23/06/2018, 21:41

Hai thế giới trong Hồng Lâu Mộng

Dư Anh Thời Lê Thời Tân dịch từ nguyên bản tiếng Trung Lời người dịch: Bài này nguyên là một chương trong cuốn sách cùng tên của Dư Anh Thời ( Yu Yingshi 余英時, 紅樓夢的兩個世界, 台北, 聯經出版事業公司, 1978), giáo sư đại học Harvard (Ying-shih Yu, Professor of Chinese History at ...

hong lau mong

 Dư Anh Thời

Lê Thời Tân dịch từ nguyên bản tiếng Trung

Lời người dịch:

Bài này nguyên là một chương trong cuốn sách cùng tên của Dư Anh Thời ( Yu Yingshi 余英時, 紅樓夢的兩個世界, 台北, 聯經出版事業公司, 1978), giáo sư đại học Harvard (Ying-shih Yu, Professor of Chinese History at Harvard University). Sách do Thượng Hải Xã hội Khoa học Viện Xuất bản Xã xuất bản năm 2002. Bài trên được Diana Dư (Diana Yu) dịch sang tiếng Anh rồi sau đó khi sách xuất bản tại Trung Quốc thì đem vào làm phụ lục. Các chú thích trừ khi ghi rõ “tác giả chú” còn thì đều của người dịch. Các trích dẫn từ Hồng Lâu Mộng trong trường hợp người dịch bài này dịch lại sẽ chú rõ “tương ứng với Hồng lâu mộng, bản dịch tiếng Việt, Nxb.Văn Học, tập…, tr. …”.      

  Tào Tuyết Cần đã sáng tạo nên trong tác phẩm Hồng lâu mộng hai thế giới đối sánh rõ ràng. Chúng tôi sẽ lần lượt gọi chúng là “thế giới mộng tưởng” và “thế giới hiện thực”. Cụ thể trong tác phẩm, đó chính là thế giới Đại Quan Viên và thế giới bên ngoài Đại Quan Viên. Tào Tuyết Cần dùng rất nhiều các kiểu biểu tượng khác nhau để mách bảo với độc giả sự khác biệt giữa hai thế giới đó. Chẳng hạn “thanh” và “trọc”, “tình” và “dâm”, “chân” và “giả”, mặt trái và mặt phải của “phong nguyệt bảo giám”.[1] Ta có thể nói hai thế giới này chính là tuyến mạch chính quán xuyến toàn tiểu thuyết. Nắm vững tuyến mạch đó, chúng ta coi như đã thâu tóm được phần cốt lõi của ý đồ sáng tác tiểu thuyết.

          Đương nhiên, do chỗ hai thế giới đó hiển hiện một cách sắc nét, đối sánh nhau một cách mạnh mẽ, thành thử độc giả xưa nay cũng đã từng hoặc ít hoặc nhiều, hoặc sâu hoặc nông ý thức được sự tồn tại của chúng. Thế nhưng nghiên cứu Hồng lâu mộng trong khoảng thời gian nửa thế kỉ lại nay về căn bản là một thứ nghiên cứu của sử học. Mà phần đa các Hồng học gia đều là nhà sử học.[2] Hoặc tuy không phải là nhà sử học, nhưng thực tế công tác vẫn là sử học. Hứng thú của các nhà sử học lẽ tự nhiên tập trung vào thế giới hiện thực trong tác phẩm. Họ căn bản không để ý đến cái thế giới mộng tưởng – thế giới của toà lâu đài trong mây mà tác giả tiểu thuyết đã mất “mười năm cay đắng” tạo dựng.[3] Đã vậy công việc chủ yếu của họ ngược lại chính là dỡ bỏ toà lâu đài đó, đổi trả hoàn nguyên thành gạch đá của thế giới hiện thực. Bị chi phối bởi “thuyết tự truyện”[4], công việc hoàn nguyên đó càng bước một bước xa hơn trên con đường chuyển từ thế giới hiện thực trong tiểu thuyết sang thế giới đời thực của tác giả. Vì vậy cái gọi là “Hồng học” nửa thế kỉ qua kì thực chỉ là “Tào học” nghiên cứu gia thế và bản thân Tào Tuyết Cần. Dùng “Tào học” thay cho “Hồng học”, việc đó cũng có cái giá của nó. Một trong những cái giá phải trả lớn nhất, theo tôi chính là làm lu mờ đi ranh giới giữa hai thế giới lí tưởng và hiện thực trong tác phẩm. Trong khoảng những năm 1961 đến 1963, các nhà Hồng học ở đại lục lên cơn sốt tìm kiếm “Đại quan viên ở chỗ nào của Bắc Kinh?”. Đây có thể nói là đỉnh cao của công việc hoàn nguyên lịch sử. Việc này đem lại cho người ta ấn tượng xác thực rằng Đại quan viên của Tào Tuyết Cần vốn ở giữa trần gian này, nó là một bộ phận của thế giới hiện thực. Và thế là cái thế giới lí tưởng trong Hồng lâu mộng đã bị thủ tiêu, quả đúng như tác giả từng nói: “sạch trơn một cõi mênh mông mịt mùng”.[5] Thế nhưng, cũng trong mấy mươi năm vừa qua, không phải là không có người chú ý đến thế giới lí tưởng trong Hồng lâu mộng. Ngay từ năm 1953 hoặc 1954, Du Bình Bá[6] đã nhấn mạnh phần lí tưởng của Đại quan viên. Xét trên cấp độ tưởng tưởng, Đại quan viên chính là một lâu đài trên không. Du Bình Bá viện dẫn câu thơ của Giả Nguyên Xuân (hồi 18) “Thiên thượng nhân gian chư cảnh bị” (Trên trời dưới đất muôn cảnh đủ) để nói rõ quan điểm cho rằng Đại quan viên chỉ là một địa đàng lạc viên mà tác giả tốn nhiều giấy mực để mô tả nên. Trong lịch sử của Hồng học, cách nói của của Du Bình Bá có cái nghĩa mà Thomas S. Kuhn từng gọi là “điển phạm” (paradigm).[7] Đáng tiếc, hoàn cảnh lúc đó đã không cho phép ông phát huy đầy đủ quan điểm học thuật có tính cách mạng này. Năm 1972, Tống Kỳ công bố tiểu luận Bàn về Đại quan viên. Đây có thể xem là công trình đầu tiên trịnh trọng thảo luận vấn đề thế giới lí tưởng trong Hồng Lâu mộng. Tống Kỳ nhấn mạnh Đại quan viên quyết không tồn tại trong thế giới hiện thực, đó chỉ là toà lâu đài lưng chừng trời mà Tào Tuyết Cần tạo dựng đặng biểu hiện cho một ý đồ sáng tạo mà ông theo đuổi. Họ Tống nói kĩ hơn:

“Đại Quan Viên là một ngôi vườn giữ cho đám con gái được cách biệt với thế giới bên ngoài. (Tác giả) hi vọng bọn họ ở lại trong vườn đó, sống tháng ngày tiêu dao vô ưu vô sầu, không nhuốm mùi bẩn thỉu của lũ đàn ông. Tốt nhất là các nàng giữ mãi tuổi thanh xuân, không gả mất đi đâu cả. Đại quan viên – theo nghĩa này mà nói, chính là toà thành giữ gìn cho các cô. Nó chỉ tồn tại trong lí tưởng, không có cơ sở hiện thực gì cả.” (Tống Kỳ, Bàn về Đại quan viên, đăng trên Minh báo nguyệt san, kì 81, tháng 9/1972, tr.4).[8]

Những lời trên vừa chân thực giản dị mà lại đích đáng. Chúng tôi muốn lấy đó làm xuất phát điểm cho những thảo luận của mình về vấn đề hai thế giới trong Hồng lâu mộng. Liên quan đến những thay đổi có tính cách mạng sẽ xảy ra cũng như logic nội tại trong sự phát triển của Hồng học trong nửa sau thế kỉ XX, chúng tôi đã kiểm thảo bước đầu trong bài Sự phát triển của Hồng học cận đại và cuộc cách mạng trong Hồng học – một sự phân tích lịch sử học thuật. Trong bài này xin được miễn nêu lại các luận chứng và căn cứ cụ thể.

