Hàng IT mang đi sửa và bảo hành dễ bị 'luộc' đồ

Nhu cầu sử dụng hàng công nghệ cao phục vụ cuộc sống ngày càng tăng nhưng hiểu biết của người tiêu dùng về thiết bị bên trong máy thường kém. Điều này tạo cơ hội cho các cửa hàng mua bán, sửa chữa "chộp giật" tráo đồ mới thành cũ hoặc hư hỏng. Nguyễn Minh Phượng, cô sinh viên Đại học ...

Nhu cầu sử dụng hàng công nghệ cao phục vụ cuộc sống ngày càng tăng nhưng hiểu biết của người tiêu dùng về thiết bị bên trong máy thường kém. Điều này tạo cơ hội cho các cửa hàng mua bán, sửa chữa "chộp giật" tráo đồ mới thành cũ hoặc hư hỏng.

Nguyễn Minh Phượng, cô sinh viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, phải khóc dở mếu dở khi mang điện thoại Samsung đi sửa bàn phím. Do ngại không tìm lại phiếu bảo hành để quên đâu đó, Phượng mang thẳng đến một cửa hàng điện thoại khác. Chiếc A800 sau khi được sửa chữa mang về dùng ổn định 3 ngày thì dở chứng, màn hình tối thui không lên. Tá hỏa, Phượng tìm lại phiếu bảo hành để đưa điện thoại đi "cấp cứu" và kết quả là: màn hình LCD đã bị tráo bằng hàng "Tàu", cáp đứt, pin bị thay.

Chiếc máy tính đã qua 4 năm sử dụng của Kiệt, cựu sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, trở chứng không chịu lên nguồn. Nghĩ là mainboard có vấn đề, Kiệt mang đến hãng bảo hành GigaByte sửa nhưng khi đem về, tình trạng cũ vẫn xảy ra. Lần thứ hai cũng không đem lại kết quả. Kiệt quyết định mang cả máy gồm case: CPU 1,6 GHz, RAM 256 MB, VGA Card 32 MB và ổ cứng 40 GB "chọn mặt gửi máy" tại một bệnh viện PC tiếng tăm ở TP HCM "điều trị". Một tuần sau, nơi đây gọi điện thoại báo máy tính hỏng nặng, không thể sửa và yêu cầu khách đến nhận "xác" về.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Ảnh: TNO)

Vốn tính cẩn thận, Kiệt kiểm tra lại máy và phát hiện thanh RAM 256 MB đã biến thành 128 MB. Mất khá nhiều thời gian để nơi này tìm lại linh kiện đã bị ráp "nhầm" sang máy khác. Thế nhưng kết quả cũng không được như ý, "khổ chủ" đành phải chấp nhận thanh RAM lạ. Quyết định quay về GigaByte lần nữa, Kiệt đã "choáng váng" trước kết quả kiểm tra tổng quát là mainboard bị cháy, RAM hỏng, CPU bị... sét đánh. "Tôi tin vào quảng cáo để rồi mất tất cả, làm sao có chứng cứ để kiện họ khi tôi không hề có biên nhận về cấu hình máy giữa nơi sửa chữa với khách hàng", Kiệt nói trong chua xót.

Theo lời của một số người trong “nghề”, phần cứng của máy là "ngon ăn" nhất. Nếu gặp khách "gà" thì ổ cứng 80 GB sẽ được thay bằng loại 40 GB, còn 40 GB thì “hạ cấp” xuống 20 GB; RAM 512 MB sẽ thay bằng 256 MB. “Một ngày làm vài ba 'con' là kiếm được rồi”, Long - nhân viên kỹ thuật của một công ty vi tính - "bật mí".

Trên thực tế, không phải ai cũng đủ hiểu biết về các thiết bị, linh kiện bên trong máy cũng như có thể tự mày mò sửa chữa. Chỉ dân rành kỹ thuật có thói quen tự chẩn đoán mới tháo gỡ bộ phận "tình nghi" hư hỏng đến cửa hàng, còn người bình thường thì vác cả "thùng" máy tính đi sửa. "Do PC vẫn trong thời hạn bảo hành nên tôi không dám mở cả thùng máy, chỉ sợ làm hỏng cái gì thì cửa hàng lại đổ lỗi cho mình", Nguyễn Mai Trang, kế toán một công ty xây dựng tại Hải Phòng, cho biết. "Tôi để cả máy ở lại cửa hàng để họ xem, không phải bệnh này thì bệnh kia, còn đỡ tốn công đi lại".

