Giới thiệu thành phố Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 10
Giới thiệu thành phố Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 10 Giới thiệu thành phố Hồ Chí Minh – Bài số 1 “Thành phố Hồ Chí Minh muôn năm, đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưa danh đến muôn đời…” Bài hát “ mùa xuân trên thành phố Hồ ...
Giới thiệu thành phố Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 10
Giới thiệu thành phố Hồ Chí Minh – Bài số 1
“Thành phố Hồ Chí Minh muôn năm, đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưa danh đến muôn đời…” Bài hát “ mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” vang lên trên chiếc radio làm cho lòng tôi bồi hồi nhớ lại những gì mà tôi đã được chứng kiến và tận mắt được khám phá về vẻ đẹp của thành phố mang tên Bác- thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi được coi là trung tâm của cả nước bởi sự phát triển mạnh mẽ và có những bước tiến vượt bậc về kinh tế. Tới nơi đây, chúng ta sẽ cảm nhận được những điều rất riêng mà những thành phố khác không thể mang lại bởi nó chính là hình ảnh, là đặc điểm chỉ có ở nơi đây mà không nơi nào có được.
Thành phố Hồ Chí mình trước kia từ rất lâu chỉ là một vùng đầm lầy, rừng rậm. Thế những, nơi đây cũng được biết tới bởi có rất nhiều những tài nguyên với địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ do được bồi đắp qua ngàn năm, ngoài ra con có khả năng buôn bán với nơi khác qua đường thủy.
Năm 1896, thành phố có tên là “ gia định tỉnh”, sau đó đã được đổi tên là thành phố Sài Gòn. Thậm chí ngay cả hiện giờ vẫn có rất nhiều người gọi nơi đây là Sài Gòn bởi cái tên này đã đi cùng với sự đấu tranh và phát triển qua hai cuộc kháng chiến. Và chính bởi vậy, sau khi chiến thắng quân xâm lược, nơi đây đã được vinh dự gọi là thành phố Hồ Chí Minh- thành phố mang tên Bác do đây là nơi đầu tiên Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. và bắt đầu từ đây, một thời kì mới của tự do, dân chủ và phát triển đã được bắt đầu tại nơi đây.
Nhắc tới thành phố Hồ Chí Minh chúng ta sẽ nghĩ ngay tới một thành phố đầy nắng vàng tỏa sáng trong suốt cả năm. Do địa hình đặc biệt của Việt Nam mà thành phố Hồ Chí Minh nằm rất gần đường xích đạo, quanh năm chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô mà không hề có bốn mùa như ở miền bắc. Cũng có lẽ bởi vậy mà ở nơi đây, quanh năm có cây ăn trái, lúc nào cũng có những nhành hoa đẹp, những trái cây thơm ngon. Đây là điều mà những vùng khác của Việt nam tại phía Bắc không hề có. Ngay cả những ngày như Tế đến xuân về, mọi người cũng được đón tết trong ánh vàng như rót mật tại tất cả những nẻo đường trên khắp mọi nơi.
Tới thành phố Hồ Chí Mình mà không tới những địa điểm nổi tiếng như chợ Bến thành, Nhà thờ Đức Bà, bưu điện tại trung tâm thành phố hay Dinh Sài Gòn thì quả là đã uống phí những công khi đi thăm thành phố này. Những kiến trúc tại thành phố Hồ Chi Minh có điểm khác với thủ đô ở chỗ: những công trinh kiến trúc của Hà Nội thiên về những gì của hoài niệm, là những thứ cổ kính, xa xưa thì ở thành phố Hồ Chí Minh, những địa điểm nổi bật của họ đều là những công trình kiến trúc mang màu sắc của Phương tây. Bởi lẽ, trong thời gian kháng chiến chống Mĩ và kháng chiến chống Pháp thì thành phố bị chiếm đóng và xây dựng những địa điểm trên, sau đó, thành phố đã cho tu sửa lại những công trình ấy mà nó cũng mang lại cho thành phố những nét rất riêng biệt mà không phải nơi nào cũng có. Đó đều là những công trình kiến trúc có sự đầu tư rất lớn và được coi là hình ảnh đại diện cho toàn thành phố. Bởi vậy có lẽ khi nhắc tới Chợ Bến Thành, nhắc tới Dinh độc lập, chúng ta cũng hiểu đó là nơi nào như thể khi chúng ta nói tới những địa điểm như Hồ Gươm của Hà Nội vậy.