          Nói Đại quan viên là thế giới lí tưởng mà Tào Tuyết Cần đã hư cấu nên, chắc sẽ không tránh khỏi khiến cho độc giả dặt câu hỏi: “Nếu Đại quan viên là một “tiên cảnh” “chưa cho phàm nhân bước chân tới”, thì “Thái Hư ảo cảnh”[9] mà tác giả sáng tạo ra trong hồi 5 – hồi có tính cách làm cương mục cho toàn sách, rốt cuộc nên giữ một vị trí như thế nào trong toàn bộ tiểu thuyết?” Chúng ta đương nhiên chỉ có thể nói “thái hư ảo cảnh” là mộng trong mộng, là hư huyền của hư huyền. Như vậy thì há chẳng nên nói rõ ra trong Hồng lâu mộng có 3 thế giới? Hồng lâu mộng –  bản Canh dần, tức bản in kèm lời bình điểm của Chi Nghiên Trai có câu: “Đại Quan Viên là cõi thái hư ảo cảnh của chàng Bảo Ngọc và 12 cô thanh nữ, (nói như vậy) há chẳng phải là ẩu hay sao?”.[10] Trong câu bình này, chữ “ảo” trong “ảo cảnh” thực ra chính là chữ “ảo”, đây chắc chắn là chuyện chép nhầm của người sao sách, bởi vì trong cũng chính trong câu trên còn có rất nhiều chữ khác bị viết sai. Cho nên, ý của Chi Nghiên Trai chính là nói Đại Quan Viên chính là ảnh xạ nhân gian của Thái Hư ảo cảnh. Hai thế giới đó vốn là có thể trùng hợp. Cho đến nay, chúng ta vẫn không biết Chi Nghiên Trai là ai. Nhưng chuyện nhà bình điểm này có quan hệ mật thiết với tác giả, đồng thời cũng tương đối hiểu được ý hướng sáng tác của tác giả thì có lẽ đã không còn phải bàn cãi gì nữa. Đương nhiên chúng ta không thể quá tin vào bình điểm của Chi Nghiên Trai. Thế nhưng trong điều kiện chỉ có các căn cứ logic lập luận nội tại (tức chỉ suy luận dựa trên những chứng cứ từ bản thân tác phẩm mà không có thêm các chứng cứ  khảo cứu bên ngoài – ND) thì bình điểm của Chi Nghiên Trai vẫn là chứng cứ bổ sung đáng tin cậy nhất.[11] Chúng ta thử xem xét các chứng cứ trực tiếp, các chứng cứ lấy từ văn bản tiểu thuyết. Một đoạn trong hồi 5 kể chuyện Bảo Ngọc nằm mơ thấy mình theo chân Tần Khả Khanh “đến một chỗ nọ. Chỉ thấy đá trắng, lan can đỏ, cây xanh, suối trong, quả là nơi không dấu vết con người, chốn bụi trần không đến. Bảo Ngọc trong mơ hết sức vui vẻ, nghĩ chỗ này thú thật. Ta hẵng sống một đời nơi đây, cho dù có mất đi gia đình cũng được”.[12] Chỗ đó kì thực chính là Đại quan viên về sau. Làm thế nào để chứng minh được điều này? Về cảnh mà nói, hồi 17 kể chuyện Bảo Ngọc theo Giả Chính vào Đại Quan Viên. Đi đến chỗ đình Thấm Phương, tả cảnh vẫn là mấy chữ “đá trắng, lan can đỏ, cây xanh, suối trong” (nguyên văn tám chữ “chu lan bạch thạch, lục thụ thanh khê”).[13] Về tình mà nói, chúng ta nên nhớ rằng hồi 23 khi kể chuyện Bảo Ngọc lúc mới vào ở Đại quan viên, tác giả viết: “Hẵng nói chuyện Bảo Ngọc từ khi vào Đại quan viên, tâm ý mãn nguyện, chẳng còn mơ ước gì khác nữa”.[14] Một độc giả tinh tế chỉ cần đối chiếu hai đoạn trước sau này ắt không khó phát hiện ra mối quan hệ giữa Thái Hư ảo cảnh và Đại Quan Viên.

          Nếu bạn đọc cho rằng chứng cứ này tuồng như là uốn nắn theo chủ quan thì để củng cố hơn cho lập luận trên chúng tôi xin dẫn một chứng cứ khác trực tiếp hơn, hiển lộ hơn. Chuyện vẫn ở hồi 17: Bảo Ngọc và Giả Chính cùng cả bọn rời khỏi Hoành Vu Uyển đi đến trước một toà cổng đá “Giả Chính nói: “Chỗ này đề chữ gì được?” Mọi người nói: “Phải đề bồng lai tiên cảnh mới tuyệt!” Giả Chính lắc đầu không nói gì. Bảo Ngọc trông thấy chỗ này, trong lòng xúc động, nhớ lại như tuồng đã từng trông thấy ở đâu rồi, mỗi tội trong phút chốc không nghĩ ra là chuyện ngày tháng năm nào. Giả Chính lại bảo đề chữ, Bảo Ngọc chỉ mải ngẫm nghĩ chuyện trước, chẳng để tâm gì đến việc trước mắt”. Giả Chính còn đặc biệt nhấn mạnh: “Nơi này quan trọng, càng phải đề cho hay.”[15] Bảo Ngọc đã từng nhìn thấy cổng đá này ở đâu, bản thân chắc đã quyên mất rồi. Thế nhưng độc giả chắc còn nhớ hồi 5 kể chuyện Bảo Ngọc mơ dạo chơi Thái Hư ảo cảnh “theo tiên cô đi đến một nơi có toà cổng đá chắn ngang, trên đề bốn chữ Thái Hư ảo cảnh.”[16] Chỗ mà Bảo Ngọc tìm kiếm trong kí ức há chẳng phải là nơi này. Cho nên Chi Nghiên Trai đặc biệt lưu ý độc giả: “Vẫn là thuộc về chốn Thái Hư ảo cảnh đã từng đến trong giấc mê mộng ấy” Giả Chính nhắc Bảo Ngọc: “Nơi này quan trọng”. Quả có vậy! Trong Hồng lâu mộng còn có nơi nào quan trọng hơn Thái hư ảo cảnh? Trên cái cổng đá đó về sau Bảo Ngọc đề bổ sung bốn chữ thiên tiên bảo kính.[17] Cái cổng đá đó cũng là chỗ già Lưu ngộ nhận là Ngọc hoàng bảo điện và rập đầu lạy mãi.

Nói tóm lại “Bồng lai tiên cảnh” cũng được, “Thiên tiên bảo kính” cũng được, mà “Ngọc Hoàng bảo điện” cũng chả sao. Tác giả láy đi láy lại để nhắc độc giả rằng Đại quan viên không ở trần gian, mà ở trên lưng chừng trời; không phải là hiện thực mà là lí tưởng. Nói cho chính xác, Đại Quan Viên chính là “Thái Hư ảo cảnh”.[18]

Đại Quan Viên chính là Thái Hư ảo cảnh của Bảo Ngọc và một đám con gái, vì vậy trong thực tế việc kiến tạo nó phải mượn danh nguyên phi về thăm nhà – một sự kiện long trọng rất mực. Hồng lâu mộng bản Canh Thìn có một đoạn bình điểm đầu trang (hồi 16) rất lạ lùng:

“Đại Quan viên khởi sự từ chuyện Nguyên Xuân về thăm nhà. Đây là một chuyện rất mấu chốt. Như thế thì mới thấy được cái lập ý của cây bút lớn.”[19]

