25/05/2018, 17:16

Giống chuối hột

Cây chuối hột Cây chuối hột từ xa xưa đã được người Việt Nam sử dụng quả trong việc điều trị một số bệnh về gan, thận, viêm đa khớp và bệnh tiểu đường. Quả chuối hột (hay còn được gọi là chuối chát) thường được dân gian dùng để chữa bệnh sỏi thận bằng cách dùng hạt ...

 Cây chuối hột

Cây chuối hột từ xa xưa đã được người Việt Nam sử dụng quả trong việc điều trị một số bệnh về gan, thận, viêm đa khớp và bệnh tiểu đường.

Quả chuối hột (hay còn được gọi là chuối chát) thường được dân gian dùng để chữa bệnh sỏi thận bằng cách dùng hạt nấu nước uống trong vài tháng. Ngoài ra,chuối hột cũng có tác dụng chữa một số bệnh khác như cảm sốt, táo bón, hắc lào.

1. Chuẩn bị đất trồng:

Cày sâu 30 – 40 cm, bừa kĩ, nhặt sạch cỏ. Đào hố sâu 40 – 50 cm, rộng 60 – 80 cm với đất đồi, sâu 30 – 40 cm, rộng 40 – 50 cm đối với đất đồng bằng. Bón lót cho một hố 10 – 15 kg phân chuồng hoai mục + 0.2 kg supe lân + 0.1 kg clorua kali. Trộn đều phân bón với lớp đất mặt rồi lấp hố lại, mặt hố phải sâu hơn mặt đất 10 – 15 cm.
Chọn cây con: Nên chộn cây con trên cây mẹ khỏe, không sâu bệnh nhất là bệnh chùn đọt chuối. Cây cao 1.2 – 1.5m, hình búp măng, gốc to, đường kính thân đi cách gốc 20 cm là 15 – 20 cm, ngọn nhỏ, đang có lá cuốn.
Hoặc có thể trồng bằng các giống nuôi cấy mô để đảm bảo giống sạch bệnh.
Thời gian đánh cây tốt nhất là sau khi thu hoạch buồng ở cây mẹ, không nên đánh cây con lúc cây mẹ chưa trổ buồng hoặc đang trổ buồng để tránh ảnh hưởng đến năng suất và sinh trưởng của cây mẹ. Dùng cuốc mai thuổng đánh để vết thương trên cây con là nhỏ nhất.
Xử lí cây con: gọt hết rễ trên củ, cắt ½ lá, để nguyên lá cuốn, dựng vào nơi râm mát, tránh xây xát, giập nát củ và bẹ lá. Vùi gốc chuối con vào tro bếp khô nguội hoặc ngâm vào dung dịch 666 – 6% pha tỉ lệ 1/50 trong một phút rồi đem trồng.

2. Thời vụ trồng:

Ở miền Bắc trồng vào vụ thu (tháng 8, 9, 10) là chính. Vụ xuân trồng vào tháng 2 -3, cây dễ bén rễ, đạt tỉ lệ sống cao, song khi ra hoa gặp rét nên năng suất thấp, thậm chí không cho thu hoạch.
Mật độ trồng: 2.5 x 2 m hay 3 x 2 m. Sau khi thu hoạch vụ thứ nhất chừa lại 90 cây con/ sào bắc bộ là vừa.
Chăm sóc sau khi trồng: khi trồng chú ý đào hố nhỏ, vừa với gốc chuối, đặt cây con vào hố lấp đất vừa quá cổ gốc và lèn chặt, không được lấp quá sâu. Khi trồng nên đặt mặt cắt củ về một phía, để chuối trổ buồng về phía đối diện, tiện lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch.
Sau trồng tưới nước giữ ẩm cho cây, cách một ngày tưới nước một lần cho đến khi bén rễ ( trong 2 tuấn đầu)
Làm cỏ: sau khi trồng một tháng làm cỏ lần đầu tiên, sau đó cách 1.5 tháng đến 2 tháng làm cỏ một lần, giữ cho vườn sạch cỏ. Có thể trồng xen lạc, đỗ tương hoặc các loại rau tăng thu nhập và chống cỏ dại cho vườn chuối.

3. Bón phân:

Liều lượng bón cho 1 cây/năm

- 150 – 200g đạm nguyên chất tương đương với 300 – 400 g ure .
- 50 – 100 g lân nguyên chất tương đương với 250 – 500 g supe lân.
- 200 – 270 g kali nguyên chất tương đương với 400 – 500 g sunfat kali.
Bón 3 lần vào các thời điểm:
- Sau khi trồng cây hồi xanh. Với vườn chuối cũ thì bón sau mùa đông cho đến trước lúc cây bắt đầu sinh trưởng lại ( đầu tháng 2 – 3)
- Bón thúc: giai đoạn sinh trưởng mạnh, chuẩn bị bước vào thời kì phân hóa mầm hoa( tháng 5)
- Bón thúc cho quả: sau khi đã ra buồng.
Phân đạm bón thành 3 lần : rải theo hàng bón nông lên mặt lấy cuốc lật đất hoặc hòa loãng để tưới cho cây con. Còn lân và kali chỉ cần bón một lần với phân chuồng vào cuối năm.