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố phát triển nhất cả nước, thế nên không có gì lạ khi nơi đây là một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất cả nước. Nơi đây được coi là một trong những thành phố đứng đầu bởi mức độ thân thiện của con người. tại thành phố Hồ Chí Mình có rất nhiều các đồng bào dân tộc cùng nhau sinh sống một cách thân thiện, như đồng bào người chăm, người Hoa, người Miến, … tất cả đã tạo cho thành phố sự phong phú và đa dạng. Người của thành phố hồ chí mình nói riêng hay người miên Nam nói chung họ đều có đặc điểm là những con người vô cùng thân thiện và hào sảng, không câu nệ tiểu tiết. Có lẽ bởi vì lẽ đó mà những người dân nơi đây luôn chào đón tất cả mọi người từ khắp mọi miền tổ quốc tới nơi đây an cư lạc nghiệp.
Thành phố mang tên bác là thành phố đứng đầu trong cả nước về mức độ phát triển về kinh tế. Nơi đây hình thành rất nhiều những trung tâm giải trí lớn nhất cả nước. Cả ngày lẫn đêm, cả thành phố không có lúc nào ngủ, lúc nào cũng có những chiếc xe đang hối hả đi trên đường dù cho có là lúc nào trong ngày đi chăng nữa. Những con người nơi đây cho rằng, cuộc sống thực sự là khi bắt đầu về đêm bởi ban ngày là khi mọi người phải lo toan, bận rộn với những công việc trong cuộc sống. Chỉ có khi đêm xuống, họ mới sống thực sự vì chính bản thân của mình.
Tóm lại, thành phố Hồ Chí Mình là một trong những thành phố được mọi người biết đến bởi những nét đẹp hiện đại mà luôn dịu dàng của nó. Nếu ai đã được một lần đi tới nơi đây, chắc hẳn sẽ không bao giờ quên hình ảnh của thành phố mà sẽ mãi mãi luôn nhớ về nơi đây- một thành phố của sự hiện đại nhưng luôn ẩn chứa trong nó là những con người miền Nam luôn thân thiện, tốt bụng và thật thà để rồi, mỗi lần đi tới thăm nơi đây là một trong kỉ niệm đẹp nhất của chúng ta.
Giới thiệu thành phố Hồ Chí Minh – Bài số 2
Không mang nét cổ kính rêu phong như Hà nội ngàn năm văn hiến, không có sự yên tĩnh thâm trầm và thơ mộng như Cố Đô Huế, thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trẻ trung và hiện đại mới 310 năm tuổi. Nhưng trong lòng thành phố đã chứa đựng biết bao giá trị văn hoá nhân văn, văn hoá lịch sử được kết tinh và thăng hoa từ sự giao lưu của nhiều nền văn hoá khác nhau trên nền tảng bản sắc văn hoá dân tộc.
Đến với thành phố, vào bất cứ lúc nào bạn cũng cảm nhận được sự năng động, sự thay da đổi thịt hàng ngày. Là cửa ngõ của Đất Phương Nam, ngay tại trung tâm thành phố, từ bến Bạch Đằng bạn có thể xuống thuyền xuôi theo sông Sài Gòn để được hòa mình với thiên nhiên bao la của sông nước, hướng về những làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái xum suê, vườn cây kiểng, chợ nổi trên sông hay khu du lịch sinh thái Cần Giờ…, tất cả sẽ đem đến cho bạn những khoảnh khắc thật khó quên.
Những nụ cười, những ánh mắt thân ái của người dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ chờ đón bạn.