Kì công trong việc sắp xếp tự sự của Tào Tuyết Cần không chỉ dừng ở đó. Đoạn mở đầu hồi 17 cũng rất đáng để nghẫm nghĩ. Sau khi Đại quan viên hoàn công, Giả Trân mời Giả Chính đi thăm vườn, xem xem có chỗ nào còn phải sửa đổi đồng thời cũng thông báo là Giả Xá đã xem qua một lượt rồi. Chi tiết này dường như muốn nói Giả Xá là người vào vườn đầu tiên. Kì thực câu này là dùng để đánh lừa độc giả. Bởi vì đoạn sau lại nói rõ là: “Vừa khéo Bảo Ngọc dạo gần đây vì nhớ nhung Tần Chung, trong lòng thương xót mãi. Thấy vậy Giả Mẫu thường sai người dẫn vào vườn dạo chơi cho khuây khoả.” Tiếp đó kể chuyện Bảo Ngọc dạo chơi không kịp tránh mặt Giả Chính cũng đang vào vườn, rốt cuộc bị cha bắt theo hầu làm câu đối và đề biển cho các nơi trong vườn. Nửa sau đoạn trần thuật này ít nhất hàm chứa hai thâm ý. Thứ nhất, Bảo Ngọc là người đầu tiên vào vườn ngoạn cảnh.  Bảo Ngọc sớm đã lui tới nơi này còn như Giả Xá và Giả Chính chẳng qua lúc vườn xây xong mới vào coi xét. Thứ hai, vườn Đại Quan – cõi tiên của Bảo Ngọc và đám cô nương là nơi thanh khiết. Đình đài lầu gác trong vườn đương nhiên phải do bọn họ đề chữ đặt tên vậy. Đại Quan Viên là tiên cảnh “không cho phàm nhân bước chân tới”. Thế nên lời bình cuối hồi của bản Canh Thìn mới viết:

“Bảo Ngọc đứng đầu diễm sắc, cho nên biển bảng câu đối trong vườn tất phải do chàng đề thảo.”[20]

Tóm lại, qua những chỗ như vậy bình điểm của Chi Nghiên Trai sẽ giúp độc giả hiểu được nguyên ý của nhà tiểu thuyết. Hồng lâu mộng rất ít những câu vô thưởng vô phạt viết ra cho có. Độc giả nhiều lúc phải chú ý đến các lời bình mới có thể lí giải sâu hơn ý tứ nhà làm truyện. Độc giả còn nhớ, Bảo Ngọc lúc theo phụ thân thăm vườn không đề hết được tất cả các câu đối và biển bảng trong Đại quan viên. Thực tế thì các kiến trúc trong vườn quá nhiều, đặt tên cho chúng không thể là việc một mình Bảo Ngọc có thể ôm đồm. Vậy thì còn ai tham gia vào nữa? Câu hỏi này phải đến hồi 76 mới có đáp án. Hồi này kể chuyện Đại Ngọc và Tương Vân trung thu thưởng nguyệt làm câu đối. Tương Vân khen hai tên gọi Đột Bích Đường và Ao Tinh Quán dùng chữ tươi mới. Đại Ngọc nói cho Tương Vân nghe:

“Tôi nói thực với cô: hai chữ này là tôi đặt ra đấy. Năm nọ thử tài Bảo Ngọc, bắt anh ấy phải nghĩ mấy chỗ: có chỗ nghĩ ra, có chỗ phải sửa bỏ, có chỗ chưa nghĩ được. Sau này chỗ nào chưa có tên, chúng tôi đều nghĩ và chú rõ xuất xứ, ghi rõ vị trí từng toà nhà, rồi đem cả cho chị Cả xem. Chị Cả lại bảo đưa cậu tôi xem. Cậu tôi xem xong cả mừng nói: “Biết thế này bảo chị em chúng nó nghĩ cho cả, chẳng thú hơn sao?” Thành ra những chữ tôi nghĩ đều lấy cả không sửa chữ nào.”[21]

Đoạn kể của Đại Ngọc đã bổ sung trọn vẹn cho tình tiết đề biển bảng, viết câu đối cho Đại quan viên năm xưa. Đủ thấy chuyện đặt tên đề chữ các nơi trong đại quan viên ngoài Bảo Ngọc ra còn có các chị em khác (thập nhị thoa), đặc biệt là Đại Ngọc. Hồi 76 và hồi 17 cách nhau 60 hồi truyện. Nếu ta chỉ nói trong trường hợp nguyên cảo 80 hồi của Tào Tuyết Cần thì kết cấu tình tiết như vậy cho thấy tiểu thuyết đã đi đến chỗ hô ứng trước sau, chuẩn bị gây tạo dư âm về sau. Tào Tuyết Cần luôn thường trực ý thức chế ngự toàn cục trong quá trình sáng tác.

Đại quan viên là thế giới lí tưởng của Hồng lâu mộng, lẽ tự nhiên cũng là thế giới hư cấu mà tác giả dày công kiến tạo. Có thể nói trong tâm khảm của những nhân vật như Bảo Ngọc, Đại Ngọc đây mới là thế giới duy nhất có ý nghĩa. Đối với Bảo Ngọc và đám thanh thiếu nữ quanh chàng, thế giới bên ngoài Đại quan viên coi như không tồn tại, nếu là có thì cũng chỉ có nghĩa tiêu cực mà thôi. Bởi vì bên ngoài Đại quan viên là bẩn thỉu và đoạ lạc. Thậm chí, độc giả nói chung cũng thường bị thu hút bởi cái thế giới lí tưởng Đại quan viên nên không tránh khỏi việc xem thường thế giới hiện thực bên ngoài. Thế nhưng Tào Tuyết Cần cũng quan tâm không kém đến thế giới hiện thực nhơ nhuốc và đoạ lạc. Khắc hoạ của nhà tiểu thuyết đối với thế giới hiện thực cũng tường tận và công phu không kém. Tại đây có thể thấy giữa tác giả, nhân vật chính và độc giả tồn tại những quan điểm không giống nhau. Khó khăn căn bản nhất mà “thuyết tự truyện” vấp phải khi thuyết này lẫn lộn Tào Tuyết Cần với Giả Bảo Ngọc chính là không có cách nào để giả quyết vấn đề tồn tại những quan điểm khác biệt đó.

Tào Tuyết Cần sáng tạo nên một khoảng tịnh thổ trong mộng tưởng, nhưng ông cũng ý thức sâu sắc rằng mảnh đất đó thực ra không thể vô quan hệ với thế giới hiện thực. Không những không thể thoát khỏi những quan hệ chung, trên thực tế hai thế giới đó mắc mớ mãi mãi với nhau. Bất kì một dự tính tách biệt hoàn toàn và tìm hiểu một cách cô lập, cắt rời hai thế giới đó đều không giúp ta nắm được tính hoàn chỉnh nội tại của Hồng lâu mộng. Để làm rõ điều này ta hãy kiểm điểm lại một chút cơ sở hiện thực của Đại quan viên.

Hồi 16 trần thuật rõ ràng chuyện xây cất Đại quan viên. Nền gốc của  vường Đại quan này là “Khoảng đất tính từ phía đông nối liền với hoa viên phủ Đông kéo qua phía bắc dài độ ba dặm rưỡi”.[22] Sau đó còn có một đoạn trần thuật tường tận về quá trình dựng vườn: “Trước tiên, sai thợ dỡ hết tường rào lầu gác trong Hội Phương Viên ở phủ Ninh thông thẳng đến sân lớn phía đông phủ Vinh. (… …) Trong Hội Phương Viên có dòng suối từ góc tường phía bắc chảy qua, nay cũng chẳng phải lo chuyện khơi dẫn lại. Cây cối núi non tuy cũng chưa được đủ, nhưng được cái chỗ ở của Giả Xá là vườn cũ của phủ Vinh, nên đá cảnh cây cỏ tre trúc cho đến đình tạ lan can… đều có thể dời đến đây được cả.”[23] Trong những câu trần thuật đó chứa đựng nhiều điều đáng nói. Đáng tiếc, xưa nay do sự chi phối của “thuyết tự truyện” các nhà Hồng học đã không không tiếp tục một sự phân tích sâu hơn.[24]

Như đã thấy, sự xuất hiện của Đại quan viên là một đại sự trong Hồng lâu mộng. Tác giả tiểu thuyết rồi sau đó là các nhà bình điểm đều trịnh trọng tô đậm chuyện này. Cho nên, việc Tào Tuyết Cần nói kĩ lai lịch thực tế của Đại quan viên quyết không phải là không có dụng ý. Nếu như “thuyết tự truyện” có thể giải đáp được vấn đề, khảo cứu được một cách xác đáng Đại quan viên chính là tạo nên từ nhà cũ họ Tào thì còn gì tốt bằng! Thế nhưng sự thực thì lối đi đó không thông, chúng ta đành phải mở một lối đi khác trong nghiên cứu vấn đề vậy.[25]

Như tiểu thuyết đã trần thuật ở trên, cơ sở hiện thực của Đại quan viên là hợp thành từ hai vườn vốn có: Hội Phương Viên của Ninh phủ và chỗ ở của Giả chính – Vinh phủ cựu viên. Hồi 17 bản Canh Thìn bên dưới câu “Phía trên rêu mốc lốm đốm, dây leo thấp thoáng” có lời bình của Chi Nghiên Trai:

“Đại Quan Viên dựng lên từ hai vườn cũ vốn có – tự sự như thế mới hợp lý. (Văn pháp) tinh tế đến cùng cực.”

