Gioóc Béccơly (1685 - 1753)
Gioóc Béccơly (1685 - 1753) Gioóc Béccơly (George Berkeley) là nhà triết học nổi tiếng người Anh một đại biểu điển hình của chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Ông sinh năm 1685 trong một gia đình quý tộc ở miền Nam Ailen. Ngay từ năm 15 tuổi, ông theo học tại trường tổng hợp Đublin ...
Gioóc Béccơly (1685 - 1753)
Gioóc Béccơly (George Berkeley) là nhà triết học nổi tiếng người Anh một đại biểu điển hình của chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Ông sinh năm 1685 trong một gia đình quý tộc ở miền Nam Ailen. Ngay từ năm 15 tuổi, ông theo học tại trường tổng hợp Đublin
Gioóc Béccơly (George Berkeley) là nhà triết học nổi tiếng người Anh một đại biểu điển hình của chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Ông sinh năm 1685 trong một gia đình quý tộc ở miền Nam Ailen. Ngay từ năm 15 tuổi, ông theo học tại trường tổng hợp Đublin. Ở đây ông say mê nghiên cứu thần học, toán học và triết học cho đến cuối đời. Ông có nhiều tác phẩm như Kinh nghiệm của thuyết thị giác mới (1709), Khái niệm về các nguyên lý của nhận thức con người (1710) V.V..
a, Quan niệm của Béccơly về thế giới
Chịu nhiều ảnh hưởng của các xu hướng phê phán các quan niệm triết học cũ, Béccơly sử dụng ngay lập trường duy cảm của các nhà duy vật Anh để chống lại họ và các hệ thống siêu hình học. Lợi dụng sự dao động của Lốccơ trong việc phân chia các đặc tính của sự vật thành các “chất có trước” và các “chất có sau” Béccơly tìm cách chứng minh không những các “chất có sau’’ mà ngay cả các “chất có trước’' cũng hoàn toàn mang tính chủ quan của con người. Theo ông, sở dĩ chúng ta có thể nhận thức được sự vật, bởi vì chúng tương đồng với con người. Do vậy, chúng thuộc về và thông qua con người.
Từ đây, Béccơly khẳng định nguồn gốc hoàn toàn chủ quan của mọi sự vật trong thế giới chúng ta, coi chúng chỉ là hiện thân của cảm giác con người. “Tôi hiểu ý niệm là bất kỳ sự vật nào được cảm giác hay tưởng tượng... Sự tồn tại của các sự vật không khác gì với sự tưởng tượng cảm tính hay tri giác”. Nói cách khác, tất cả các đặc tính của sự vật không tồn tại khách quan, chỉ tồn tại trong ý thức con người. Bản thân toàn bộ thế giới tự nhiên được Béccơly coi là tổ hợp của cảm giác con người. Nhưng con người ở đây được hiểu theo nghĩa cá thể. Trên thực tế, hầu như Béccơly đã đứng trên lập trường duy ngã, coi toàn bộ vũ trụ chỉ là hiện thân của một cá thể.
Xuất phát từ quan niệm trên, Béccơly đưa ra luận điểm cho rằng, đối với sự vật thì "tồn tại nghĩa là được cảm nhận” (esse est percipi). “Khi tôi nói rằng, cái bàn mà tôi đang viết trên nó đang tồn tại thì điều đó có nghĩa rằng tôi đang nhìn và đang cảm giác được nó: và nếu như tôi đi ra khỏi căn phòng của mình, nếu tôi nói là cái bàn đang tồn tại: thì tôi có hàm ý rằng nếu như tôi ở trong căn phòng cùa mình, thì tôi có thể cảm nhận nó,... ở đây có mùi có nghĩa là tôi đang ngửi thấy, ở đây có âm thanh nghĩa là tôi đang nghe thấy” . Mọi quan niệm duy vật khẳng định tồn tại khách quan của thế giới đều bị Béccơly phê phán, ông nói: ”Một điều kỳ lạ là trong nhiều người có ý kiến cho rằng, các ngôi nhà, sông núi, tóm lại các sự vật cảm tính lại có được sự tồn tại hiện thực mang tính tự nhiên khác với sự tồn tại mà lý tính đang cảm nhận chúng, tôi cho rằng tất cả sự vật cấu thành vũ trụ không có sự tồn tại bên ngoài tinh thần”.
b, Nhân bản học và nhận thức luận
Coi toàn bộ thế giới chỉ là tổ hợp các cảm giác của con người, Béccơly đưa ra nguyên lý: đối với linh hồn con người thì “tồn tại nghiã là cảm nhận". Linh hồn chỉ tồn tại khi nó cảm nhận các sự vật khác, và cũng chỉ khi nó bắt đầu cảm nhận thì trong chúng ta mới có được các tri thức về sự vật.