THÀNH PHỐ 310 NĂM TUỔI
Nhà thờ Đức Bà xưa và nay
Thành phố Hồ Chí Minh khi xưa là một khu vực của Vương quốc Phù Nam (thế kỷ 1 đến thế kỷ 7), rồi đến Chân Lạp (thế kỷ 8 đến thế kỷ 17) có tên gọi là Prey Nokor. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào thiết lập chính quyền tại khu vực này. Kể từ thời điểm đó, khu vực Gia Định đã trở thành lãnh thổ của Đàng Trong. Trong thời kỳ quân Tây Sơn tấn công Nguyễn Ánh, khu vực Cù Lao Phố (Tp.Biên Hòa) sầm uất của người Hoa bị tàn phá, người Hoa đã chuyển qua lập phố chợ buôn bán ở Chợ Lớn. Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, chính quyền thực dân đã quy hoạch thành phố Sài Gòn làm thủ phủ Nam Kỳ và đã phát triển nơi này thành một thương cảng phục vụ cho xuất nhập khẩu của chính quyền thuộc địa. Từ năm 1956, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa, thành phố đã được nâng cấp phát triển và bùng nổ dân số. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 Việt Nam thống nhất và đến năm 1976 thì thành phố Sài Gòn được đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà hát thành phố
Từ rất sớm, nơi đây đã trở thành trung tâm thương mại sầm uất, giao lưu với nước ngoài rất nhộn nhịp, là nơi phát triển mạnh các nghề thủ công mỹ nghệ, và là nơi tiếp xúc sớm nhất kỹ thuật của Châu Âu. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trung tâm công nghiệp, văn hoá, khoa học kỹ thuật, trung tâm giao dịch quốc tế, một đầu mối giao thông quan trọng, một trung tâm du lịch và là một trong ba thành phố lớn của Việt Nam.
NƠI HỘI TỤ VĂN HOÁ ĐÔNG – TÂY
Quang cảnh chùa Giác Lâm
Do ảnh hưởng của quá trình hình thành và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hoá: có nền văn hoá mang dấu ấn của người Việt Nam, Hoa, Chăm, Khơ me, Ấn…, rồi Sài Gòn trở thành một trong những trung tâm của cả nước đón nhận những ảnh hưởng của văn hoá Pháp, Mỹ qua các giai đoạn thăng trầm của đất nước.
Cùng là sự hội tụ tinh hoa của nhiều nguồn văn hoá, nhưng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội lại có sự khác biệt rõ rệt. Nếu Hà Nội là một đô thị mang tính hướng nội, văn hoá Hà nội là sự chắt lọc tinh hoa văn hoá của mọi miền đất nước thì văn hoá TP Hồ Chí Minh vừa mang trong mình gam màu đa sắc hiện đại hướng ngoại, lại vừa kín đáo, gìn giữ được những dấu xưa trầm tích trong từng góc phố, từng mái nhà và trong nếp sinh hoạt của người dân.
Một trong những nét văn hoá đập ngay vào cảm xúc của chúng ta khi chiêm ngưỡng thành phố trẻ này, đó là một diện mạo kiến trúc khá sinh động, phong phú lại rất bản sắcNhững công trình kiến trúc của TP. Hồ Chí Minh mang “ cơ cấu kiến trúc Việt- Hoa- Châu Âu”. Phong cách kiến trúc truyền thống cũng như những công trình điêu khắc đậm đà bản sắc dân tộc còn được bảo lưu là chùa Trường Thọ, chùa Từ Ân và quy mô nhất là chùa Giác Lâm, kế đó là chùa Giác Viên, chùa Gò ( Phụng Sơn Tự) và một số ngôi nhà cổ ở rải rác các huyện ngoại thành.
Nơi đây ngoài các công trình của người Việt, còn có các công trình xây dựng của người Hoa. Những công trình lớn của người Hoa là đền miếu-thường là trụ sở của các bang và được gọi là Hội quán-đã làm cho diện mạo phố xá của xứ này, nhất là vùng Chợ Lớn có vẻ riêng. Kiến trúc thời Pháp cũng để lại nhiều công thự đẹp, hài hòa với cảnh quan, trở thành một nét thanh lịch riêng của thành phố. Các công thự này rất đa dạng, gồm từ trụ sở các cơ quan hành chính của thành phố cho đến các bảo tàng, nhà hát, trường học,… thuộc khá nhiều trường phái và phong cách nghệ thuật khác nhau. Không ít những chi tiết của nghệ thuật Việt, Chăm, Khmer đã được đưa vào trang trí. Đặc biệt có những công trình kết hợp hài hòa kiến trúc phương Tây với những yếu tố bản địa thành một phong cách riêng gọi là kiến trúc Đông Dương, điển hình như Nhà Rồng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hay trường Lê Hồng Phong…
Trẻ trung và hiện đại, nhưng Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh lại là nơi phổ biến chữ quốc ngữ đầu tiên, là nơi ra báo đầu tiên của cả nước. Điều này làm nảy sinh sớm một nền văn học quốc ngữ ở nơi đây. Từ thế kỷ 19, 20, văn học quốc ngữ đã có một cơ sở vững vàng với hàng loạt tác phẩm được xuất bản với nhiều dạng: từ dịch thuật đến sưu tầm, nghiên cứu; từ sáng tác thơ đến truyện và tiểu thuyết viết theo lối phương Tây; từ lối viết du ký, hồi ký đến soạn các kịch bản hát bội…và phát triển rất mạnh mẽ cho đến ngày hôm nay.