Đủ thấy tác giả cũng như nhà bình điểm, người thì kín đáo, kẻ lại công khai nhưng đều đặc biệt nhắc nhở độc giả hình tượng hai ngôi vườn cũ chứa đựng thông tin quan trọng. Ta hãy bắt đầu từ nhân vật Giả Xá. Trong tác phẩm Giả Xá có thể xem là một trong những con người nhơ bẩn nhất. Hồng lâu mộng có một giới luật vô hình – đó là phàm những bậc bề trên của Bảo Ngọc, khi miêu tả đến những chỗ quá đáng của họ, tác giả thường giữ thái độ dè chừng hoặc ít hoặc nhiều. Đó là điều mà như người ta hay nói – “Vuốt mặt nể mũi” chăng? Thành thử những chuyện đốn mạt bẩn thỉu được tô đậm trong tác phẩm đều tập trung ở mấy nhân vật bằng vai phải lứa với Bảo Ngọc như Giả Trân, Giả Liễn, Tuyết Bàn. Chỗ này rõ ràng đã để lộ dấu vết “tự truyện” của tiểu thuyết này.[26] Thế nhưng cho dù là như vậy đi nữa thì tác giả vẫn không nhẹ tay đối với Giả Xá. Thế cho nên mới có hồi 46 tập trung vạch tội Giả Xá ép cưới Uyên Ương làm thiếp. Tác giả cũng mượn lời Tập Nhân kết án Giả Xá: “Ông lớn háo sắc quá. Hơi sạch mặt chút là đã không tha rồi.” (Bát thập hồi hiệu bản, tr.491). Những cảnh dâm loạn của Giả Liễn thường được đặc tả có lẽ là để chứng minh kín đáo cho câu ngạn ngữ “Cha nào con nấy”. Thế cho nên những thứ nơi Giả Chính ở như đình tạ lan can cho đến trúc tre cây đá đều là những thứ uế tạp nhất thiên hạ.

Giờ lại nói vườn ở phủ Đông. Đây lại cũng là nơi bẩn thỉu không kém. Đúng như câu nói nổi tiếng của nhân vật Liễu Tương Liên: “Trong phủ Đông nhà chúng mày, ngoài hai con sư tử đá trước cổng phủ là sạch, còn thì đến mèo chó cũng bẩn cả”. Đây là nói chung chung. Ta hãy phân tích sâu hơn hình tượng vườn Hội Phương phủ Đông. Trước hồi 16, khi chưa có Đại quan viên, rất nhiều việc lớn trong Hồng lâu mộng đều diễn ra ở sân khấu này. Hội phương viên có Thiên Hương Lầu, Ngưng Hy Hiên, Đăng Tiên Các. Thiên Hương Lầu đương nhiên là nơi bẩn thỉu có tiếng. Hồi 13 trong Hồng lâu mộng nguyên cảo có đề mục là “Tần Khả Khanh dâm táng Thiên Hương Lầu”.[27] Hai chốn khác vừa kể trên cũng đều nhơ nhuốc thế cả. Ngưng Hy Hiên là nơi các lão thiếu gia rượu chè hành lạc. Vương Hy Phượng thường nói “Tụ tập làm những điều ám muội gì không biết” chính là chỉ nơi này. Chỉ cần xem cảnh tổ chức đánh bạc, uống rượu và dâm ô với hầu trai của bọn Giả Trân tại Thiên Hương Lầu ở hồi 75 thì đủ biết chốn đó sạch sẽ hay không. Còn như Đăng Tiên Các thì chính là nơi quàn Tần Khả Khanh và Thuỵ Châu. Hội Phương Viên cũng là nơi sinh chuyện bất chính giữa Hy Phượng và Giả Thụy (hồi 11).

Nói tóm lại, nơi ở của Giả Xá và Hội Phương Viên đều là những nơi ô uế của thế giới thực tại. Vậy mà đó cũng là nơi cung cấp mặt bằng và vật liệu để kiến tạo thế giới lí tưởng thanh sạch Đại quan viên. Một sự sắp xếp như vậy của nhà tiểu thuyết chả lẽ chỉ là ngẫu nhiên? Thậm chí thứ sạch nhất trong Đại quan viên là nước thì cũng chảy ra từ Hội Phương Viên. Về điểm này Hồng lâu mộng bản Giáp Tuất cũng như bản Canh Thìn đều có dẫn lời bình của Chi Nghiên Trai: “Quan trọng nhất của các cảnh trong vườn là nước – phải viết rõ mới hay.” Rõ ràng không nơi nào là tác giả không ngầm nói với người đọc rằng trong tác phẩm thế giới lí tưởng thanh sạch là xây dựng trên nền của thế giới hiện thực ô bẩn. Tác giả muốn bạn đọc đừng quên những thứ sạch sẽ nhất cũng chính là những thứ lấy ra từ chỗ bẩn thỉu nhất. Chúng tôi tin rằng Hồng lâu mộng nếu hoàn thành hoặc được truyền lại đầy đủ, thì chắc là sau cùng thanh khiết nhất lại trở lại chỗ bẩn thỉu nhất. “Dục khiết hà tằng khiết, vân không vị tất không” – câu thơ đó không chỉ là kết cục của ni cô Diệu Ngọc – người sạch đến độ bệnh hoạn trong Hồng lâu mộng mà cũng là bến về của toàn bộ Đại Quan Viên. Tào Tuyết Cần một mặt dốc sức sáng tạo một thế giới mộng tưởng. Theo chủ quan của mình, ông muốn thế giới lí tưởng đó mãi ở giữa nhân gian. Mặt khác, ông lại lạnh lùng miêu tả một thế giới hiện thực đối sánh với thế giới lí tưởng đó. Mà tất cả sức mạnh của thế giới hiện thực đó không ngừng tấn công phá huỷ thế giới lí tưởng. Hai thế giới đó trong Hồng lâu mộng quan hệ mật thiết với nhau, quan hệ trong một trạng thái động – một trạng thái vận động theo một phương hướng đã xác định. Khi quan hệ của chúng vận động đến tận cùng, ý thức bi kịch của tiểu thuyết cũng thăng tiến đến đỉnh điểm.