Quá đề cao cảm giác, Béccơly đã đồng nhất toàn bộ các ý niệm của con người với các cảm giác, ở ông hai khái niệm trên được coi là đồng nhất với nhau. Bản thân các cảm giác cấu thành các khái niệm trừu tượng và thực chất đây củng chỉ là kết quả so sánh và phân tích các cảm giác. Con người được cấu từ linh hồn và thể xác, trong đó thể xác thuộc về các vật thể tự nhiên, tức là các cảm giác. Do vậy, thể xác tồn tại là nhờ linh hồn cảm nhận nó, vì thế, nó phải tuân theo “cái gậy chỉ huy” của linh hồn. Mặc dù các ý niệm, tức các cảm giác tồn tại trong linh hồn, tuy nhiên chúng khác với linh hồn, bởi vì linh hồn là cơ chất và nền tảng “nuôi dưỡng” các ý niệm, cảm giác.
Một trong những phương pháp nhận thức cơ bản đó là phương pháp trừu tượng điển hình. Theo đó để nhận thức một nhóm các sự vật có cùng chung các đặc tính giống nhau nhất định, chúng ta chỉ cần nhận thức một vài sự vật tiêu biểu trong số đó.
Theo Béccơly, chân lý là sự phù hợp giữa sự suy diễn của chúng ta về sự vật với chính bản thân sự vật đó tồn tại trên thực tế. Nhưng từ chỗ phủ nhận tồn tại khách quan về sự vật, ông đi đến phủ nhận tồn tại khách quan của chân lý. Tri thức được coi là đúng, khi nó thoả mãn một trong các tiêu chuẩn sau: a) Tính rõ ràng cả các tri giác cảm tính; b) Tính đồng thời của các tri giác gần như là giống nhau ở một vài người; c) Sự tương đồng của nhiều cảm giác với nhau; d) Tính đơn giản và dễ hiểu; e) Sự phù hợp với ý chúa và tuần theo ý chúa. Trong tất cả các tiêu chuẩn chân lý trên thì tiêu chuẩn phù hợp với ý chúa là quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất.
b, Bước chuyển của Béccơly sang chủ nghĩa duy tâm khách quan
Thực ra ngay từ đầu chủ nghĩa duy tâm của Béccơly không hoàn toàn đồng nhất với lập trường duy ngã. Càng về sau các quan niệm của ông càng ngả sang hướng duy tâm khách quan với sự thừa nhận tồn tại của Thượng đế, cũng như sự có thực của các chủ thể khác ngoài bản thân ông. Quan niệm của ông về tồn tại cũng như thay đổi với việc thừa nhận Thượng đế là tồn tại tối cao, đứng trên toàn bộ hiện thực, ông coi toàn bộ các tác phẩm của mình là vô ích, nếu như chúng “ không khêu gợi cho các độc giả, thực tâm tin vào sự hiện diện và kính nể chúa..., và sự hoàn thiện tối cao của bản chất con người là ở việc nhận thức và thực hiện các giáo lý trong Phúc âm”.
Tuy vậy, về cơ bản Béccoly là một đại biểu điển hình của chủ nghĩa duy tâm chủ quan thời cận đại. Các quan niệm của ông, mặc dù có nhiều hạn chế như Lênin đã nhiều lần kịch liệt phê phán, song chúng đóng vai trò to lớn trong việc phê phán sự bất lực và hạn chế của các quan niệm triết học và khoa học truyền thống trong bối cảnh lịch sử cuối thế kỷ XVII - đầu thế kỷXVII ở Tây Âu. Chúng ta thấy thêm ảnh hưởng của các quan niệm của Béccơly khi nghiên cứu thế giới quan của Đavít Hium.
soanbailop6.com