Một nét văn hoá cũng rất nổi tiếng tại thành phố này chính là nghệ thuật ca nhạc cổ. TP Hồ Chí Minh nổi tiếng với những bài đờn ca tài tử, cải lương mùi mẫn lay động tâm hồn những ai đã từng thưởng thức. Âm nhạc truyền thống của TP Hồ Chí Minh phát triển trong sự trưởng thành chung của âm nhạc cổ Nam Bộ. Đặc điểm riêng của nó thu thập hầu như toàn bộ những thành tựu và tài năng âm nhạc của lục tỉnh (Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ Tho, Cần Đước và các tỉnh miền Đông). Trong những năm 1954, ở đây lại du nhập thêm nhiều nhóm nhạc miền Bắc, miền Trung (đặc biệt là nhạc cổ Huế). Bên cạnh đó, nhạc cổ thành phố, đặc biệt là cải lương cũng đã tiếp nhận nhạc Phương Tây và nhạc Trung Quốc một cách chọn lọc để làm nên một nền nghệ thuật đặc sắc, phong phú và đa dạng như ngày nay.
Đờn ca tài tử
Nhắc đến văn hoá của một vùng đất, không thể không nói đến văn hoá ẩm thực bởi ẩm thực chính là thước đo sự tinh tế của người dân nơi đây. Ở TP Hồ Chí Minh có cái tấp nập của cuộc sống hối hả kiểu Mỹ, có những góc phố mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp và những dãy phố Tàu đặc trưng của vùng Chợ Lớn… nên thành phố đã tiếp nhận thêm các dòng ẩm thực của cả nước và thế giới, chọn lọc tinh hoa thành một nền ẩm thực phong phú và hấp dẫn.
Ngày nay, người ta dễ dàng tìm thấy ở TP Hồ Chí Minh vô số đặc sản Bắc, Trung, Nam hay quốc tế, theo đúng nguyên bản cũng có, nhưng phổ biến hơn vẫn là những món đã được "Sài Gòn hóa" để hương vị thêm phong phú, đậm đà. Chất Sài Gòn thường thể hiện ở vị ngọt, nhiều rau xanh. Chẳng hạn như món canh chua đã kết hợp cả cái chua- mặn của miền Bắc, cái cay nồng ớt tươi của miền Trung và cái ngọt xởi lởi của miền Nam. Món bún bò Huế được "cải biên" để bớt cay, thêm ngọt, thêm béo và thêm rau. Món bò bít tết của phương Tây thì mỏng hơn, chín hơn, nhiều gia vị hơn và kèm rau sống, đồ chua nhiều hơn…
Chính vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh hấp dẫn du khách không chỉ vì có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá, công trình kiến trúc cổ mà còn bởi nền văn hoá ẩm thực mang đậm nét Nam bộ đó của mình.
Các làng nghề truyền thống cũng là một địa chỉ văn hoá, phản ánh nét độc đáo của thành phố này. Cho đến nay, TP Hồ Chí Minh vẫn còn lưu giữ được nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời như: nghề đúc lư đồng thờ ở Gò Vấp, thêu tranh ở một số quận trung tâm, làm hàng mã của người Hoa Chợ Lớn, xe nhang ở Bình Chánh; đan mây tre lá ở Thái Mỹ…Mỗi làng nghề đều có giá trị văn hoá và sức hấp dẫn riêng
Suối Tiên
Với sức hút từ các di tích, địa chỉ văn hoá, sự hấp dẫn của các giá trị văn hoá phi vật thể, số khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh ngay càng tăng với tốc độ cao, từ chỗ có 180.000 khách quốc tế vào năm 1990, đến nay đã có hàng triệu khách quốc tế mỗi năm, chiếm trên 50%- 70% lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Sự tăng trưởng nhanh của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và vào thành phố Hồ Chí Minh là kết quả của chính sách mở cửa và hội nhập thế giới, sự kết hợp hài hoà giữa du lịch và quảng bá văn hoá.
