Gốm hóa thủy tinh, thành phố biến mất vì "lửa vũ trụ"
Siêu thảm họa từ vũ trụ là nguyên nhân khiến cụm thành phố và thị trấn Tall el-Hammam huyền thoại biến mất chỉ trong tích tắc. Một nhóm nghiên cứu quy mô lớn đến từ Đại học Bắc Arizona, Đại học DePaul, Đại học Bang Elizabeth City (Mỹ), Đại học Trinity Southwest, Viện Khai thác và Công nghệ New ...
Siêu thảm họa từ vũ trụ là nguyên nhân khiến cụm thành phố và thị trấn Tall el-Hammam huyền thoại biến mất chỉ trong tích tắc.
Một nhóm nghiên cứu quy mô lớn đến từ Đại học Bắc Arizona, Đại học DePaul, Đại học Bang Elizabeth City (Mỹ), Đại học Trinity Southwest, Viện Khai thác và Công nghệ New Mexico (New Mexico) và Nhóm nghiên cứu sao chổi đã lần theo các vết tích còn lại của một nền văn minh trù phú từng tồn tại khoảng hàng ngàn năm trước bên bờ Biển Chết.
Khu vực từng là thành phố cổ trù phú biến mất chỉ sau vài giây - (ảnh: LIVE SCIENCE).
Đó là một cụm thành phố và thị trấn mang tên Tall el-Hammam, tọa lạc trên một miền đất mang tên Middle Ghor, phía Bắc Biển Chết.
Di tích còn lại của thành phố này đa số chỉ là những mảnh vỡ rất nhỏ và vô cùng kỳ dị. Đó là các mảnh gốm tuổi đời 3.700 mà bề mặt bị một thứ "phép thuật" nào đó biến thành thủy tinh. Các mảnh zircon, một thành phần trong gốm thì như đã bị bốc hơi và biến thành khí cũng từ mốc 3.700 năm đó, một phản ứng mà phải bị nung nóng ở nhiệt độ 4.000 độ C mới có thể xảy ra!
Nhờ thêm một số manh mối khác, các nhà khoa học xác định vào cái mốc 3.700 năm định mệnh đó, một nguồn nhiệt cực kỳ mạnh mẽ và ác hiểm từ… vũ trụ là thủ phạm đã thổi bay thành phố này. Đó là một dạng luồng khí vũ trụ ập vào khu vực Tall el-Hammam, xóa sổ khoảng 500km2 thành đô trù phú chỉ trong vài giây.
Với niên đại đó, khoảng đất định cư bị xóa sổ là vô cùng lớn đối với dân số ít ỏi của loài người thời điểm đó. Tất nhiên với những thay đổi khủng khiếp trên gốm và đất, hy vọng tìm thấy dấu tích của con người chỉ là con số 0.
Minh họa về luồng khí vũ trụ - (ảnh: SHUTTERSTOCK).
Thảm họa còn khiến nước muối siêu mặn đầy anhydride của Biển Chết dâng lên, phá hủy toàn bộ đất nông nghiệp từng trù phú. "Dựa trên bằng chứng khảo cổ học, phải mất ít nhất 600 năm để thiên nhiên phục hồi đầy đủ từ sự phá hủy đất và ô nhiễm, trước khi nền văn minh một lần nữa có thể được thành lập ở miền đông Middle Ghor" – nhóm nghiên cứu cho biết.
Luồng khí vũ trụ được cho là giả thuyết khả dĩ duy nhất bởi người ta không tìm thấy bất kỳ dấu tích nào của các dạng thảm họa từ vũ trụ khác như hố hiên thạch hay vết tích từ thảm họa sao chổi.