Trong phần trước, chúng tôi đã từng chỉ ra, hai thế giới trong Hồng lâu mộng chính là sự đối sánh mãnh liệt giữa nhơ bẩn và thanh sạch. Giờ đây chính là lúc tìm hiểu sâu hơn xem xem thái độ của các nhân vật trong Đại quan viên đối với hai thế giới đó có chứng thực cho quan sát của chúng tôi hay không? Chúng tôi sẽ phân tích màn Đại Ngọc chôn hoa trong liên hệ với vấn đề trên. Màn nổi tiếng này diễn ra ở hồi 23, lúc Bảo Ngọc và các tiểu thư trong thập nhị thoa vừa mới bắt đầu cuộc sống của họ trong thế giới Đại quan viên lí tưởng. Xin phép được trích dẫn cả một trường đoạn do tầm quan trọng của câu chuyện:

“Hôm đó đúng trung tuần thấng ba. Sau bữa sáng, Bảo Ngọc mang theo cuốn Hội chân kí (tức Truyện Tây Sương của Nguyên Chẩn, đời Đường – ND) đến một tảng đá dưới cây hoa đào bên cầu Thấm Phương ngồi xem. Bảo Ngọc giở sách đọc từ đầu. Đọc đến đoạn “Lạc hồng thành trận” (Gió thổi hoa rơi từng trận một), chợt thấy cơn gió lướt qua, hoa đào rụng quá nửa rơi đầy trên sách, trên đất. Bảo Ngọc toan rũ đi, nhưng lại sợ bước chân giày xéo lên, đành hứng lấy đem thả xuống ao. Những cánh hoa đào nổi lênh đênh trên mặt nước rồi trôi qua đập Thấm Phương. Bảo Ngọc quay lại thấy trên mặt đất còn lại rất nhiều hoa. Đương lúc ngần ngừ chợt nghe có tiếng người hỏi: “Anh ở đây làm gì thế?” Bảo Ngọc quay đầu thấy Đại Ngọc vai vác một cái cuốc treo túi the, tay cầm cái chổi quét hoa. Bảo Ngọc cười nói: “Tốt quá, cô quét hết hoa chỗ này lại, mang thả xuống nước. Tôi mới thả xuống một ít.” Đại Ngọc cười đáp: “Thả xuống nước không hay. Anh xem nước ở đây sạch, chỉ là chảy ra qua nhà người ta chỗ làm bẩn chỗ làm hôi cả lên, thì vẫn phũ phàng với hoa kia. Trên góc gò tôi đã đào sẵn mồ cho hoa. Nay ta quét gom lại cho vào trong túi này, mang chôn xuống. Lâu ngày hoa hoá đất, như thế chẳng sạch hay sao?”[28]

Màn “Đại Ngọc táng hoa” đã được đưa lên sân khấu Kinh kịch ngay từ thời Thanh mạt. Sang năm đầu thời Trung Hoa dân quốc, nhờ vào việc biên diễn lại của hai diễn viên nổi tiếng Mai Lan Phương và Âu Dương Dư Sảnh, câu chuyện lại càng trở nên quen thuộc đối với người Trung Quốc. Thế nhưng mọi người dường như chỉ tập trung sự chú ý vào diễn tiến của tình yêu của đôi trai gái, nhất là những màn tiếp sau như màn Bảo Ngọc tìm đến thấy “Đại Ngọc ngồi khóc bên mồ chôn hoa” (Hồi 27, nguyên văn “mai hương trủng Phi Yến khấp tàn hồng”[29]). Còn các Hồng Học gia thì chỉ để tâm vào xuất xứ của “táng hoa”.[30] Còn như vì sao Đại Ngọc chôn hoa thì dường như chưa được trực diện nêu ra như một vấn đề.

Chúng tôi trịnh trọng cho rằng, tình tiết Đại Ngọc chôn hoa chính là chỗ để tác giả dùng để nói rõ lằn ranh giữa hai thế giới trong tác phẩm. “Táng hoa” chính là sự cố đầu tiên trong Đại quan viên kể từ sau khi Bảo Ngọc dọn vào ở trong vườn. Ý của Đại Ngọc đã rất rõ: Trong Đại quan viên là thanh sạch, nhưng ra khỏi vườn này là hôi thối rồi. Chôn hoa lại trong vườn, để cho hoa tan vào trong đất vườn, như vậy mới có thể giữ cho thanh sạch mãi mãi. “Hoa” ở đây lẽ tự nhiên tượng trưng cho các cô gái trong vườn. Mấy câu cuối trong Táng hoa từ  của Đại Ngọc làm chứng cho khẳng định đó:

          Vị nhược cẩm nang thu diễm cốt,

          Nhất đôi tịnh thổ yểm phong lưu.

          Chất bản khiết lai hoàn khiết khứ,

          Cường vu ô náo hãm cừ câu.[31]

Cho nên hồi 63 đoạn quần phương dạ yến có chuyện tửu lệnh mỗi một nàng đều bắt thăm thẻ đề tên các loài hoa. Ở hồi 42, Lâm Hi Phượng cũng nói: “Trong vườn chẳng phải là các thần hoa?” Câu chuyện Tình Văn sau khi chết thành hoa thần cũng nên lí giải trên một mạch chủ đề như vậy. Hoa tượng trưng cho các nhân vật trong Đại Quan Viên, thế nên các nhân vật muốn giữ được thanh khiết thì cũng chỉ có cách ở lại trong vườn riêng chứ không thể đưa cắm ra bên ngoài. Trong phần đầu bài này chúng tôi từng nói rằng đối với Bảo Ngọc và đám nữ nhi trong Đại quan viên thì thế giới bên ngoài như tuồng không tồn tại. Câu này chủ yếu là nhấn mạnh trong ước muốn chủ quan – nhóm người trong Đại quan viên mơ cầu một sự vĩnh hằng cho thế giới lí tưởng, mơ cầu cuộc sống tinh thần thanh triệt, chứ không phải là nói trên phương diện nhận thức khách quan họ mù mịt vô tri đối với thế giới bên ngoài. Chị em trong Đại quan viên, nói như chính tác giả “thơ ngây xán lạn”,[32] thế nhưng họ không ấu trĩ ngốc nghếch. Thực ra họ một mặt phân biệt rất rõ hai thế giới, mặt khác cũng ý thức được sự đe doạ của thế giới hiện thực đối với thế giới lí tưởng. Câu chuyện “Đại Ngọc táng hoa” chính là một sự biểu đạt hai tầng ý nghĩa trên bằng hình tượng ẩn dụ.

Tác giả tiểu thuyết có lúc cũng biểu đạt một cách trực diện tính chất hiểm ác của thế giới bên ngoài. Hồi 49 đánh dấu khởi điểm thịnh thời của Đại quan viên, các nhân vật quan trọng như Tiết Bảo Cầm, Hình Tụ Yên, Lý Văn, Lý Khởi[33] cũng đều dọn vào ở trong vườn. Cũng trong hồi này Sử Tương Vân cảnh báo Bảo Cầm: “Cô trừ lúc ở bên cụ, còn thì cứ ở trong vườn. Hai chỗ này nơi nào cũng có thể tha hồ chơi đùa ăn uống. Còn như có đến nhà bà Hai, nếu bà ở nhà thì cứ chuyện trò vui cười với bà, có ngồi lâu một chút cũng không ngại. Nhược bằng bà không ở nhà, cô đừng có vào. Trong nhà đó người ta đều xấu bụng, họ đều muốn làm hại ta cả.”[34] Sử Tương Vân nói quá thẳng. Cho nên độc giả tinh ý sẽ thấy, ngoài thế giới Đại quan viên lí tưởng ra chỉ còn chỗ Giả Mẫu là hãy còn an toàn. Còn nữa người ta đều là muốn xâm hại người trong Đại quan viên. Vì sao chỗ Giả Mẫu còn được an toàn? Là vì cụ cũng là người trong thập nhị thoa chốn Chẩm Hà Các trước đây. Trong mắt người ở Đại Quan Viên, vẫn cứ là “người trong nhóm chúng mình”. Sự phân biệt rõ ràng “chúng mình” và “bọn họ” này chính là tương ứng với sự phân biệt hai thế giới mà có vậy.