Thành phố 310 năm tuổi so với chiều dài lịch sử đất nước là còn rất trẻ, là còn chứa trong mình sức vươn tới, dung nạp và tìm tòi…Người xưa đã từng đi khai phá để xây dựng nên một thành phố thì con cháu ngày nay sẽ tiếp tục truyền thống để thành phố đẹp hơn, giàu hơn, văn minh hơn mà vẫn đậm đà một bản sắc dân tộc.
Giới thiệu thành phố Hồ Chí Minh – Bài số 3
Ở Việt Nam có sáu mươi tư tỉnh thành, mỗi tỉnh thành có một tên gọi khác nhau, có khi là gắn với những truyền thống của tỉnh thành ấy, có khi là gọi tên theo đặc trưng tỉnh thành. Và có một thành phố rất đặc biệt, nó đặc biệt không chỉ bởi vẻ đẹp đẽ, thơ mộng, không chỉ bởi những truyền thống văn hóa bởi nó đẹp bởi ngay cái tên gọi của nó, thành phố mang tên bác Hồ Chí Minh, tên của người lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, để mỗi khi nhắc đến thành phố Hồ Chí Minh thì người ta sẽ cảm nhận được một cái gì đó rất ấm áp, rất thân thương, dù cho chưa từng được đặt chân đến.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai trung tâm kinh tế, xã hội, văn hóa lớn nhất của Việt Nam, cùng với thủ đô Hà Nội, thì thành phố Hồ Chí Minh thường gắn với cái không khí nhộn nhịp, với sự tấp nập của chốn phồn hoa đô hội. Thành phố Hồ Chí Minh xưa có tên gọi là Sài Gòn, là thành phố trực thuộc trung ương, đây cũng là thành phố có quy mô dân số cũng như tốc độ đô thị hóa lớn nhất của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những thành phố có diện tích lớn nhất của cả nước, với diện tích khoảng 2.095.06 ki lô mét vuông bao gồm mười chín quận và năm huyện.
Thành phố Hồ Chí Minh trước hết được biết đến là một trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất của cả nước. Điều này được thể hiện ngay trong cơ cấu kinh tế GDP và tỉ lệ đóng góp của thành phố này đối với sự phát triển chung của cả nước, chiếm khoảng hai mươi phần trăm trong cơ cấu kinh tế GDP của cả nước. Ở thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều những trung tâm công nghiệp lớn, có nhiều loại hình kinh tế, dịch vụ phát triển. Mặt khác, thành phố Hồ Chí Minh còn nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa các vùng lớn của cả nước là Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, nên thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện trong trao đổi hàng hóa và liên kết phát triển kinh tế giữa các khu vực. Cũng vì sự phát triển vượt bậc của thành phố này mà đã thu hút về đây rất nhiều lao động, họ đến từ khắp nơi của các miền Tổ quốc.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có quy mô và mật độ dân số lớn nhất của cả nước. Theo thống kê của cục dân số, thì dân số của thành phố Hồ Chí Minh năm 2011 lên đến 7.521.138 người. Trong khi đó, nếu tính cả những người mà không đăng kí lưu trú thì có thể lên đáng mười triệu người. Sự đông đúc về dân số này tạo điều kiện cho thành phố này có nguồn nhân lực dồi dòa, có điều kiện phát triển các ngành kinh tế. Nhưng mặt trái của nó không phải không có, dân số quá đông dẫn đến tình trạng bùng nổ dân số, thất nghiệp, thiếu việc làm và gây ra khó khăn trong việc quản lí dân số, giải quyết việc làm, còn chưa kể đến sự phát sinh của những tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường.
