Những cơn ác mộng của giới công nghệ
Dell, Intel, Microsoft, Apple, McAfee, nVidia... là những tên tuổi đã quá quen thuộc đối với những người yêu máy tính khắp hành tinh nhưng cũng chẳng xa lạ gì đối với các... tòa án. Lý do thật đơn giản: họ thường xuyên gặp rắc rối với các qui định pháp luật về quyền sở hữu phát minh. ...
Dell, Intel, Microsoft, Apple, McAfee, nVidia... là những tên tuổi đã quá quen thuộc đối với những người yêu máy tính khắp hành tinh nhưng cũng chẳng xa lạ gì đối với các... tòa án. Lý do thật đơn giản: họ thường xuyên gặp rắc rối với các qui định pháp luật về quyền sở hữu phát minh.
Những năm đầu tiên của thế kỷ 21, thế giới chứng kiến cuộc chạy đua công nghệ giữa các nhà sản xuất (phần cứng cũng như phần mềm). Việc ứng dụng thành công một công nghệ mới có thể mang về nhiều tỉ USD lợi nhuận nhưng cũng có thể kết thúc bằng một “án phạt” trị giá tương đương lợi nhuận.
Các hãng lớn bao giờ cũng sở hữu nhiều bằng sáng chế hơn các hãng nhỏ nhưng số lần... ra tòa của họ cũng nhiều hơn. Microsoft có lẽ là hãng bị kiện nhiều nhất. Công nghệ ActiveX hỗ trợ đa phương tiện trong Internet Explorer đã “đốt” mất của hãng phần mềm lớn nhất thế giới 520 triệu USD sau khi tòa Chicago tuyên Eolas Technologies và Đại học California thắng kiện vào ngày 29-9-2005.
Nguồn: TTO |
Gần đây nhất, ngày 23-8-2006, Microsoft lại phải bồi thường cho z4 Technologies 140 triệu USD vì vi phạm bằng sáng chế công nghệ kích hoạt sản phẩm (Product Activation).
Tuy nhiên, những khoản bồi thường đó chưa thể so sánh được với khoản tiền Microsoft phải trả cho Sun Microsystem tháng 4-2004. Sau 10 năm đeo đuổi vụ kiện, hai bên “hòa giải” và bắt đầu hợp tác, đổi lại Sun nhận được gần 2 tỉ USD.
Chẳng riêng Microsoft mà các hãng phần mềm lớn khác cũng gặp rắc rối với quyền sở hữu phát minh. AT&T từng cảnh cáo Apple, CyberLink, DivX, InterVideo và Sonic Solutions vì tội “dùng chùa” công nghệ MPEG-4. Trong khi đó, Forgent “đút túi” trên 100 triệu USD từ 35 công ty nhờ định dạng JPEG.
Đến tháng tư năm nay, Apple lại được tòa án triệu tập vì Burst.com cho rằng iTunes Music Store, phần mềm iTunes, các thiết bị cho iPod và QuickTime Streaming của Apple vi phạm bằng sáng chế của họ. Burst.com từng thắng Microsoft hồi năm 2005 trong một vụ kiện tương tự. Khi đó Microsoft cũng phải “hòa giải” bằng 60 triệu USD.
Google bị Rates Technology kiện vì “lỡ” ứng dụng một phát minh của hãng này trong phần mềm Google Talk, còn McAfee thì gặp rắc rối với DeepNines. Ngay cả những hãng phần mềm mã mở như Red Hat cũng không thoát: FireStar buộc tội họ vi phạm một phát minh liên quan đến các phần mềm hướng đối tượng.
Trong khi đó, thế giới phần cứng cũng không hề “êm ả”. Nhà sản xuất chip xử lý hàng đầu thế giới Intel vừa quay lại tòa hôm 12-10 sau khi bị Transmeta buộc tội “ăn cắp phát minh” và “gây thiệt hại 100 tỉ USD”. Trước đó, ít nhất Intel cũng có hai lần phải nộp phạt vì tội “dùng chùa” vào tháng 7-2001 và tháng 3-2004 với tổng số tiền phạt lên đến gần 1 tỉ USD.
Hãng sản xuất chip xử lý đồ họa (GPU) nổi tiếng nVidia cũng bị Scanner Technologies kiện vì đã sử dụng thiết kế BGA (ball grid array) của họ vào hôm 19-9 vừa qua.
Phần lớn các vụ kiện vi phạm bằng sáng chế xâm hại quyền sở hữu phát minh được pháp luật bảo vệ là do các công ty nhỏ khởi xướng và bên bị kiện là các hãng lớn. Đặc biệt hơn, theo thống kê của Wikipedia thì có tới 99% số vụ kiện vi phạm bằng sáng chế kết thúc bằng con đường hòa giải. Tất nhiên là không có sự hòa giải nào miễn phí!
Nhìn lại những vụ hòa giải tốn kém của Microsoft (2 tỉ USD để hòa giải với Sun) hay Intel (1 tỉ USD để hòa giải với Intergraph và MicroUnity), có thể kết luận rằng “tranh chấp thị trường” mới là nguyên nhân chính dẫn đến “phong trào” khởi kiện do “vi phạm bằng sáng chế” hiện nay.
Khi các công ty nhỏ không đủ sức cạnh tranh, bị các “đại gia” nuốt dần thị phần thì một trong những giải pháp khôn ngoan nhất chính là... kiện luôn đối thủ. Nếu thắng, họ sẽ nhận được một khoản tiền bồi thường lớn, đủ để ổn định tình hình tài chính của mình; còn nếu không thắng thì họ chẳng có gì để mất.
Tất nhiên là con số “99% hòa giải” mà Wikipedia thống kê đủ để đảm bảo an toàn cho “các chàng David tí hon” và cơn ác mộng “vi phạm bằng sáng chế, xâm hại quyền sở hữu phát minh” sẽ còn tiếp tục ám ảnh “những gã khổng lồ Goliath” trong thế giới công nghệ thông tin.
Hoàng Minh