GiỚi tỪ lÀ gÌ? ranh giỚi giỮa giỚi tỪ vÀ liÊn tỪ
GIỚI TỪ LÀ GÌ? Khái niệm: Giới từ là từ dùng để thể hiện sự liên quan giữa các từ loại trong câu. Ví dụ: Của (quyển vở của tôi), ở (quyển sách để ở trong cặp),... RANH GIỚI GIỮA GIỚI TỪ VÀ LIÊN TỪ Giới từ, mặc dù được phát biểu khác nhau đôi chút giữa các học giả nhưng tựu trung lại, ...
GIỚI TỪ LÀ GÌ?
Khái niệm: Giới từ là từ dùng để thể hiện sự liên quan giữa các từ loại trong câu.
Ví dụ: Của (quyển vở của tôi), ở (quyển sách để ở trong cặp),...
RANH GIỚI GIỮA GIỚI TỪ VÀ LIÊN TỪ
Giới từ, mặc dù được phát biểu khác nhau đôi chút giữa các học giả nhưng tựu trung lại, đều biểu thị khái niệm: là những từ được dùng để đánh dấu quan hệ chính phụ.
Theo đó, giới từ có mặt trong những câu kiểu như:
(1) Anh ấy đứng ngoài vườn (Trần Trọng Kim)
(2) Cây viết của tôi (Bùi Đức Tịnh)
(3) Viết bằng bút chì (Nguyễn Kim Thản)
(4) Nếu thật sự muốn đi tìm chân lý thì tuy thù đồ nhưng nhất định sẽ đồng quy (Cao Xuân Hạo)
Như vậy, có thể thấy giới từ được dùng để đánh dấu quan hệ chính phụ. Quan hệ chính phụ ở đây có thể là giữa một ngữ danh từ với định ngữ của nó (2), giữa một ngữ vị từ với bổ ngữ của nó (1, 3), giữa câu với trạng ngữ của nó (4).
Trong khi đó, liên từ thường được hình dung là từ dùng để liên kết các ngữ đoạn (ngữ, cấu trúc đề thuyết) đẳng lập với nhau. Như vậy, liên từ xuất hiện trong những câu kiểu như:
(5) Ăn và mặc là sự nhu yếu của người ta (Trần Trọng Kim)
(6) Ai cũng biết rằng người khôn hơn loài vật (Trần Trọng Kim)
(7) Anh Nam nó còn nể nữa là anh (Cao Xuân Hạo)
Xét trên tiêu chí ngữ nghĩa, các tác giả như Nguyễn Thị Quy, Cao Xuân Hạo, ... cho rằng giới từ là tác tử đánh dấu cách, hoặc có thể gọi bằng các tên khác như chuyển tố, từ đánh dấu các vai nghĩa.
Chẳng hạn, xem xét các vai nghĩa được giới từ đánh dấu như sau:
(8) Tôi học tập tốt để ngày mai lập nghiệp (vai nghĩa mục đích)
(9) Hắn đánh ông ta bằng một khúc củi to (vai nghĩa công cụ)
(10) Con đã sửa xe cho mẹ (vai nghĩa người hưởng lợi)
(11) Gửi đến anh một món quà giá trị (vai nghĩa người nhận)
(12) Băng qua một con suối (vai nghĩa lối đi)
So sánh với sự thể hiện của liên từ trong những câu kiểu như:
(13) Tôi và anh cùng yêu mến cô ấy
(14) Anh ăn cháo hay ăn cơm?
(15) Hắn nói thế nhưng hắn chẳng nghĩ thế chút nào
(16) [...] Và trong một buổi sáng như thế, mẹ đã đưa tôi đến trường
Có thể thấy, liên từ mặc dù vẫn biểu đạt quan hệ ngữ nghĩa giữa các ngữ đoạn, các câu lại với nhau (chẳng hạn nhưng là từ báo hiệu điều sắp nói ra là trái ngược với điều có thể gợi ra từ cái đã nói) nhưng nó không đảm nhiệm vai trò đánh dấu vai nghĩa. Và vì vậy, chức năng nổi bật của nó vẫn chỉ là nối kết các ngữ đoạn, các câu lại với nhau để diễn đạt mối quan hệ ý nghĩa giữa các thành phần này mà thôi.
Tóm lại: Bài viết này có mục đích chỉ ra những điểm khác biệt giữa giới từ và liên từ. Việc phân biệt được giới từ và liên từ thực sự quan trọng trong việc biểu thị ngữ nghĩa hay diễn tả ý nghĩa câu văn.