Về vị trí địa lí, thành phố Hồ Chí Minh là một trong các thành phố thuộc Đông Nam Bộ, cũng là thành phố đóng vai trò nòng cốt, chủ lực của khu vực Đông Nam Bộ. Vì nằm ở phía Nam của tổ quốc nên khí hậu ở thành phố Hồ Chí Minh nắng nóng quanh năm, ban ngày nắng nóng những về đêm thì thời tiết lại vô cùng mát mẻ, rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp nhiệt đới, mang lại nguồn tiền tệ lớn cho đất nước như: cà phê, ca cao,cao su, hạt điều…Đây cũng là khu vực ít có những thiên tai nhất của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh được bồi tụ của con sông Cửu Long màu mỡ, tạo nên một vùng đồng bằng Sông Cửu Long rộng lớn, có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vì vậy mà thành phố Hồ Chí Minh là thành phố dẫn đầu cả nước về bình quân lương thực trên đầu người lớn, không chỉ cung ứng lương thực cho người dân cả nước mà còn cho xuất khẩu. Mang lại nguồn lợi kinh tế cao.
Đó là vị trí địa lí và những lợi ích mà vị trí ấy mang lại cho thành phố Hồ Chí Minh. Còn xét về truyền thống lịch sử thì đây cũng là thành phố có truyền thống trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Mỗi khi có giặc ngoại xâm thì thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trong ba thành phố luôn đi đầu trong hoạt động đấu tranh của cả nước, cùng với thành phố Hà Nội và thành phố Huế. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mĩ, thành phố Hồ Chí Minh mà khi đó mang tên là Sài Gòn là trung tâm chính trị, quân sự lớn của Mĩ – Ngụy. Cũng vì vậy mà đây là trọng điểm của các cuộc đấu tranh, là nơi chứng kiến mọi thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Đại hội năm 1976 đã quyết định đổi tên Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mang tên Bác.
Như vậy, thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa giáo dục lớn nhất của Việt Nam, cùng với thủ đô Hà Nội,thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có tốc độ phát triển kinh tế ngày nhanh chóng, góp phần to lớn cho sự phát triển chung của đất nước Việt Nam. Không chỉ là trung tâm trọng yếu phát triển kinh tế mà thành phố Hồ Chí Minh cũng là thành phố một thành phố giàu truyền thống lịch sử cũng như truyền thống văn hóa lâu đời.
Giới thiệu thành phố Hồ Chí Minh – Bài số 4
Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi!
Tiếng cười ngọn gió chan hòa niềm vui say sưa.
Nói đến danh lam thắng cảnh ta phải nói đến một thành phố trẻ trung năng động bậc nhất ở nước ta, một thành phố đã thu hút tới 70 % khách du lịch hằng năm cả nước. Đó là Sài gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. So với năm ngàn tuổi của đất nước, Sài gòn chỉ mới ba trăm mười năm, vẫn còn rất trẻ. Nhiều người cho rằng tên gọi Sài gòn là do trước đây vùng đất này là rừng với nhiều cây gòn. Cách đây ba thế kỉ, Sài gòn từng được ca ngợi là Hòn ngọc Viễn Đông hơn cả Malaysia, Philippine và Trung quốc. Từ năm 1956, Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng hòa, sau ngày miền Nam giải phóng, Sài gòn được đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh.
Đến Thành phố Hồ Chí Minh du khách có thể tham quan danh lam thắng cảnh đặc sắc tiêu biểu như:
Bến Nhà Rồng, khu này nằm trên ngã 3 sông Sài gòn. Chính nơi đây vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, con tàu Amiral Latouche Treville đã đưa Bác Hồ của chúng ta ra đi tìm đường cứu nước.
Hãy thử tham quan Chợ Bến Thành xây dựng năm 1914 – bạn sẽ cảm nhận được sức hấp dẫn của một ngôi chợ truyền thống, biểu tượng của một trung tâm thương mại lâu đời giữa lòng thành phố văn minh hiện đại. Rồi đi dọc theo con đường đẹp nhất thành phố qua nhiều cao ốc khách sạn hiện đại ta có thể chiêm ngưỡng Nhà hát lớn Thành phố được khởi công xây dựng vào năm 1898. Kiến trúc của nhà hát mang đậm phong cách Pháp.
