03/06/2017, 18:06

Giới thiệu về Đại Thi Hào Nguyễn Du

Đại thi hào Nguyễn Du sinh ngày 23-11 năm ất Dậu (3-1-1766), mất 1820, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên (có tài liệu nói Trai Hiên) quê nội ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Quê ngoại ở vùng Kinh Bắc văn vật, chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 13 cây số đường chim bay. Đó là làng Kim Thiều, xã Hương Mặc, ...

Đại thi hào Nguyễn Du sinh ngày 23-11 năm ất Dậu (3-1-1766), mất 1820, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên (có tài liệu nói Trai Hiên) quê nội ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Quê ngoại ở vùng Kinh Bắc văn vật, chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 13 cây số đường chim bay. Đó là làng Kim Thiều, xã Hương Mặc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Đây cũng là nơi Nguyễn Du sống những năm tháng thơ ấu. Vùng đất văn vật này có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc đời thơ văn của Nguyễn Du.

Đến với làng Kim Thiều, chúng tôi như được trở về với một không khí của ký ức Nguyễn Du vốn vẫn là cái nhịp điệu lách cách gần chục thế kỷ của một làng nghề sản xuất đồ gỗ chạm khắc. Chúng tôi đến được nhà thờ họ Trần để dự buổi giỗ Tổ. Trong tộc phả, có ông Trần Phi Nhỡn từng là thượng thư bộ Hộ, với tước hiệu Đông các Điện học sĩ, Nhập thị Kinh Điện (vào cung dạy vua). Đó là tổ ngoại của đại thi hào Nguyễn Du.
 
Gặp các gương mặt trai đinh họ Trần và các cụ cao tuổi, các thợ chạm gỗ lành nghề, các vị lãnh đạo xã, những người đang làm việc trong nhiều cơ quan, cơ sở sản xuất, là dân địa phương này, đều thể hiện chung vẻ tôn ti của một trật tự dòng họ. Lễ dâng hương được tiến hành, sau đó là những câu chuyện của các lớp hậu duệ họ Trần tự hào với tổ tiên và đại thi hào Nguyễn Du. Đứng trước hiên nhà thờ, các cụ cao tuổi chỉ ra cánh đồng và nói một điều đáng suy nghĩ: "Không biết đương thời cụ Nguyễn Du nhà chúng tôi đã được nhân dân cảm mến tài năng chưa, nhưng trước minh đường nhà thờ họ Trần còn lưu lại một cánh đồng thẳng cánh cò bay có tên là "Cánh đồng Hiên", chúng tôi luôn chạnh lòng nhớ đến Thanh Hiên. Biết đâu cái thái ấp của người cha là tể tướng Nguyễn Nghiễm đã có ý đó để lại cho con là Nguyễn Du một ý thức tự lập cho tên hiệu Thanh Hiên ví với "mầu xanh trước hiên nhà quê ngoại" của mình như một ký ức ở quê hương thứ hai này".
 
Làng Kim Thiều, quê mẹ Nguyễn Du có tên chữ là Hoa Thiều, tên Nôm là làng Mấc, thuộc xã Ông Mặc, trấn Kinh Bắc xưa. Quê ngoại đã cho Nguyễn Du cùng các anh em của ông cái danh giá thứ hai (sau danh giá gia đình đại quý tộc), đó là niềm tự hào của một vùng quê làng nghề chạm khắc gỗ vừa có lắm nghệ nhân, vừa có nhiều danh sĩ khoa bảng nối đời phụng sự quốc gia; toàn xã có 22 tiến sĩ kể từ thời nhà Trần đến thời nhà Nguyễn (Danh công truyện ký). Thời nay, số giáo sư, tiến sĩ trong các lĩnh vực cũng gần gấp đôi con số đó. Tại xã có 11 di tích được Nhà nước và tỉnh xếp hạng thì chín di tích thuộc về các dòng họ như Đàm (Đàm Thận Huy), Nguyễn (Nguyễn Giản Thanh), Đỗ (Đỗ Đại Uyên), Nguyễn Hữu (Mai Động, Trần (Trần Ngạn Húc)... trong đó dòng họ Trần đã có duyên gá kết phu thê cho người con gái là Trần Thị Tần (có sách nói Trần Thị Thấn), của họ mình với quan tể tướng Nguyễn Nghiễm (triều Lê). Ngay tại làng Kim Thiều, truyền tích vẫn nói tể tướng Nguyễn Nghiễm lấy bà Trần Thị Tần là trắc thất (vợ ba), bà Tần thuộc hệ thứ 11 theo bản phả họ Trần ở Hoa Thiều và bản phả của họ Nguyễn ở Tiên Điền thì tể tướng Nguyễn Nghiễm có vợ cả, vợ hai là hai chị em ruột gái họ Đặng: Đặng Thị Dương và Đặng Thị Thuyết. Nguyễn Nghiễm có 8 vợ và 21 người con.
 
Nhiều bộ phả của các dòng họ làng Hoa Thiều và toàn xã Ông Mặc có nói về gái vùng này thường được kén vào cung làm phi, thiếp. Quan tể tướng Nguyễn Nghiễm kết duyên với Trần Thị Tần và từ đây anh chị em của Nguyễn Du ra đời với thứ tự Nguyễn Trụ, Nguyễn Nễ, Nguyễn Thị Diên, Nguyễn Du và Nguyễn ức. Chuyện cũ còn chép: Gia đình Nguyễn Du sống ở phường Bích Câu, Thăng Long và thường về quê ngoại. Nguyễn Du sinh ra tại làng Kim Thiều, 6 tuổi mới về Thăng Long.
 
Thân phụ tạ thế lúc Nguyễn Du mới 10 tuổi, hai năm sau vì sầu thương, mẹ của Nguyễn Du cũng qua đời. Anh em Nguyễn Du rơi vào cảnh mồ côi, bần hàn. Có ý kiến nói Nguyễn Du ở quê ngoại, đã phải đi đục gỗ, ghép tranh...
 
Nguyễn Du đỗ tam trường lúc 19 tuổi, được bổ làm chánh thư hiệu ở Thái Nguyên, năm 1784. Một năm sau thì về quê vợ ở Thái Bình. Quá 30 tuổi Nguyễn Du mới ra làm tri huyện ở tỉnh Thái Bình, rồi thăng tri phủ Thường Tín (tỉnh Hà Đông), sau được giữ chức Đông tri viện học sĩ, được bổ Cai bạ Quảng Bình (1802- 1812), năm 1813 được phong Cần Chánh điện học sĩ, được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Cuộc đi sứ này đã giúp ông thu thập nhiều tài liệu để sáng tác, trong đó có Bắc hành tạp lục, Nam Trung tạp ngâm... Ông có nhiều công trình nghiên cứu và sáng tác, nhưng "Truyện Kiều" sáng giá hơn cả. Năm 1820, khi ông chuẩn bị đi sứ Trung Quốc thì mắc bệnh đại dịch, mất đột ngột ở tuổi 55.

0