Hầu hết "nạn nhân" trong các trường hợp bị tráo đồ đều không có yêu cầu giấy tờ cam kết khắt khe với nơi nhận sửa chữa. "Tôi bắt bẻ phải ghi thế này thế kia thì họ tỏ ra khó chịu hoặc nói là cửa hàng làm ăn giữ chữ tín, khách không phải ngại", Lê Mạnh Thắng, sinh viên Ngoại thương mang máy tính đi sửa ở một cửa hàng tin học trên phố Thái Hà (Hà Nội), bày tỏ. "Đến khi biết ổ CD-ROM trên máy bị tráo thì tôi chẳng có chứng cứ gì. Dù nó vẫn đọc được nhưng thỉnh thoảng lại tậm tịt".

"Phần lớn các cửa hàng công nghệ hiện nay chỉ xuất một loại giấy biên nhận khá sơ sài giao cho khách hàng, thậm chí nhân viên tiếp nhận cũng không ghi rõ các cột mục đầy đủ", Thắng nói. Ngoại trừ nhân viên bảo hành phát hiện được bộ phận nào cần sửa thì tháo ra, các trường hợp để toàn bộ máy lại cửa hàng kiểm tra đều không có biên nhận tổng thể. Đây chính là kẽ hở cho hoạt động tráo đồ. Lúc này, máy của khách có bị đổi hay không phụ thuộc vào... may rủi và sự đứng đắn của cửa hàng.

Zizeo, thành viên của diễn đàn Amtech, kể lại: “Tôi mua một mainboard 865 tại một cửa hàng ở Thủ Đức (TP HCM) nhưng bị lỗi không tương thích card màn hình nên đưa lên cơ sở chính của doanh nghiệp này ở đường Nguyễn Văn Cừ để sửa. Trước khi tới tôi đã gọi điện và được báo là bảo hành ở đâu cũng được, miễn là trong chi nhánh. Nhân viên tiếp nhận có ghi biên bản giao nhận trông rất chuyên nghiệp nhưng chỉ ghi 'máy có ổ DVD và CDRW', còn các bộ phận khác để trống. Do không để ý nên khi nhận máy, tôi tá hỏa vì Pentium IV đã bị 'phù phép' thành Celeron”.

"Việc tráo đổi linh kiện khi mang đi sửa chữa xảy ra khá nhiều, đặc biệt với khách hàng thiếu hiểu biết về máy móc, thiết bị hoặc cả tin giao toàn bộ cho nhân viên kỹ thuật", bà Trần Thị Kim Trước, Phó giám đốc Công ty Tin học Công Minh Nết - ComNet (TP HCM), nhận định. "Trong trường hợp có xảy ra tráo đổi, phần lớn khách sẽ thiệt hại nếu giữa hai bên không làm biên nhận ghi rõ cấu hình và tình trạng của máy".

Ông Trần Hùng Cường, Giám đốc Trung tâm cứu hộ máy tính 911 (Hà Nội), tư vấn, khi mang máy đi sửa chữa, khách hàng phải yêu cầu nhân viên kỹ thuật hoặc lễ tân viết phiếu phát sinh sự cố, ghi lại cấu hình máy có cả số serial của từng bộ phận, thời gian giao nhận cùng thông tin khách hàng... Tất cả phải có chữ ký của nơi sửa chữa và giao một bản sao cho khách giữ. Điều này giúp khách yên tâm là thiết bị của mình không bị tráo đổi, đồng thời đề phòng trường hợp khách thắc mắc về vấn đề linh kiện.

Tuy nhiên, người đứng đầu Trung tâm 911 cũng cho rằng việc sửa chữa có thể phát sinh một số khó khăn mà khi tháo máy ra mới phát hiện được. Trường hợp này công ty sẽ báo giá phát sinh và nếu khách đồng ý mới tiếp tục sửa.

Ngọc Hằng - Thuỳ Hương - Tấn Anh
0