Dinh Độc Lập – Hội trường thống nhất một tòa nhà đường bệ uy nghi được xây từ năm 1963 ghi đậm dấu ấn vàng son thăng trầm của bao đời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Dinh được xây dựng trên diện tích 4.500 m², gồm 3 tầng chính với hơn 100 căn phòng có cả một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Dinh tọa lạc trong khuôn viên rộng 12 ha rợp bóng cây cổ thụ có cùng tuổi với Sài gòn và những bãi cỏ xanh mướt.
Thảo Cầm Viên (Sở Thú) được xây dựng từ năm 1864 do Ông Jean Baptiste Louis Pierre người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn.Nhờ Ông Sài gòn vẫn còn giữ được hàng ngàn cây cổ thụ trong Thảo Cầm Viên và trên các đường phố khu trung tâm, trong công viên Tao Đàn…làm cho không khí thật trong lành và dễ chịu.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, không chỉ là nhà thờ Thiên chúa giáo lớn nhất và xưa nhất Việt Nam, mà còn là một công trình kiến trúc độc đáo, xuất sắc và tiêu biểu của vùng đất Sài Gòn hơn 300 năm phát triển và xây dựng. Ngày 7 tháng 10 năm 1877, Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiênxây dựng nhà thờ. Mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi, không bám bụi rêu. Nhà thờ có 2 tháp chuông cao 60 m với 6 chuông đồng lớn (sol la si do re mi) nặng 28.85 tấn, tiếng chuông của nó ngân xa hơn10 km.Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3.5m. Mặt trước thánh đường là một công viên với bốn con đường giao nhau tạo thành hình thánh giá. Trung tâm của công viên là bức tượng Đức Mẹ Hòa bình cao 4,6 m, nặng 8 tấn bằng loại đá cẩm thạch trắng được chở từ Roma qua Việt Nam. Bạn sẽ cảm nhận được một cảm giác an lành và thánh thiện khi bước vào không gian ánh sáng êm dịu bên trong thánh đường.
Từ Bến Bạch Đằng bạn có thể xuống thuyền xuôi theo sông Sài Gòn để được hòa mình với thiên nhiên bao la của sông nước, hướng về những vườn cây ăn trái xum suê, vườn cây kiểng, chợ nổi trên sông hay khu du lịch sinh thái Cần Giờ…Hai bên đường là những rừng dừa nước sai oằn buồng trái nặng trĩu. Điểm đầu tiên bạn có thể dừng chân là khu Lâm Viên hay còn gọi là Đảo Khỉ. Đảo có hàng trăm chú khỉ lớn nhỏ thi nhau nhảy nhót, leo trèo vắt vẻo trên những cành cây, sẵn sàng đón nhận những món quà của du khách tặng cho như: chuối, mía, khoai, đậu phộng… Chung quanh là rừng đước, những dòng kênh rạch nhỏ có những chiếc cầu bắc ngang để khách đi tham quan hoặc ngồi câu cá… hay ngắm nhìn đàn cá “thòi lòi” nhảy tung tăng đùa giỡn trên những bãi sình. Giữa mênh mông cây và nước khiến du khách sẽ cứ ngỡ mình đang lạc vào vùng bán đảo phương Nam nơi tận cùng Tổ quốc. Ngoài khu du lịch sinh thái Cần Giờ còn có hai điểm Đầm Dơi và Tràm Chim là chỗ trú ngụ của hàng triệu chim cò, vạc, dơi, quạ… cùng trăn, rắn, rùa, cá sấu, kỳ đà… Khu nghỉ mát Hàng Dương với cơn gió mát thổi vào tạo cho mặt biển những cơn sóng liên tục nhấp nhô trắng xóa, tất cả sẽ đem đến cho bạn những khoảnh khắc thật khó quên.
Thành phố Hồ Chí Minh mãi mãi là Hòn Ngọc Viễn Đông. Tạm biệt Thành phố Hồ Chí Minh, du khách sẽ mang theo cả một lòng bâng khuâng lưu luyến, thầm hứa trong lòng một ngày trở lại.
Giới thiệu thành phố Hồ Chí Minh – Bài số 5
Thành phố Hồ Chí Minh trước gọi là Sài Gòn. Tên gọi Sài Gòn có từ thế kỷ XVII, trước đó nữa có tên Tân Bình huyện, Phiên Trấn dinh, Bến Nghé. Tuy là vùng đất mới, nhưng Sài Gòn nhanh chóng chiếm được vị trí khá quan trọng trên thương trường quốc tế, từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 2-7-1976, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định đổi tên thành phố Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh, theo nguyện vọng của đồng bào miền Nam. Bởi năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc đó là Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), lên một chiếc tàu buôn La Toustreville, ra đi tìm đường cứu nước.
