Giới thiệu tóm tắt về VOER - Chương trình tài nguyên giáo dục Mở Việt Nam
Thuật ngữ Học liệu mở (OpenCourseWare) được Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Mỹ) khai sinh vào năm 2002 khi MIT quyết định đưa toàn bộ nội dung giảng dạy của mình lên web và cho phép người dùng Internet ở mọi nơi trên thế giới truy nhập hoàn toàn miễn phí. ...
Thuật ngữ Học liệu mở (OpenCourseWare) được Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Mỹ) khai sinh vào năm 2002 khi MIT quyết định đưa toàn bộ nội dung giảng dạy của mình lên web và cho phép người dùng Internet ở mọi nơi trên thế giới truy nhập hoàn toàn miễn phí. Hiện nay trang web về học liệu mở của MIT có trên 1800 môn học (course) bao gồm bài giảng, lịch học, danh mục tài liệu tham khảo, bài tập về nhà, bài thi, bài thí nghiệm để người dùng có thể tham khảo cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu của mình.
Với tiêu chí “Tri thức là của chung của nhân loại và tri thức cần phải được chia sẻ”, rất nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới đã tham gia phong trào học liệu mở và lập lên Hiệp hội Học liệu mở (OpenCourseWare Consortium) để chia sẻ nội dung, công cụ cũng như phương thức triển khai học liệu mở sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. Giảng viên, sinh viên và người tự học ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là từ các nước đang phát triển như Việt Nam, đều có cơ hội như nhau trong việc tiếp cận các tri thức mới.
Chương trình Tài nguyên giáo dục Mở Việt Nam (Vietnam Open Educational Resources – VOER), hỗ trợ bởi Quỹ Việt Nam (the Vietnam Foundation), có mục tiêu xây dựng kho Học liệu mở của người Việt và cho người Việt, có nội dung phong phú, có thể sử dụng, tái sử dụng và truy nhập miễn phí trước hết trong trong môi trường giảng dạy, học tập và nghiên cứu sau đó cho toàn xã hội.
Cách thức xây dựng nội dung của VOER là sử dụng công cụ phần mềm Hanoi Spring (do Quỹ Việt Nam hỗ trợ phát triển) triển khai trên website http://voer.edu.vn giúp việc xuất bản và chia sẻ nội dung lên Internet một cách mềm dẻo. Về cơ bản nội dung trong hệ thống phần mềm Hanoi Spring sẽ được lưu trữ dưới hai định dạng: 1) Module: là một chủ đề nhỏ hoặc một phần hoàn chỉnh của chủ đề lớn; 2) Collection: là tập hợp các module được sắp xếp theo một trình tự nhất định để tạo thành một cuốn sách/giáo trình. Cách tổ chức nội dung theo Module và Collection làm cho việc xuất bản, sử dụng và tái sử dụng nội dung mềm dẻo và dễ dàng hơn bao giờ hết. Bất kỳ tác giả nào khi đăng ký một tài khoản trên hệ thống đều có thể đóng góp nội dung.
Từ các ý tưởng ban đầu, công cụ soạn thảo module sẽ giúp tác giả xuất bản các module lên kho dữ liệu chung. Các giảng viên khi cần xây dựng giáo trình cho môn học của mình chỉ việc xây dựng bộ khung của giáo trình trước bằng công cụ soạn thảo collection sau đó tìm các module phù hợp đã có sẵn trong kho dữ liệu chung để đưa vào. Một module có thể được sử dụng trong nhiều Collection khác nhau, một tác giả có thể sử dụng module của tác giả khác trong Collection của mình. Thậm chí một tác giả có thể tạo một bản sao một module của tác giả khác và tiến hành sửa đổi đề phù hợp với yêu cầu của mình hơn (trong các trường hợp này hệ thống đảm bảo tác giả gốc vẫn có quyền tác giả đối với các module đã được sửa đổi). Trong trường hợp lý tưởng (các module cần thiết đã có sẵn) một tác giả chỉ cần dùng vài phút để có thể tạo ra một giáo trình/cuốn sách mới thay vì nhiều tháng để viết từ đầu như trước đây.
INCLUDEPICTURE "http://www.vocw.edu.vn/aboutus/Connexions_Model copy.jpg" * MERGEFORMATINET
Mô hình hoạt động của phần mềm trên voer.edu.vn (trích từ Connexions).
Phần mềm còn cho phép đưa các giáo trình ra dưới dạng sách điện tử với đầy đủ mục lục và bảng chỉ mục để người sử dụng có thể đọc trên máy tính không có kết nối Internet hoặc in thành sách giấy thông thường. Do không phải trả chi phí bản quyền nên sách in ra theo cách này sẽ rất rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số sinh viên.
Theo khảo sát, việc yêu cầu một giảng viên viết nội dung cho một giáo trình, thậm chí chỉ một chương của giáo trình là rất khó khăn, tuy nhiên ai cũng có thể viết rất tốt một vài trang (module) về vấn đề mình quan tâm. Nếu có thể huy động được toàn bộ giảng viên trong các trường đại học, các viện nghiên cứu đóng góp nội dung dưới dạng các module nhỏ, chúng ta sẽ có một kho tri thức đồ sộ, phủ kín các lĩnh vực và sẵn sàng cho việc tao các giáo trình phục vụ cho việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu. Chương trình Học liệu mở Việt Nam chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc cung cấp giáo trình tham khảo cho việc thực hiện đào tạo đại học theo tín chỉ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.