Thế nhưng cái gọi là “chúng mình” đó trong Đại Quan Viên cũng không phải là bình đẳng đồng loạt, thế giới lí tưởng vẫn có trật tự của nó. “Đào Nguyên”[35] là một thế giới lí tưởng đầu tiên trong lịch sử văn học Trung Quốc. Theo như lời Vương An Thạch, chốn đó “chỉ có phụ tử không quân thần”. Nói cách khác, trong chốn Đào Nguyên tuy không có trật tự chính trị nhưng vẫn còn trật tự luân lí. Còn như cái trật tự của Đại Quan Viên thì lấy chữ “tình” làm chủ. Cũng vì vậy mà bộ tiểu thuyết kết bằng tình bảng.[36] Thế nhưng do chỗ phần tình bảng ngày nay không còn thấy nữa, thành thử việc  tìm hiểu cái trật tự đó theo ý của tác giả đã là chuyện không có thể nữa. Trên đại thể có thể nói tiêu chuẩn để tác giả phân thứ vị trong tình bảng là không đơn nhất. Cho nên ngoài chữ “tình” ra, chúng ta còn phải tính đến những tiêu chí khác như dung mạo, tài học, phẩm hạnh cho đến thân phận…[37] Ở đây chúng tôi muốn nêu lên một manh mối thường hay bị xem nhẹ, đó chính là quan hệ giữa Bảo Ngọc và chị em (nguyên văn quần phương) trong Đại Quan Viên. Hồng lâu mộng bản Canh Thìn hồi 46 có một dòng bình điểm như sau: “Theo dõi tình án trong Hồng lâu mộng, đều phải xét từ chỗ “Thạch huynh” (Bảo Ngọc – ND), mỗi người có một bản thảo chuyện tình của mình, đan kết với nhau rất thần diệu”.[38] Lời bình rất quan trọng. “Tình” trong “tình án” tức cũng là “tình” trong “tình bảng”. Như vậy thì mức độ nông sơ, gần xa trong quan hệ giữa các nữ nhân vật trong sách với Bảo Ngọc quyết định phần lớn địa vị của họ trong tình bảng.[39] Mà muốn tìm hiểu cái kết câu nội tại của Đại Quan Viên thì cũng phải bắt đầu từ chỗ xem xét quan hệ của từng nhân vật với Giả Bảo Ngọc.

Nói đến kết cấu nội tại của Đại Quan Viên, chúng ta không thể không chú ý một chút phối trí các kiến trúc phòng ốc của nó. Việc phối trí này theo chỗ tôi nghĩ, cũng phản ánh kết cấu nội tại của đại Quan Viên. Tống Kì từng chỉ ra, bố trí vườn và sân cũng như bài thiết nội thất đều nhằm phù hợp với tính cách của một số nhân vật chính.[40] Nhận xét này là rất chính xác. Và đây cũng là cách nhìn của phê bình văn học phương Tây. Bố trí chỗ ở của nhân vật cũng góp phần biểu hiện tính cách nhân vật. “Căn phòng của một người chính là phần mở rộng của bản thân anh ta”.[41] Tào Tuyết Cần càng có ý thức hơn trong việc vận dụng bố cảnh để thể hiện con người nhân vật. Đây chỉ chứng minh sơ bộ trên một số dẫn chứng nổi bật. Chúng ta còn nhớ hồi 17 Bảo Ngọc đề câu đối và biển bảng cho Đại Quan Viên. Tác giả chỉ kể chuyện bốn địa điểm theo trình tự như sau: Tiêu Tương Quán, Đạo Hương Thôn, Hoành Vu Uyển và Di Hồng Viện.[42] Bình luận của các nhân vật đối với từng nơi chốn đó là rất có ý nghĩa. Trước hết nói Tiêu Tương Quán. Vừa đến nơi mọi người đều nói: “Một nơi hay biết mấy”. Bảo Ngọc thì cho đây là: “Chỗ đầu tiên Quý phi đến chơi, nên có những lời chúc tụng mới được”. Cho nên đề bốn chữ “Hữu phượng lai nghi”.[43] Đủ thấy tác giả rất trịnh trọng đối với Tiêu Tương Quán. Hồng lâu mộng bản Canh Thìn bên dưới câu “Một nơi hay biết mấy” có lời bình: “Nơi này mới thích hợp với chỗ ở của cô gái mày chau”.[44] Sau này ở hồi 23, Bảo Ngọc và Đại Ngọc bàn với nhau về chỗ ở, Đại Ngọc nói: “Em nghĩ bụng Tiêu Tương Quán là hay”. Bảo Ngọc vỗ tay cười đáp: “Đúng với suy nghĩ của anh. Anh cũng muốn bảo em ở đó. Anh thì ở chỗ Di Hồng Viện. Chúng mình hai chỗ gần nhau, mà cũng đều thanh nhã vắng lặng”.[45] Trần thuật đó biểu hiện quan hệ đặc biệt giữa Đại Ngọc và Bảo Ngọc.

Lại xem Đạo Hương Thôn. Giả Chính hỏi Bảo Ngọc: “Nơi này thế nào?” Bảo Ngọc lập tức trả lời bố: “Kém xa chỗ vừa đề Hữu phượng lai nghi”, kế đó bèn nói nào là chỗ này để lộ dấu vết uốn nắn của con người, nào là tạo cảnh không được “tự nhiên”. Kết cục làm Giả Chính nổi nóng.[46] Không chỉ có vậy. Về sau có lần Bảo Ngọc vâng lệnh Nguyên Xuân vịnh bốn bài thơ, riêng đến Đạo Hương Thôn là viết không ra. Cuối cùng Đại Ngọc phải đứng ra làm thay mới xong được chuyện.[47] Tình tiết đó biểu hiện Bảo Ngọc không thích chủ nhân Đạo Hương Thôn – Lí Hoàn. Lí Hoàn là người duy nhất trong đám chị em ở Đại Quan Viên đã từng gả chồng, mà như ta đã biết bình luận của Bảo Ngọc đối với các cô đã có chồng tệ ra sao.[48] May mà Lí Hoàn là chị dâu của Bảo Ngọc, vả chăng tính tốt, cho nên đánh giá thấp của Bảo Ngọc đối Lí Hoàn cũng chỉ kín đáo bộc lộ qua thái độ của Bảo Ngọc đối chỗ ở của cô ta mà thôi. Trong Kim Lăng thập nhị thoa chính sách[49] Lí Hoàn xếp ở vị trí 12, chỉ trên Tần Khả Khanh, việc đó không phải là không có nguyên nhân.

Bây giờ xét đến Hoành Vu Uyển. Giả Chính nói: “Nhà cửa nơi này trông vô vị quá”.[50] Đây có thể nói tác giả mượn mồm Giả Chính để biểu hiện thái độ của mình. Du Bình Bá chứng tỏ đã cảm nhận được điều đó khi nêu vấn đề “phân hạng giá trị người và cảnh” trong Đại Quan Viên.[51] Lời bình ở đây chắc nói rõ ý đồ của chính tác giả tiểu thuyết: “Đây là phép chưa khen (bên kia) hẵng chê (bên này) trước đã. Bảo Thoa với Đại Ngọc chưa so đã thấy hơn kém. Khắc họa cảnh và người trong tiểu thuyết như vậy không phải là dễ”.[52]

Cuối cùng nói đến Di Hồng Viện. Miêu tả Di Hồng Viện rất tường tận. Chúng ta có thể nhận ra ba điểm quan trọng trong chương pháp: thứ nhất để Bảo Ngọc đề “Hồng hương lục ngọc” – một cách gồm toàn lấy vẻ riêng trong cảnh trí Di Hồng Viện.[53] Thứ hai, chuyện “hồng và ngọc” về sau lại chiếu ứng với tình tiết Nguyên Xuân bảo Bảo Ngọc vịnh thơ bốn nơi.[54] Trong Di Hồng Viện có đặt tấm gương lớn trong lúc các nơi khác không có. Chi tiết đó ám thị đến hình tượng “phong nguyệt bảo giám”. Đây nét quan trọng thứ hai thuộc về chương pháp. Thứ ba, nước ở Di Hồng Viện được giới thiệu là một chỗ hợp lưu: “…từ cửa đập kia (đập Thấm Phương – ND) chảy đến cửa hang, theo chỗ trũng ở núi phía đông bắc dẫn đến trang trại. Lại khơi một nhánh nhỏ chảy ra phía tây nam, cùng chảy đến đây rồi vẫn hợp lại như  cũ, theo tường kia chảy đi”.[55] Lời bình của Chu Nghiên Trai rất đáng được chú ý: “Nước ở Di Hồng Viện, ngụ ý lớn của bộ sách”. Tất cả những điều trên đều chứng thực cho luận điểm tác giả mượn việc bố trí trong Đại Quan Viên kín đáo biểu hiện quan hệ giữa Bảo Ngọc và các kim thoa trong vườn, biểu hiện kết cấu nội tại của thế giới lí tưởng. Xuất phát từ đây mới có thể hiểu được ý tứ của Chu Nghiên Trai khi nói: “Theo dõi tình án trong Hồng lâu mộng, đều phải xét từ chỗ “Thạch huynh”. Hình tượng nước trong vườn Đại Quan sau khi chảy đến Di Hồng Viện lại theo tường trôi ra ứng hợp với ý của Đại Ngọc ngỏ cùng Bảo Ngọc khi chôn hoa – nước trong vườn là sạch, chỉ là khi đã chảy ra là lại nhiễm ô uế của nhà người.