Sài Gòn, mảnh đất lịch sử đã có trên 300 năm nay. Kể từ năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (Nguyễn Hữu Kính) vâng mệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lý. Thấy nơi đây “dân dư tứ vạn hộ”, đất khai mở “ngàn dặm”, ông bèn cho lập phủ Gia Định, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn dựng dinh Phiên Trấn. Từ đó phố thị Sài Gòn – Bến Nghé, phủ lỵ Gia Định ra đời và ngày càng phát triển nhanh chóng.
Năm 1779, Phủ Gia Định gồm: dinh Phiên Trấn (Sài Gòn), dinh Trấn Biên (Biên Hoà), dinh Trường Đồn (Định Tường), dinh Long Hồ (Vĩnh Long, An Giang) và trấn Hà Tiên. Diện tích phủ Gia Định lúc bấy giờ gồm toàn Nam Bộ, rộng khoảng 64.743km2.
Đến năm 1802, vua Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định, việc đặt trấn Gia Định là để cai quản 5 trấn: trấn Phiên An, trấn Biên Hoà, trấn Định Tường, trấn Vĩnh Long và trấn Hà Tiên.
Năm 1836, vua Minh Mạng đổi ngũ trấn thành lục tỉnh.
Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, phá thành Gia Định. Năm 1867, Pháp bỏ tên Gia Định và gọi là tỉnh Sài Gòn. Năm 1885, đổi hạt Sài Gòn thành hạt Gia Định, để phân biệt với thành phố Sài Gòn.
Về tên gọi Sài Gòn, có nhiều giả thuyết khác nhau. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, do vùng đất này xưa kia là một vùng rừng, chủ yếu là cây bông gòn. Chữ “Sài” ở đây được hiểu là rừng, là cây.
Năm 1861, Pháp đã cho quy hoạch thành phố Sài Gòn theo kiểu “đô thị phương Tây”. Thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ còn rất nhỏ bé, nằm gọn trong một góc của quận 1 ngày nay. Chợ Lớn là thành phố loại 2, chỉ là một phần nhỏ của quận 5 bây giờ. Giữa thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn là ruộng rẫy hoang vu.
Năm 1931, cả hai thành phố được mở rộng và nối liền nhau, trở thành một đơn vị hành chính gọi là thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn.
Năm 1997, Thành phố Hồ Chí Minh được mở rộng rất nhiều, gồm 17 quận nội thành, từ quận 1 cho đến quận 12 và các quận Thủ Đức, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp và 6 huyện ngoại thành: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ và huyện Thủ Đức, với diện tích tự nhiên lên tới 2.090 km2, dân số trên 5 triệu người. Thành phố Hồ Chí Minh nằm giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.
Thành phố ở vào tọa độ 10022’13” – 11022’17” vĩ độ Bắc, và từ 106001’25” đến 107001’10” kinh độ Đông. Trung tâm thành phố cách bờ biển Đông chừng 50km đường chim bay. Thành phố có 12 km bờ biển. Thành phố Hồ Chí Minh cách Thủ đô Hà Nội 1.738km đường bộ.
Khí hậu có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình cả năm là 270C, không có mùa đông. Các hoạt động du lịch có thể thực hiện quanh năm.
Thành phố Hồ Chí Minh có hệ thống giao thông thuận lợi nhất cả nước, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông quan trọng. Từ thành phố, theo đường bộ có thể dễ dàng đi khắp đất nước, sang cả Campuchia và Thái Lan. Đường hàng không, không chỉ đi trong nước, từ Thành phố Hồ Chí Minh du khách còn có thể đi khắp năm châu bốn biển, sang nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Đại Dương và châu Mỹ.
Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật quan trọng của đất nước mà còn là một điểm du lịch lớn đầy hấp dẫn. Ngoài những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thành phố còn nhiều nơi tham quan, nghiên cứu như khu lưu niệm Nhà Rồng, khu vui chơi giải trí Thảo Cầm Viên, Đầm Sen, Suối Tiên…
Vũ Hường tổng hợp