Hải đăng Alêchxanđri 1
Hải đăng Alêchxanđri một trong bảy kì quan của thế giới cổ đại: tháp đèn biển được xây dựng xong năm 285 tCn. trên đảo Pharôt (Pharos) ở Alêchxanđri (Alexandrie) – thành phố cảng đầu tiên của Ai Cập, trên đường biển qua lại của tàu thuyền người Phênixi (Phénicie) đi từ Tyrơ (Tyr) và từ ...
Hải đăng Alêchxanđri một trong bảy kì quan của thế giới cổ đại: tháp đèn biển được xây dựng xong năm 285 tCn. trên đảo Pharôt (Pharos) ở Alêchxanđri (Alexandrie) – thành phố cảng đầu tiên của Ai Cập, trên đường biển qua lại của tàu thuyền người Phênixi (Phénicie) đi từ Tyrơ (Tyr) và từ Xyđông (Sydon) về hướng bờ biển Châu Phi; tác giả là kiến trúc sư người Hi Lạp Xôxtơratut ở Xniđut (Sostratus of Cnidus). Đó là một tháp ba tầng, cao 130 m. Tầng dưới là một toà nhà, mỗi chiều dài 30 m xây bằng những viên đá vôi lớn. Tầng hai xây theo kiểu lầu bát giác bằng đá hoa cương. Tầng ba dặt ngọn đèn hình trụ có vòm che. Trên nóc vòm là tượng thần biển Pôxâyđông (Poséidon) bằng đồng cao 7 m, vòm có những cột đá hoa cương đỡ, không có tường bao quanh để ánh sáng của đèn chiếu khắp nơi nhờ một hệ thống mặt gương bằng kim khí phản chiếu, vì thế ở cách xa 60 km người đi biển vẫn trông thấy. Năm 1302, do động đất, Hải đăng Alêchxanđri đã bị sập đổ. Tên đảo Pharôt, nơi đặt ngọn hải đăng đầu tiên của nhân loại, đã trở thành một danh từ chung trong một số ngôn ngữ ở Châu Âu (như Ph. Phare, N. fara: đèn chiếu).
(theo “Từ điển bách khoa Việt Nam”, tập 2, xuất bản năm 2002, và “Grand dictionnaire encyclopédique Larousse”).