4.Tỉa mầm:

Là một biện pháp kĩ thuật quan trọng nhưng ít được chú ý. Để tránh ảnh hưởng đến cây mẹ, nguyên tắc chung là chỉ để lại 1 – 2 cây con trên một gốc để thay thế cây mẹ. Phải làm sớm, đánh đi những mầm yếu, ra không đúng thời vụ.
Cắt bỏ hoa đực : sau khi trổ buồng chuối có khoảng 7 – 8 nải hoặc 11 – 12 nải lần lượt nở gồm toàn hoa cái. Sau đó nở hoa đực, cần cắt bỏ, có thể làm tăng trọng lượng buồng 3 -5%. Nên cắt vào buổi trưa để chóng khô nhựa, nấm bệnh khó xâm nhập vào cuối buồng.
Thu hoạch: chuối trổ buồng vào các tháng hè thu, sau 2.5 – 3 tháng là có thể thu hoạch; cuối thu đầu đông phải 4 – 4.5 tháng. Độ chín để thu hoạch phụ thuộc vào yêu cầu tiêu thụ. Để xuất khẩu quả tươi phải đạt độ già 75 – 80%, quả hơi tròn cạnh, trắng ngà. Để tiêu thụ trong nước và chế biến độ già phải đạt 85 – 90%, quả đã tròn cạnh, ruột quả màu vàng.

Sâu, bệnh hại cây chuối hột

1. Sâu hại chuối:

- Sâu vòi voi hay còn gọi là sâu đục thân chuối. Sâu trưởng thành và ấu trùng sâu phá hại mạnh vào ban đêm, đục vào thân cây tạo thành các nốt màu đen, làm cho cây không phát triển được nữa. Sâu vòi voi phát sinh mạnh vào mùa khô hạn.
Phòng trừ: Làm vệ sinh vườn, tìm bắt sâu trưởng thành bằng cách buổi tối đặt bẫy bằng khúc thân tại gốc chuối, sáng sớm ra rũ sâu tiêu diệt. Có thể sử dụng các loại thuốc hạt Furadan 3G hay Basudin 5H rải vùi sâu gần gốc chuối. Dùng Padan và Actara tưới vào gốc chuối và nách lá, nên tưới vào buổi chiều.
- Bọ nẹt: Bọ cắn phá lá, hại hoa và thân chuối.
Phòng trừ: Phun Sherpa, Trebon theo khuyến cáo trên bao bì.
- Bọ vẽ: Là loại côn trùng cánh cứng, nhỏ như hạt đỗ, màu đen hoặc nâu đen. Bọ gặm vỏ quả khi hoa vừa kết tạo thành vết sẹo vằn vèo trên vỏ quả, làm mất giá trị thương phẩm.
Phòng trừ: Phun Sherpa, Decamethirin 01- 0,15% Dipterex để diệt sâu, cũng có thể bắt bằng tay.
- Tuyến trùng ở rễ: hại rễ làm cây vàng úa và chết.
Phòng trừ: Xử lý cây con trước khi trồng hoặc xử lý đất trước khi trồng bằng cách dùng Furadan 3G hay Basudin 10H với liều lượng 30 kg/ha cứ 6 tháng xử lý một lần.

2. Bệnh hại chuối:

- Bệnh chuối rụt hay bệnh chùn đọt. Đây là bệnh do vi rut, véc tơ truyền bệnh là rệp Pentalonia nigrinervora. Khi bị bệnh này là cây ngày càng nhỏ, ngắn, cây không thể ra hoa được, nếu ra hoa đậu quả thì quả cũng dị dạng, quả nhỏ và không ăn được. Hiện nay không thể chữa khỏi bệnh này, chỉ nên đào bỏ mang ra khỏi vườn, xử lý đất trồng rồi trồng lại.
- Bệnh khảm lá: Bệnh do vi rút lan truyền qua đường tiếp xúc cơ học, côn trùng môi giới là rệp bông, qua chồi cây và qua tàn dư cây bệnh. Bệnh phát triển mạnh vào tháng 2 - 4 và tháng 9- 11. Khi bị bệnh lá cây biến dạng, dẫn đến thối thân.
Phòng trừ: chọn cây khoẻ mạnh, loại bỏ những cây nhiễm bệnh. Bón phân đầy đủ cân đối để cây phát triển.
- Bệnh đốm lá: Do nấm Cercosprora musae zinm gây ra, hại thân lá. Bệnh thường hại từ lá già sang lá non làm cho số lá xanh trên cây giảm dẫn đến giảm năng suất.
- Phòng trừ: Cắt lá khô đem đốt, đảm bảo vườn sạch sẽ. Phun Boocđo định kỳ nồng độ 2%, có thể dùng Benlate, Maneb hay Derosal theo khuyến cáo trên bao bì.

0