Giòn tan đặc sản bánh phồng tôm Đất Mũi
Thời điểm này, các làng nghề làm bánh phồng tôm tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển (Cà Mau) lại tất bật chuẩn bị hàng hóa để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Ông Lê Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, cho biết tại địa phương hiện có 10-15 hộ làm bánh phồng tôm, sản xuất tùy ...
Thời điểm này, các làng nghề làm bánh phồng tôm tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển (Cà Mau) lại tất bật chuẩn bị hàng hóa để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Ông Lê Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, cho biết tại địa phương hiện có 10-15 hộ làm bánh phồng tôm, sản xuất tùy theo thời vụ, tập trung nhiều nhất ở xã Tân Ân Tây, Tam Giang Tây và thị trấn Rạch Gốc. Đây là nghề truyền thống, giải quyết cho lao động nông thôn từ 40-70 người, sản lượng từ 15- 20 tấn/năm.
Theo các hộ làm nghề lâu năm, bánh phồng tôm được bà con sản xuất quanh năm, cao điểm nhất từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch để phục vụ Tết, thời điểm này nhiều hộ làm không xuể do lượng hàng khách đặt rất lớn.
Ông Lâm Ngọc Thạnh (ngụ ấp Ông Định, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển), cho biết: “Gia đình tôi đã có hơn 15 năm theo nghề làm bánh phồng tôm, quá trình sản xuất luôn đảm bảo giữ đúng hương vị truyền thống, chú trọng đến chất lượng nguyên liệu đầu vào, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất".
Mùa Tết năm nay, mỗi ngày gia đình ông làm khoảng 30 kg bánh phồng tôm thành phẩm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Do chất lượng đã được khách hàng tin tưởng, ưa chuộng nên lượng hàng đặt ngày càng nhiều, các tỉnh ở phía Bắc và TP.HCM cũng là thị trường tiêu thụ thường xuyên của các hộ ở đây.
Nguyên liệu sản xuất rất đơn giản, chỉ gồm bột năng, tôm tươi và gia vị, nhưng qua bàn tay khéo léo của người thợ lại cho ra miếng bánh phồng tôm thơm ngon độc đáo.
Phải đảm bảo nhồi bột từ 15 phút trở lên để bột và tôm quyện vào nhau.
Sau khi bột đã sẵn sàng, người làm bánh chuẩn bị nồi nước sôi, sử dụng hơi nóng để tráng bánh.
Trong thời gian khoảng 2 phút là bánh chín và được đưa lên giàn đứng để phơi. Bánh được phơi trên giàn đứng khoảng 3 tiếng đủ nắng thì sẽ được đem vào cắt nhỏ thành từng miếng, kích thước khoảng 3x6 cm.
Sau đó tiếp tục được đem ra phơi ngoài giàn trong thời gian 1 nắng (1 ngày đủ nắng) để bánh khô hẳn.
Bánh phồng tôm Đất Mũi vẫn giữ được hương vị truyền thống, mùi vị đậm đà của miền biển, có màu đỏ hồng của tôm (tỷ lệ tôm nhiều hơn những nơi khác). Bánh phồng tôm được bán với giá 80.000 đồng/kg.
Theo Chúc Ly/Dân Việt