Chúng tôi nhấn mạnh ý hai thế giới trong Hồng lâu mộng là sự đối chiếu mạnh mẽ giữa thanh sạch và nhơ bẩn. Các dẫn chứng đã nêu ủng hộ cho quan điểm cơ bản này – ít nhất là trên phương diện nhận thức logic. Thế nhưng cuối cùng chúng ta vẫn phải giải đáp một vấn đề có tính kinh nghiệm cụ thể. Đó là, vậy thì cuộc sống Đại Quan Viên quả thật có thanh sạch? Nếu Đại Quan Viên cũng nhơ bẩn như cuộc sống bên ngoài thì sự đối lập mà chúng tôi nhấn mạnh khó tránh được tiếng bắt bóng bắt gió trong nghiên cứu tác phẩm.

Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta đương nhiên không còn có thể vận dụng phương thức chứng minh như trên đây nữa. Bởi vì không thể tìm được chứng cứ ở chỗ không tồn tại cái mà ta tìm để làm chứng cứ, đây muốn nói đến cái gọi là “nhơ bẩn” trong thế giới Đại Quan. Trên nguyên tắc, Tào Tuyết Cần khoanh riêng một vườn Đại Quan là để viết Tình chứ không phải viết Dâm. Trong lúc đó ông lại cố tình miêu tả tường tận cái dâm uế của thế giới bên ngoài, dường như là để đối chiếu với cuộc sống tình cảm trong sạch trong địa đàng Đại Quan.

Chúng ta đều biết Đại Quan Viên về cơ bản là thế giới của các kim thoa. Trừ mỗi Bảo Ngọc ra còn thì không có một chàng nào sống trong vườn này cả.[56] Vì vậy chỉ cần chúng ta chứng minh được cuộc sống của Bảo Ngọc là trong sáng thì tính thuần khiết của thế giới lí tưởng Đại Quan Viên đã được chứng tỏ. Liên quan đến chuyện này, tác giả tiểu thuyết từng cố ý lưu lại cho độc giả một manh mối nhỏ trong tình tiết Bảo Ngọc bảo Tình Văn lấy nước hầu tắm ở hồi 31. Tình Văn cười đáp: “Còn nhớ hôm chị Bích Ngân xua cậu đi tắm. Lâu đến hai, ba canh giờ, không biết làm những gì. Chúng tôi cũng không tiện vào đấy. Khi tắm xong, vào xem thì thấy nước tràn đến tận chân giường, ngay đến chiếu cũng ướt dầm dề, cũng chả biết tắm táp kiểu gì nữa!”[57] Đoạn này thoạt trông như tuồng có ẩn ý gì. Kì thực đấy chỉ là cái “giảo hoạt” của ngòi bút trần thuật lừa dẫn độc giả vào chỗ nhầm đường. Tập Nhân vì được Vương phu nhân tin tưởng, thành ra kể từ sau khi Bảo Ngọc vào ở trong Đại Quan Viên lại càng đâm ra giữ khoảng cách hơn. Đêm hôm hầu hạ Bảo Ngọc vẫn chỉ là Tình Văn. Nếu như Bảo Ngọc quả có làm gì quá ngưỡng thì Tình Văn là người mang tiếng nhất. Tình Văn sau cùng bị đuổi cũng chính là vì nghi có gì bất chính với Bảo Ngọc. Thế nhưng sự thật ta đều biết hai người luôn giữ một quan hệ trong sáng thuần khiết. Thế cho nên Tình Văn trước lúc chết còn nói mình “mắc phải cái tội suông tiếng hão”. Tác giả có ý chứng minh cho sự thuần hậu thanh khiết cho hai nhân vật này khi xây dựng tình tiết “Đăng cô nương” – dâm phụ vợ ông anh con cậu của Tình Văn lén rình theo dõi Bảo Ngọc đến thăm Tình Văn lúc bị đuổi khỏi Đại Quan Viên, ốm nằm ở nhà ả ta. Chính ả ta phải thừa nhận: “Tôi về đứng bên ngoài cửa sổ nghe được một hồi rồi. Trong phòng chỉ có cậu và Tình Văn, nếu mà có chuyện mèo chuột gì há đã chẳng nói đến rồi. Ai hay quả hai người thật chẳng có gì dan díu với nhau cả. Thế mới biết chuyện oan uổng trên đời kể cũng không ít vậy”.[58] Thật đúng như nhận xét của Giải Am cư sĩ: “Ngoài song nghe trộm, chứng minh cho sự trinh khiết của Tình Văn. Nếu không hai chữ “tiếng hão” ai mà tin được”.[59] Trên thực tế lời nói của “Đăng cô nương” không chỉ rửa oan cho Bảo Ngọc và Tình Văn mà còn tỏ rõ cho ta thấy đời sống thuần khiết trong Đại Quan Viên. Giữa Bảo Ngọc với người gần gũi nhất mà cũng mang lấy tiếng tăm nặng nề nhất – Tình Văn, trên thực tế lại  “thật chẳng có gì dan díu với nhau cả” thì đủ thấy những mối quan hệ tình cảm khác của Bảo Ngọc cũng không có gì là ám muội cả.[60]

Cuối cùng còn một vấn đề khó cần phải trao đổi nhiều hơn. Đó chính là chuyện con hầu ngốc nhặt được túi tú xuân hồi 73. Chuyện này thoạt trông có vẻ mâu thuẫn với luận điểm cho rằng Đại Quan Viên là thế giới lí tưởng thanh khiết. Thế nhưng phân tích kĩ lượng, lại vẫn là phù hợp với nhận định chung của chúng tôi về hai thế giới trong tác phẩm. Cái túi tú xuân đó là chuyện hồi 71: Tư Kì và anh họ của cô ta là Phan Hựu An hò hẹn với nhau trong vườn rồi đánh rơi túi mà không hay.[61] Thế nhưng khi hồi 72 mới bắt đầu tác giả đã nói rõ đôi trai gái cũng chỉ mới vừa gặp mặt thì đã bị Uyên Ương làm kinh động, mỗi người mỗi ngả.[62] Đủ thấy Đại Quan Viên cho tới khi cập kề bên bờ tan vỡ vẫn không biến màu thanh khiết lí tưởng. Đáng chú ý hơn là, đến hồi 74 sau khi tra tìm được Tư Kì, cho nàng là nghi can của “vụ án” thì nàng cũng chỉ cúi đầu nín ngậm, không chút sợ hãi ân hận gì cả. Vậy thì dũng khí của cô gái đến từ đâu? Câu trả lời đương nhiên chỉ có tìm trong sự phân biệt tình và dâm mà chúng tôi đề xuất trong bài này. Tư Kì là người mê luyến chữ tình vậy. Căn cứ vào quan điểm “tri tình càng dâm” và “tình đã tương phùng tất chủ dâm” mà xét thì cái mà thế tục gọi là “gian tình” đó cũng không hẳn là tội lỗi gì. So với những chuyện dâm ô của thế giới bên ngoài thì cũng khó mà nói đó là bẩn thỉu.

