cho chúng ta thấy được công lao trời biển của cha mẹ. Và có lẽ sẽ không còn gì ngạc nhiên khi người con trong câu ca dao đã cầu xin điều đó. Cảm ơn tác giả dân gian đã cho những người con thấy được ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, dù hai câu ca dao không hề đề cập đến công ơn của cha mẹ. Dẫu biết rằng có hi sinh, phụng dưỡng cha mẹ suốt đời cũng không sánh bằng những gì cha mẹ đã dành cho chúng ta.
Âm vang câu ca dao vọng mãi trong lòng ta một tình cảm thân thương. Câu ca dao được sáng tác bằng thể thơ lục bát quen thuộc càng gần gũi với ta hơn và đi vào lòng ta bằng một thứ tình cảm chân thật, không giả tạo. Câu ca dao sẽ mãi sống với trái tim bằng một sức sống mãnh liệt.
Tình mẹ ơn cha là một trong những đề tài ca dao hay nhất của văn học dân gian. Trong xã hội hiện nay, có những người đã quên đi đạo lí làm người, họ chính là những con người tồi tệ, không đáng là con dân đất Việt vốn giàu nghĩa nặng tình. Mỗi người cần luôn nhắc nhở truyền thống "một lòng thờ mẹ kính cha" của dân tộc ta, và không chỉ "mỗi năm mỗi thắp đèn trời mà hằng ngày thắp lòng mình cho sáng lên nghĩa tình, công ơn các bậc sinh thành.
Thu Trang