Thử đổi sang phân tích nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác. Nếu tác giả muốn xử lí đề tài trên theo hướng khẳng định câu chuyện có tính chất tiêu cực thì chúng ta bắt buộc phải nói đó chính là sự phát triển nội tại phải có trong bi kịch Hồng lâu mộng. Chúng tôi đã chỉ rõ trong các phần trước, thế giới lí tưởng trong Hồng lâu mộng sẽ đi đến chỗ tiêu tan trước sức xâm hại không ngừng của các thế lực đến từ thế giới hiện thực. Sự xuất hiện của túi tú xuân trong Đại Quan Viên là kết quả của sự xâm nhập sức mạnh từ bên ngoài. Thế nhưng, thế lực ngoại tại sở dĩ có thể tác động vào trong Đại Quan Viên ấy là do những nguyên nhân tự bên trong. Tức chính là do một chữ tình trong thế giới lí tưởng chuốc rước lấy. Tình trong thế giới lí tưởng đương nhiên là thanh khiết, nhưng nó cũng như nước trong Đại Quan Viên rồi cũng không tránh khỏi phải trôi chảy ra thế giới bên ngoài. Theo nghĩa này mà nói, tính cách bi kịch của Hồng lâu mộng đã được quyết định ngay từ đầu. Chúng tôi từng nói, giữa hai thế giới mà Tào Tuyết Cần sáng tạo ra tồn tại một mối quan hệ động. Giờ đây đã có thể bổ sung thêm một câu – mối quan hệ trong trạng thái động đó được xây dựng trên nên tảng “tình đã tương phùng tất chủ dâm”.

Rất nhiều dấu hiệu cho thấy, Tào Tuyết Cần đã sắp tính thế giới lí tưởng Đại Quan Viên sẽ tiêu tàn  trong khoảng từ hồi 71 đến hồi 80. Tình tiết tiêu biểu nhất chính là bài thơ liên tác của Đại Ngọc cùng Tương Vân trong đêm trung thu ở hồi 76. Câu cuối bài Đại Ngọc viết: “Lãnh nguyệt táng hoa hồn” (trăng lạnh chôn hồn hoa). Diệu Ngọc nghe ngâm vội ra cản lại nói: “Vừa nãy nghe ngâm, các câu tuy hay thật, nhưng giọng thơ quá suy đồi buồn thảm, đấy cũng là quan hệ đến khí số con người, cho nên tôi ra ngăn lại”.[63] Chúng ta đều biết, hoa chính là tượng trưng cho các cô trong Đại Quan Viên. Giờ đây khi Đại Ngọc ngâm lên khúc vãn ca “táng hoa hồn”, là lúc ta thấy khí số của vườn Đại Quan đã sắp đến hồi tận rồi. Xem ra, vụ túi tú xuân xảy ra trong vườn Đại Quan không phải là chuyện ngẫu nhiên. Hạ Chí Thanh so sánh chuyện này với sự xuất hiện của rắn trong vườn Ê đen. Sau khi rắn xuất hiện trong vườn Địa Đàng thì Adam và Eva đã phải đọa lạc xuống trần gian. Tống Kì dẫn lại chuyện này, khen so sánh thật sắc sảo.[64] Chúng tôi cũng rất tán thưởng với hai học giả.

Hồng lâu mộng bản 120 hồi hiện hành không phải là của cùng một tác giả, chuyện đó đã được công nhận ít nhất là cho đến giai đoạn nghiên cứu hiện thời. Trong 80 hồi của Tào Tuyết Cần, Đại Quan Viên bề ngoài vẫn là chốn “hoa phồn liễu thịnh”, vì vậy chúng ta không có cách nào để biết tác giả rốt cuộc sắp xếp ra sao cuộc điêu tàn của ngôi vườn. Điều có thể hơi phỏng đoán được, đó là tác giả có lẽ muốn dùng cách đối chiếu mãnh liệt để làm nổi bật kết cục bi thảm. Cho nên Hồng lâu mộng-Tịnh Ứng Côn tàng bản ở hồi 42 có lời bình của Chi Nghiên Trai: “Từ đây về sau, không nỡ đọc hết”.[65] Chu Nhuận Xương phán đoán “Trong nửa sau tiểu thuyết thân phận, địa vị vốn có của tất cả các nhân vật đều bị “đảo lộn” đi”.[66] Phần đa các nhà nghiên cứu đều đồng tình với phán đoán đó. Hiện tượng đảo lật đó không chỉ diễn ra ở các nhân vật. Theo người, vườn Đại Quan cũng vật đổi sao dời, đổi từ phồn hoa sang điêu linh.[67] Vả chăng sự “đảo lộn” của con người cũng không chỉ ở trong phạm vi thân phận địa vị. Nhìn trên quan điểm hai thế giới trong tác phẩm mà chúng tôi triển khai trong suốt bài này, còn có thể nói đến sự đảo lộn khác nữa – sự đảo lộn từ thanh khiết sang nhơ bẩn.

Các nhân vật trong Đại Quan Viên đều yêu sự sạch sẽ, điều này mọi người ai cũng công nhận. Thế nhưng càng là người mắc chứng thích sạch sẽ càng hay bị dây bẩn. Hồi 40, 41 cho ta một dẫn chứng. Giả Mẫu dẫn một nhóm trong đó có già Lưu vào xem nơi ở của Thám Xuân. Giả Mẫu cười nói: “Chúng ta đi thôi, chị em chúng nó không thích người đến đứng ngồi chỗ của chúng, sợ bẩn mất nhà. Chúng ta biết thừa đi rồi, ra chỗ thuyền uống rượu đi”. Thám Xuân xã giao lưu bọn họ ở lại, Giả Mẫu còn đế thêm: “Ba con nha đầu chỗ ta thế mà khá, chỉ Bảo Ngọc Đại Ngọc hai đứa cháu này đáng ghét, hồi nữa rượu say rồi đến phòng chúng quấy chơi”.[68] Chi tiết này dẫn mở cho đoạn “Già Lưu say nằm Di Hồng Viện” ở hồi kế tiếp. Bảo Ngọc hiềm ghét nhất đàn bà có chồng bẩn thỉu. Thế mà tác giả lại để cho già Lưu say rượu nằm bò ra trên giường Bảo Ngọc, lại còn làm cho cả phòng ngạt nồng mùi rượu thịt.[69] Trong hồi này còn kể chuyện già Lưu đến uống trà ở am Lũng Thuý. Tình tiết này cũng là để làm nổi bật “bệnh sạch” của ni cô Diệu Thuý. Về sau như ta đã biết, Diệu Thuý kết cục hết sức bi thảm. Chính sách của Diệu Thuý viết: “Dục khiết hà tằng khiết, vân không vị tất không; Khả liên kim ngọc chất, chung hãm náo nê trung”. Còn trong Hồng lâu mộng khúc tử thì nói Diệu Ngọc “Đáo đầu lai y cựu thị phong trần khảng tang vi tâm nguyện, hảo nhất tựa vô hà bạch ngọc tao nê hãm, hựu hà tu vương tôn công tử thán vô duyên”.[70] Đây chính là bằng chứng nói trước chuyện 80 hồi sau Diệu Ngọc trầm luân đọa lạc. Diệu Ngọc là một người thanh sạch đệ nhất trong thế giới lí tưởng Đại Quan Viên, và sau khi thế giới đó tan vỡ  lại là người lưu lạc vào chốn ô uế nhất của thế giới hiện thực. Chỉ riêng ở trường hợp nhân vật này cũng có thể thấy được bút pháp tạo thế tương phản mãnh liệt trong tạo dựng hình tượng hai thế giới đối lập trong tác phẩm.

Nói tóm lại, tiểu thuyết Hồng lâu mộng chính là một sự miêu tả quá trình hình thành, phát triển và cuối cùng tan vỡ của thế giới lí tưởng. Nhưng thế giới lí tưởng đó ngay từ đầu đã không tách rời khỏi thế giới hiện thực: Vườn Đại Quan hương thanh quả khiết vốn là kiến thiết trên nền bẩn thỉu Hội Phương Viên. Mà trong suốt quá trình vun đắp phát triển của vườn, hoa thanh quả khiết của vườn cũng không ngừng bị rình rập phá bẻ bởi bao bàn tay nhớp nhúa bên ngoài. Thanh khiết mọc lên từ ô uế, sau cùng cũng đàn

0